Những người hùng chiến thắng ung thư – Tập 1

MỤC LỤC

Giọng:

✽✽✽✽✽✽

Phạm Vũ Hiệp – Ung Thư Hạch – Thái Bình

✽✽✽✽✽✽

– Một bệnh nhân ung thư giai đoạn cuối vượt qua số phận

– Anh kể về quá khứ của mình, về những lần ngã quỵ rồi đứng lên một cách phi thường với sự bình thản đến lạ lùng…

Việc chia sẻ câu chuyện của anh, sẽ có thể giúp cho những người đang ở tận cùng của bất hạnh có thêm một nguồn động lực để sống, sống tốt hơn. Chỉ cần không buông tay, không dừng bước, những nghiệt ngã của số phận sẽ phải đầu hàng con người.

Giữa sự sống và cái chết

Phạm Vũ Hiệp sinh ra ở Hưng Hà, Thái Bình, sau này theo bố mẹ vào Sài Gòn rồi ra Hà Nội chữa bệnh và giờ định cư luôn ở đây.

Anh mở đầu về tuổi thơ của mình với nụ cười mủm mỉm, “dữ dội phết đấy!”. Có lẽ cái tuổi thơ khá “dữ dội” ấy đã rèn cho anh một sức chịu đựng, nghị lực và bản lĩnh sống hơn nhiều người.

Từ nhỏ bố tham gia bộ đội gần như không có ở nhà, rồi được phân công công tác tại TP.HCM, anh sống với mẹ và em trai tại quê nhà. Vốn đã thiếu tình cảm người cha, anh lại còn phải gồng mình như một người “đàn ông lớn” trong gia đình. Anh Hiệp không muốn nhắc nhiều đến những chuyện buồn của gia đình mình, anh chỉ kể về một thời trẻ thiếu hiểu biết và nông nổi, đã có những lúc anh chán nản đến mức bỏ học, ra ngoài kiếm tiền để chứng minh mình không phải đồ bỏ đi. Suốt một năm trời không đến trường, Hiệp vẫn mua sách vở về tự học, tự làm bài, tự chấm điểm cho mình để “che mắt” bố mẹ. Khi bị phát hiện, Hiệp nhận được những trận đòn nhừ tử và phải quay lại trường học cùng lời hứa với người mẹ. Anh nhanh chóng bắt nhịp và liên tục đứng trong top đầu của lớp.

Phạm Vũ Hiệp nhớ lại thời điểm anh đối mặt với bệnh tật. Khi đó, mọi tương lai tốt đẹp đang rộng mở trước mắt, anh có một công việc ổn, những rạn nứt gia đình cũng phần nào được hàn gắn, rồi anh lấy vợ, xây dựng tổ ấm cho riêng mình. Con gái đầu lòng chào đời khiến niềm vui nhân lên gấp bội. Một lần, năm 2007, trong một chuyến công tác tại Singapore, anh bị đau bụng dữ dội và phải vào bệnh viện. Do không có thời gian khám kỹ lưỡng nên bác sĩ cho thuốc và khuyên khi về nước cần khám kỹ hơn. Về Việt Nam, những cơn đau hành hạ ngày một nhiều hơn, anh đi nhiều bệnh viện, trải qua nhiều xét nghiệm, chiếu chụp, siêu âm, nội soi…Mỗi lần khám như thế, anh đi tối thiểu 2 bệnh viện cho chắc chắn, nhưng tất cả đều kết luận là rối loạn tiêu hóa, viêm dạ dày…Nhưng cứ có thuốc thì đỡ đau, hết thuốc thì cơn đau lại hành hạ ngày một dữ dội thêm, cân nặng sụt giảm rất nhanh. Mãi đến khi anh tự sờ thấy khối u trong ổ bụng mình, anh quyết định ra Hà Nội khám lại và điều trị. Bác sĩ kết luận anh bị ung thư hạch mang tên lymphome-malin. Anh phải phẫu thuật cắt gần 1m ruột.

“Sau khi mổ tại Bệnh viện Việt Đức và điều trị sau mổ tại Bệnh viện K, lúc đó bác sĩ chỉ nói với người nhà tôi thôi, nhưng tôi lờ mờ đoán ra có điều gì đó họ đang giấu tôi”, anh nhớ lại. Anh âm thầm chụp lại bệnh án của mình và lên mạng tìm kiếm thông tin. Cánh cửa như đóng sập trước mắt khi anh biết mình bị ung thư giai đoạn cuối, đã di căn sang tủy xương. Sau này bác sĩ cho biết tình trạng bệnh của anh đã rất xấu và tiên lượng thời gian sống chỉ còn khoảng 3-6 tháng.

“10 ngày sau mổ là 10 ngày tôi đau đớn đến tột cùng, bạn tưởng tượng chỉ đi từ tầng 1 lên tầng 4 cầu thang bệnh viện mà tôi phải mất đến 1,5 giờ mới đến được phòng bệnh của mình. Trong 10 ngày đó, tôi lầm lì, không nói chuyện với ai, chỉ u ơ nói chuyện với đứa con gái. Tôi không thể đặt lưng xuống giường, người nhà phải kê gối để tôi dựa cằm vào ngủ ngồi. Nói là ngủ nhưng tôi nào có ngủ được đâu, cả ngày cứ nhắm mắt vậy để đỡ phải nhìn thấy người thân mình đau đớn. Lúc đó, tôi thương mình 1 thì thương những người thân của tôi 10, tôi chỉ đau đớn thể xác nhưng người nhà tôi thì đau đớn gấp nhiều lần về tinh thần. Những lúc nói chuyện với con gái chưa đầy 1 tuổi, nước mắt tôi dàn dụa nhưng hễ thấy bóng dáng người thân đến gần là vội gạt đi như không có chuyện gì. Có lúc thấy tôi nhắm mắt, người nhà tưởng tôi đã ngủ, họ thì thầm nói chuyện mà không biết những câu chuyện đó tôi nghe từ đầu đến cuối. Cứ người nọ giấu người kia nước mắt để an ủi nhau, nhưng trong lòng thì ai cũng đau khổ tột cùng”, anh Hiệp kể.

“Chết lần thứ hai”

Khi chuyển sang Bệnh viện ung bướu cơ sở 2, thời gian sau bác sĩ nói với người nhà tôi: “Nó biết hết bệnh rồi, còn giấu nó làm gì”. Khi đó, nhìn đứa con gái nhỏ bé, ngây thơ vui đùa với ba, anh bắt đầu thay đổi suy nghĩ. Đằng nào cũng chết, vậy phải sống thế nào cho thật ý nghĩa. Với suy nghĩ tích cực ấy, anh đã gượng dậy và quyết tâm giành giật từng ngày, từng giờ với thần chết.

Biết rằng hóa trị sẽ rụng tóc, anh đã ra hiệu cắt tóc trọc luôn, một phần cho người nhà đỡ sốc, một phần để tóc rụng không ảnh hưởng đến những người trong gia đình, nhất là đứa con nhỏ. Suốt thời gian hóa trị, việc ăn uốn vô cùng khó khăn. Có những lúc anh phải ngồi ôm toilet cả ngày. Có những lần cứ ăn vào lại nôn ra, anh lại bốc đúng chỗ thức ăn vừa nôn ra bỏ vào mồm để “rèn thói quen không ghê sợ mùi thức ăn”. Gượng dậy đi được là anh tập thể dục. Suốt thời gian điều trị, anh dành thời gian trông nom và dạy dỗ con gái. Anh cố gắng sống lạc quan và không để suy nghĩ về căn bệnh len lỏi vào đầu óc mình. Anh tìm toàn bộ thông tin, tài liệu trong và ngoài nước về căn bệnh mình đang mang. Anh dịch hồ sơ bệnh án của mình và gửi sang các bác sĩ ung thư ở Mỹ để nhờ họ tư vấn. Ngoài phác đồ điều trị của bệnh viện K, anh đã tự lên kế hoạch trị bệnh từ ăn uống đến sinh hoạt hằng ngày, dựa trên những nguyên lý của bệnh mà mình đã tìm hiểu được.

Cứ thế, sau thời gian hóa trị, sức khỏe của anh bắt đầu hồi phục và khỏe dần lên. Thật kỳ diệu, anh đã vượt qua mốc thời gian 6 tháng. Sau 11 lần điều trị hoá trị, xét nghiệm lại thì các chỉ số tế bào xấu ở mức khoảng 5%. Bác sĩ động viên vợ chồng anh “đã vượt qua mốc 6 tháng thì cũng có thể vượt qua 1 năm, vượt qua 1 năm thì sẽ vượt qua được 2 năm…”, và dần dần những ám ảnh về căn bệnh mờ nhạt dần. Anh hồi phục trong sự kinh ngạc của các bác sĩ. Sau 1 năm nghỉ ở nhà điều trị bệnh, anh trở lại công việc và từ đó đến nay đã 6 năm, sức khỏe của anh gần như đã trở lại bình thường, các xét nghiệm mỗi vài tháng một lần đều cho kết quả tỷ lệ tế bào xấu mức 5%.

Giữa lúc cuộc sống trở lại ổn định thì một cú sốc nữa lại ập đến gia đình anh, đứa con gái nhỏ bé – động lực vực anh đứng dậy khi bị bệnh – bỗng ra đi sau một tai nạn thương tâm. Cú sốc này như đánh gục anh một lần nữa. Hình ảnh đứa con gái mà hơn 1 năm trời anh ở nhà chỉ dành thời gian cho nó, nay không còn nữa khiến anh tưởng như không thể đứng dậy được. Nhưng rồi vẫn phải sống. Anh vẫn phải tỏ ra là người mạnh mẽ nhất. “Con gái ra đi, người đau đớn nhất có lẽ là tôi. Nhưng khi về đến nhà, nhìn thấy vợ với ánh mắt đỏ hoe, sưng húp, nhìn ông ngoại với nỗi đau vì cái chết của cháu, tôi không cho phép mình khóc nữa. Tôi phải gánh trọng trách vực mọi người dậy. Tôi bắt đầu tìm đến Phật pháp để học cách buông, bỏ. Và nhờ những giáo lý của nhà Phật, tôi đã tĩnh tâm trở lại với suy nghĩ rằng, cái duyên con đến với gia đình mình chỉ được đến vậy thôi và vì vậy mình phải chấp nhận”.

Mình còn may mắn hơn nhiều người khác

Trở về từ cõi chết, chạm đến tận cùng nỗi đau, anh lao vào những chuyến đi cốt để quên nỗi buồn và tìm sự chia sẻ. Càng đi anh càng thấy nhiều hoàn cảnh, nhiều nỗi buồn, sự khổ và khó khăn hơn cả mình, và anh nghĩ đến những việc thiện nguyện. Đầu tiên là tại Bệnh viện K2 – nơi anh từng điều trị, anh đến mỗi lúc rảnh rỗi để an ủi, chia sẻ với họ những kinh nghiệm chống lại bệnh tật của mình. Bởi anh biết, trong điều trị bệnh, liều thuốc tinh thần đôi khi là quan trọng nhất, mình không sợ bệnh thì bệnh sẽ lui, và chẳng có minh chứng nào hùng hồn hơn chính kinh nghiệm của bản thân anh.

Anh cũng thành lập một nhóm tình nguyện đi đến những vùng khó khăn nhất của đất nước để giúp đỡ họ. Anh cùng các bạn gom góp đồ dùng, quẩn áo, chăn màn cũ, cùng đi xin hỗ trợ, đóng góp từ các tổ chức, doanh nghiệp, mạnh thường quân từ vật chất đến tinh thần giúp đỡ những mảnh đời vô gia cư khắp đất nước. Mỗi năm, cứ dịp Tết là anh và các bạn lại tổ chức gói bánh chưng cho những cư dân ở bãi giữa, bãi trong sông Hồng, những người vô gia cư ở thành phố Hà Nội và một số tỉnh khó khăn. Càng đi nhiều, anh càng thấy mình còn may mắn hơn nhiều người.

“Có những người bị ung thư nhưng không may mắn được sống thì sao. Có những thiên tai, tai nạn khiến 3-4 người trong một gia đình cùng chết thì sao. Có những em bé miền núi tôi gặp, chân tứa máu vì lạnh mà không có một chiếc quần thì sao. Rõ ràng là mình còn may mắn hơn những người đó nhiều. Cuộc sống thật đáng quý, vì vậy mỗi ngày được sống khỏe, tôi phải sống sao cho thật ý nghĩa”, anh chia sẻ.

Theo An ninh thủ đô

http://anninhthudo.vn/phong-su/chuyen-cua-mot-benh-nhan-ung-thu-giai-doan-cuoi-vuot-qua-so-phan/540287.antd

– Cuộc chiến chống ung thư đầy nước mắt của một người cha

14/06/2013 06:00 GMT+7

Gần như suy sụp khi biết tin mình đang mang khối u ruột ác tính, nhưng với động lực từ cô con gái yêu và hạnh phúc gia đình, anh Phạm Vũ Hiệp (Long Biên, Hà Nội) đã dũng cảm chiến đấu với nghịch cảnh. Nhờ tinh thần ấy, anh đã chiến thắng bệnh tật và tiếp tục dùng chính câu chuyện, trải nghiệm của mình để mong san sẻ, giúp đỡ những người bệnh.

Đối mặt với “bản án tử hình”

Năm 2007, trong một chuyến công tác tại Singapore, tình cờ phải vào bệnh viện và biết mình có vấn đề về ruột. Lúc đó, do hoàn cảnh không cho phép, anh không thể thăm khám kỹ lưỡng tại Singapore. Trở về Việt Nam, anh bắt đầu rong ruổi qua nhiều bệnh viện lớn, trải qua rất nhiều lần xét nghiệm trong Tp. Hồ Chí Minh nhưng không tìm ra bệnh.

“Gần 3 tháng cứ khám rồi lại tái khám lâm sàng, siêu âm, nội soi dạ dày và đại tràng, các bác sỹ toàn kết luận tôi bị “Rối loạn tiêu hóa, viêm dạ dày”…và kê đơn thuốc hầu hết toàn là men tiêu hóa. Cứ hết thuốc thì cơn đau của tôi càng dữ dội hơn. Cân nặng của tôi giảm rất nhanh, cho đến ngày tôi sờ được khối u trong bụng. Cuối cùng, tôi chọn ra Hà Nội để khám lại tổng thể và tiến hành mổ như lần chuẩn đoán cuối cùng tại Bệnh Viện Hoà Hảo Tp.HCM – tại thời điểm này tôi hoàn toàn không tin tưởng vào hệ thống khám và điều trị tại các Bệnh viện TP.HCM nữa. Sau vài ngày khám và làm các xét nghiệm, mổ và sinh thiết tế bào tại Bệnh Viện Việt Đức Hà Nội, bác sỹ kết luận tôi đã mang trong mình khối u mang tên lymphomalin…” – anh Hiệp nhớ lại.

Đây là một khối u ác với tiên lượng thời gian sống chỉ còn 3 – 6 tháng nhưng gia đình giấu anh sự thật, động viên anh mổ và điều trị. Anh lặng lẽ chịu đựng mọi đau đớn với niềm hi vọng nhỏ nhoi.

Sau phẫu thuật cắt đi gần 1 mét ruột, anh Hiệp linh cảm xấu về sức khỏe nên âm thầm điều tra thực tế bệnh tình của mình. Với chiếc laptop, điện thoại và bệnh án để ngay dầu giường mỗi buổi sáng, cuối cùng, anh đã hiểu mình đang trong tình trạng nào. Khối u của anh đã di căn sang tủy xương, cơ hội sống sót còn rất thấp.

“Tối nào tôi cũng nuốt nước mắt một mình trên giường bệnh, dù ngoài mặt vẫn tỏ ra như không có gì…Tiếp đó là những chuỗi ngày đau đớn, hầu như tôi không thể nằm được trên giường. 10 ngày sau đó ngủ ngồi – trằn trọc suy nghĩ, lầm lì không nói với bất kỳ ai, chỉ u u ơ ơ nói chuyện với con gái nhỏ và nước mắt thì lưng chòng – rồi lại gạt nước mắt khi người thân đâu đó xuất hiện và đến gần. Đêm về thì thao thức trắng đêm – ngày thì li bì trong giấc ngủ, nhắm mắt đấy nhưng nào có ngủ được tí nào đâu…Tôi thương vợ, thương gia đình và nhất là con gái bé bỏng chỉ mới vọn vẹn chưa đầy 1 tuổi. Chính những ngày ấy, tôi vực lại suy nghĩ của mình, đặt mục tiêu sống tích cực, vì mình và vì những người thân yêu…” – anh Hiệp kể về những tháng ngày khó khăn trong đời.

Nhờ những suy nghĩ ấy mà thời gian hoá trị đối với anh đã đỡ phần bi thảm. Dù tóc rụng, cân giảm, cơ thể suy nhược, đau đớn nhưng anh đã quyết tâm: Mình phải sống để được ở bên và chăm sóc con gái bé nhỏ và gia đình của mình.

Liều thuốc là sự hiểu biết và tinh thần lạc quan

Anh Hiệp cho biết, việc làm đầu tiên là tìm toàn bộ thông tin, tài liệu trong và ngoài nước về căn bệnh mình đang mang. Đồng thời, anh dịch hồ sơ bệnh án của mình và gửi sang Viện hồ sơ bệnh án ung thư của Hoa Kỳ để nhờ các bác sỹ tại đây tư vấn. Suốt thời gian điều trị hoá trị với 2 phác đồ khác nhau tại viện K, anh hầu như đã nắm toàn bộ nguyên lý của bệnh ung thư và hiểu rất rõ các cơ chế phát triển của bệnh. Cũng chính bởi vậy ngoài những căn dặn của bác sỹ, anh đã lên kế hoạch trị bệnh từ ăn uống đến sinh hoạt hằng ngày.

“Tinh thần thoải mái lúc này là liều thuốc quan trọng nhất. Nếu sợ bệnh thì bệnh càng tới, nếu không sợ hãi thì bệnh sẽ dần lui. Ung thư không phải là căn bệnh quá khủng khiếp như mọi người vẫn nghĩ, phải dũng cảm chiến đấu với nó để giành lại sự sống – ai cũng một lần phải chết, nên khi còn sống hãy sống có giá trị và sống vui vẻ” – tâm niệm ấy đã theo anh suốt những tháng ngày chiến đấu với bệnh tật.

Anh tự lên một chế độ luyện tập thể thao nghiêm khắc, dù cơ thể còn rất yếu. Mổi buổi sáng anh đều tập thể dục, chơi cầu lông…Sau những cố gắng, nỗ lực, anh đã vượt qua được ngưỡng của 6 tháng thử thách. Và rồi cứ thế, anh kéo dài được cuộc sống của mình lên 9 tháng, rồi 1 năm…Anh hồi phục trong sự kinh ngạc của nhiều bác sỹ điều trị.

Theo anh Hiệp, để bảo vệ sức khỏe cũng như chống chọi lại với bệnh tật, mỗi người cần có những kiến thức, hiểu biết về cơ thể, nguyên tắc sử dụng thuốc trong điều trị, nguyên tắc ăn uống. Với các bệnh nhân ung thư, những điều này càng quan trọng. Đôi khi sai lầm trong ăn uống cũng là nguyên nhân gia tăng tế bào xấu.

Hành trình thiện nguyện

Trải qua những ngày tháng điều trị ung thư, anh Hiệp như thấy mình được sống lại một lần nữa. Biết được rằng, mình đã may mắn hơn rất nhiều người khi chiến thắng được bệnh tật nên anh mong muốn được lấy chính trải nghiệm cũng như sự hiểu biết của mình để giúp đỡ mọi người.

Thời gian rảnh rỗi, anh Hiệp thường tới viện K2 – nơi anh đã đi qua những ngày giữa hai lần sinh tử để an ủi, giúp đỡ những người bệnh ung thư. Anh khích lệ tinh thần, chia sẻ với họ kinh nghiệm ăn uống, chăm sóc sức khỏe hữu ích, dùng chính mình làm minh chứng để thuyết phục họ. Anh đã trở thành người bạn tâm giao của không ít bệnh nhân, giúp họ có thêm niềm tin, nghị lực để đấu tranh với bệnh tật.

Cùng với những người bạn chung tinh thần thiện nguyện, anh Hiệp thành lập CLB từ thiện Chung một tấm lòng 2 nhằm ủng hộ, giúp đỡ những mảnh đời bất hạnh.

“Đã từng chết đi một lần, tôi hiểu rằng cuộc sống thật đáng quý. Mỗi ngày được sống khỏe mạnh là một ngày tôi cảm nhận những giá trị, ý nghĩa mà cuộc sống mang lại. Trong sâu thẳm tâm hồn mỗi người bệnh khi biết họ chỉ còn một khoảng thời gian để sống là những tiếng khóc đau mà có thể bạn không nghe được, nhưng tôi thì có. Cũng bởi vậy tôi mong muốn được giúp đỡ nhiều người hơn, đặc biệt là những người kém may mắn hơn mình” – anh Hiệp tâm sự.

Dịu Anh

http://vietnamnet.vn/vn/doi-song/cuoc-chien-chong-ung-thu-day-nuoc-mat-cua-mot-nguoi-cha-124717.html

– Ung thư, nỗi đau nghiệt ngã

Chỉ trong một thời gian ngắn, mọi đau khổ nhất của cuộc đời dồn đến với Phạm Vũ Hiệp (SN 1977, Giám đốc dự án KN Online), khiến anh chới với. Không chỉ bản thân mắc căn bệnh ung thư hạch hệ thống đã di căn sang tủy xương, được chẩn đoán còn sống khoảng từ 3 – 6 tháng, người đàn ông này còn phải gánh chịu thêm nỗi đau khi mất đi đứa con gái bé bỏng sau một vụ tai nạn giao thông. Thế nhưng, người đàn ông này không buông xuôi…

Thử thách của số phận

Ngồi trước mặt chúng tôi là một Phạm Vũ Hiệp gầy gò, xanh xao, hai má hóp lại. Hỏi thăm sức khỏe, anh chỉ cười rồi bảo: “Mình vẫn ổn, vẫn đủ sức để làm việc và chăm con. Khi con người biết được giới hạn sức khỏe của mình, họ sẽ có cách để đi trong lằn ranh ấy”.

Lật lại ký ức về những tháng ngày khó khăn nhất của cuộc đời, anh Hiệp kể, năm 2007 trở về nước sau thời gian dài du học, anh may mắn xin được một việc làm ổn định tại TP.Hồ Chí Minh. Khi tương lai đang rộng mở, cũng là lúc anh phát hiện mình mắc bệnh ung thư hạch hệ thống đáng sợ. Mọi thứ như sụp đổ dưới chân anh. Nhưng nghĩ đến những người thân, anh Hiệp lấy lại tinh thần đối mặt với sự thật. Để thuận tiện cho quá trình điều trị, anh Hiệp đã chuyển công tác ra Hà Nội. Biến chứng của ung thư khiến anh phải cắt đi hơn một mét ruột, cùng với việc đối mặt giữa sự sống và cái chết…Những ngày sau khi mổ là chuỗi thời gian kinh hoàng, anh không thể nằm được, thức hay ngủ cũng đều phải ngồi. Nhiều đêm, khi mọi người trong gia đình chìm vào giấc ngủ, anh ngồi lặng lẽ ngắm gương mặt của những người thân yêu.

“Tôi không thể ngủ được vì đau, nhưng cứ nghe có bước chân lại gần là tôi lại giả vờ như đang ngủ say sưa lắm”, anh Hiệp chia sẻ. Vì vờ ngủ say nên anh cảm nhận rất rõ tình yêu mà mọi người dành cho mình. Mẹ anh mỗi buổi tối lại đứng ngắm con rồi sụt sùi nước mắt. Còn người bố, mạnh mẽ là thế, nhưng ông cũng không nén được những tiếng thở dài khi đứa con trai đang quằn quại trong những ngày tuyệt vọng nhất…Rồi vợ anh, bình thường, chị phải “diễn” một gương mặt lạc quan, tránh cho chồng những mặc cảm bệnh tật, nhưng đến khi ngủ, trông gương mặt ấy buồn khổ vô cùng. Anh Hiệp tin rằng, đó là lúc vợ mình đang phải gồng mình lên, gắng gượng sống. Duy chỉ có đứa con gái là ngây ngô, đáng yêu, cháu vẫn vô tư vì chưa hiểu căn bệnh quái ác của bố.

Thế nhưng, quyết tâm bao nhiêu thì căn bệnh, sức khỏe lại phản bội anh bấy nhiêu. Có nhiều lúc, anh muốn mình phải tập đi lại, nhưng để đi được 2 tầng cầu thang trong ngày đầu tiên chuyển từ Bệnh viện Việt Đức (phẫu thuật cắt ruột) xuống Bệnh viện K3 (điều trị ung thư), anh Hiệp mất hơn một giờ đồng hồ. Rồi có những ngày anh bất lực khi cứ ăn vào lại bị nôn ra. Không chịu đầu hàng, anh Hiệp chuẩn bị dụng cụ để đỡ phần thức ăn bị nôn ra, sau đó dùng thìa, nhúng từng chút một vào phần nôn trớ đó rồi cho lên miệng để bắt cơ thể phải làm quen với thức ăn. Nhớ lại ngày ấy, anh Hiệp bảo, nhiều lúc muốn buông xuôi, nhưng hình ảnh hai gương mặt của vợ và con gái hằng đêm lại hiện về trong tâm trí, khiến anh lại nỗ lực hơn…

Cô con gái bé nhỏ quấn quýt, bi bô mỗi ngày đã tiếp thêm cho niềm tin mạnh mẽ vào cuộc sống. Sức khỏe của anh đang dần ổn định, nụ cười rạng rỡ trở lại trên khuôn mặt bố, mẹ và vợ anh…Đúng lúc anh đang dần lấy lại niềm tin vào cuộc sống, thì đứa con gái nhỏ bé của anh lại ra đi sau một tai nạn thương tâm…

Vượt qua nỗi đau để sống

Sau lần “thử thách” nghiệt ngã lần thứ hai, cả gia đình anh lại chìm trong một bầu không khí im lặng đến đáng sợ. Anh bảo, lúc ấy cảm giác cuộc sống như đã kết thúc thực sự. Để đầu óc nhẹ nhõm hơn, anh quyết định xin đi làm.

Thế rồi, anh tình cờ bén duyên với Phật pháp, sau khi được nghe những bài giảng của nhà Phật, anh dần tĩnh tâm, rồi sắp xếp lại cuộc sống của mình. “Tìm lại được trạng thái cân bằng, tôi bắt đầu nghiên cứu, sưu tầm các loại sách viết về ung thư. Từ đó, tôi hiểu được các nguyên nhân gây nên ung thư là do: Biến đổi gen, nguồn nước, môi trường và ăn uống. Nếu như trước đây, vấn đề ô nhiễm môi trường là một trong những nguyên nhân lớn dẫn đến ung thư, thì hiện tại, số người mắc ung thư qua con đường ăn uống đã lớn hơn rất nhiều.

Vì thế, để bảo đảm sức khỏe và hạn chế sự tái phát, tôi đã tìm đến những sản phẩm sạch, chủ yếu do gia đình tự trồng. Điều quan trọng nhất mà tôi muốn chia sẻ với mọi người rằng, chúng ta nên ăn và chọn thực phẩm bằng cái đầu của mình, thay bằng việc dùng mắt để lựa chọn” – anh Hiệp tâm sự.

Đã 8 năm trôi qua, sức khỏe anh đã dần hồi phục, khối u ung thư năm nào giờ cũng không còn hành hạ cơ thể anh nữa. Có sức khỏe, anh Hiệp bắt đầu tham gia những chuyến đi từ thiện, ban đầu chỉ là để trải nghiệm, để vơi đi nỗi buồn, nhưng sau dần, nó như ngấm vào máu, thôi thúc anh tìm đến những vùng đất xa xôi.

Mặc dù hiện tại công việc rất bận rộn, nhưng những lúc rảnh rỗi, anh lại sắp xếp thời gian đến thăm các bệnh nhân ung thư như mình. Anh bảo, nếu ngày trước anh buông tay, anh đầu hàng, giờ không biết anh đang như thế nào. Nên anh muốn đến với họ, kể cho họ nghe chuyện của anh và động viên họ cố gắng, chiến đấu với bệnh tật bởi anh hiểu, với căn bệnh ung thư, tinh thần là điều quan trọng nhất.

Kết thúc câu chuyện với chúng tôi, Phạm Vũ Hiệp chia sẻ, hiện nay thực phẩm bị ô nhiễm và sử dụng hóa chất rất nhiều. Vì thế, khi lựa chọn thực phẩm, chúng ta nên đặc biệt chú ý. “Kể lại câu chuyện của mình, tôi muốn góp thêm một tiếng nói mong cả xã hội sẽ cùng chung tay giảm bớt nỗi đau ung thư bằng cách phát hiện, bài trừ vấn nạn thực phẩm bẩn, để người dân được sống an toàn và khỏe mạnh” – anh Hiệp nói.

Đạt Đỗ

http://laodongthudo.vn/ung-thu-noi-dau-nghiet-nga-30123-30123.html

– Vượt qua nỗi đau “mất” con và đang mang “án tử” để đi làm từ thiện

Thứ Ba, 6/1/2015 12:46 GMT+7

– Mang trong mình căn bệnh ung thư hạch hệ thống, đã di căn sang tủy xương, trong quá trình điều trị bệnh để giành giật sự sống, anh lại chịu một nỗi đau khác đau hơn cả cái đau thể xác: cô con gái nhỏ “mất” sau một tai nạn thương tâm. Nhưng anh đã vượt qua tất cả để làm việc có ích cho cuộc đời…

Nỗi đau chồng nỗi đau

Phạm Vũ Hiệp (37 tuổi, Giám đốc Dự án Tavimart, Công ty IDT) kể lại thời điểm anh đối mặt bệnh tật với một giọng nói nhẹ nhàng. Thời điểm đó, mọi tương lai tốt đẹp đang rộng mở trước mắt Hiệp với một công việc đáng mơ ước và đứa con gái xinh đẹp mới chào đời…thì sức khỏe của anh xuất hiện nhiều vấn đề. Ban đầu chỉ là những cơn đau nhẹ, rồi đau nhiều và nặng dần. Đi hai, ba bệnh viện khám thì chỉ nhận được chẩn đoán rối loạn tiêu hóa, viêm dạ dày… Nhưng cứ hết thuốc thì cơn đau lại hành hạ, ngày một dữ dội và đau đớn hơn, thể trạng anh sụt giảm rất nhanh.

Lại đi bệnh viện, lần này bác sĩ kết luận anh bị ung thư hạch, phải phẫu thuật cắt hơn 1m ruột. Thấy điều gì đó lạ lùng từ biểu hiện của người thân, Hiệp đã tự chụp bệnh án của mình và lên mạng tìm kiếm thông tin. Cánh cửa như đóng sập trước mắt khi anh biết mình bị ung thư giai đoạn cuối, đã di căn sang tủy, xương với tiên lượng thời gian sống chỉ còn khoảng 3-6 tháng.

Hiệp nhớ lại, 10 ngày sau mổ là 10 ngày khốn khổ vô cùng, cũng là khoảng thởi gian khiến Hiệp nhận ra mình phải sống bởi cô con gái bé bỏng còn chưa đầy 1 tuổi. Hiệp kể: “Bình thường, vợ tôi trông cũng rạng rỡ (tuy vẫn là trạng thái gắng gượng để động viên chồng) nhưng khi ngủ, trông cô ấy buồn khổ vô cùng. Có lẽ cả ngày gồng mình lên làm việc, chăm con rồi lại cùng chồng chống chọi với bệnh tật nên cô ấy gắng gượng quên hết đi. Đến khi ngủ, khi con người trở về với trạng thái vô thức, mới thấy những nét đau khổ trên gương mặt cô ấy. Nhìn sang con gái lại thấy khác biệt vô cùng. Gương mặt nó nhẹ nhõm, thanh thoát, vui tươi. Hai hình ảnh đối lập ấy khiến trong tôi bùng lên cảm giác phải chiến đấu, phải sống để còn có cơ hội chăm sóc những người thân của mình”.

Tuy thế, giữa quyết tâm và thực tế lại là hai chuyện hoàn toàn khác biệt. Hiệp quyết tâm bao nhiêu thì căn bệnh lại tác động đến Hiệp mạnh mẽ bấy nhiêu. Có nhiều lúc ý chí buộc Hiệp phải làm quen, đi lại sau ca phẫu thuật, nhưng để đi được 2 tầng cầu thang, Hiệp mất hơn một giờ đồng hồ. Sau đó là thở dốc…Nhiều lần Hiệp muốn buông xuôi, nhưng hình ảnh hai gương mặt thân thương hàng đêm lại hiện về trong tâm trí khiến anh lại nỗ lực hơn.

Đôi lúc, khi chỉ có một mình trong phòng, Hiệp cũng cho phép mình yếu đuối, những giọt nước mắt trào ra tự thương mình. Nhưng thấy mẹ, thấy vợ bước vào là anh lại quay đi, quệt vội hai hàng nước mắt đang tuôn trào. Cũng nhiều lúc Hiệp như giả vờ ngủ để được nghe những câu chuyện trong ngôi nhà của mình. Khi thì hàng xóm sang thăm, lúc thì bạn bè mẹ, khi thì bạn bè của vợ…Những câu động viên, những cái vỗ về an ủi…anh biết hết, thấy hết. Anh bảo, cảm giác lúc ấy thương mình một thì thương những người thân của mình gấp 10 lần, bởi anh chỉ đau đớn thể xác, còn người nhà thì lại phải chịu nỗi đau tinh thần quá lớn không gì có thể xoa dịu được.

Công cuộc chiến đấu với “án tử” của anh được tiếp thêm sức mạnh nhờ những câu nói bi bô, chưa ra từ, ra chữ của con gái. Anh thèm được nghe con gái gọi từ “ba” thật “tròn vành rõ chữ”…Bên con hàng ngày, anh dần dần ổn định và khỏe hơn cùng với mỗi tiếng nói rõ nghĩa hơn của con. Những tưởng cuộc sống đã bình yên trở lại…Chẳng ai ngờ, khi anh đang có niềm tin mình sẽ sống được và sống khỏe hơn thì đứa con gái nhỏ bé là niềm tin và nghị lực sống của anh lại ra đi sau một tai nạn thương tâm. Nỗi đau chồng nỗi đau, anh gần như gục ngã…

Mỗi chuyến đi là một bài học cuộc sống

“Cả nhà cùng chìm trong một không khí im lặng đến đáng sợ. Cảm giác như sự sống đã thực sự kết thúc vậy” – Hiệp kể về thời khắc còn đáng sợ hơn những ngày anh phải chiến đấu với thần chết. Rồi anh dần tĩnh tâm khi có duyên lành gặp được Phật pháp. Anh vực dậy tinh thần của mình, rồi động viên cả nhà để không gian ấy có sức sống trở lại, tiếp tục cuộc sống cùng với những mong ước chưa kịp thực hiện cùng con gái.

Anh lao vào những chuyến đi cốt để quên nỗi buồn và tìm sự chia sẻ. Đi rồi mới thấy cuộc đời này còn nhiều người, nhiều nơi khốn khổ hơn mình…và anh muốn làm cho họ, cho những cuộc đời mà anh gặp gỡ trong suốt hành trình một vài điều bé nhỏ nào đấy. Ban đầu là ít kẹo bánh, vài chiếc quần áo rét…Sau rồi anh cùng bạn bè trong công ty thực hiện những chuyến đi mang áo ấm cho vùng cao, đến từng gia đình, nói những câu chuyện cuộc sống để anh và bạn bè cùng cảm nhận được sự hạnh phúc của mình.

Rồi anh nghĩ đến những người bệnh như mình. Anh chợt nghĩ, nếu ngày trước anh buông tay, đầu hàng, giờ không biết anh đang như thế nào. Và anh đến với những bệnh nhân để sẻ chia, để kể cho họ nghe câu chuyện cuộc đời mình, để động viên họ vượt lên bệnh tật, bởi anh hiểu với căn bệnh ung thư, “tinh thần” là “liều thuốc” quan trọng nhất. Không đủ sức đi từng giường bệnh tâm sự, anh quyết định đưa số điện thoại của mình lên trang facebook cá nhân để bất kỳ ai có nhu cầu anh đều tư vấn, chuyện trò, từ những việc nhỏ nhất như tập tay chân ra sao, ăn uống như thế nào, nên gặp gỡ ai để chuyện trò hàng ngày. Hiệp kể, nhiều bệnh nhân cứ thấy anh bắt máy là khóc, nhiều khi anh phải quát để át đi tiếng khóc của họ, để họ ngừng cơn “tự kỷ ám thị” rồi anh mới bắt đầu câu chuyện được.

Hiện nay, anh vẫn hàng ngày làm việc ở Công ty IDT, vẫn cùng anh em, bạn bè thực hiện những công việc thiện nguyện như nhiều năm anh vẫn làm; cùng Câu lạc bộ Lá me xanh nấu cháo cho bệnh nhân ở Bệnh viện K Tam Hiệp, cùng Câu lạc bộ Kết nối tình người tổ chức những chuyến đi đến những vùng sâu, vùng xa, những nơi khó khăn của đất nước để vun đắp cho trẻ em những ước mơ, những hoài bảo. Phạm Vũ Hiệp tâm sự: “Tôi vẫn luôn nhắc nhở các bạn tình nguyện trong đội của mình mỗi chuyến đi không phải là làm từ thiện. Mỗi chuyến đi của chúng tôi sẽ là những bài học cuộc sống, để mọi người cùng thấu hiểu hơn, cùng biết chia sẻ hơn và trưởng thành hơn”…/.

Nhật Thu

http://baophapluat.vn/dan-sinh/vuot-qua-noi-dau-mat-con-va-dang-mang-an-tu-de-di-lam-tu-thien-206357.html

✽✽✽✽✽✽