Những người hùng chiến thắng ung thư – Tập 3

Giọng:

✽✽✽✽✽✽

Lê Bảo Toàn – Ung Thư Vòm Họng – Hà Nội

✽✽✽✽✽✽

– Không đầu hàng số phận

Dẫu biết bệnh tật không chừa ai bao giờ và lời khuyên của bác sĩ, thầy thuốc với bệnh nhân trong mọi trường hợp là hãy tự tin và luôn lạc quan sẽ chiến thắng bệnh tật. Nói như vậy song thực tế để vượt qua nạn “tật ách” của cuộc đời quả là điều không dễ dàng đối với nhiều người. Trong trường hợp bác sĩ – đại tá TS. Lê Bảo Toàn cũng không ngoại lệ khi ông hay tin mình bị ung thư vòm họng. Nhưng cũng chính trong thời điểm này, vận dụng sự can đảm của một người quân nhân, sự trải nghiệm của một người bác sĩ – bệnh nhân Lê Bảo Toàn đã chứng minh: bệnh tật, dẫu là những căn bệnh nan y và khó chữa như ung thư vẫn có khả năng chữa khỏi nếu như bạn có nghị lực vươn lên…….

Xin trân trọng giới thiệu loạt bài về vị bác sĩ – bệnh nhân đặc biệt này và phương pháp vượt qua căn bệnh nan y của ông nhằm phần nào gợi cho bạn đọc và giúp cho bệnh nhân tham khoả một hướng điều trị bệnh ung thư tích cực có hiệu quả.

Phần 1: Án Treo

Cuộc đời không ai lường được chữ “ngờ”. Ngày 4/9/1995, tôi đã được Viện tai mũi họng – bệnh viện K xác chuẩn sinh thiết làm giải phẫu bệnh lý cho hay: tôi bị ung thư vòm họng. Lúc đó, mọi thứ trong tôi đều đảo lộn, tôi bàng hoàng giữa cái sống và cái chết đang cận kề rình rập. Một cảm giác thật khó tả lại xuất hiện giống như cảm giác của người lính trước giờ nổ súng xung trận mà tôi và những người lính từng tham gia chiến tranh đó trải qua” – bác sĩ Toàn tâm sự.

Cho đến bây giờ, trải qua bao thăng trầm của cuộc đời, bác sĩ – đại tá Lê Bảo Toàn vẫn chưa thể hiểu hết ý nghĩa của cái tên mà bố mẹ đã đặt cho ông. Phải chăng “Bảo Toàn” nghĩa là định mệnh là không đổi: tồn tại phải chiến đấu, phải sống!

Sinh ngày 25/5/1947, tại làng Ché (nay thuộc xã Dỵ Chế, Tiên Lữ, Hưng Yên) – mảnh đất vùng chiêm chũng nghèo đã sinh ra vị danh tướng Đề Thám với biệt danh “Hùng Thiêng Yên Thế” huyền thoại thời kỳ đầu chống Pháp và trước đó cũng là địa danh mà vua Ngô Quyền đã từng chọn làm nơi dấu cọc chuẩn bị cho cuộc đại chiến trên sông Bạch Đằng, cắm mốc quan trọng trong lịch sử chống ngoại xâm bảo vệ đất nước của dân tộc ta….. bác sĩ Lê Bảo Toàn đã sớm thừa hưởng tinh thần quật khởi của người dân nghèo nơi đây.

Sinh ra và lớn lên trong một gia đình nông dân nghèo, mới lên 6 tuổi, chú bé Bảo Toàn đã phải sớm xa nhà đi làm người ở cho một gia đình ở Nam Hà. Hai năm sau cái tin bố chết oan trong cải cách ruộng đất vì biết tiếng Pháp nên bị tình nghi là Quốc dân Đảng (trong khi mọi người đều đi hoạt động cách mạng) mới đến được với cậu bé Toàn….. Bỏ công việc ở đợ, Bảo Toàn về quê theo người anh thứ hai Lê Năng Nhượng giáo viên để đi học. “Chẳng biết có phải vì thừa hưởng cái gien của ông nội vốn là một thầy lang chữa bệnh và ông ngoại làm nghề dạy chữ nho mag năm 1964, tôi đã thi đõ trường Đại học Y – Dược Hà Nội trong cái thời “Nhất y, nhì dược, tạm được bách khoa, sư phạm bỏ qua, nông lâm vứt xó”. Trong thời gian đó trường đã cử 16 sinh viên giỏi sang học tại Đại học Tông hợp (chuyên ngành Toán, Lý, Hoá) rồi sau về làm cán bộ giảng dạy Đại học Y khoa Hà Nội. Riêng tôi được phân công làm cán bộ giảng dạy nghiên cứu của “Đơn vị nghiên cứu y học phóng xạ” (Chủ nhiệm là GS.TS Phan Văn Duyệt), tiền thân của bộ môn Y học hạt nhân và Ung bướu sau này”. Còn tại bệnh viện Bạch Mai, tôi được giao nhiệm vụ chính là ứng dụng năng lượng nguyên tử ĐVPX vào chuẩn đoán, điềảntị bệnh. Cuộc đời những tưởng bằng lòng với những gì đã định. Song trước lời kêu gọi của Tổ quốc “Quyết tử cho tổ quốc quyết sinh”, chàng trai Bảo Toàn đã tạm rời chiếc áo trắng của người bác sĩ, tạm biệt bệnh viện, khoác ba lô và cầm súng ra chiến trường làm nhiệm vụ vẻ vang của người thanh niên chí khí lúc bấy giờ là chiến đấu giành độc lập và thống nhất nước nhà.

“Thôi nhé phía sau xin gửi lại

Đại học Quân y một mái trường

Nhớ thầy điểm bận tà áo trắng

Giáo án mài đêm mái tóc sương”.

Rời tay súng người lính Lê Bảo Toàn tiếp tục làm nhiệm vụ người thầy thuốc, sau này là người thầy giáo đứng trên bục giảng. Từ những ngày giảng dạy ở Bình Trị Thiên, Đại học y TP Huế, công tác ở Bệnh viện Chợ Rẫy, đại học y Tp Hồ Chí Minh rồi cho đến những tháng năm tiếp tục đi tu nghiệp ở nước ngoài nâng cao tay nghề nơi xứ tuyết lạnh giá với mong ước:

Xa nhau như hẹn ngày trở lại

Khói lửa đã qua, đất nước thanh bình.

Giảng đường xưa, thầy trò xây Trường – Viện

Ươm tiếp tương lai những mầm xanh”.

Trở về nước, bác sĩ Toàn được phân công công tác tại bệnh viện Quân y 103. Những tưởng, cuộc sống sẽ bình yên cho đến ngày ông nghỉ hưu. Nhưng rồi cuộc đời không ai lường được chữ “ngờ”. Ngày 4/9/1995, tôi đã được Viện tai mũi họng – bệnh viện K xác chuẩn sinh thiết làm giải phẫu bệnh lý cho hay: tôi bị ung thư vòm họng. Lúc đó, mọi thứ trong tôi đều đảo lộn, tôi bàng hoàng giữa cái sống và cái chết đang cận kề rình rập. Một cảm giác thật khó tả lại xuất hiện giống như cảm giác của người lính trước giờ nổ súng xung trận mà tôi và những người lính từng tham gia chiến tranh đó trải qua” – bác sĩ Toàn tâm sự

“ Khi có kết quả xét nghiệm, tôi không đến lấy mà nhờ con gái đến Bệnh viện K lấy kết quả xét nghiệm, GS. Đức giám đốc bệnh viện K bạn tôi nói chưa có kết luận vì chưa rõ…..”

Phần 2: Tin dữ đồn xa

Cái tin dữ đã được kết luận chính xác: tôi bị ung thư vòm họng. Gia đình, anh em họ hàng từ nhà quê kéo lên, nhiều người đã sụt sùi khóc. Bè bạn đồng nghiệp từ các trường, viện khắp nơi đến chia sẻ, bệnh nhân của khoa tôi đang điều trị rồi đến các em sinh viên, hàng xóm đông đủ. Ai về cũng bùi ngùi cố nắm chặt tay “người sắp chết”, muốn động viên trong sự tuyệt vọng.

Thế rồi cái tin dữ đã được kết luận chính xác: tôi bị ung thư vòm họng, căn bệnh từng cướp đi sinh mệnh của danh họa Bùi Xuân Phái, buộc ông để lại nhiều tuyệt tác về phố cổ còn dang dở.

Vì có thời gian dài làm thầy giáo, thầy thuốc dạy ở nhiều trường Đại học Y, bệnh viện của dân và quân đội, cả Bắc, Trung, Nam, cả ở trong và ngoài nước, nên chuyện tôi bị ung thư hiểm nghèo lan đi rất nhanh, rất xa. Ai cũng thầm hiểu, bị ung thư có khác gì bị thần chết “ký lệnh bắt”. Thế là những lời chia buồn, những chuyến thăm hỏi đầy xót thương như “vĩnh biệt” dồn dập đến.

Gia đình, anh em họ hàng từ nhà quê kéo lên, nhiều người đã sụt sùi khóc. Bè bạn đồng nghiệp từ các trường, viện khắp nơi đến chia sẻ, bệnh nhân của khoa tôi đang điều trị rồi đến các em sinh viên, hàng xóm đông đủ. Ai về cũng bùi ngùi cố nắm chặt tay “người sắp chết”, muốn động viên trong sự tuyệt vọng.

Ban giám đốc BV 103; rồi gia đình BS Ngô Minh Hải – GĐ Bệnh viện Tâm thần Hà Nội; GS. TS Khoa học Phạm Manh Hùng (sau này là Thứ trưởng thường trực Bộ Y tế) đích thân đến thăm hỏi. GS.TS. Phan Văn Duyệt chủ nhiệm bộ môn Khoa y học hạt nhân Đại học Y Hà Nội, đi xe máy từ Hà Nội vào. Lần đầu tiên thấy con người cứng rắn nghị lực cả đời ấy không ngăn được nước mắt khi nhìn tôi. GS.TS Khoa học Lê Thế Trung – Giám đốc Học viện Quân y thì đến với vẻ hốt hoảng:

– Lê Bảo Toàn đâu? Đã uống Phylamin chưa?

– Uống rồi, 6 viên chia 2 lần! – Tôi đáp.

– Uống nữa! 16, 18 viên chia 2 lần

Tôi ngạc nhiên, vì thuốc Phylamin – một loại thuốc hỗ trợ điều trị ung thư – đang thử nghiệm lại có liều đặc biệt riêng như vậy. Dường như tôi vẫn còn chút may mắn, vì khi đó đúng vào giai đoạn bắt đầu ứng dụng thuốc Phylamin trên người bệnh. Và theo phương pháp điều trị này, tôi vẫn sử dụng thuốc Phylamin từ đó cho đến nay đã 15 năm như một sự hỗ trợ đắc lực cho việc điều trị căn bệnh của tôi. Như tôi được biết thuốc Phylamin hỗ trợ điều trị ung thư đã được Bộ Y tế cấp giấy phép và đề tài nghiên cứu về Phylamin của GS.TS KH Lê Thế Trung hiện nay đã được chuyển giao công nghệ cho công ty CP dược TW Mediplantex sản xuất, lưu hành với tên biệt dược trên thị trường là Mediphylamin. Tôi cũng biết thông tin rằng hiện nay một số bệnh nhân mắc bệnh như tôi ở một số bệnh viện vẫn được công ty Mediplantex hỗ trợ thuốc Mediphylanmin để điều trị và tôi cũng mừng vì họ cũng đã có những dấu hiệu tích cực.

Phần 3: Phải vượt

Tôi tự nhủ mình cần tranh thủ thời gian, không thể ngồi chờ chết, phải tin tưởng, hy vọng. Và thực tế là tôi không đơn độc. Hơn lúc nào hết, phải vượt lên số phận, tôi tin vào khoa học, vào bác sĩ, vào sự giúp đỡ, chia sẻ của cộng đồng.

Lúc này, cả nước chưa có máy xạ trị gia tốc, kể cả Bệnh Viện K Trung ương cũng chỉ có máy Cobalt – 60. Máy tôi vào điều trị Tia Xạ ở Bệnh viện K là của “Hội Tầm Nhìn Thế Giới” tặng. Bác sĩ Bùi Công Toàn – chủ nhiệm khoa xạ trị Bệnh Viện 103 – là đồng nghiệp, đã động viên tôi và căn dặn kĩ thuật phục vụ, kĩ sư trưởng Nguyễn Văn Cử đã cho tôi biết tính năng tác dụng của máy xạ trị mới.

Dường như lượng người mắc các bệnh về ung, bướu là khá lớn. Bệnh viện K43 – Quán sứ, chật chội trước nhu cầu thực tế, bệnh nhân rất đông đúc, xe không có chỗ để. GĐ bệnh viện 103 Trần Mạnh Chí đã cho ô tô vào hàng ngày chở tôi đi về trong suốt quá trình điều trị, còn GĐ bệnh viện K PGS. TS Nguyễn Bá Đức viết giấy cho ban bảo vệ ưu tiên cho phép tôi đỗ xe trước sân bệnh viện. Sự quan tâm ân cần của mọi người, khiến tôi rất cảm động và yên tâm hơn. Tôi nhận được sự ưu ái rất tình người mà suốt đời tôi không thể quên được

Ngày đầu tiên, bước vào phòng xạ trị, tôi nằm lên bàn máy cao chênh vênh, tiếng máy rè rè di chuyển, đèn phòng tắt. Ánh sáng tia Laser định vị toạ độ sao cho đúng kích thước khối ung thư cần tiêu diệt, đầu máy to tròn từ từ lia quay tròn dọi tìm tia sao cho chính xác, bóng lờ mờ của kĩ thuật viên di chuyển, trong tâm trạng thật khó tả, tôi nhắm mắt, một cảm giác thật khó tả bỗng xuất hiện. Tôi chỉ biết tuân theo y lệnh.

Chuẩn máy xong, anh kĩ thuật viên đi ra, cánh cửa chì đóng lại, một mình tôi nằm trơ, tất cả phòng im phắc. Kĩ thuật viên từ phòng điều khiển bên ngoài bấm công tắc cho máy hoạt động. Tiếng máy rè rè mở đĩa Pharm, lại im lặng, chắc tia đang bắn. Tôi mệt

Lúc ấy thực tình muốn ngủ để mặc mọi chuyện diễn ra nhưng đâu có đơn giản được như vậy. Sự căng thẳng xâm chiếm, những ý nghĩ vẩn vơ cứ thay nhau xuất hiện. Nếu phải chết, nằm dưới đất một mình liệu có cô quạnh như thế này không. Thầy thuốc là bệnh nhân thì lại càng phải nghiêm túc chữa bệnh, thầy thuốc phải biết tự cứu mình hơn bệnh nhân chứ, giống như đi cứu người chết đuối thì phải biết bơi giỏi, không thể lại chết trước người gặp nạn. Những lập luận tự hỏi và trả lời ấy cứ lai rai, đay nghiến tôi cho đến khi cửa mở, anh KTV đã đến tự lúc nào: “Xin mời bác xuống, ngày mai nhớ đến và mang theo giấy hẹn”.

Tôi loay hoay từ giường máy bước xuống bậc thang chuyệnh choạng muốn ngã. Đúng là “đứng trước vành móng ngựa khó hơn làm quan toà”. Được một thời gian, tôi xin được điều trị ngoại trú, tia và nhận thuốc xong tôi lại trở về phòng Chủ nhiệm khoa của Viện 103 nằm. Tôi xin không điều hành công việc của khoa, nghỉ tĩnh dưỡng suốt thời gian chữa bệnh.

Phần 4: Gặp thuốc

Tôi dường như vẫn còn một chút may mắn, nhờ lần GS. Lê Thế Trung đến thăm, tôi đã được biết đến và sử dụng sản phẩm MediPhylamin – thuốc hỗ trợ điều trị ung thư do chính GS. Lê Thế Trung và các nhà khoa học trong nước nghiên cứu.

Trong thời gian chờ tia xạ có rất nhiều thông tin báo chí của bạn bè và tiếp thị thuốc đưa đến, những bài thuốc “Thiên tiên” Linh Chi Bảo, giun đất, Anticancerlin… của Trung Quốc, thuốc Aslem đai học dược, TFX, Cycloforon, Mocrea, tam thất, Taxon, lá thông đỏ, xạ đen Spirulina, lá đu đủ, thậm chí theo Tạp chí Phụ nữ Trung Quốc còn dùng cả một số nông sản thực phẩm có tác dụng chữa bệnh ung thư: khoai lang, tỏi, gan động vật, cà chua, nấm, cải trắng, cà rốt, ngô, măng lau… Rồi các sản phẩm của công ty Vision International People Group với phương thức kinh doanh bán hàng đa cấp.

Tôi tỉ mẩn ghi chép, là bác sỹ trước kia thì quan tâm chữa bệnh cho bệnh nhân, nay lại là bệnh nhân tôi lại càng quan tâm hơn. Tôi nghe thầy thuốc, nghe cả kinh nghiệm của bệnh nhân, như một người học trò cầu thị, chăm chỉ. Bà thím tôi là Nguyễn Thị Quý, cô giáo hơn 80 tuổi, vẫn đều đặn cắt những bài thuốc đăng trên các báo gửi đến cho tôi.

Có lần cùng sinh hoạt câu lạc bộ thơ Hải Thượng của các nhà y học tại Viện kiểm nghiệm Dược T. W,48 Hai Bà Trưng, HN, giáo sư Lê Văn Truyền nguyên thứ trưởng Bộ y tế, đã tặng tôi cuốn sách mới in “Dược thứ quốc gia Việt Nam” dùng cho tuyến y tế cơ sở. Tôi còn nhắc chính anh đã thay Bộ trưởng ký quyết định về việc cho phép sản xuất và lưu hành thuốc Phylamin trong nước (số 654/BYT-QĐ ngày 11/8/1994).Từ những ngày đầu xạ trị tôi đã được dùng liều cao 16 viên 1 ngày, cái liều chỉ định đặc biệt ngoại lệ là nhờ lần GS Lê Thế Trung đến thăm tôi đã quyết định, nhờ tính cách mạnh mẽ dám nghĩ, dám quyết, dám làm, dám chịu trách nhiệm trong công việc ấy, chẳng thế mà ông là Anh hùng LLVT GS TSKH.

Phylamin là một bài thuốc Nam theo kinh nghiệm dân gian trong nhóm đề tài KY.02.09: “Nghiên cứu một số vị thuốc Nam có tác dụng hỗ trợ điều trị ung thư” (Thực nghiệm và lâm sàng). Ngay từ những năm 1987 – 1990 đã được Bộ Quốc phòng hỗ trợ, với các thuốc K1.K2,K3,K4,K5, sau khi đã thành công gây mô hình ung thư thực nghiệm từ 1983-1986 tại Học viện Quân y. Tập thể nghiên cứu của các GS.TSKH Lê Thế Trung, Trần Đức Thọ, Trần Văn Hanh, TS Trần Thanh Dương, PGS.Ts Lê Văn Thảo và các cộng sự của Học Viện Quân Y, Trung tâm nghiên cứu ứng dụng các sản phẩm nông hóa Viện Bảo vệ sức khoẻ người cao tuổi tiến hành nghiên cứu thành phần hoá học của Phylamin nhận thấy Phylamin tập trung một hàm lượng lớn, phong phú các chất có hoạt tính sinh học như: Flavonoid, các vitamin nhóm B, C, PP… các axit amin cần thiết cho cơ thể: Cystein, Arginin, Glutamic, Arspartic, Prolin, Tyrosin, Methionin, Norlencin, đặc biệt có các nguyên tố vi lượng: Se,Cu,Fe, Mn,Zn.

Nghiên cứu đã chứng minh Phylamin có tác dụng tăng cân, tăng cơ lực, tăng thể lực, hạ cholesterol và triglycerid máu, tăng protein máu toàn phần và hemoglobin máu, tăng cường khả năng miễn dịch tế bào, chống đỡ stress của cơ thể và môi trường. Phylamin hoạt hoá đại thực bào và các lympho bào, do đó tăng cường khả năng tiêu diệt các tế bào ung thư, có tác dụng ức chế sự phát triển khối u. Hơn nữa, dùng Phylamin an toàn, không độc, chưa thấy tác dụng phụ và tương tác thuốc.

Phần 5: Sóng Gió…

Từ khi biết mình bị ung thư vòm họng, sóng gió đến với tôi không lúc nào dừng. Nhiều lần K vòm họng tái phát phải hóa trị, xạ trị, đến những lần phải cấp cứu vì cao huyết áp, cướp máu não, thiếu máu cơ tim cục bộ…

Hơn 3 tháng điều trị xạ trị ở bênh viện K từ 6/9/1995 đến 22/1/1996, những tác dụng phụ của tia xạ ngày càng rõ, hai tai, mắt, cổ tôi xạm đen dần. Mặc dầu được bôi thuốc phòng chống bỏng, thuốc bảo vệ răng, nhưng cái cảm giác rát bỏng niêm mạc bên trong hốc mũi, họng, thực quản, khó chịu như những ngày rét hanh độ ẩm thấp, như thể sắp bong ra được.

Tình trạng sức khỏe của tôi lúc này thật tồi tệ. Sinh hoạt ăn uống rất khó khăn, miệng khô. Có những khi bụng đói mềm, thèm ăn nhưng không nuốt nổi, mất hết vị giác. Tai ù, mắt mờ đi, cảm giác chuyếnh choáng mất thăng bằng thỉnh thoảng xuất hiện. Tôi cũng đã mường tượng ra trước đó tình trạng này tôi có thể gặp. Là một bác sỹ, tôi cũng gặp rất nhiều bệnh nhân phải vật lộn với những tác dụng phụ sau điều trị tia xạ, nhưng tôi không nghĩ nó lại kinh khủng đến như vậy. Sau điều trị tia xạ, hệ thống miễn dịch cơ thể sẽ suy giảm rất nhiều nên gây ra những hiện tượng như viêm loét vùng chiếu xạ. Kinh nghiệm cho thấy nên sử dụng những thuốc có tác dụng làm tăng cường miễn dịch để hạn chế vấn đề này. Tôi chọn Phylamin vì tác dụng chống suy giảm miễn dịch tốt. Rồi theo thời gian, sức khỏe của tôi cũng dần hồi phục, u tại chỗ tan đi, hạch góc hàm nhỏ lại, các triệu chứng trên cũng không còn nữa.

Có chút sức khỏe, tôi lại tiếp tục công việc khám chữa bệnh và giảng dạy sinh viên. Những ngày này thật hạnh phúc êm đềm, mới thấy giá trị vô cùng của cuộc sống. Ngoài công việc chuyên môn, tôi dành thời gian làm nhà, chăm sóc gia đình, vợ con, vui vẻ cùng bầu bạn như người từ “cõi chết” trở về.

Nhưng sự thật trớ trêu vẫn chưa dừng lại, chưa đầy 3 năm sau, tôi buộc phải vào viện khoa Tai – Mũi – Họng và khoa A7 bệnh viện 103 điều trị với chẩn đoán K vòm họng tái phát từ tháng 3 đến tháng 5 năm 1999. Tôi được chỉ định điều trị phối hợp tia xạ và hóa chất.

Lần đầu tiên dùng liều hóa chất, tôi cứ ngỡ như ruột gan dạ dày lộn ngược, nôn ọe, thuốc chống nôn cũng không có tác dụng, phải dùng thuốc ngủ. Hai năm sau (2002) tôi lại bị choáng phải cấp cứu vì bệnh cao huyết áp. Bệnh nọ chưa dứt đã “xọ” bệnh kia, kêu than liệu có ích gì, tôi lại kiên nhẫn điều trị, không ngày nào không phải uống thêm thuốc đề phòng cao huyết áp.

Sau khi ra viện ở tuổi 55, tôi chủ động xin thôi lãnh đạo điều hành chỉ làm chuyên viên, dạy học. Vẫn là cái “số có duyên” với… bệnh viện, chỉ một thời gian ngắn “tại ngoại” tôi lại phải điều trị tại khoa A7 bệnh viện 103 với chuẩn đoán là nhược sản tủy ở bệnh nhân tiếp xúc phóng xạ, suy nhược thần kinh, K vòm họng, tăng HA độ 3 giai đoạn 2, đã có lần tôi mất hướng tự ngã do tình trạng cướp máu não. Sóng gió chưa dừng, đến năm 2004, khoa A1 bệnh viện 108 điều trị chẩn đoán tôi bị thiếu máu cơ tim cục bộ thành trước, mỏm tim vách liên thất do suy mạch vành, chỉ định đặt Stend.

Phần 6: Niềm tin và hy vọng

Cuộc sống sẽ thật chẳng ý nghĩa nếu không còn niềm tin và hy vọng. Với người khoẻ mạnh, họ tin tưởng và hy vọng vào những tương lai tươi sáng, những ước mơ sẽ trở thành hiện thực Một người bệnh như tôi, vượt qua bệnh tật và lấy lại được sức khoẻ chính là mục tiêu, thử thách cần vươn tới.

Cứ thế, có bệnh thì phải chữa, tôi vào viện, ra viện, lặp đi lặp lại như cơm bữa. Sự quan tâm của mọi người cũng nhạt dần, có thể vì tôi cũng ngại. Đã hơn 30 lần phải ra vào các bệnh viện với người bị ung thư đa bệnh do làm nghề tiếp xúc với phóng xạ độc hại. Tôi “sống chung với bệnh” cũng đầy gian truân, trắc trở.

Có những lúc cô đơn “thấy mùi đất thơm thơm, thấy mùi cơm ngai ngái” tôi lại bừng tỉnh, tự nhủ. Hãy tin vào khoa học, tin vào y học, vào các bệnh viện, các thầy thuốc chuyên ngành phòng chữa ung thư. Có những lúc mệt mỏi, uể oải muốn mà không thể ngồi dậy được, tôi nghĩ ra bài tập thể dục nằm trên giường, khi uống thuốc đắng lại nghĩ đến kẹo ngọt quên đi, lấy đau chỗ này làm giảm đau chỗ khác. Tôi chữa Đông, Tây y kết hợp. Biết mình, biết bệnh để lựa mà sống, ăn mà sống thì tôi ăn, ăn mà chết thì tôi kiêng. Uống mà sống thì tôi uống, uống mà chết thì tôi khước từ. Tôi thích tiến công nhưng quên không phòng thủ. Vui lạc quan là chính “một nụ cười bằng mười thang thuốc bổ”, tôi làm thơ, viết văn, sáng tác bài hát. Tôi luôn cho rằng quỹ thời gian của người bị ung thư là có hạn, tôi tranh thủ lo nhà cửa cuộc sống cho vợ con, tổng kết cuộc đời làm thầy giáo, thầy thuốc.

Lúc đó tôi chợt có cảm thấy thấu hiểu ý nghĩa của câu “sướng khổ tại tâm”. Tâm trí tôi thanh thản vô tư, đi đâu cũng như về nhà, vui vẻ cùng mọi người trong các câu lạc bộ Thơ, Văn hoá. Tôi làm tư vấn nhân đạo sức khoẻ giúp đỡ người bệnh không lấy tiền. Cuộc sống sẽ thật chẳng ý nghĩa nếu không còn niềm tin và hy vọng. Với người khoẻ mạnh, họ tin tưởng và hy vọng vào những tương lai tươi sáng, những ước mơ sẽ trở thành hiện thực.

Còn với một người bệnh như tôi, vượt qua bệnh tật và lấy lại được sức khoẻ chính là mục tiêu, thử thách cần vươn tới. Là người lính, tôi cũng có nhiều huân huy chương và danh vọng, nhưng có lẽ liều thuốc quý hơn cả là lời động viên, khích lệ tinh thần của bác Võ Nguyên Giáp: “là thầy thuốc chiến sỹ, thầy giáo, nhà khoa học, đồng chí đã vượt mọi khó khăn, đem hết tâm đức trí tuệ cống hiến cho ngành y và chăm sóc người bệnh”. Bác đã dặn tôi: “Tiếp tục lạc quan yêu đời, chiến thắng bệnh tật để làm việc tốt, làm thơ hay”. Câu nói giản dị của người từng là Đại tướng, tổng tư lệnh QĐNVN ấy, đã tiếp sức cho tôi thật nhiều trong quyết tâm sống, chữa bệnh và làm việc.

Theo báo sức khỏe và đời sống.

http://mediplantex.com/tin-tuc/thong-tin-y-duoc/4806/khong-dau-hang-so-phan.html

– 18 năm chiến đấu với bệnh ung thu

11:00 30/12/2013

Cả đời mình, Đại tá, TS.BS Lê Bảo Toàn gắn bó với Y học hạt nhân, mài quần trên ghế nhà trường để học và nghiên cứ về y học hạt nhân, xạ trị cho bao nhiêu bệnh nhân ung thư. Sinh nghề tử nghiệp, cuối cùng ông lại mắc căn bệnh ung thư vòm họng có nguồn gốc từ…phóng xạ.

Từ bác sĩ bỗng thành… bệnh nhân

Sinh ra ở đất Hưng Yên, Đại tá Tiến sĩ, bác sĩ Lê Bảo Toàn đã từng là sinh viên Trường Đại học Y khoa và khoa Vật lý hạt nhân – Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội. Ông cũng là một trong những người đầu tiên xây dựng khoa Y học phóng xạ – Bệnh viện Bạch Mai, rồi theo lệnh tổng động viên nhập ngũ. Sang nước CHDC Đức làm nghiên cứu sinh rồi về nước công tác tại Viện Quân y 103 làm Chủ nhiệm khoa Y học phóng xạ.

Một ngày đẹp trời, Đại tá, bác sĩ Lê Bảo Toàn cảm thấy họng ngứa, đau và rát. Những triệu chứng không khác gì viêm họng bình thường, điều trị mãi không dứt điểm, ông đi khám ở Viện Tai Mũi Họng Trung ương. Kết quả sinh thiết: Ung thư vòm họng. Thời điểm kinh hoàng đó làâ một ngày tháng 9 năm 1995, ông đang đứng trước mốc tuổi “49 chưa qua…” oan nghiệt.

Từ một vị tiến sĩ nghiên cứu khoa học, một bác sĩ lâm sàng lâu năm chuyên ngành xạ trị ung thư, ông Lê Bảo Toàn trở thành một bệnh nhân ung thư vòm họng. Đúng là dao sắc không gọt được chuôi!

Có bệnh thì vái tứ phương, Tiến sĩ Lê Bảo Toàn cũng “vái”, nhưng “vái” theo một trình tự khoa học với phác đồ điều trị chuyên nghiệp: Tây y trước, đến Đông y sau. Ông được điều trị từ máy xạ trị của “Hội tầm nhìn thế giới” tặng. Không biết bao nhiêu di chứng để lại như xạm da, khô miệng, ù tai, mờ mắt. Suốt gần năm xạ trị, số thuốc men và máy móc mà ông tiếp xúc có khi còn nhiều hơn thời kì học tập và nghiên cứu. Bệnh nối bệnh, từ ung thư chuyển sang cao huyết áp, rồi suy nhược thần kinh, thiếu máu cơ tim cục bộ. Một quãng đời thê thảm, sau này cứ nghĩ đến là không khỏi rùng mình.

Làm thơ… chữa bệnh

Ngoài xạ trị bằng y học hiện đại, Đại tá Tiến sĩ Lê Bảo Toàn còn dùng thơ để chống lại bệnh tật, đem ngôn từ nuôi dưỡng tinh thần chống lại nỗi đau thể xác, ông tìm đến thơ như một liều thuốc tâm hồn, chứ không có ý định thành thi sĩ. Câu chuyện của ông hao hao giống cái nghiệp duyên Hàn Mặc Tử. Nhưng giữa anh nhà thơ trẻ với ông bác sĩ – thi sĩ trung niên thì: một đằng bi lụy đến tan nát, còn một đằng lại lì lợm, tếu táo, cười cợt với bệnh tật đến không ngờ.

Ông lạc quan yêu đời, chiến thắng bệnh tật chính bằng sự lạc quan ấy. Trong gia tài thơ của ông Toàn từ ngày mắc bệnh ung thư vòm họng đã hơn 10 tập thơ, văn, dày lên cả mấy gang sách. Người bệnh, bị áp lực dồn nén, cộng với nỗi đau, sự buồn chán, nếu bị lạnh nhạt, kì thị mà không được an ủi thì chẳng khác nào nhồi thêm thuốc nổ vào một quả bom dây dẫn đang cháy.

Đại tá Lê Bảo Toàn và con gái Tú Uyên.

Có lẽ mấy chục năm hành nghề bác sĩ lâm sàng, Đại tá Lê Bảo Toàn hiểu quá rõ về vai trò của sức mạnh tinh thần trong điều trị bệnh hiểm nghèo. Không phải cứ dốc một đống thuốc vào người, quanh năm ăn ngủ cùng máy móc, hoá chất là khỏi. Tinh thần là sự lạc quan, yêu đời rất quan trọng, giúp bệnh nhân đứng dậy bỏ cái chết sau lưng để giành giật sự sống. Và thơ, chính là liều thuốc tuyệt vời để nuôi dưỡng tâm hồn ông: “Ta làm thơ cho hồn trẻ mãi/ Gửi vào thơ những nốt nhạc cuộc đời/ Trao trái tim, tựa nhau, tình nhân ái/ Và xuân đời sẽ mãi xanh tươi”.

Đại tá Lê Bảo Toàn còn có một câu chuyện nuôi râu và hạ râu rất đặc sắc. Nhìn bộ râu của ông, có cảm giác ông giống như là ông tiên, có lúc giống như nhà đạo cốt vô vi. Lần ông tham gia chương trình “Người đương thời” ở Đài Truyền hình Trung ương, bước ra từ cánh gà với bộ quân phục chỉnh tề, quân hàm Đại tá, huân chương lấp lánh kín ngực và cả…bộ râu dài bạc phơ, làm khán giả hết sức ngỡ ngàng…

Suốt 10 năm kể từ 2001 (7 năm trong quân ngũ, rồi 3 năm về hưu), bác sĩ Lê Bảo Toàn luôn xuất hiện trước đám đông với hình ảnh của một “ông lão” râu dài tóc bạc. Bạn bè coi ông gàn, thậm chí có người còn định…đè ra cạo phắt bộ râu có một không hai. Vì sao lại để râu?

Gọi là lạc quan chữa bệnh ung thư, song đôi khi cũng buồn, ông nghĩ mình chết trẻ quá. Thôi thì để râu, chụp ảnh, thiên hạ nhìn ảnh bảo ông chết già. Ấy là cứ tự động viên an ủi mình thế. Nhưng rồi cuối cùng Đại tá Lê Bảo Toàn lại làm lễ “hạ râu” hoành tránh và vui vẻ vào đúng dịp kỉ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội. Đông đảo bạn bè đến dự cùng gia đình ông, nghe ông chia sẻ về lý do để chòm râu đặc biệt của mình: người ta chết có râu thì bị coi là già, tôi muốn cạo râu để hễ có ra đi cũng nhắm mắt trong tư thế trẻ trung nhất. Và ông in tập thơ “Râu tình” nhân sự kiện đó.

Bố bệnh nhân dìu dắt con tật nguyền

Chuyện ngoài ngõ là thế, còn trong nhà, Đại tá Tiến sĩ Lê Bảo Toàn luôn coi gia đình là số một. “Đầu đời tổ Cuốc là to/ Cuối đời mới thấy Tổ cò to hơn/ Tổ Cò là vợ là con…” Ông chiến đấu với bệnh tật, nhiều lúc không chỉ vì bản thân mà còn vì vợ con cần ông sống. Nếu ví đời ông là cuốn tiểu thuyết, thì cái chương về gia đình có lẽ gam màu ảm đạm u buồn chẳng kém gì những chương còn lại. Trong đó phải nhắc đến cô con gái út Lê Tú Uyên với số phận éo le tật nguyền.

Sinh ra hoàn toàn bình thường cho đến năm 13 tuổi, cô bé Lê Tú Uyên bất ngờ chết lâm sàng, để rồi tỉnh dậy với những di chứng tật nguyền không bao giờ chữa khỏi. Có gặp mới thấy cuộc đời thương tâm của cô gái, chân đi không vững, dường như không nói thành lời, khó khăn từ việc giao tiếp đến bộc lộ cảm xúc. Chật vật lắm mới viết được mấy dòng chữ xiêu vẹo như “con gà mái ổ”, biểu đạt ý nghĩ cảm xúc của mình. Tôi hình dung được phần nào cảm giác nhìn đời con gái trôi qua với những nỗi đau âm ỉ của ông Toàn. Có lẽ với bác sĩ Lê Bảo Toàn thì nỗi đau ấy còn khủng khiếp hơn căn bệnh ung thư quái ác ông gặp phải. Và rồi ông – một bệnh nhân K vòm họng phải bền bỉ vật lộn với cái chết, lại trở thành chỗ dựa cho con gái mình.

Điều đặc biệt khiến tôi khâm phục nhất, ấy là ông Toàn truyền được cảm hứng sáng tác cho cô con gái tật nguyền. Tôi vẫn thường nghĩ, khơi dậy được cảm hứng nghệ thuật của một người bình thường đã khó, khó lắm, vậy mà ông Lê Bảo Toàn vẫn dẫn dắt, khơi gợi cảm xúc thơ cho cô con gái không thể đi học, không thể viết một dòng chữ ngay ngắn. Ông tập hợp những bài thơ lẻ của cô con gái thành một tập thơ, và đặt cái tên ngắn gọn nhưng đầy ý nghĩa: “Khát vọng sống”. Giữa bài thơ được in ngay ngắn đàng hoàng, biên tập kĩ càng tử tế vẫn có những trang in nguyên bản nét chữ của Lê Tú Uyên. Ẩn trong những nét chữ xiêu vẹo và nguệch ngoạc là hồn thơ, lời thơ giản dị biểu hiện khát vọng sống thiết tha rạo rực, cũng giống như chính cuộc đời cô vậy.

Mối tình lãng mạn qua những bức thư

Câu chuyện về mối duyên vừa xa vừa gần của Đại tá Tiến sĩ Lê Bảo Toàn với một cô gái trẻ chưa nhìn thấy mặt cũng là sự lạ. Ấy là lúc đang trong thời kì ông bị bệnh và tiến hành xạ trị, có một cô gái lạ lùng đột nhiên xuất hiện bước vào cuộc đời ông. Không rõ dung mạo ra sao, gốc gác thế nào, tất cả những gì ông biết và kể lại cho tôi về cô gái ấy chỉ có vài dòng thông tin ngắn ngủi. Cô gái tự nhận rằng mình đã nhìn thấy ông trên chương trình “Người đương thời”, cảm phục sức chiến đấu bệnh tật kiên cường của ông, và rồi tự lúc nào đó tình cảm ấy thăng hoa thành một tình yêu vô cùng lãng mạn.

Đại tá, nhà giáo, thầy thuốc, nhà thơ Lê Bảo Toàn vẫn vượt lên cái chết, sáng tác hàng chục tác phẩm văn chương.

Ông Toàn đón nhận một cách hết sức tự nhiên khi đáp lại những bức thư cô gái gửi. Từ 2 đầu đất nước, 2 con người một già nua bệnh tật, một trẻ trung khoẻ khoắn chia sẻ những cảm xúc hết sức chân thành.

Toàn bộ câu chuyện đã được ghi lại như một cuốn tiểu thuyết, ông đặt tên là “Tình râu qua sóng”. Mở đầu bằng một lời chia sẻ vừa khiêm nhường vừa rụt rè: “Ai cũng có một lần sống, anh đã chọn cho mình một cách sống thật ý nghĩa, đó là điều mà em cảm phục anh. Chúc anh luôn mạnh khỏe”. Ông Toàn đáp lại, rất ý nhị: “Tôi cảm ơn bạn đã rất hiểu tôi! Xin bạn cho biết tên họ được không”. Rồi cứ thế, cô gái lạ lùng Hoàng Ái Vân, 26 tuổi, giảng dạy trong một trường Đại học Sư phạm ở phía Nam bước vào cuộc đời của ông già bệnh ung thư hiểm nghèo. Ông là một người làm thơ, và cô Ái Vân ấy, thật tình cờ cũng say mê yêu thơ.

Đại tá Lê Bảo Toàn kể: Người vợ đầu của ông khi biết chuyện ông và cô gái này, cũng như bao người phụ nữ khác, không thể tránh nổi sự ghen tuông gần như là giận dữ, khổ sở. Nhưng rồi trong một chuyến hành phương Nam, trên tàu hoả lênh đênh mấy ngày, bà vô tình đọc được những bức thư qua lại giữa ông Toàn và cô gái chưa hề gặp mặt, lúc đó đã được in thành sách. Người đàn bà nhân hậu, vị tha nhận ra cô gái trẻ xa lạ yêu ông chồng già của mình bệnh tật gần đất xa trời này thực lòng.

Một tình yêu trong sáng thánh thiện, như là sự cứu rỗi nâng đỡ ông sống yêu đời và được tiếp thêm nghị lực chống trả bệnh tật hiểm nghèo. Là một trí thức hiểu biết, lại thêm lòng bao dung cao cả, bà hết giận ông chồng tội nghiệp và trân trọng xúc động với tình yêu mong manh trong như pha lê của cô gái lạ lẽ ra đã trở thành tình địch với mình.

Khi nghe đến câu chuyện này, bản thân tôi ban đầu cũng ngờ ngợ về một cái gì đó lợn cợn trái lẽ quá. Nhưng đâu đó trong đầu tôi lại chợt nảy ra cái suy nghĩ: cô gái ấy, biết đâu, vốn chỉ là một cái tên tồn tại trên trang giấy. Có một độc giả nào đó hay bệnh nhân nào đó hâm mộ những vần thơ của Đại tá bệnh nhân K vòm họng Lê Bảo Toàn, khâm phục ý chí kiên cường chống đỡ bệnh tật của ông, muốn động viên và san sẻ, muốn làm một dòng suối mát tưới tắm cho đời ông già kì dị. Và để làm được việc đó, vị độc giả tài hoa giấu mặt ấy đã hư cấu nên một nhân vật con gái không có thật để lắng nghe, để cho đi và nhận lại những cảm xúc hết sức chân thành cùng ông Toàn chăng?

Nếu quả thực vậy, thì câu chuyện này li kì lãng mạn chẳng kém gì chuyện của nàng Thương Thương (mà thực chất là một chàng nào đó, tuần nào cũng viết một bức thư tình mực tím, đều đặn bày tỏ tình yêu gửi cho Hàn Mặc Tử đang ở nhà thương phong Quy Hoà?)

Cho đến nay, đã 18 năm Đại tá Lê Bảo Toàn quyết liệt chống lại cái chết, sống bằng ý chí nghị lực và làm thơ nâng đỡ tâm hồn, điều trị, giúp đỡ bênh vực người bệnh bằng tấm lòng lương y như từ mẫu. Có lẽ viết về ông Toàn phải một quyển sách cũng không đủ

Nguyễn Nhật Minh

http://cstc.cand.com.vn/Tam-guong-cuoc-song/18-nam-chien-dau-voi-benh-ung-thu-320806/

– Bác sĩ “uran”

10:29 17/02/2008

– Là một bệnh nhân hiện đang mắc căn bệnh nan y chính hiệu: Ung thư, nhưng từ nhiều năm qua, đại tá, TS Lê Bảo Toàn lại là một trong những người đầu tiên ở Việt Nam xây dựng ngành y học hạt nhân, dùng năng lượng nguyên tử để chẩn đoán và điều trị căn bệnh quái ác này.

Bác sĩ “uran”

– Là một bệnh nhân hiện đang mắc căn bệnh nan y chính hiệu: Ung thư, nhưng từ nhiều năm qua, đại tá, TS Lê Bảo Toàn lại là một trong những người đầu tiên ở Việt Nam xây dựng ngành y học hạt nhân, dùng năng lượng nguyên tử để chẩn đoán và điều trị căn bệnh quái ác này.

Hàng chục năm công tác tại Quân y viện 103, ông đã chẩn đoán và chữa trị cho hàng trăm bệnh nhân mà nhiều người trong số đó tưởng chừng đã không còn đường sống.

ở Quân y viện 103, nhiều bệnh nhân vẫn thân mật gọi ông Toàn bằng cái tên mang đầy tính nguyên tố hóa học: Bác sĩ Uranium. Thế nhưng trong số những bệnh nhân ấy ít ai ngờ rằng chính ông bác sĩ của họ đang mắc căn bệnh ung thư vòm họng cách đây đã 12 năm. Bác sĩ Toàn bảo: “Các cụ xưa nay vẫn có câu “Sinh nghề tử nghiệp” có lẽ nó đúng với trường hợp của mình”.

Trong quá trình nghiên cứu để có được khoa y học hạt nhân như hôm nay, ông đã tiếp xúc với quá nhiều nguồn phóng xạ. Có lẽ chính vì thế mà khi biết mình mắc phải căn bệnh nan y này, ông Toàn đã không hề bị sốc.

Ông Toàn chia sẽ kinh nghiệm bản thân sau hơn 10 năm trời “sống chung với bệnh”: “Ung thư giống như những cú hạ knock out trong quyền Anh nhà nghề. Khi đã lên sàn tuyên chiến với nó là người ta phải chấp nhận đối mặt, nếu anh chủ động chịu đòn thì sẽ trụ lại trên võ đài được lâu hơn, hậu quả sẽ ít hơn. Tôi biết sẽ có ngày hôm nay vì thế tôi đón nhận những cú knock out trong tư thế đã chủ động. Điều đó đã giúp tôi không gục ngã”.

Phải thừa nhận, Đại tá Toàn là người có tinh thần thép, bị ung thư như thế nhưng ông xem đó chỉ là một “thử thách nhỏ trong đời” và chẳng có gì… ghê gớm. Chính vì vậy bên cạnh biệt danh bác sĩ Uranium ông còn có một nick name khác thi vị không kém: Thi sĩ nguyên tử. ấy là bởi trong tủ sách của ông còn có cả chục tập thơ sáng tác ngay trong khi mắc bệnh: “Bị ung thư phải đâu đời đã hết/ Khép trần gian tìm cực lạc hư vô/ Bị ung thư phải đâu sinh lực cạn/ Mà chỉ bị thử thách bất ngờ”.

Kể lại lai lịch về các tập thơ mới sáng tác trong điều kiện bệnh tật của mình ông Toàn nhớ tới một câu chuyện: Một lần ông điều trị cho một bệnh nhân trẻ tuổi, sau khi được thông báo về tình hình bệnh tật anh này rất bi quan và về nhà luôn tìm cách tự tử.

Khuyên giải chồng mãi không được chị vợ đã đến nhờ bác sỹ Toàn khuyên nhủ. Sau khi tìm gặp bệnh nhân, bác sĩ Toàn đã tâm sự với anh rất nhiều, thậm chí có lần ông chỉ thẳng mặt bệnh nhân nói thật: “Anh dại lắm, tự tử chỉ thiệt thân thôi, vợ anh trẻ thế chắc chắn cô ta sẽ đi lấy chồng, con anh lúc đó ai nuôi?”. Tỉ tê chán ông bèn giở giất bút viết tặng anh này mấy câu thơ vui: “Nhà người khác đến ở/ Đài người khác sẽ nghe/ Xe người khác sẽ đi/…Con anh người ta đánh/ Anh bị chửi là ngu”. Vì vậy: “ốm nghĩ gần nghĩ xa/ Chẳng dại gì mà chết”.

Từ hôm được tặng mấy câu thơ ấy, anh bệnh nhân này về nhà vui vẻ, lạc quan chữa bệnh và đến hôm nay anh ta vẫn sống khỏe. Thỉnh thoảng đến viện khám bệnh là anh lại tìm gặp bác sĩ Toàn để hàn huyên và đọc lại mấy câu thơ được tặng để cả hai lại cười nghiêng ngả.

Trong suốt cuộc đời làm nghề y của mình, bác sĩ Toàn là người dành trọn đời cho phóng xạ. Để điều trị cho bệnh nhân ung thư theo phương pháp xạ trị người ta dùng chất phóng xạ được bọc kín trong một khối chì dày chỉ để hở một khe nhỏ chiếu vào khối U.

Công việc hàng ngày của ông là làm việc với các đồng vị phóng xạ hở có thể ngửi thấy. Suốt từ những năm 1970 đến nay, công việc của ông cứ lặng lẽ trôi như vậy. Khi ấy đất nước còn khó khăn, điều kiện vật chất còn nghèo nên vấn đề bảo hộ chưa đạt yêu cầu.

Dù biết trước tính chất nguy hiểm dễ bị nhiễm xạ khi làm việc trong điều kiện thiếu thốn như vậy, nhưng ông cùng các đồng nghiệp vẫn âm thầm đón nhận. Trong câu chuyện của mình, Đại tá, TS Lê Bảo Toàn nhắc đi nhắc lại: “Lạc quan là điều vô cùng cần thiết đối với người bệnh nói chung, người bị ung thư nói riêng.

Tuy nhiên, lạc quan phải trên cơ sở hiểu biết về bệnh nếu không sẽ là lạc quan tếu”. Còn nhớ trong chuyên án 027Z của Công an Hà Nội, ông Toàn là người trực tiếp điều trị cho hàng chục chiến sĩ công an bị ảnh hưởng khi phá vụ án mua bán chất phóng xạ. Và đến nay ông vẫn là người trăn trở nhiều nhất cho sức khỏe của hầu hết những người lính này.

Mặc dù bị ung thư vòm họng 12 năm, ngoài ra ông còn bị bệnh tim mạch, cao huyết áp nhưng rất nhiều người, nhất là bệnh nhân ung thư của ông đã hồ nghi: “Chắc bác Toàn nhầm thế nào chứ bị ung thư làm sao khỏe như thế được”.

Những người khám và phát hiện ra căn bệnh ung thư của ông Toàn là hai GS đầu ngành về ung thư: GS Nguyễn Bá Đức, PGS Phạm Duy Hiển, một người là Giám đốc, một người là Phó Giám đốc Bệnh viện K.

“Họ nghĩ tôi nhầm bởi trong suy nghĩ của họ, ung thư không thể sống lâu. Khổ thế” – ông Toàn lắc đầu – “Là bác sỹ dù có bệnh nhưng phải sống lâu hơn những người mắc bệnh. Phải là tấm gương về tinh thần lạc quan, tinh thần chiến đấu, thế mới xứng gọi là thầy. Tôi ung thư nhưng vẫn khỏe, vẫn sống lâu, đơn giản tôi là thấy thuốc Lê Bảo Toàn. Tôi sẽ là bằng chứng để những bệnh nhân ung thư biết những lời khuyên của tôi đối với họ không phải là phiếm, là động viên cho vui”.

Chia tay Đại tá Lê Bảo Toàn, ông không quên khoe bức thư rất cảm động của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, gửi khi biết ông Toàn mắc bệnh ung thư. Thư viết: “Là thầy thuốc, chiến sỹ, thầy giáo, nhà khoa học, đồng chí đã vượt mọi khó khăn, đem hết tâm đức, trí tuệ cống hiến cho ngành y và chăm sóc người bệnh.

Chúc đồng chí tiếp tục lạc quan, yêu đời, chiến thắng bệnh tật để làm việc tốt, làm thơ hay”. “Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã dặn dò như vậy, tôi chết làm sao được, chết hóa ra tôi lại phụ tấm lòng của Đại tướng”, ông Toàn hài hước.

Nguyễn Ngọc Phương

http://anninhthudo.vn/phong-su/bac-si-uran/319490.antd

– Vượt qua “thần chết” bằng thơ

NGÀY 07 THÁNG 06, 2010 | 09:05

Ông là người đặt nền móng cho nền y học hạt nhân ở Việt Nam, đồng thời là người thực hiện “sứ mệnh” dùng phóng xạ để khắc trị bệnh nan y.

Ông là người đặt nền móng cho nền y học hạt nhân ở Việt Nam, đồng thời là người thực hiện “sứ mệnh” dùng phóng xạ để khắc trị bệnh nan y. Thế nhưng, cả đời “ăn phóng xạ, ngủ phóng xạ” đã khiến cái chất quái ác ấy “bám” vào ông như một trò đùa trớ trêu của số phận. Ngạc nhiên là đã 15 năm sống chung với bạo bệnh ung thư, Đại tá, Tiến sĩ Lê Bảo Toàn vẫn khoẻ. Lý giải điều ấy, ông bảo, đó là nhờ những vần thơ phơi phới yêu đời…

“Nghiệp” phóng xạ

Ông đã khiến tôi vô cùng kinh ngạc. Kinh ngạc ngay từ cái vẻ ngoài lãng tử, kinh ngạc ngay từ cái cách ông nói chuyện tếu táo, bông đùa. Nhìn ông, chẳng ai dám nghĩ ông là một thầy thuốc, đặc biệt lại là đại tá quân đội. Ông như một lão nghệ sĩ gàn, lãng du giữa đời, lãng du giữa thơi thới những niềm vui bất tận.

Ông sinh năm 1947, ở xứ nhãn Hưng Yên, nguyên Chủ nhiệm bộ môn khoa Y học hạt nhân, Bệnh viện 103. Đang là sinh viên năm thứ 5 của Đại học Y khoa Hà Nội, bởi sức học tuyệt vời, ông được nhà trường cho học tiếp Đại học Tổng hợp, Khoa Vật lý hạt nhân. Năm đó, ông 22 tuổi. Và cũng từ năm đó, hạt nhân nguyên tử đã bám chặt lấy đời ông. Tốt nghiệp xuất sắc, ông được Đại học Y khoa mời làm cán bộ giảng dạy cũng với chuyên môn hạt nhân mà mình đã học, đồng thời tham gia công tác tại Khoa Y phóng xạ, Bệnh viện Bạch Mai.

Chiến tranh, Tổ quốc vẫy gọi, ông vào quân ngũ, lăn lộn ở khắp các chiến trường Bình Trị Thiên. Đất nước thống nhất, vẫn “cái nghiệp hạt nhân”, ông vào Sài Gòn, chung sức khôi phục Khoa Y học phóng xạ, Bệnh viện Chợ Rẫy. Cái thiên duyên với “phóng xạ” càng trở lên thắm thiết khi năm 1978, ông được Nhà nước cử sang CHDC Đức để hoàn thành đề tài nghiên cứu y học phóng xạ bấy lâu ấp ủ của mình. Về nước, với tất cả những gì được học, được nghiên cứu, ông đã gắn bó với Bệnh viện 103, Học viện Quân y cho tới ngày nghỉ hưu (2008).

Ngần ấy năm tiếp xúc với phóng xạ, đã chữa chạy cho hàng nghìn bệnh nhân không may vướng phải căn bệnh ung thư chết người. Và, cũng chính bởi đam mê ấy, phận buồn đẩy đưa, chính bản thân ông đã mắc phải chứng bệnh hiểm nghèo này. Ông bị ung thư vòm họng. Đại tá, TS. Lê Bảo Toàn kể, ông phát hiện ra mình bị bệnh 15 năm trước. Mấy chục năm tận thấy những đau khổ, suy sụp của bệnh nhân ung thư nên khi điều tồi tệ ấy đến với mình, ông bảo, ông cũng không tránh khỏi bàng hoàng. Sáng ấy, sau khi chẩn đoán chính xác bệnh xong, như người mất hồn, ông lang thang khắp phố. Ông mông lung nghĩ về cuộc đời, về những người thân thiết và nghĩ về cái chết. Thế nhưng, trong thời khắc tận cùng của tuyệt vọng ấy, bản tính yêu đời, ham sống trong ông bùng dậy, mạnh mẽ hơn bất cứ khi nào. Vào quán, làm một bữa thật no rồi ông đi thẳng tới bệnh viện. Ông hạ quyết tâm sẽ chiến đấu tay đôi với căn bệnh này tới cùng, như một võ sĩ lì đòn trên võ đài máu lửa.

Đại tá, Tiến sĩ Lê Bảo Toàn chăm sóc người con gái tật nguyền.

Dùng thơ… trị bệnh

Ông bảo, đời ông, ngoài “người bạn phóng xạ” ra thì ông còn có một tri âm khác. Tri âm đó là thơ bởi với thơ, ông thấy mình như một đứa trẻ đang nhảy nhót nô đùa với những bến vui tít tắp. Từ khi mang trên mình bạo bệnh, “người bạn thơ” đã ở bên ông nhiều hơn để cùng ông “chung tay chung sức” vượt qua cơn bĩ cực của đời. Ông làm nhiều thơ, và từng xuất bản nhiều tập thơ gây xúc động lòng người. Trong số những tập thơ ấy, phần nhiều là ông viết về “cái ốm”, viết về nỗi thống khổ khi gánh trên vai bạo bệnh kinh hoàng. Thế nhưng, trong tất cả các bài thơ… ốm trên, tất cả đều toát lên một niềm tin, yêu cuộc sống, tất cả đều lấp lánh “ánh sáng nơi cuối đường hầm”.

Ông bảo, ung thư như quả bóng căng hơi, nếu còn sức “đấm” thì nó xẹp lại, nếu buông xuôi, nó sẽ phồng lên và rất nhanh đưa người bệnh về… bên kia thế giới. Vì thế, ông tuyên chiến với “Cái ốm” rất quyết liệt: Vật nhau, ừ thì vật nhau/ Cuối cùng cũng phải thắng thua rõ ràng/…

Vợ con ông thương ông lắm. Thấy vợ con bi quan vậy, ông thấy lòng mình cũng đầy một nỗi tê tái. Không muốn thấy mọi người vì mình mà phải hoang mang, lo lắng ông đã vội vàng “khép phòng văn” để “chế tác” thơ trấn an tư tưởng mọi người. Bài thơ ấy cũng là một lời tuyên chiến của ông với căn bệnh hiểm nghèo này. “Bị ung thư đâu phải đời đã hết/ Khép trần gian tìm cực lạc hư vô/ Bị ung thư đâu phải sinh lực cạn/ Mà chỉ là thử thách gặp bất ngờ/ Bị ung thư dẫu nhọc nhằn chút ít/ Đời thử ta ta lại phải chống đời/ Vẫn biết vậy con người- số phận/ Phải vượt lên cuộc sống mà thôi”… (Phải vượt).

Về sự lạc quan của mình, ông bảo, nó không những là liều tiên dược giúp ông vượt qua bệnh tật mà nó còn vô cùng hữu ích trong công việc của mình. Làm bác sĩ, cùng các bệnh nhân chống chọi với căn bệnh chết người này, ông muốn mọi người làm theo mình bởi đó là “miếng võ tuyệt chiêu” trong cuộc chiến giữa sự sống và cái chết. Bây giờ, các bệnh nhân ung thư đến điều trị tại Bệnh viện 103 vẫn còn truyền tại nhau một bài thơ hài hước nhưng đầy… triết lý của ông. Bài thơ ấy ra đời khi ông đến thăm một bệnh nhân tuổi mới ngoài đôi mươi. Khi biết mình mắc bệnh, bệnh nhân này đã rất chán nản, thậm chí nhiều lúc còn định tìm đến cái chết đê… giải quyết số phận. Tới thăm, sau những lời động viên ăm ắp ân tình, ông đã phóng tác một bài thơ để tặng “người cùng cảnh ngộ” ấy. Thơ rằng: “Sau khi ta chết rồi/ Nhà người khác đến ở/ Đài người khác đến nghe/ Xe người khác đến đi… Con hư người ta đánh/ Lại còn mắng cả ta/ ốm nghĩ gần nghĩ xa/ Chả dại gì mà chết!” (Chết là thiệt). Những vần thơ ấy mộc mạc, mộc mạc như những tâm sự của hai người bạn chí thân, nhưng các bệnh nhân ở đây bảo, ấy là thơ… truyền đạm, bởi nó tiếp thêm sức mạnh, niềm tin cho những người “thuyền đời” không may lạc vào “bến rủi”.

Niềm thương chôn kín

Sự hồn nhiên với đời của ông khiến những người đối diện ngạc nhiên. Thế nhưng từ sau ánh mắt lúc nào cũng hơn hớn tươi vui ấy vẫn hiện lên những chớp buồn tê tái. Không chỉ riêng bản thân ông, các con ông, dù ít nhiều đều mang trên mình di chứng. Nặng nhất là cô con gái thứ hai. Chất độc kinh hoàng đã khiến cô như người tàn phế. Cô phải thở bằng lỗ nhỏ ở khí quản và chân tay lúc nào cũng run bắn, không làm được bất cứ việc gì… Ông bảo, làm cha, ai chẳng thương con và nhìn các con như vậy thì yên lòng sao được. Bởi thế, hiểu ông mới biết, ở ông, đằng sau những tiếng cười tưởng như trọn vẹn là le lói những nỗi buồn, là những giọt nước mắt mà ông cố nuốt vào trong. “Mình buồn, mình đau đớn thì biết làm cho mọi người vui. Chứ cứ ủ rũ như nhau thì sống thế nào!”. Gượng cười, ông thổ lộ.

Và ông đã chuẩn bị… “phần kết” cho mình bằng một bài thơ… phơi phới lạc quan. “… Tôi xin chào tất cả ngọt cay/ Xin chớ thương đau chớ ngậm ngùi/ Bởi tôi đã hiểu, đời qui luật/ Đã trọn với đời, với mộng tôi/ Quan tài là những vần thơ đẹp/ Hoa, gió, trăng, sao quẩn quanh mồ/ Trong lòng đất nghỉ êm giàn nhạc/ Ru vọng hồn thơ/ giấc ngủ mơ.” (Chào tất cả).

Mới đây, một đồng nghiệp hốt hoảng gọi điện cho tôi nói rằng: “TS. Lê Bảo Toàn mới bị liệt nửa người”. Tôi lo lắng và nghĩ rằng, hàng chục năm chống chọi với bạo bệnh có lẽ ông đã kiệt sức. Thế nhưng, thật ngạc nhiên những ngày giữa tháng 5/2010, tôi xuống thăm ông, vẫn con người đó, lại làm thơ, lại cười khà khà. Ông còn tặng tôi cuối sách “Tình- Đời và Đạo” mới “ra lò” còn nóng hổi. “Đúng là tôi bị liệt mấy tháng trời nhưng thời gian đó vẫn làm thơ, viết nhạc, vẽ tranh và cho ra quyển sách này. Con bệnh lại “sợ” tôi và chạy mất. Còn lâu tôi mới thua nó”.

Nguyễn Tiến Dũng

http://suckhoedoisong.vn/vuot-qua-than-chet-bang-tho-n34399.html

✽✽✽✽✽✽