Những người hùng chiến thắng ung thư – Tập 3
MỤC LỤC
- 1Nguyễn Lữ Thu Hồng – Ung Thư Tuyến Tụy – Gia Lai
- 2Nguyễn Thị Ngọc Diễm – Ung Thư Vòm Họng – Hồ Chí Minh
- 3Đinh Văn Trượng – Ung Thư Phổi – Bắc Ninh
- 4Vũ Anh Tú – Ung Thư Phổi – Hà Nội
- 5Trần Công Tín – Ung Thư Đại Tràng – Huế
- 6Vũ Văn Đãng – Ung Thư Phổi – Phú Thọ
- 7Nguyễn Đình Ngọc – Ung Thư Máu – Vũng Tàu
- 8Đặng Thúy Hiến – Ung Thư Gan – Ninh Bình
- 9Nguyễn Thị Ngọc Trâm – Ung Thư Vú – Vũng Tàu
- 10Lê Bảo Toàn – Ung Thư Vòm Họng – Hà Nội
- 11Nghệ Sĩ Anh Vũ – Ung Thư Đại Tràng – Hồ Chí Minh
- 12Nguyễn Ngọc Ba – Ung Thư Phổi – Hồ Chí Minh
- 13Phan Khắc Toàn – Ung Thư Thanh Quản – Hà Tĩnh
- 14Phạm Thị Huế – Ung Thư Gan – Thái Bình
- 15Nguyễn Thị Kim Thư – Ung Thư Dạ Dày – Bạc Liêu
- 16Dương Thị Chiến – Ung Thư Máu – Hà Tĩnh
- 17Nguyễn Thanh Sơn – Ung Thư Hạch – Hà Nội
- 18Nguyễn Xuân Hảo – Ung Thư Vòm Họng – Phú Thọ
- 19Nguyễn Tấn Khả – Ung Thư Gan – Quảng Nam
- 20Đoàn Thị Mơ – Ung Thư Não – Nam Định
- 21Nguyễn Thị Loan – Ung Thư Vú – Hà Nam
✽✽✽✽✽✽
Phan Khắc Toàn – Ung Thư Thanh Quản – Hà Tĩnh
✽✽✽✽✽✽
– Người cựu chiến binh mang “án” ung thư, làm kinh tế giỏi
Gần 10 năm chiến đấu với căn bệnh ung thư thanh quản, giờ đây ông không những đã thoát khỏi cái “án tử” mà còn trở thành một trong những hội viên tiêu biểu về nghị lực vượt khó trong làm ăn kinh tế giỏi.
Người chúng tôi muốn nói đến đó là ông Phan Khắc Toàn (SN 1947, trú tại thôn 2, xã Cổ Đạm, huyện Nghi Xuân, Hà Tĩnh)
Nghị lực
Sinh ra trong một gia đình nghèo khó lại đông anh em. Nên mới 21 tuổi ông Toàn đã lấy vợ là bà Trần Thị Mai, người cùng quê. Và một năm sau, hai vợ chồng chào đón đứa con gái đầu lòng trong niềm hạnh phúc vỡ òa.
Đến năm 1971 mặc dù chưa nằm trong diện chính sách phải đi bộ đội nhưng ông cố nén lòng xa người vợ trẻ, xa đứa con thơ xung phong tình nguyện đi ra chiến trường. Ông tham gia chiến đấu tại chiến trường Bình – Trị – Thiên thuộc đơn vị k10.
Sau khi đất nước giải phóng người thanh niên ấy trở về với gia đình, nhưng đau đớn thay ông đã bị di chứng của chất độc màu da cam với thương tật lên đến 70%.
Dù đau đớn nhưng ông vẫn luôn tỏ ra lạc quan. Thế nhưng, “sóng gió, bão bùng” vẫn cứ tiếp tục ập vào cuộc sống của ông.
Ông Toàn hiện có gần 1ha ao nuôi cá
Năm 2004, khi ông đang định bắt tay vào việc xây dựng mô hình VAC, thì một tai họa ập đến với ông. Bác sĩ cho biết, ông mắc bệnh ung thư thanh quản…
Lúc nhận “án tử” trên tay, ông dường như sụp đổ hoàn toàn. Ông buông xuôi, buồn bã, thậm chí muốn từ bỏ phẫu thuật để tránh gánh nặng kinh tế cho gia đình.
Thật may, nhờ được sự động viên kịp thời của những người thân trong gia đình, ông như được tiếp thêm nghị lực.
“Lúc đó tôi nghĩ lúc chiến đấu với kẻ thù, ranh giới giữa sự sống và cái chết mỏng manh đến thế tôi còn không chùn bước, huống gì căn bệnh này”, ông Toàn tâm sự.
Gia đình đã quyết bán toàn bộ tài sản của gia đình được 35 triệu, cộng thêm tiền vay mượn được tổng số tiền là 80 triệu đồng, ông liền ra Hà Nội điều trị.
Sau gần 10 năm kiên trì “đấu tranh” giành sự sống, ông như phát khóc vì sung sướng khi được các bác sỹ cho biết không tìm thấy di căn ung thư trên cổ của ông, bệnh tình của ông đã tốt hơn ông không còn phải điều trị xạ trị nữa.
“Lúc đó tôi đã khóc khi nghe bác sĩ báo tin. Cuối cùng, sau chuỗi ngày dài đằng đẵng tôi cũng đã chiến thắng cái căn bệnh quái ác đó”, ông Toàn vui mừng kể lại.
Mất niềm tin là mất tất cả!
Trong khoảng thời gian chiến đấu với giành giật mạng sống với tử thần bao nhiêu câu hỏi cứ ùa về trong đầu ông: Làm sao để có tiền để tiếp tục đi chữa bệnh? làm sao để có tiền trang trải cho cuộc sống, lo cho vợ con?…
Ông Toàn chăm sóc hết sức tỉ mỉ cho từng gốc cây
Năm 2006, sau khi nhận được tiền vốn vay từ ngân hàng, ông chia nhỏ ra, một phần dành để trả trả nợ, phần mua tiền thuốc thang, phần còn lại ông quyết tâm đầu tư làm ăn kinh tế.
Ông thuê người làm chuồng nuôi lợn, trâu, bò, kết hợp với chăn nuôi gà, ngan, rồi đào ao thả cá, trồng các loại cây ăn quả với phương châm “lấy ngắn nuôi dài”. Nhờ sự quyết tâm, kiên trì học hỏi, tiếp thu kinh nghiệm từ các mô hình kinh tế của các hộ dân trong xã, mô hình vườn ao chuồng của ông phát triển thuận lợi.
Và giờ đây, trong tay ông đã hơn 20 con trâu, bò, hàng trăm con lợn, hơn 500 con ngan, 0,6 ha các loại cây ăn quả: vải thiều, cam, bưởi và gấn 1 ha diện tích mặt hồ nuôi cá.
Mỗi năm sau khi trừ tất cả các chi phí ông cũng thu về hơn 200 triệu đồng.
Sau hai năm, ông đã trả hết số nợ, đi lên làm giàu bằng đôi tay của mình. Đến năm 2014, khi biết mình đã thoát khỏi cái “án tử”, ông như có thêm động lực. Ông đầu tư thêm hệ thống chuồng trại, mua thêm các thiết bị máy móc, mở rộng quy mô trang trại.
Chính nhờ sự nghị lực, lòng quyết tâm mà ông từ một hộ nghèo trong thôn đã trở thành nông dân giàu có nổi tiếng khắp vùng. Mô hình kinh tế của ông cũng đã tạo ra công ăn việc làm cho nhiều người dân trong thôn.
“Bình thường có 2 đến 3 lao động thường xuyên làm việc tại trang trại. Thu nhập cũng 4 đến 5 triệu đồng/tháng”, ông Toàn cho biết.
Không chỉ làm giàu cho bản thân, bằng kinh nghiệm của mình, ông thường xuyên chia sẻ kinh nghiệm, cung cấp con giống, hỗ trợ nguồn vốn ban đầu cho nhiều hộ dân trong xã.
“Lúc đầu thấy ông nợ nần chồng chất, cuộc sống hết sức chật vật, tiền ăn chẳng có mà lại đi vay mượn để đầu tư làm kinh tế không ai nghĩ ông lại có thể làm nên một sự nghiệp như ngày hôm nay” ông Trần Văn Thái, một người hàng xóm của ông Toàn chia sẻ.
Tạm biệt ông Toàn nhưng câu nói của ông khiến chúng tôi nhớ mãi: “Không có gì là không thể. Dù khó khăn đến cỡ nào nếu có niềm tin, nghị lực và sự quyết tâm thì sẽ vượt qua. Mất niềm tin là mất tất cả!”.
Trần Phương – Nguyễn Nga
– Nghị lực vượt qua “án tử” ung thư thanh quản
Thứ Ba, 8/11/2016 12:36 GMT+7
– Phép màu đã xảy ra, sau hơn chục năm kiên cường chống chọi với những cơn đau, ông Toàn đã chiến thắng căn bệnh hiểm nghèo và vươn lên trở thành chủ trang trại có tiếng giữa làng quê nghèo.
Vợ chồng ông Toàn chia sẻ kinh nghiệm chiến thắng bệnh tật
Thoát chết kỳ diệu
Sau 4 năm tham gia chiến trường Thừa Thiên Huế (từ năm 1971 – 1975), ông Phan Khắc Toàn (SN 1947, ngụ thôn 2, xã Cổ Đạm, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh) bị nhiễm chất độc da cam với thương tật lên đến 70%. Dù lạc quan sống chung với vết thương nhưng ông không ngờ có ngày còn phải gánh chịu thêm căn bệnh “tử thần”.
Đầu năm 2004, ông Toàn bỗng dưng cảm thấy rát, khó chịu ở vùng cổ, nói tiếng khàn khàn. Nghĩ mình bị viêm họng bình thường, ông đi mua thuốc về tự điều trị.
Thế nhưng, sau một thời gian liên tục thay đổi các loại thuốc, bệnh tình của ông không những không thuyên giảm mà còn có chiều hướng nặng hơn. Điều đó khiến việc giao tiếp hàng ngày của ông gặp rất nhiều khó khăn, sức khỏe xuống dốc trầm trọng.
Lo lắng, vợ con kiên quyết bắt ông đi bệnh viện khám. Tại Bệnh viện Đa khoa Nghệ An, sau khi tiến hành các xét nghiệm, người cựu chiến binh đã ngã quỵ khi nghe bác sỹ thông báo bị ung thư thanh quản.
“Choáng váng, hụt hẫng, nhưng tôi vẫn hy vọng đó là kết quả sai. Sau đó, tôi quyết định ra Bệnh viện K Hà Nội khám lại. Tại đây, họ cũng kết luận tôi bị K thanh quản. Đó là thời khắc đau đớn nhất trong cuộc đời tôi”, ông Toàn nhớ lại.
Cái tin sét đánh đó khiến cả vợ con ông cũng suy sụp, đặc biệt khi nghe bác sỹ cho biết bệnh tình ông như vậy nếu phẫu thuật cũng chỉ duy trì sự sống được 1 – 2 năm. Bác sĩ đã khuyên gia đình nên “chuẩn bị tâm lý”, khiến ông Toàn càng lo lắng.
“Nghĩ đến vợ và 9 đứa con nhỏ, tôi không muốn điều trị vì kinh tế quá khó khăn. Nhưng rồi, sau nhiều đêm suy nghĩ, tôi quyết định sẽ thử cơ hội cuối cùng. Lúc đó, động lực lớn nhất của tôi là gia đình”, ông nhớ lại.
Theo chia sẻ, khi ông mới phát hiện bị ung thư, người con út đang học cấp 1, cô con gái thứ 4 chuẩn bị đi xuất khẩu lao động ở Đài Loan. Nghe tin bố mắc trọng bệnh, cô con gái nhất quyết không chịu đi nữa, đòi ở nhà chăm sóc bố.
Tuy nhiên, ông Toàn đã động viên con hãy vì tương lai, nếu không phải vì bố cũng vì các em đang tuổi ăn tuổi học. Hai cha con lại động viên nhau dù mỗi người một nơi nhưng cùng cố gắng.
Với hành trình chữa bệnh ung thư, ông Toàn có niềm tin tuyệt đối vào sự phát triển của y học và các bác sĩ, chứ không theo các “lang băm” như nhiều người mách nước. Đợt đó, sau khi mổ và tiến hành xạ trị, ông Toàn mất hết khả năng nói vì vòm họng bị khoét một lỗ to
. Sau khi mổ xong, các bác sỹ đã tạo cho ông một ống thở ở cổ. Từ đó đến nay, trên cổ của ông phải có chiếc khăn mỏng quàng vào để tránh bụi bặm.
“Mổ xong, tôi mất luôn cả giọng nói nên việc giao tiếp bí bách lắm. Cách duy nhất của tôi là phải viết qua tấm bảng cầm tay. Muốn nói gì, ý kiến ra sao đều thông qua cái bảng nhỏ. Đó là vật bất ly thân của tôi trong suốt 8 năm trời. Nhiều lúc con cái hiểu chậm, hay người ta hiểu sai ý của mình, tôi bực mình vô cùng”, ông Toàn kể chuyện.
Không muốn cả cuộc đời mình bị “cấm khẩu”, người cựu chiến binh ấy bắt đầu tìm hiểu các phương pháp để lấy lại giọng nói. Nghe nói cuốn sách nào nghiên cứu về bệnh ung thư thanh quản, ông đều tìm mua về nghiên cứu. Qua mạng Internet có trang điện tử mách nước ăn cơm vừng sẽ đẩy lùi căn bệnh ung thư, ông liền áp dụng.
Ông tâm sự: “Sống cảnh cứ phải im lặng không phát âm được, tôi chỉ có mong ước lấy lại được giọng nói để thoải mái giao tiếp với mọi người”.
Với quyết tâm đó, vào năm 2012, ông khăn gói ra Hà Nội tham dự lớp học của một Câu lạc bộ tập nói ở Hà Nội do chuyên gia người Nhật Bản hướng dẫn. Sau 4 tháng kiên trì tập nói, ông đã giao tiếp được trở lại.
“Sau hơn 8 năm sống như người bị câm nên lúc nói được, tôi vui sướng lắm. Dù phát âm chưa được rõ, nhưng như thế cũng đủ để người đối diện nghe, hiểu điều tôi nói. Đó là cảm giác hạnh phúc nhất trong cuộc đời tôi”, ông vui vẻ chia sẻ.
Ông Toàn hiện là chủ trang trại có tiếng tại địa phương
Vươn lên thoát nghèo
Ông Toàn cho biết, từ khi phát hiện bệnh, ông lại có lối sống khoa học, điều độ hơn. Nhờ áp dụng chế độ ăn uống hợp lý, tập thể dục, bỏ thuốc lá, không rượu bia… sức khỏe ông tiến triển rõ rệt. Sau khi lấy lại được “phong độ”, ông bắt tay đầu tư vào kinh tế.
Hành trình “thoát nghèo” của ông được vợ là bà Trần Thị Mai (SN 1950) ủng hộ, giúp đỡ. Bà đã cùng ông cải tạo vườn tược, làm trang trại chăn nuôi theo mô hình VAC.
Bắt đầu từ hai bàn tay trắng, ông Toàn đã tận dụng ao nhà, đất đai rộng để chăn nuôi. Ông mạnh dạn vay vốn ngân hàng, đầu tư trang trại làm kinh tế. Với diện tích 1ha mặt nước, ông đầu tư thả các loại giống cá, hàng năm cho thu nhập hơn 100 triệu đồng.
Với 1,7ha đất vườn, ông trồng cam, bưởi, vải thiều…mùa nào thức nấy. Chưa hết, mỗi năm ông còn chăn nuôi hơn 200 con ngan đẻ, lợn, trâu, bò và chó…Mô hình trang trại kết hợp vườn ao chuồng của ông cho thu nhập mỗi năm trên 500 triệu đồng.
Bàn tay lao động chăm chỉ đã đưa ông Toàn từ một bệnh nhân ung thư nghèo trở thành triệu phú ở một vùng quê còn nhiều khó khăn. Mô hình kinh tế của ông được đông đảo bà con địa phương tìm đến học hỏi.
“Suốt thời gian dài chiến đấu với bệnh tật đã khiến cho kinh tế gia đình tôi khánh kiệt. Nhìn cảnh vợ con nghèo khổ, thiếu ăn, làm đủ nghề để lo đủ tiền cho những lần đi điều trị khiến tôi suy nghĩ rất nhiều. Tôi đã tự hứa với lòng mình, khi nào có đủ sức khỏe sẽ làm kinh tế, kiếm tiền bù đắp lại cho vợ con. Và cuối cùng tôi đã thực hiện được nguyện vọng của mình”, người cựu chiến binh hồ hởi nói.
Thêm một niềm vui bất ngờ nữa. Sau hơn 12 năm kiên trì chống chọi với căn bệnh ung thư, ông Toàn đã chiến thắng cả bệnh tật. Ông cho biết, khi mới phẫu thuật, mỗi năm ông ra Hà Nội một lần để tái khám. Riêng năm 2013, ông cùng với con trai út mang 60 triệu đồng ra Bệnh viện Tai Mũi Họng Trung ương điều trị. Mới đây, qua lần xét nghiệm cuối, các bác sỹ thông báo không còn tìm thấy tế bào ung thư trong cơ thể ông.
Bà Mai phấn khởi kể: “Nghe kết quả đó, vợ chồng tôi nhẹ bỗng người. Đợt đó, sau khi về nhà, gia đình đã mở tiệc liên hoan, mừng ông được hồi sinh. Giờ tôi mới nghiệm ra lời ông ấy từng nói: “Bom đạn không hạ gục được tôi thì căn bệnh này cũng đừng hòng giết chết được”. Với bà, chính sự lạc quan, kiên cường của người chồng đã giúp ông nhanh chóng bình phục và tiếp thêm sức mạnh cho vợ con trên hành trình đồng hành cùng ông.
Chứng kiến hành trình chiến thắng bệnh tật của ông Toàn, ông trưởng thôn 2 Trần Văn Đán đã phải thốt lên: “Chúng tôi không ngờ ông Toàn thoát chết một cách kì diệu như vậy. Bị ung thư giai đoạn cuối ai cũng nghĩ chắn chắn ông ấy không thể sống được lâu, vậy mà ông đã làm nên điều kỳ tích. Càng khâm phục hơn khi từ một gia đình nghèo, ông Toàn đã mạnh dạn vay vốn ngân hàng, đầu tư vào trang trại trồng trọt chăn nuôi. Mỗi năm cho lợi nhuận lên tới hàng trăm triệu đồng”.
Đến nay, ông Toàn vẫn giữ thói quen tập thể dục và sinh hoạt điều độ. Mỗi ngày, ông đều dành một khoảng thời gian nhất định để rèn luyện nâng cao sức khỏe. Nhiều năm nay, ông không hề sử dụng đến rượu, bia, luôn giữ cho mình tâm thế thoải mái vui vẻ, hài lòng với cuộc sống hiện tại. Ông cũng không ngại chia sẻ kinh nghiệm chống chọi với bệnh tật và vươn lên làm giàu của mình đối với mọi người.
Long Trần
http://baophapluat.vn/camera-benh-vien/nghi-luc-vuot-qua-an-tu-ung-thu-thanh-quan-304085.html
– Hành trình 11 năm vượt qua ung thư của một lão nông
– Nhìn nước da nhuận sắc hồng hào và nét mặt vui tươi của ông Phan Khắc Toàn (SN 1947, ở thôn 2, xã Cổ Đạm, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh) ít ai nghĩ rằng ông đã phải chiến đấu với căn bệnh ung thư thanh quản quái ác suốt 11 năm. Chính tinh thần lạc quan không nghĩ đến cái chết, với sự hỗ trợ chăm sóc tận tình của thầy thuốc và gia đình, ông Toàn đã vượt qua định mệnh.
Không nghĩ đến cái chết
Cũng như nhiều thanh niên sinh ra trong thời kì đất nước chiến tranh, năm 1971, ông Phan Khắc Toàn xung phong đi bộ đội, chiến đấu ở chiến trường Thừa Thiên Huế. Đất nước hòa bình, người lính trẻ trở về với quê hương, đồng ruộng, dù còn nguyên vẹn thân thể nhưng ông lại mang trong mình di chứng chiến tranh – chất độc da cam. Có lẽ, những năm tháng vùi trong màn sương chất độc của Mỹ đã khiến ông mắc bệnh nan y sau này.
Năm 2004, ông Toàn bỗng dưng đổ bệnh, người gày yếu, sức khỏe giảm sút trông thấy. Đi khám, các bác sỹ kết luận ông bị ung thư thanh quản. “Lúc đó gia đình tôi rất hoang mang, vợ con khóc lóc ghê lắm, vì tôi đang là trụ cột trong gia đình, là chỗ dựa cho con cháu, giờ nhận “án tử” ai mà không xót!”, ông Toàn nhớ lại.
Không đầu hàng trước số phận, ông Toàn bắt đầu hành trình chữa bệnh với niềm tin tuyệt đối vào thầy thuốc và chính bản thân mình. Ngay khi phát hiện ra bệnh, ông Toàn đồng ý cho bác sỹ tiến hành mổ cắt khối u, sau đó là quá trình xạ trị. “Sau mổ và xạ trị, tôi đã mất hẳn khả năng nói vì vòm họng bị khoét một lỗ to. Suốt 8 năm tôi chỉ giao tiếp với mọi người thông qua một cái bảng viết lúc nào cũng kè kè bên ngực. Nói năng giao tiếp bất tiện quá, tôi bắt đầu luyện nói bằng…cổ. Khó khăn lắm, nhưng sự kiên trì đã giúp tôi nói được, dù chỉ nói ngắn và thì thào”, ông Toàn vui vẻ kể.
Ngoài việc uống thuốc và điều trị theo chỉ dẫn của bệnh viện, thấy sách báo nào nói về cách chữa trị ung thư, đặc biệt là ung thư thanh quản là ông Toàn mua về nghiên cứu, tự mình chữa bệnh. “Tôi kiên trì ăn cơm với muối vừng cả năm trời, uống nước lá đu đủ và đặc biệt rất chăm chỉ tập thể dục. Trung bình mỗi ngày tôi dành hai tiếng đồng hồ để đi bộ”, ông Toàn kể.
Ông cho biết, những ngày đầu biết mình mắc bệnh hiểm nghèo, gần đối diện với cái chết khiến ông hoang mang, tuyệt vọng. Nhưng nghĩ về vợ con, về những dự định làm giàu đang ở phía trước giúp ông bình tĩnh trở lại. “Rồi tôi nghĩ, dù sống hay chết tôi cũng phải cố gắng vượt qua, phải tìm cách quên đi bệnh tật, làm những gì mình thích. Trước kia tôi đã hai lần chết đi sống lại vì di chứng chất độc da cam. Chuyện ốm đau với tôi cũng quen rồi”, ông Toàn nói.
Bị ung thư vẫn thành…triệu phú
Vợ ông Toàn, bà Trần Thị Mai là người luôn ở bên chăm sóc, động viên chồng vượt qua từng cơn đau. “Sống được hơn nửa đời người với nhau nên tôi rất hiểu tính ông ấy. Là người can trường, chịu đau đớn rất giỏi, nhưng nhìn ông ấy chịu đựng, tôi phải khóc rất nhiều. Những lúc ông lên cơn đau tôi cũng đau theo ông ấy. Nhưng điều làm tôi khâm phục chồng là dù biết mắc bệnh ung thư nhưng ông vẫn lạc quan lắm! Hàng ngày ông vẫn thích làm việc như bình thường, ai can ngăn cũng không được”, bà Mai kể.
Theo ông Toàn, ngoài việc chăm chỉ tập luyện, điều trị theo hướng dẫn của bác sỹ thì chính cách ăn uống khoa học đã giúp ông vượt qua ung thư. “Ngoài bữa chính thì tôi ăn thêm trái cây như xoài, đu đủ. Đặc biệt, tôi thích ăn ổi vì ổi có nhiều vitamin, tốt cho sức khỏe. Do họng đau nên tôi thường ép ổi lấy nước uống. Lúc giữa bữa mà thấy đói, tôi ăn thêm bánh gạo, bánh quy, uống sữa. Tôi cố gắng nghe lời bác sỹ và ăn uống đủ chất dinh dưỡng. Tôi thường ăn thịt lợn hầm, xương hầm hay nấu canh, cá hầm cho mềm và dễ nuốt. Một tuần tôi còn ăn thịt bò một lần để bổ sung chất đạm, ăn nhiều rau xanh như cải, su hào…”, ông Toàn tiết lộ bí quyết.
Ngoài ra, một đến hai tuần, ông uống nấm linh chi để giải độc cho cơ thể. “Sau một quá trình điều trị, tôi thấy ung thư thực ra không đáng sợ như người ta vẫn nghĩ. Chỉ cần ăn uống khoa học, tăng cường dinh dưỡng, tập thể dục đều đặn, tinh thần thoải mái thì bệnh gì cũng khỏi”, ông nói.
Suốt 11 năm chiến đấu với ung thư, mỗi năm một lần, ông Toàn ra Hà Nội điều trị theo phác đồ của bệnh viện. Năm 2013, ông và con trai út Phan Minh Phúc mang 60 triệu đồng ra Bệnh viện Tai Mũi Họng Trung ương tiếp tục điều trị. Và điều kì diệu đã đến, qua nhiều lần xét nghiệm, các bác sỹ không còn tìm thấy tế bào ung thư trong cơ thể ông. “Vậy là đã khỏi bệnh! Lúc đó, cha con tôi mừng vui vô kể. Chúng tôi quyết định gọi bà con thân quen mở tiệc liên hoan ngay tại Hà Nội, tiêu cho hết số tiền mang đi rồi mới về quê”, ông kể.
Hỏi bí quyết chiến thắng bệnh tật, ông Toàn đúc kết: “Quan trọng nhất là người bệnh phải biết chiến thắng chính mình. Phải kiên trì chiến đấu chống lại bệnh tật với một tinh thần lạc quan, yêu cuộc sống”. Ông Toàn khẳng định hiện sức khoẻ của ông rất ổn định, thậm chí còn khoẻ hơn trước đây.
Dù bệnh nan y đã lùi vào quá khứ nhưng bây giờ ông Toàn vẫn giữ thói quen tập thể dục. Mỗi ngày, ông đều dành một khoảng thời gian nhất định để rèn luyện nâng cao sức khỏe. Nhiều năm qua ông không hề sử dụng đến rượu, bia, luôn giữ cho mình tâm thế thoải mái vui vẻ, lạc quan, hài lòng với cuộc sống hiện tại.
Điều khiến chúng tôi ngạc nhiên là dù biết mình có thể sống không được bao lâu nữa nhưng khi ra viện về nhà điều trị ông Toàn vẫn quyết định vay vốn ngân hàng đầu tư trang trại làm kinh tế. Mô hình trang trại kết hợp vườn ao chuồng của ông cho thu nhập mỗi năm trên 500 triệu đồng, biến ông từ một bệnh nhân ung thư trở thành triệu phú ở một vùng quê còn nghèo khó.
Sơn Nguyễn
– Bí quyết của lão nông 11 năm tự đấu tranh thoát khỏi bệnh ung thư
– Khi phát hiện mình bị bệnh ung thư thanh quản giai đoạn cuối, được chẩn đoán chỉ sống thêm 1 đến 2 năm nữa, ông Toàn vô cùng suy sụp.
Gia đình cũng đã chuẩn bị tâm lý rằng ông có thể “ra đi” bất cứ lúc nào. Thế nhưng, điều kỳ diệu là đến nay sau 11 năm kể từ ngày nhận tin dữ, người đàn ông này vẫn khỏe mạnh, thậm chí còn chăm chỉ lao động, vươn lên trở thành triệu phú ở làng quê nghèo.
Hành trình thoát “án tử”
Hỏi về bí quyết chiến thắng bệnh hiểm nghèo, ông Toàn đúc kết: “Quan trọng nhất là người bệnh phải biết chiến thắng chính mình. Phải kiên trì chiến đấu chống lại bệnh tật với một tinh thần lạc quan, yêu cuộc sống. Hãy tin vào y học, chứ đừng ngu muội chạy theo những lời phán thiếu căn cứ của những thầy bói, lang băm”. Đến nay, dù bệnh nan y đã được đẩy lùi nhưng ông Toàn vẫn giữ thói quen tập thể dục. Mỗi ngày, ông đều dành một khoảng thời gian nhất định để rèn luyện nâng cao sức khỏe. Nhiều năm qua, ông không hề sử dụng đến rượu, bia, luôn giữ cho mình tâm thế thoải mái vui vẻ, lạc quan, hài lòng với cuộc sống hiện tại.
Vốn xuất thân trong gia đình giàu truyền thống cách mạng nên năm 1971, ông Phan Khắc Toàn (SN 1947, trú tại thôn 2, xã Cổ Đạm, huyện Nghi Xuân, Hà Tĩnh) tạm biệt vợ con vào chiến trường Thừa Thiên Huế. Khi đất nước thống nhất, ông phấn khởi trở về quê nhà đoàn tụ cùng người thân. Nhưng thật không may, ông bị nhiễm chất độc màu da cam, sức khỏe ngày càng yếu dần. Đầu năm 2004, ông Toàn bỗng dưng rát cổ và nói tiếng khàn khàn. Nghĩ mình bị viêm họng, ông đi mua thuốc ở trạm y tế về điều trị. Nhưng sau một tháng uống thuốc, bệnh tình ông không những không thuyên giảm mà còn có chiều hướng nặng hơn. Việc giao tiếp hàng ngày của ông gặp rất nhiều khó khăn, sức khỏe xuống dốc trầm trọng. Đến lúc này, vợ con mới kiên quyết bắt ông đi bệnh viện khám.
Tại Bệnh viện Đa khoa Nghệ An, sau khi thăm khám, xét nghiệm, ông cùng người thân như ngã quỵ khi nghe bác sỹ thông báo bị ung thư thanh quản giai đoạn cuối. Không tin bản thân mắc chứng bệnh hiểm nghèo đó, ông tiếp tục ra bệnh viện TW Hà Nội để xét nghiệm. Nhưng đau đớn thay, kết quả vẫn không hề thay đổi. Các bác sỹ thông báo nếu phẫu thuật, sự sống của ông cũng chỉ có thể duy trì 1 đến 2 năm nữa. “Khi biết mình mắc căn bệnh ung thư lại ở giai đoạn cuối, tôi tuyệt vọng lắm. Không tuyệt vọng sao được khi “án tử” đang treo lơ lửng trước mặt. Biết rằng số phận mong manh nhưng thực sự chưa bao giờ tôi nghĩ đến cảnh phải xa vợ con”, ông Toàn nhớ lại cảm xúc khi biết mình mắc bệnh hiểm nghèo.
Sau những ngày chìm trong tuyệt vọng, ông Toàn nhận ra mình cần phải kiên cường, cố gắng để những ngày cuối cùng trên cuộc đời không vô nghĩa. Vậy là ông không buông xuôi mà bắt đầu hành trình chữa bệnh với niềm tin tuyệt đối vào các bác sỹ. Điều đó cộng với sự động viên của vợ con, bạn bè thân thiết đã tiếp thêm sức mạnh cho ông. Đợt đó, sau khi mổ và tiến hành xạ trị, ông Toàn mất hết khả năng nói vì vòm họng bị khoét một lỗ to. Sau khi mổ xong, các bác sỹ đã cấu tạo cho ông thở ra một lỗ ở cổ. Từ đó, ông phải lấy chiếc khăn mỏng quàng quanh cổ để tránh bụi bặm. “Mổ xong, tôi mất giọng nói nên việc giao tiếp khó khăn lắm. Lúc đó, tôi chỉ giao tiếp với mọi người thông qua một cái bảng viết lúc nào cũng mang bên người. Nhiều lúc con cái hiểu chậm, tôi bực mình nhưng cũng chẳng biết làm sao”, ông Toàn hồi tưởng.
Điều kỳ diệu là sau thời hạn phải đối mặt “án tử”, ông Toàn vẫn sống khỏe mạnh, chỉ có điều vẫn như người bị câm vì không thể cất giọng. Vui mừng, ông bắt đầu đi tìm phương pháp giúp mình lấy lại giọng nói. Hay tin cuốn sách nào nghiên cứu về bệnh ung thư thanh quản, ông đều mua về để nghiên cứu. Đọc trên một trang báo điện tử mách nước ăn cơm vừng sẽ đẩy lùi căn bệnh ung thư, ông liền áp dụng. “Trong hoàn cảnh ấy, tôi chỉ có mong ước duy nhất là lấy lại được giọng nói để thoải mái giao tiếp với mọi người, chứ cảm giác muốn phát âm ra điều gì mà không thể thật khó chịu”, ông cho hay. Bản thân ốm yếu không thể làm được những công việc nặng nhọc, trong khi đó gia đình nghèo đói, con cái nheo nhóc, người vợ yếu ớt phải gánh vác vai trò trụ cột. Những điều đó làm ông Toàn vô cùng xót xa nhưng cũng tiếp thêm cho ông quyết tâm chống chọi với bệnh tật. Ông luôn động viên rằng tới một ngày mình sẽ thoát khỏi căn bệnh quái ác để bù đắp lại những khó khăn, vất vả mà người thân đã phải chịu đựng.
Với quyết tâm đó, cách đây 4 năm, ông Toàn quyết định khăn gói ra Hà Nội theo chữa bệnh ở Câu lạc bộ tập nói tại Hà Nội do một người Nhật Bản hướng dẫn. Qua một thời gian chịu khó tập luyện, ông đã giao tiếp được trở lại. “Khi nói được, tôi vui sướng lắm, dù phát âm không được rõ ràng nhưng như thế cũng đủ để người đối diện nghe. Đó là điều hạnh phúc nhất mà không tiền bạc nào có thể mua được”, ông vui vẻ chia sẻ. Người đàn ông này cũng cho biết thêm, nhờ áp dụng chế độ ăn uống, tập thể dục, bỏ thuốc lá, không rượu bia… mà sức khỏe ông tiến triển rõ rệt. Hiện tại, sức khỏe ông còn tốt hơn trước khi phát hiện ra bệnh tình. Và sau khi lấy lại được “phong độ”, ông bắt tay vào làm kinh tế, cải thiện vườn thành trang trại chăn nuôi và trồng trọt.
Quyết tâm làm giàu để bù đắp cho vợ con
Điều khiến nhiều người phải khâm phục chính là ý chí làm giàu, thoát nghèo của ông Toàn. Chẳng là sau khi tìm lại được giọng nói, ông đã mạnh dạn vay vốn ngân hàng, đầu tư trang trại làm kinh tế. Mô hình trang trại kết hợp vườn ao chuồng của ông cho thu nhập mỗi năm trên 500 triệu đồng, giúp ông từ một bệnh nhân ung thư chật vật chữa bệnh trở thành triệu phú ở vùng quê còn nghèo khó. Mô hình kinh tế của ông còn được đông đảo bà con địa phương tìm đến học hỏi.
Gần 11 năm kiên trì chống chọi với căn bệnh ung thư quái ác, có thể nói ông Toàn đã chiến thắng. Mỗi năm một lần, ông ra Hà Nội điều trị theo phác đồ của bệnh viện. Mới đây, các bác sỹ không còn tìm thấy tế bào ung thư trong cơ thể ông. “Nghe bác sỹ thông báo tình hình bệnh tình mà mẹ con tôi vui lắm. Chúng tôi đã mở tiệc liên hoan mừng miền vui này. Quả đúng như ông ấy từng nói: “Bom đạn không hạ gục được tôi thì căn bệnh này cũng đừng hòng giết chết được”, bà Trần Thị Mai (vợ ông Toàn – PV) phấn khởi chia sẻ. Rồi bà hào hứng kể thêm về sự kiên cường của chồng: “Sống hơn nửa đời người với nhau nên tôi rất hiểu tính chồng. Ông ấy là người can trường, chịu đau đớn rất giỏi. Ở bên chồng suốt những năm chống chọi với bệnh tật, không biết tôi đã rơi bao nhiêu nước mắt. Vậy mà ông ấy vẫn cười vui, vẫn lạc quan như không có chuyện gì. Có lẽ đó cũng là điều giúp ông ấy vượt qua bệnh tật”.
Chứng kiến hành trình chiến thắng bệnh tật của người hàng xóm, ông Trần Văn Đán (Trưởng thôn 2, xã Cổ Đạm) phải thốt lên rằng: “Chúng tôi không ngờ ông Toàn thoát chết một cách kì diệu như vậy. Bị ung thư giai đoạn cuối, ai cũng nghĩ chắn chắn ông ấy không thể sống được lâu, vậy mà đến nay, ông ấy vẫn khỏe mạnh, tinh nhanh. Chúng tôi càng khâm phục hơn khi ông ấy mạnh dạn vay vốn ngân hàng để đầu tư vào trang trại trồng trọt chăn nuôi, bây giờ mỗi năm thu nhập lên tới hàng trăm triệu đồng”.
Kim Long/Gia đình và Xã hội
✽✽✽✽✽✽