Những người hùng chiến thắng ung thư – Tập 2

MỤC LỤC

Giọng:

✽✽✽✽✽✽

Hán Thị Hiển – 2 Bệnh Ung Thư – Phú Thọ

✽✽✽✽✽✽

– Câu chuyện truyền cảm hứng của người phụ nữ chiến thắng liên tiếp hai căn bệnh ung thư

Giữa lúc đang tuyệt vọng vì căn bệnh ung thư, bài thơ của con như một lời động viên giúp chị Hiển có được nghị lực sống.

Khi kim đồng hồ đang nhích dần về thời điểm giao thừa, TS.BS Phạm Thị Việt Hương (Khoa Nội Nhi, Bệnh viện K Trung ương) đang cùng gia đình chờ đón phút giây đất trời chuyển mình sang năm mới, một tin nhắn gửi đến làm cho chị không khỏi bồi hồi xúc động.

Tin nhắn của một bệnh nhân đã được chị điều trị khỏi cách đây 6 năm: “Chị ơi, em thật hạnh phúc khi được đón xuân 2017. Em là bệnh nhân Hán Thị Hiển, bệnh nhân của chị từ 2004 điều trị đến năm 2011 với 2 căn bệnh ung thư. Trải qua những năm tháng đó để chiến thắng được bệnh tật, em nhớ ơn chị rất nhiều! Chị là bác sĩ của em, người chị, mẹ hiền…”

Chụp màn hình tin nhắn gửi lại cho tôi, BS Việt Hương như có một niềm vui muốn “khoe”. Chị vui, mừng cho bệnh nhân. Chị bảo: “Ca bệnh này gian truân mà cũng kỳ diệu lắm! Bệnh nhân đã vượt qua năm thứ 5 sau khi điều trị, vậy là hai căn bệnh ung thư đều đã được đẩy lùi hẳn rồi!”

Lần đầu tiên tôi gặp chị Hán Thị Hiển (sinh năm 1976 trú tại Văn Lương, Tam Nông, Phú Thọ) – người bệnh nhân đã nhắn tin cho BS Việt Hương – là trong một buổi tối nhiều gió ở Hà Nội.

Ấn tượng đầu tiên của tôi về người phụ nữ chất phác này là đôi mắt, một đôi mắt thật kỳ lạ, vừa hằn sâu những khắc khổ lại vừa ánh lên những tia nhìn đầy quyết tâm.

Tôi đọc được trong đôi mắt ấy không phải là lời kể lể về những nỗi thống khổ mà chị đã phải trải qua mà chỉ có một niềm yêu tha thiết. Tình yêu đó, chị dành cho cuộc đời, cho sự sống mà chị đã giành giật từng giây từng phút để giữ lấy. Chị Hiển là một người có hoàn cảnh éo le đặc biệt. Gia cảnh khó khăn, sinh được 3 người con thì 2 cháu mất vì bệnh tật, cháu đầu thì bị tai nạn giao thông suýt phải cắt bỏ chân.

Vừa vật lộn với kinh tế vừa phải trải qua những nỗi đau vì các con, năm 2004, chị Hiển lại phát hiện mắc ung thư dạ dày giai đoạn 4, khối u đã choán gần hết dạ dày. Chị được bác sĩ tại bệnh viện 108 phẫu thuật cắt bỏ 4/5 dạ dày.

Căn bệnh ung thư dạ dày tạm yên ổn được 2 năm thì năm 2006 chị Hiển lại được phát hiện có u ở vú. Cùng lúc đó, chồng chị lại bị viêm gan cấp tính, chị phải nhường quyền điều trị bệnh, cũng có nghĩa là nhường quyền sống cho chồng.

Tôi hỏi chị: “Giữa lúc căn bệnh của chị đang vào hồi nguy cấp, chị lại dừng điều trị để nhường cho chồng chữa bệnh, chị có sợ chết không?”

Chị Hiển trả lời: “Lúc đấy tôi nghĩ rằng trước sau gì mình cũng chết, nhưng tôi hy vọng mãnh liệt là mình sẽ chữa khỏi cho chồng. Đứng giữa 2 sự lựa chọn thì tôi không sợ chết, tôi rất mạnh mẽ, tôi sẵn sàng chết để cho anh được sống.”

Tuy thế, mọi chuyện không được như chị Hiển tính toán và hy vọng. Dù một mực đưa chồng đi chữa bệnh để nhường quyền sống cho anh nhưng anh đã không qua khỏi, còn căn bệnh ung thư vú của chị thì vẫn tiếp tục phát triển và đã bước vào giai đoạn muộn, mất cơ hội sống.

Theo BS Việt Hương mô tả, năm 2009 chị Hán Thị Hiển vào điều trị tại bệnh viện K Trung ương trong tình trạng u vú đã bị sùi loét thâm nhiễm thành ngực đến mức không mổ được, phải điều trị hóa chất tiền phẫu co nhỏ khối u dọn đường cho phẫu thuật.

Ngay BS Việt Hương cũng nghĩ bệnh nhân chỉ có thể sống được vài tháng.

Sau khi chồng mất đi, kinh tế gia đình kiệt quệ, chị Hiển không dám quay lại viện vì không có tiền chữa bệnh. Tuy nhiên lúc này chị lại tha thiết muốn sống để chăm lo cho đứa con còn trẻ dại. Chị tìm đến thuốc Nam với hy vọng gặp thầy gặp thuốc sẽ được chữa khỏi bệnh.

Đã có lúc chị theo đuổi một phương pháp rất ấu trĩ là dùng gai bưởi đào bỏ khối u. Người phụ nữ kiên cường nhốt mình trong phòng, tự cầm gai bưởi để tìm cách loại bỏ khối u ra khỏi ngực.

Cách chữa bệnh sai lầm và đầy rùng rợn ấy đã khiến chị Hiển rơi vào cảnh thập tử nhất sinh, các bác sĩ ở bệnh viện tuyến dưới đều lắc đầu khuyên gia đình nên đưa chị về nhà lo hậu sự. Sự sống của chị lúc này chỉ còn tính được bằng nửa ngày, một ngày, thậm chí bác sĩ e ngại chị không đi hết được con đường về tới nhà.

Nghị lực hiếm thấy của người phụ nữ, luôn đối diện với khó khăn và nỗi sợ hãi.

Chị Hiển nhập viện K Trung ương vào lúc 4 giờ sáng, trong tình trạng khối u hoại tử nghiêm trọng, mất máu, không tìm được ven để truyền nước, tim chỉ còn đập thoi thóp. Các bác sĩ ở đây ai cũng ái ngại nhưng cũng ngạc nhiên vì sức sống mãnh liệt của chị.

Với bệnh nhân điều trị ung thư, truyền hóa chất là một nỗi ám ảnh. Khi giọt hóa chất đầu tiên được truyền vào, bệnh nhân cảm thấy rất rõ từng cơn nóng bừng rồi lại chuyển sang cơn rét run, cảm giác rạo rực, nôn ọe…Nhiều người bị hóa chất quật ngã trước khi bệnh có biến chuyển.

Với một sức khỏe yếu lại không có điều kiện ăn uống đầy đủ để nâng cao sức khỏe, chị Hiển vẫn tìm mọi cách để sống sót.

Chị cho biết những bệnh nhân khác rất sợ hóa chất nên gia đình có thể thấy áp lực quá nên đã làm tốc độ truyền nhanh hơn để sớm được tránh xa hóa chất. Nhưng điều kiên trì nhất của chị là làm đúng chỉ định của bác sĩ. Đến giờ phút này nghĩ lại chị cho rằng mình đã chiến thắng bệnh tật một phần là nhờ vào sự tuân thủ phác đồ điều trị.

Nhưng trên hết, trong suốt quá trình chữa bệnh, chị Hiển giữ được lòng ham sống, khát vọng sống vì chị còn muốn lo lắng cho đứa con cuối cùng còn nhỏ dại. Chị nói: “Tôi mong muốn được sống thêm dù chỉ một ngày. Sống thêm được một ngày thì lo cho con được một ngày, sống thêm được một tuần thì lo cho con được một tuần, sống thêm được 1 tháng thì lo cho con được 1 tháng. Nếu tôi chết đi, tôi sợ con mình không biết nương tựa vào đâu”.

Là một người “ngoại đạo”, tôi (người viết bài) chỉ cảm thấy rằng một người có thể vượt qua trăm nỗi đau, chiến thắng liên tiếp 2 căn bệnh ung thư là một kỳ tích không dễ gặp trong ngành y. Đem cảm nhận này nói với BS Việt Hương, chị cũng công nhận đây là một điều kỳ diệu vì cả 2 bệnh ung thư đều ở giai đoạn muộn, tiên lượng rất xấu, nhưng cuối cùng bệnh nhân vẫn vượt qua được để sống sót.

Tôi hỏi chị: “Khó khăn như vậy mà sao vẫn có thể thành công?”, BS Việt Hương cho rằng, để thành công là nhờ nhiều yếu tố, trong đó có 2 yếu tố mà chị gọi là “bí quyết”:

Chị Hiển nói về lòng biết ơn với người bác sĩ đã điều trị và giúp đỡ chị trong suốt quá trình chữa bệnh

Thứ nhất, về mặt chuyên môn, cần phải lựa chọn được phương pháp điều trị đúng.

Bác sĩ cần phải chọn được một phác đồ tốt cho cụ thể bệnh ung thư đó, giai đoạn đó, giải phẫu bệnh đó và trên bệnh nhân cụ thể đó chứ không phải là một phác đồ chung chung, càng không phải là một phác đồ cao sang, đắt tiền mà bệnh nhân không theo đuổi được. Ngược lại, cũng không thể vì bệnh nhân nghèo hay đã ở giai đoạn muộn rồi mà chọn một cách điều trị tạm bợ.

Thứ 2 là nghị lực phi thường của bệnh nhân và sự quyết tâm cao của bác sĩ.

Bệnh nhân không quyết tâm thì bác sĩ không thể áp dụng các phương pháp điều trị trên người bệnh được. Còn bệnh nhân có nghị lực và ý chí kiên cường nhưng bác sĩ cảm thấy tiên lượng xấu mà không muốn áp dụng phương pháp triệt để thì cũng không thể thành công. Ở ca bệnh này, cả bệnh nhân và bác sĩ đều rất quyết tâm, bệnh nhân thì có một lòng ham sống rất mãnh liệt, còn bác sĩ thì cũng quyết tâm điều trị vì cảm nhận được ý chí của bệnh nhân. Cộng với 1 phác đồ điều trị đúng, điều đó mới làm thành cái duyên giúp người bệnh chiến thắng.

http://soha.vn/cau-chuyen-truyen-cam-hung-cua-nguoi-phu-nu-chien-thang-lien-tiep-2-can-benh-ung-thu-20170308105644427.htm

– Người phụ nữ chiến thắng 2 bệnh ung thư bằng cách nào?

Chị Hán Thị Hiển sinh năm 1976, từng chiến đấu với hai bệnh ung thư. Hơn 10 năm qua, chị vẫn là tấm gương để mỗi khi nhắc đến bệnh nhân giàu nghị lực, bác sĩ Phạm Thị Việt Hương, Khoa Nhi, Bệnh viện K TW, lại lấy chị ra tâm sự cho các bệnh nhân khác.

Liên tiếp hai bệnh ung thư “gõ cửa”

Chị Hiển trú tại xã Văn Lương, huyện Tam Nông, tỉnh Phú Thọ. Chị trải qua ba lần sinh nở nhưng chỉ có người con thứ 2 ở lại với anh chị. Năm nay cháu đã 23 tuổi. Cháu lớn bị tim bẩm sinh qua đời khi còn nhỏ, cháu thứ 3 cũng đã qua đời.

Tâm sự với chúng tôi, chị Hiển cho biết, năm 2003, chị khoẻ mạnh bình thường nhưng tự nhiên bị hạ huyết áp, có lúc chỉ còn 45/60. Người mệt mỏi, mạch yếu, chị Hiển đi khám tim mạch ở các nơi, điều trị gần 1 năm nhưng không khỏi.

Sang đến năm 2004, tình hình sức khoẻ kém hơn. Chị đi kiểm tra, bác sĩ phát hiện ung thư dạ dày. Lúc này, khối u đã choán gần hết dạ dày. Chị Hiển được bác sĩ tại Bệnh viện 108 phẫu thuật cắt bỏ 4/5 dạ dày.

Sau khi phẫu thuật cắt bỏ 4/5 dạ dày, chị Hiển điều trị theo phác đồ của bác sĩ tại Bệnh viện 108.

Nhưng hai năm sau, chị phát hiện ở ngực có khối u nhỏ. Chị lại xuống bệnh viện 108 kiểm tra. Bác sĩ chẩn đoán chị bị ung thư vú. Kết quả giải phẫu hai bệnh ung thư dạ dày và ung thư vú hoàn toàn khác nhau nên bác sĩ khuyên chị về chuyên khoa ung thư điều trị.

Chị Hiển chuyển về Bệnh viện K cơ sở Tam Hiệp để điều trị ung thư vú. Lúc này, chị được bác sĩ Phạm Thị Việt Hương điều trị. Nhưng trong quá trình điều trị được hai đợt hoá chất thì chồng chị Hiển lại mắc xơ gan cổ trướng.

Chị Hiển tâm sự: “Tôi nghĩ là mình bị ung thư chắc chỉ chết nên muốn nhường cơ hội chữa bệnh cho chồng để mình có làm sao thì chồng còn sống mà nuôi con. Tôi bỏ viện về nhà chăm chồng ốm và dồn công, dồn của chữa bệnh cho chồng”.

Nhưng đến năm 2009, chồng chị Hiển qua đời. Lúc này, bệnh ung thư vú đã tái phát mạnh và lan rộng. Chị Hiển nghĩ mình chết chắc. Nhưng nhìn giấy ghi nợ đã vay chữa bệnh cho chồng, chị không dám chết! Nhiều lần mở giấy ra, định ngỏ lời với người thân, nếu có gì bất trắc nhờ trả nợ hộ, nhưng rồi chị không nỡ. Chị Hiển lại khăn gói xuống bệnh viện K điều trị lần nữa.

Khi xuống viện, bệnh của chị đã ở giai đoạn 4, bác sĩ tư vấn cho chị về phác đồ điều trị. Những ngày ở viện, chị Hiển luôn nghĩ mình phải sống, cùng chiến đấu với bệnh ung thư, dù chỉ có một mình.

Nằm viện, khát khao sống của chị lại nhân lên gấp bội khi nghĩ về con. Chị nghĩ chỉ cần sống 1 ngày, con mình sẽ còn mẹ, con chị không rơi vào cảnh mồ côi cả cha lẫn mẹ. Cứ nghĩ thế, chị gạt bỏ hết tất cả, chỉ còn nghị lực ham sống.

Những ngày mệt mỏi do truyền hoá chất, chị Hiển cũng không cho phép mình được nghĩ quẩn. Chị vẫn lao động bằng sức của mình, chị đi dọn dẹp nhà trọ cho những nhà ở xung quanh bệnh viện, chị không dám nghỉ ngơi vì sợ nằm một chỗ sẽ nghĩ quẩn, nghĩ dại. Tâm lý chính là liều thuốc hỗ trợ đắc lực nhất giúp chị vượt qua được những tác dụng phụ của điều trị ung thư.

Đến năm 2011, chị Hiển đã truyền xong 6 đợt hoá chất, xạ trị và được ra viện. Đến nay, sau 6 năm sống không bệnh, các chỉ số mỗi lần tái khám đều ổn định, chị cảm thấy mình thật may mắn, bởi có không ít người cũng bị ung thư như chị, từng nằm điều trị cạnh chị, đã qua đời.

Bí quyết thành công của người phụ nữ nhỏ bé

Tiến sĩ, bác sĩ Phạm Thị Việt Hương – Khoa Nhi, Bệnh viện K Trung ương, người đã điều trị cho bệnh nhân Hiển, cho biết, năm 2009, bệnh nhân Hiển đến bệnh viện trong tình trạng u to, sùi loét không phẫu thuật được. Bác sĩ chọn phương pháp điều trị hoá chất tiền phẫu. Sau 3 đợt điều trị hoá chất tiền phẫu khối u co nhỏ lại, tổn thương loét được giải quyết, tạo điều kiện cho các bác sĩ khoa ngoại phẫu thuật cắt triệt căn tuyến vú.

Sau đó, bác sĩ tiếp tục điều trị 3 đợt hoá chất sau mổ và kết hợp tia xạ và điều trị nội tiết nên dù nhập viện ở giai đoạn muộn nhưng bệnh nhân đã khoẻ mạnh lại.

Theo bác sĩ Hương, bí quyết để tạo nên thành công của một ca bệnh có tiên lượng xấu, lại có hoàn cảnh khó khăn, cần hết sức chi tiết, cẩn thận.

Thứ nhất: về mặt chuyên môn phải điều trị đúng, chọn phương pháp điều trị phù hợp nhất.

Thứ hai: Quyết tâm nghị lực phi thường của người bệnh khi họ có hoàn cảnh gia đình vô cùng khó khăn, cả về kinh tế và tinh thần. Nếu bệnh nhân không quyết tâm điều trị, bác sĩ cũng không thể áp dụng các phương pháp điều trị.

“Bệnh nhân Hán Thị Hiển sau khi được bác sĩ tư vấn, bệnh nhân đã có nghị lực vươn lên tồn tại, khao khát sống. Sống một ngày để nuôi con một ngày, sống một tháng nuôi con một tháng, sống 1 năm nuôi con một năm”- bác sĩ Hương chia sẻ.

Thứ 3, thành công khi điều trị cho bệnh nhân có 2 bệnh ung thư là quyết tâm của bác sĩ. Khi bệnh nhân có nghị lực, có khát vọng sống nhưng bác sĩ lại cảm thấy tiên lượng sống ít, không thể cố được, không áp dụng biện pháp triệt để, biện pháp mạnh mà chỉ dùng các biện pháp tạm bợ thì không thể cứu được bệnh nhân.

“Tôi đặt quyết tâm cứu chữa đến cùng. Có thể hoàn cảnh như thế, chồng chết, hai con cũng chết, chỉ còn đứa con cuối cùng và chị ấy tha thiết sống để lo cho đứa con ấy, càng thúc ép tôi có mong mỏi giúp bệnh nhân sống. Và chúng tôi đã làm được!” – BS Hương vui vẻ nói.

http://infonet.vn/nguoi-phu-nu-chien-thang-2-benh-ung-thu-bang-cach-nao-post220282.info

– Điều gì khiến người phụ nữ này chiến thắng hai căn bệnh ung thư giai đoạn cuối

Suốt 15 năm qua, người phụ nữ này đã liên tục trải qua những biến cố cuộc đời. Có những lúc chị như ngã quỵ vì đau khổ, bất hạnh…nhưng rồi chị đã chiến thắng chính mình bằng nghị lực phi thường.

3 năm đón nhận 2 căn bệnh ung thư giai đoạn cuối

Nếu ai lần đầu tiếp xúc và chưa từng nghe câu chuyện của chị Hán Thị Hiển (sinh năm 1976, ở xã Văn Lương, huyên Tam Nông, tỉnh Phú Thọ) thì chắc hẳn họ không thể ngờ rằng người phụ nữ ấy đã từng giành giật sự sống với hai căn bệnh ung thư giai đoạn cuối, đó là ung thư dạ dày và ung thư phổi.

Chia sẻ với chúng tôi về hành trình chiến đấu với bệnh tật, chị Hiển cười rất tươi và cho rằng: “Ung thư có gì ghê gớm, nó cũng giống như những căn bệnh khác thôi. Cứ có quyết tâm, cứ tin tưởng vào phác đồ điều trị của bác sĩ là sẽ khỏi bệnh”.

Chị Hiển kể lại, năm 2003 khi bác sĩ thông báo mình mắc ung thư dạ dày giai đoạn cuối, lúc đó chị vui vẻ đón nhận và cho rằng bác sĩ bắt đúng bệnh đã là hạnh phúc lắm rồi. “Thực ra, lúc đó tôi cũng có biết ung thư là bệnh gì đâu, tưởng cũng như những căn bệnh khác, phát hiện ra rồi thì điều trị thôi”, chị Hiển hồn nhiên nói. Sau đó, chị đã phải cắt bỏ 4/5 dạ dày và điều trị tại bệnh viện 3 tháng.

Sau khi chiến thắng căn bệnh ung thư, chị Hiển đi làm giúp việc ở Hà Nội.

“Sau khi điều trị về, tôi vẫn đi kiểm tra định kỳ và dùng thuốc theo đúng phác đồ của bác sĩ. Nhưng do cắt 4/5 dạ dày, ăn uống kiêng khem nên sút mất 12kg. Phải mất 2-3 năm sau khi ăn được cơm, tôi mới dần lấy lại được “phong độ” và bắt đầu lao động được như hồi chưa mắc bệnh”, chị Hiển chia sẻ.

Tưởng chừng sau khi chiến thắng ung thư dạ dày, cuộc sống của chị sẽ trở lại bình thường, nhưng bệnh tật vẫn chưa buông tha. “Hồi đó là khoảng tháng 3/2006, khi đang tắm tôi sờ thấy một cục u nhỏ ở ngực trái. Là người đã từng mắc một căn bệnh ung thư, nên tôi nghĩ ngay đến ung thư vú. Nhưng khi đi kiểm tra, các bác sĩ cho biết không ảnh hưởng gì.

3 tháng sau, tôi thấy đau và khó chịu, một mình đi xuống Hà Nội kiểm tra, kết quả như “sét đánh ngang tai”. Bác sĩ nói tôi bị ung thư vú ác tính, giai đoạn di căn xa và đây là căn bệnh mới, không liên quan gì đến ung thư dạ dày trước đó”, chị Hiển chia sẻ.

Sau khi phát hiện ra căn bệnh ung thư vú, chị đã kiên cường chiến đấu suốt 5 năm trời. Đến năm 2011, chị đã chấm dứt điều trị hoàn toàn. Từ đó đến nay, chị Hiển vẫn thường xuyên đi khám định kỳ và không thấy có dấu hiệu tái phát trở lại.

“3 lần chịu nỗi đau mất chồng, 2 con nhưng tôi không thể gục ngã vì đứa con còn lại”

Nghe câu chuyện chiến đấu bệnh tật của chị Hiển, nhiều người phải “ngả nón” khâm phục ý chí kiên cường của chị. Nhưng khi nghe những tâm sự về chuyện gia đình, mới thấy được cuộc đời của chị đúng là một “tấn bi kịch” giữa thời hiện đại.

Trước khi phát hiện ra căn bệnh ung thư dạ dày vào năm 2003, chị Hiển đã phải chịu một nỗi mất mát vô cùng lớn, đó là đứa con út 2 tuổi mãi mãi ra đi vì mắc bệnh tim bẩm sinh.

Hãy đối diện với sự thật, hãy chiến đấu với bệnh tật và luôn luôn có niềm tin rằng mình sẽ vượt qua, mình sẽ chiến thắng.

Nén nỗi đau để điều trị hai căn bệnh liêp tiếp ập đến, vào năm 2007 khi chị Hiển đang điều trị ung thư vú, thì chồng cũng mắc bạo bệnh. “Khi đó tôi nghĩ rằng mình ung thư giai đoạn cuối, chẳng sống được là bao, nên tôi “nhường” điều trị cho chồng, với hy vọng sau này chồng sẽ thay tôi chăm sóc các con”, chị Hiển kể lại.

Nhưng sau 2 năm chống chọi với bệnh tật, chồng chị đã ra đi vì căn bệnh viêm gan cấp tính. Sự ra đi của người chồng khiến chị Hiển như “vô hồn”. Nhưng rồi vì hai đứa con chị phải gắng gượng đứng dậy để tiếp tục chiến đấu với căn bệnh ung thư vú và kiếm tiền nuôi con.

Đến năm 2012, sau khi kết thúc quá trình điều trị được 1 năm, trong một vụ tai nạn, đứa con đầu của chị cũng mãi mãi ra đi. Chịu đựng quá nhiều sự mất mát và nỗi đau cả về thể chất lẫn tinh thần, người phụ nữ “bất hạnh” đó đã khóc cạn nước mắt, nhưng lần này chị không gục ngã nữa, mà tự mình đứng dậy vì phía trước chị vẫn còn đứa con trai sinh năm 1995.

“Tôi cho rằng cuộc đời ai cũng chết một lần, ai cũng phải trải qua những nỗi đau, có điều nó đến sớm hay muộn mà thôi. Vì thế, hãy đối diện với sự thật, hãy chiến đấu với bệnh tật và luôn luôn có niềm tin rằng mình sẽ vượt qua, mình sẽ chiến thắng”, chị Hiển nói.

Theo Lê Phương – Như Hoàn (Khám phá)

https://baomoi.com/dieu-gi-khien-nguoi-phu-nu-nay-chien-thang-hai-can-benh-ung-thu-giai-doan-cuoi/c/21662684.epi

– Sáng đi rửa bát, chiều truyền hóa chất, người phụ nữ mắc 2 căn bệnh ung thư sống đầy nghị lực

Vượt qua những kỳ thị về căn bệnh ung thư, chị Hán Thị Hiển (41 tuổi, Tam Nông, Phú Thọ) đã chiến thắng 2 căn bệnh ung thư (dạ dày và ung thư vú) giai đoạn cuối để sống vui, khỏe hòa bình cùng bệnh tật.

Ung thư không phải là cái tội

Mang trong mình 2 căn bệnh ung thư giai đoạn cuối, cũng là lúc chị Hán Thị Hiển (41 tuổi, Tam Nông, Phú Thọ) phải gánh chịu nỗi đau chồng mất vì bạo bệnh và con con trai duy nhất bị tai nạn giao thông. Chị Hiển tâm sự, nỗi đau đớn về bệnh tật không làm cho chị sợ. Điều mà chị băn khoăn lo lắng nhất chính là cậu con trai.

“Giờ chồng đã mất, con tai nạn nằm một chỗ nếu tôi không cố gắng sống để lo cho con tôi ra đi cũng không yên lòng”, chị Hiển nói.

Chị Hiển tình cờ phát hiện mắc ung thư dạ dày vào năm 2004 khi thấy thường xuyên đau bụng, ho ra máu. Chị đi khám khối u dạ dày đã di căn hạch ổ bụng ở giai đoạn III. Sau đó, chị Hiển phải cắt gần như toàn bộ dạ dày, nạo vét hạch ổ bụng. Hai năm sau, năm 2006, chị Hiển thấy ngực có khối u bất thường đi khám, bác sĩ kết luận chị bị ung thư vú.

Trong thời gian đó, chồng chị cũng mắc bệnh nặng cho nên chị Hiển tạm dừng việc điều trị ung thư vú để dành thời gian chăm sóc chồng. Năm 2011, khi khối u bị sùi loét, chị Hiển tới bệnh viện điều trị ung thư đã ở giai đoạn IV.

Cùng một lúc mang hai căn bệnh ung thư phải chịu những nỗi đau về thể xác. Nhưng điều làm chị buồn nhất là sự kỳ thị của mọi người về căn bệnh. Chị chia sẻ nhiều vùng quê vẫn nghĩ căn bệnh ung thư như sự quả báo, trả giá cho việc làm sai trái gì đó. Bản thân chị Hiển không ít lần bị người quen buông lời “cái đồ ung thư”.

Chị Hiển chia sẻ: “Người mắc phải căn bệnh ung thư đã là không may mắn rồi, họ đâu có tội khi mắc bệnh, vì vậy đừng kỳ thị”.

“Trong thời gian tôi bị bệnh đi vay mượn tiền để chữa trị nhiều người còn không cho vay. Họ nói thẳng “mày bị ung thư sớm muộn gì cũng chết. Chết rồi lấy ai mà đòi nợ”. Một số người khi chồng tôi mất, con tôi bị tai nạn nằm đó còn tới để tranh giành đất cát, tài sản”, chị Hiển xúc động nói.

Không vì những lời nói và sự kỳ thị đó mà chị Hiển đầu hàng số phận. Để có tiền chữa bệnh chị Hiển đã đi rửa bát thuê cho một cửa hàng ăn trước cửa bệnh viện K2.

“Sáng sớm tôi đi rửa bát sau đó vào viện truyền hóa chất. Sau đó, nhờ người quen tôi đã được giới thiệu công việc chăm sóc người ốm tại nhà với mức lương 7 triệu đồng/ tháng”, chị Hiển tâm sự.

Bí quyết để chiến thắng hai căn bệnh ung thư

Khi biết mắc bệnh ung thư và mức độ ác tính, chị Hiển học cách chấp nhận nó. Chị không oán trách số phận mà tìm cách để thay đổi số phận của mình.

Chị Hiển cho biết: “Lần thứ 2 quay lại bệnh viện để điều trị căn bệnh ung thư vú, tôi xác định mình có thể chết bất cứ lúc nào. Khi ở trong viện, tôi cũng chứng kiến có những người bạn cạnh giường hôm qua còn nói chuyện, hôm sau đã nhận tin họ đã qua đời. Nên khi còn sống thì phải vui vẻ lạc quan”.

“Với tôi, khi còn sức khỏe thì vẫn còn có thể lao động được. Tôi vẫn đi làm kiếm tiền để chữa bệnh. Nhờ công việc đó, tôi cảm thấy mình đang sống có ý nghĩa”, chị Hiển Tâm sự

Trước mỗi đợt hóa trị, chị Hiển luôn chuẩn bị sẵn sức khỏe thật tốt, tinh thần thật thoải mái để điều trị có kết quả cao nhất.

“Tôi không có bí quyết gì đặc biệt cả chỉ xác định mình muốn sống thì phải điều trị. Để có thể chiến thắng căn bệnh ác tính này tôi khuyên mọi người hãy tin tưởng vào bác sĩ, y học hiện đại, tuân thủ theo pháp đồ điều trị đừng bỏ cuộc khi còn hy vọng”, chị Hiển nói.

Ngọc Minh/emdep.vn

http://phutho.tintuc.vn/doi-song/sang-di-rua-bat-chieu-truyen-hoa-chat-nguoi-phu-nu-mac-2-can-benh-ung-thu-song-day-nghi-luc.html

– 15 năm vật lộn với thần chết của người phụ nữ mang hai “án tử”

– Người ta đặt cho chị Hán Thị Hiển biệt danh “người nhà trời”, bởi xưa nay hiếm có ai mang trong mình hai căn bệnh ung thư là ung thư dạ dày và ung thư vú mà có thể sống sót. Cuộc chiến đấu 15 năm của chị Hiển để giành lại sự sống giống như một kỳ tích giữa đời thường.

Cắt 4/5 dạ dày

Chúng tôi tìm gặp chị Hiển (quê ở xã Văn Lương, Tam Nông, Phú Thọ, hiện đang làm thuê ở Hà Nội) vào một ngày nắng cháy. Nhìn chị, không ai nghĩ chị là người đã từng mắc hai căn bệnh ung thư quái ác. Càng không biết rằng để có nụ cười vô tư hôm nay chị đã vượt qua những nỗi đau tột cùng mà khi nghe chị kể tôi đã không khỏi ngưỡng mộ và cảm phục.

Chị Hiển kể, năm 1995 vợ chồng chị sinh được bé trai đầu lòng trong sự mong ngóng của gia đình. 4 năm sau, chị có thêm cháu thứ hai nhưng không may mắn bé mặc bệnh tim bẩm sinh. 2 năm ôm con đi chữa trị ở khắp các bệnh viện, chị luôn hy vọng con mình được cứu sống nhưng cháu đã không qua khỏi. Sự mất mát đó khiến bản thân chị và gia đình suy sụp.

Cuối năm 2002, sau chín tháng mười ngày mang nặng đẻ đau đứa con thứ ba chào đời. Nhưng hạnh phúc chẳng được tày gang khi mới được 17 ngày tuổi đứa con thứ ba cũng bỏ anh chị mà đi do bị sốt xuất huyết não.

Nỗi đau chẳng dừng lại với chị, năm 2003 sức khỏe của chị liên tục giảm sút mà không tìm được nguyên nhân. Tình trạng sức khỏe của chị ngày càng xấu đi đến mức luôn trong tình trạng cấp cứu. Gia đình chuyển chị xuống điều trị tại Bệnh viện 108 (Hà Nội). Điều trị hết 1 năm nhưng sức khỏe của chị không tiến triển. “Thời điểm đó, thuốc làm cho sức khỏe tôi khá lên một chút nhưng cũng giống như quả bóng bay được thổi phồng, khi hết hơi rồi lại xẹp xuống”, chị Hiển nói.

Đầu năm 2004, trong đám tang của bố mình, do quá đau buồn, chị khóc đến độ nôn ra máu. Gia đình tiếp tục đưa chị trở lại Bệnh viện 108, sau khi nội soi dạ dày các bác sĩ thông báo tin “sét đánh” – chị bị ung thư dạ dày. Khi đó căn bệnh ung thư dạ dày của chị Hiển ở vào giai đoạn 3 và phải tiến hành phẫu thuật cắt bỏ 3/4 dạ dày.

Sau cuộc phẫu thuật, bác sĩ làm công tác tư tưởng cho người nhà chị vì nhiều trường hợp sau mổ, bệnh nhân chỉ sống được 3-6 tháng, may mắn thì một vài năm, điều đó phụ thuộc vào thể trạng của người bệnh. Sau khi điều trị, chị Hiển vẫn đi kiểm tra định kỳ và dùng thuốc theo đúng phác đồ của bác sĩ. Tuy nhiên, do cắt 4/5 dạ dày, ăn uống kiêng khem nên cân nặng của chị giảm sút từ 52 kg xuống chỉ còn 40 kg. Phải mất 2-3 năm sau, chị Hiển mới dần hồi phục sức khỏe.

Người ta thường nói “khổ tận cam lai”, cứ ngỡ sau ngần ấy biến cố, chống chọi thì cuộc sống của chị sẽ được bình yên, nhưng căn bệnh ung thư quái ác đó vẫn không ngừng đeo bám chị. Khoảng tháng 3/2006, một lần tắm chị thấy trên ngực mình có một cái hạch rất nhỏ, chỉ bằng hạt đỗ. Khi đi khám bác sĩ kết luận là tắc tuyến sữa. Nhưng sau đó một tháng cơ thể trở nên mệt mỏi và ở nách lại xuất hiện một cái hạch rất to.

“Là người đã mắc ung thư nên tôi một mình bắt xe xuống bệnh viện K để khám. Kết quả khiến tôi chết điếng. Bác sĩ nói tôi bị ung thư vú ác tính, giai đoạn di căn và đây là căn bệnh mới, không liên quan gì đến ung thư dạ dày trước đó. Tôi phải nhập viện điều trị”, chị Hiển ngậm ngùi nhớ lại.

Năm 2007, khi đang truyền hóa chất đợt 4 chị Hiển hay tin chồng mắc bệnh viêm gan cấp tính. Lúc đó, chị quyết định bỏ dở điều trị để tập trung chữa bệnh cho chồng với hy vọng chồng có thể sống thay chị chăm sóc con. Vừa chăm chồng ở bệnh viện chị vừa kiếm việc làm thêm để có tiền trang trải cuộc sống.

Nhưng những cố gắng đó đều đổ sông đổ bể khi chồng chị vĩnh viễn ra đi sau 2 năm chiến đấu với bệnh tật. Lúc này căn bệnh ung thư của chị tái phát và ngày càng lan rộng chuyển sang cấp độ 4. Khi đó, chị nghĩ mình sẽ chết nhưng vì đứa con, vì khoản nợ vay cho chồng chữa bệnh quá lớn chị không cho phép mình buông xuôi.

Sống vì con

Để duy trì cuộc sống của 2 mẹ con và có tiền chữa bệnh, chị Hiển làm bất cứ việc gì có thể. Cho đến một ngày sức đã kiệt, chị ngất trên đường đi làm về nhà. Ngay sau đó, người thân đưa chị đi cấp cứu, nhưng bệnh viện trả về. Cả đêm hôm đó chị Hiển nằm thoi thóp, tưởng như cái chết ở gần bên. Với suy nghĩ “còn nước thì còn tát”, sáng hôm sau gia đình quyết định được chuyển chị xuống Bệnh viện K cơ sở 2 (ở huyện Thanh Trì, Hà Nội).

Và rồi, chị lại tiếp tục quãng thời gian vừa nằm viện điều trị vừa đi làm thêm. “Lương lúc đấy chỉ có 250.000đồng/tháng, sau dần cũng tăng lên 600.000 đồng/tháng. Dù rẻ mạt nhưng để có tiền mua thuốc tôi vẫn phải làm và hơn cả là tôi nghĩ đến đứa con chịu nhiều thiệt thòi của mình mà cố gắng làm, cố gắng sống”, chị Hiển tâm sự.

Có lẽ, đối với chị Hiển đứa con là chính là động lực sống của chị. Chị nhớ vào năm 2006, khi chị bỏ điều trị, chán nản vì cả 2 vợ chồng đều mắc bệnh hiểm nghèo thì đọc được bài thơ con làm có đoạn:

“Mẹ tôi làm chẳng kể ngày/ Bao nhiêu công việc ai tày làm cho/ Còn tôi thì mới dò dò/ Nên tôi chưa thể gánh lo được gì/ Đêm về mẹ mệt li bì/ Còn tôi chỉ biết nằm suy nghĩ rằng/ Mẹ ơi mẹ sống bạc đầu/ Để cho con cháu có câu gọi bà”.

Bài thơ của con khiến chị rơi nước mắt và thay đổi suy nghĩ. Chị bảo, thay vì ngồi suy nghĩ về bệnh tật thì chị lao mình vào công việc, tuy có mệt mỏi nhưng niềm vui trong lao động khiến chị có thêm động lực chiến đấu với bệnh tật.

Từ năm 2012 cho đến nay căn bệnh ung thư của chị dần được kiểm soát. Điều này giống như một kỳ tích vậy. Chị Hiển nghẹn ngào: “Đến bây giờ mỗi một năm Tết đến xuân về, tôi lại cảm thấy mình may mắn, thấy mình tích lũy được rất nhiều điều trong cuộc sống, về sự trải nghiệm về những công việc mình đã làm được. Vì thế, tôi nghĩ trong cuộc sống bản thân luôn phải vươn lên, điều đó khiến mình yêu bản thân, khích lệ mình phải là chỗ dựa vững chắc cho con, cho người thân”.

Trong suốt cuộc trò chuyện, chị Hiển nhắc nhiều đến các vị bác sĩ, lương y với tấm lòng biết ơn. Bởi với chị để có được sự sống như ngày hôm nay, ngoài nghị lực sống của bản thân còn là sự chung tay góp sức của rất nhiều người, rất nhiều mối lương duyên.

Vũ Lành – Đắc Chuyên

http://baophapluat.vn/camera-benh-vien/15-nam-vat-lon-voi-than-chet-cua-nguoi-phu-nu-mang-hai-an-tu-332293.html

✽✽✽✽✽✽