Những người hùng chiến thắng ung thư – Tập 5

MỤC LỤC

Giọng:

✽✽✽✽✽✽

PGS.TS Đỗ Quốc Hùng – Ung Thư Phổi – Hà Nội

✽✽✽✽✽✽

– Bác sĩ sống tốt sau 5 năm ung thư phổi di căn khắp người

06/09/2016

Phát hiện ung thư phổi ở giai đoạn muộn, tái phát nhiều lần, di căn cả vào xương, não nhưng gần 5 năm qua, PGS.TS Đỗ Quốc Hùng vẫn làm việc bình thường.

PGS Đỗ Quốc Hùng, 62 tuổi nguyên là Trưởng phòng C7, Viện Tim mạch quốc gia. Dù ngừng làm quản lý hơn 1 năm nay nhưng hàng ngày ông vẫn đều đặn đến bệnh viện làm việc.

Phát hiện ung thư sau đợt ho kéo dài

PGS Hùng kể, sau Tết Nguyên đán 2012, ông đột nhiên bị ho kéo dài 3-4 tuần, uống kháng sinh cũng không đỡ.

Ông tự mình đi chụp XQ tim, phổi, kết quả hết sức ngỡ ngàng khi các bác sĩ phát hiện trong phổi có một khối u lớn.

Để khẳng định chắc chắn, PGS Hùng tiếp tục được làm các xét nghiệm chẩn đoán khác, như chụp CT ngực, làm các xét nghiệm máu…. Đặc biệt ông được chỉ định chụp PET/CT toàn thân, sinh thiết xuyên thành ngực vào khối u để tìm tế bào ác tính.

Kết luận ông được chẩn đoán ung thư phổi không phải tế bào nhỏ đã ở giai đoạn muộn 4b, di căn hạch, di căn xương nhiều ổ ở cột sống, xương sườn…

Người nhà khi hay tin rất sốc, riêng PGS Hùng bình tĩnh đón nhận. Nhiều người khuyên ông nên sang Singapore điều trị nhưng ông kiên quyết ở lại trong nước vì tin vào tay nghề của đồng nghiệp.

Để có hướng điều trị đúng, một hội đồng các giáo sư đầu ngành toàn bệnh viện Bạch Mai với các chuyên khoa hô hấp, ung bướu, tim mạch, ngoại khoa, giải phẫu bệnh… do trực tiếp PGS.TS Nguyễn Quốc Anh, Giám đốc bệnh viện chủ trì đã cùng ngồi lại để hội chẩn.

Ngay sau đó, ông đến Trung tâm Y học hạt nhân và Ung bướu, bệnh viện Bạch Mai để đều trị. GS Mai Trọng Khoa, giám đốc trung tâm là người trực tiếp chỉ đạo và lập phác đồ.

Do khối u đã di căn nhiều nơi, không thể can thiệp phẫu thuật, PGS Hùng bắt đầu được điều trị hoá chất 3 đợt từ tháng 5/2012. Phác đồ được tính toán kĩ, có sự tham vấn của đồng nghiệp tại nước ngoài và dùng thêm thuốc nhắm trúng đích.

Sau 6 tháng điều trị, ông được chụp PET/CT để kiểm tra đánh giá hiệu quả điều trị. Kết quả thật bất ngờ khối u đã biến mất gần hết, PGS Hùng quay trở lại làm việc bình thường.

3 lần tái phát

Lần đầu tiên di căn vào hệ thống xương và hạch, 2,5 năm sau, khối u bất ngờ di căn sang xương chậu khiến PGS Hùng đau đớn không thể ngủ, phải ngồi xe lăn. Các bác sĩ xác định nguyên nhân do kháng thuốc nhắm trúng đích và tiếp tục đổi phác đồ hoá, xạ trị mới cho PGS Hùng ở cả vị trí cũ và mới.

Mới nhất vào năm 2015, khối u tiếp tục tái phát, di căn vào não.

“Tôi chỉ thấy mắt trái cứ mờ dần mà không hề có bất kỳ biểu hiện đau đớn nào. Đi khám mắt, bác sĩ phát hiện bị bong võng mạc do một khối sau nhãn cầu đè vào gây phù nề. Khi chụp PET/CT, MRI sọ não thì khối u trong não đã to như quả trứng với kích thước 3x4cm”, PGS Hùng kể.

Trên lí thuyết, với những bệnh nhân ung thư phổi đã có di căn hạch, di căn xương nhiều vị trí, đặc biệt di căn lên não (không mổ được), nếu không được điều trị triệt để, thời gian sống rất ngắn.

Tuy nhiên nhờ sự tiến bộ của kĩ thuật, PGS Hùng sau đó đã được xạ phẫu cắt nhỏ khối u bằng dao gamma quay kết hợp truyền một đợt hoá chất mới và dùng thuốc nhắm trúng đích mới.

Từ đó đến nay, các tổn thương đã biến mất, PGS Hùng quay trở lại với công việc tại Viện tim mạch, hàng ngày uống thuốc và thực phẩm chức năng đều đặn.

PGS Hùng cho rằng, quá trình điều trị ung thư của bản thân thành công do Việt Nam hiện đã hoàn toàn cập nhật những tiến bộ mới nhất của y học trong điều trị ung thư như PET/CT, xạ trị điều biến liều, xạ phẫu bằng dao gamma…

“PET/CT ở ngoài Bắc mới có 4 bệnh viện. Đây là kĩ thuật giúp bác sĩ chẩn đoán chính xác vị trí khối u lan toả theo không gian 3 chiều, sử dụng hình ảnh đó để mô phỏng lập kế hoạch xạ trị nên không lo xạ sai chỗ. Sau mỗi liệu trình điều trị, bệnh nhân cũng sẽ phải kiểm tra PET một lần nữa để phát hiện còn tế bào ung thư hay không”, PGS Hùng chia sẻ.

Theo PGS Hùng, những kĩ thuật này Việt Nam đã áp dụng rất tốt, nên sau khi ra nước ngoài tham khảo, ông đã quay trở về Việt Nam điều trị khi biết chi phí trong nước rẻ bằng 1/10.

“Các bệnh nhân ung thư ở Việt Nam nên ở lại trong nước điều trị. Tôi biết có những bệnh nhân sang Singapore chữa hết 8 tỉ đồng vẫn không ăn thua, tiền gửi sang không kịp. Ở nước ngoài dịch vụ có thể tốt hơn, nhưng các kĩ thuật cũng tương tự”, PGS Hùng đưa ra lời khuyên.

Thúy Hạnh

http://vietnamnet.vn/vn/suc-khoe/cac-loai-benh/cach-chua-ung-thu-phoi-bac-si-song-tot-sau-5-nam-bi-ung-thu-phoi-di-can-khap-nguoi-324932.html#inner-article

– Bác sĩ thổi bay ung thư phổi: Rảnh là thiền

07/09/2016

PGS.TS Đỗ Quốc Hùng bật mí tinh thần quyết định ít nhất 50% thành công trong điều trị ung thư. Không mấy khi ông để mình buồn, hễ rảnh là ông thiền.

PGS Hùng nhấn mạnh, với ung thư, các bệnh nhân luôn phải chuẩn bị tinh thần bệnh có thể tái phát bất cứ lúc nào. Chuẩn bị tâm lý tốt là tiền đề để chữa trị thành công.

Từ quá trình điều trị của mình, PGS Hùng đã đúc kết ra 4 chữ T trong điều trị ung thư gồm: Tinh thần, thuốc, thức ăn và thể dục.

Không nên nghĩ đến bệnh

PGS Hùng cho rằng dù có mang trọng bệnh cũng không nên nghĩ ngợi, lo lắng quá nhiều, nên coi đó là bệnh bình thường, không nên để cảm xúc, lo lắng của những người xung quanh chi phối đến mình quá nhiều. Nhiều lúc cực đoan, PGS Hùng không muốn người khác đến thăm mình.

“Tâm lý vô cùng quan trọng, quyết định ít nhất 50% thành công trong điều trị. Chúng tôi cũng đã đọc nhiều nghiên cứu cho thấy khi u uất, buồn bã sẽ khiến cơ thể tiết ra các chất có hại làm nhịp tim tăng, huyết áp tăng, khi vui thì ngược lại”, PGS Hùng chia sẻ.

Để tránh buồn phiền, PGS Hùng hay mua phim hài về xem, khi nào khó ngủ thì tụng kinh để tinh thần được thoải mái, cố gắng ngủ trước 23h.

Từ ngày điều trị, ông cũng bắt đầu học ngồi thiền, tĩnh tâm hàng ngày, hễ khi nào rảnh là thiền.

Duy trì thuốc đều đặn

PGS Hùng trong suốt và sau quá trình điều trị luôn tuân thủ nghiêm ngặt chỉ định của bác sĩ. Hiện ông vẫn uống thuốc nhắm trúng đích duy trì hàng ngày và uống thêm thực phẩm chức năng.

Ngoài ra PGS Hùng còn sử dụng thêm sâm ngọc linh. Đây là sâm của Việt Nam, được trồng nhiều tại Tây Nguyên có giá trị cao hơn cả sâm của Hàn Quốc, Triều Tiên.

“Tôi cũng chỉ mua loại tầm 30 triệu/kg nhưng quan trọng phải tìm được nguồn mua tin tưởng”, PGS Hùng nói và tiết lộ ông cũng uống thêm tam thất với mật ong để tăng cường sức đề kháng cho cơ thể.

Ăn nhiều rau, tránh thịt đỏ

Hàng ngày, PGS Hùng mang cơm đi làm, trong phòng có sẵn tủ lạnh, lò vi sóng. Ông bảo ăn vậy mới đảm bảo đúng khẩu phần.

Ông chia nhỏ thành 5 bữa ăn, ăn ít và ăn chủ yếu các thực phẩm có tính kiềm. Các bữa phụ chủ yếu là hoa quả, bữa chính ăn nhiều rau, đặc biệt là súp lơ, rau chân vịt, bơ, cam, mãng cầu xiêm…. và ít tinh bột.

Để đảm bảo, gia đình ông tự trồng hơn 20 thùng rau trên sân thượng để quay vòng với đủ loại rau từ dền, mùng tơi, cải, muống, đến các loại rau thơm, chanh, dâu…

Với thịt, ông không ăn thịt đỏ vì sinh ra nhiều axit mà thay vào đó ăn nhiều thịt gia cầm, tôm, cá, thỉnh thoảng ăn thịt lợn.

Duy trì thể dục

Ông tiết lộ trước đây vẫn đi tập gym đều đặn nhưng mới nghỉ vì bận quá. Khi tập chỉ tập ở mức độ vừa phải, không quá nặng để duy trì thể lực.

Còn hàng ngày ông tập dịch cân kinh, một phương pháp khí công đơn giản chỉ bằng cách vẩy tay. Tuy nhiên người tập cần kiên trì và đều đặn mới có hiệu quả.

Với những đúc rút của bản thân, PGS Hùng đã chia sẻ cho hàng trăm bệnh nhân ung thư khác và đều phản hồi rất tốt.

Ở tuổi 62, ông vẫn thường xuyên theo các đoàn từ thiện lên vùng cao khám bệnh miễn phí cho những bệnh nhân nghèo.

“Ung thư đâu còn là bệnh nan y như nhiều người quan niệm, không phải cứ mắc bệnh này là chờ chết. Giờ kĩ thuật hiện đại, kết hợp tâm lý, ăn uống tốt thì hoàn toàn có thể đẩy lùi”, PGS Hùng nhấn mạnh.

Thúy Hạnh

http://vietnamnet.vn/vn/suc-khoe/cac-loai-benh/cach-chua-ung-thu-phoi-bi-quyet-cua-bac-si-thoi-bay-ung-thu-phoi-324933.html

– Phó giáo sư tim mạch chiến thắng ung thư phổi giai đoạn cuối

24/04/17

Cách đây hơn 5 năm, PGS.TS Đỗ Quốc Hùng – nguyên Trưởng phòng C7 – Viện Tim Mạch (Bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội) phát hiện mình mắc bệnh ung thư phổi khi đã di căn lên não. Đã có lúc ông nghĩ đến việc điều trị chỉ để cầm cự nhưng với sự hiểu biết, niềm tin và ý chí, ông đã chiến thắng căn bệnh ung thư phổi giai đoạn cuối một cách ngoạn mục.

Phải có tinh thần lạc quan

Nhắc lại thời điểm phát hiện mình mắc bệnh ung thư, PGS Hùng nói rằng bất cứ ai dù là bác sĩ hay kỹ sư, người mạnh mẽ cũng như yếu đuối, tin đó đều là sét đánh ngang tai. Hơn nữa, ông còn phát hiện bệnh khi đã ở vào giai đoạn cuối. Thực sự là quá đỗi bàng hoàng.

Gia đình ông ai cũng trong tâm trạng lo lắng, bất an còn PGS Hùng thì nghĩ đến chuyện điều trị để cầm cự. Nhưng rồi ông nhớ lại quãng thời gian mấy chục năm làm bác sĩ của mình, chữa cho biết bao bệnh nhân, đối diện với cái chết không biết bao nhiêu lần và ông nghĩ nếu mình gục ngã lúc này thì quả là đã khước từ cơ hội sống của chính mình. Thế là, ông bình tâm suy nghĩ, đón nhận và quyết không gục ngã trước căn bệnh ung thư quái ác.

Trước, trong và sau khi phát hiện mình mắc bệnh ung thư phổi, PGS Hùng luôn khuyên những bệnh nhân của mình rằng, phải có một tâm lý vững vàng, một niềm tin, ý chí sắt đá thì mới có thể chiến thắng được bệnh tật. Bởi bi quan, chán nản đồng nghĩa với việc đầu hàng, chịu thua và chết.

Khi bản thân mắc bệnh hiểm nghèo ông đã áp dụng đúng những gì đã từng khuyên bệnh nhân của mình. Trong suốt quá trình điều trị, PGS Hùng tuyệt đối tuân thủ phác đồ điều trị của bác sĩ, đồng thời tự lên mạng tìm tòi thêm những phương pháp hỗ trợ điều trị sao cho đạt kết quả tốt nhất.

Tuy nhiên, ông cũng như tất cả các bệnh nhân mắc ung thư khác khi phải điều trị bằng phương pháp xạ trị, hóa trị đều gặp phải những tác dụng phụ như: Tóc rụng, nổi mụn nhọt, lở loét, mệt mỏi, chán ăn….

PGS Hùng tâm sự, có những lúc tưởng chừng như không sống nổi.Nhưng nhờ phương châm “quên bệnh mà sống” mà ông đã vượt qua thời điểm khó khăn nhất. Theo PGS.TS Đỗ Quốc Hùng có niềm tin và ý chí là có thể chiến thắng 50% bệnh tật.

Có bệnh thì vái tứ phương

Bác sĩ, PGS Hùng cũng như tất cả những người bệnh trên đời này, khi có bệnh thì đều “vái tứ phương” với mong muốn được chữa khỏi bệnh. Ông không chỉ điều trị Tây y mà ông còn kết hợp cả Đông y để đẩy lùi căn bệnh ung thư. Cụ thể, ngoài những loại thuốc đặc trị và các phương pháp điều trị ung thư tiên tiến, ông còn kết hợp với các bài thuốc Đông y có tác dụng hỗ trợ điều trị ung thư.

Khi đã áp dụng và đạt được những kết quả tích cực, PGS Hùng khẳng định những bài thuốc Đông y, giúp ông giảm bớt, loại bỏ được những tác dụng phụ khủng khiếp do thuốc men, hóa chất gây ra trong quá trình điều trị. Tuy nhiên, có điều là trong một mớ hỗn độn thông tin thì người bệnh phải biết chắt lọc thông tin, và dùng những bài thuốc, vị thuốc có cơ sở khoa học.

PGS Hùng nêu ví dụ: Khi chán ăn, mệt mỏi thì nên dùng các loại sâm, đặc biệt là sâm ngọc linh; Khi lở loét thì nên uống nước đậu đen; Khi điều trị hóa chất thì nên kết với việc sử dụng tam thất, vị thuốc này sẽ giúp tái tạo tế bào máu bù vào lượng tế bào máu bị hóa chất tiêu diệt…

Với quan điểm “bệnh tật từ miệng mà ra”, nên PGS.TS Đỗ Quốc Hùng hết sức chú trọng đến thực phẩm và chế độ dinh dưỡng trong quá trình điều trị bệnh. Ông cho rằng thực phẩm đóng vai trò vô cùng quan trọng trong quá trình tiêu diệt các tế bào ung thư và mang lại sức khỏe giúp người bệnh chiến đấu với bệnh tật. Vì thế ngay cả việc ăn uống cũng phải hết sức khoa học để phòng tránh và chữa được bệnh.

Với PGS Hùng rau, hoa quả là thực phẩm quan trọng hàng đầu trong chữa bệnh ung thư nói chung và ung thư phổi nói riêng. Vì rau, hoa quả cung cấp nhiều vitamin. Các loại vitamin đều rất tốt cho cơ thể, có thể phòng chống được nhiều bệnh.

Theo PGS Hùng mắc bệnh ung thư phổi nên dùng các loại rau như: rau chân vịt, cải bó xôi, sup lơ, củ cải đỏ…; Các loại quả như: cam chanh, mãng cầu xiêm, bơ, táo… PGS.TS Đỗ Quốc Hùng đặc biệt lưu ý, người bệnh phải dùng rau và hoa quả sạch. Để có rau sạch ăn, ông đã tự trồng rau trên sân thượng nhà mình.

Về thịt, ông khuyên, các loại thịt đỏ nói chung thì người bị ung thư nên hạn chế. Tuyệt đối không nên ăn thịt bò, chó, trâu…bởi các tế bào ung thư ưa môi trường axít sợ môi trường kiềm trong khi đó các loại thịt đỏ lại tạo ra môi trường axít. Các loại thịt gia gia cầm, hải sản người bị bệnh ung thư có thể ăn bình thường.

Tập luyện thể dụng thể thao được xem là phương pháp không thể thiếu giúp người bệnh duy cuộc sống sinh hoạt hằng ngày. Nếu bệnh tật mà nằm 1 chỗ sẽ dẫn đến, trì trệ, không tiêu hao năng lượng nên ăn, ngủ không ngon, các cơ sẽ nhão nhoét vì không hoạt động. Vấn đề ở đây là phải lựa chọn môn thể thao nào phù hợp với thể trạng người bệnh. “Với những người bệnh trọng nên chọn các môn thể thao nhẹ nhàng như đi bộ hoặc tập yoga, tập thiền…”, PGS.TS Đỗ Quốc Hùng nói.

Cuối cùng PGS.TS Đỗ Quốc Hùng kết luận, bí quyết để ông chiến đấu với căn bệnh ung thư là 4 chữ T: Tâm lý, Thuốc, Thức ăn và Thể dục thể thao.

Quả thực, bí quyết chiến đấu với căn bệnh ung thư và kỳ tích chữa khỏi căn bệnh ung thư phổi giai đoạn cuối của PGS.TS Đỗ Quốc Hùng đã giúp nhiều người bệnh có thêm nghị lực, niềm tin vào một ngày không xa mình cũng sẽ được chữa khỏi bệnh. Và, ung thư quái ác sẽ không còn là căn bệnh vô phương cứu chữa.

Đắc Chuyên

https://baomoi.com/pho-giao-su-tim-mach-chien-thang-ung-thu-phoi-giai-doan-cuoi/c/22100564.epi

– Chuyện “vi diệu” về vị bác sĩ chiến thắng ung thư phổi giai đoạn cuối

Ngày 8 Tháng 9, 2016

– Phát hiện bệnh ung thư phối giai đoạn cuối cách đây hơn 4 năm, di căn tới tận từng ngóc ngách cơ thể, thậm chí cả não… Bác sĩ điều trị từng nghĩ đến việc “cầm cự”.

Nhưng rồi bằng phương pháp y học tiên tiến và bằng rất nhiều bí quyết “vi diệu” khác, vị bác sĩ đã chiến thắng tất cả, viết nên câu chuyện cổ tích thời hiện đại. Câu chuyện này được kể bởi GS.TS Mai Trọng Khoa về cụm công trình vừa được Hội đồng Khoa học cấp Nhà nước đề nghị xét tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về khoa học & công nghệ năm 2016 – mang tên: Nghiên cứu ứng dụng kỹ thuật hiện đại về bức xạ ion hóa trong chẩn đoán, điều trị ung thư và một số bệnh lý khác.

Trong câu chuyện, GS.TS Mai Trọng Khoa đã “vô tình” hé lộ minh chứng sống bệnh nhân đã chiến thắng ung thư phổi giai đoạn cuối, một phần nhờ những kỹ thuật mà công trình đề cập – PGS.TS Đỗ Quốc Hùng, nguyên Trưởng khoa C7, Viện Tim mạch Quốc gia.

Là PGS nên vị bác sĩ này dù đã 62 tuổi, nghỉ công tác quản lý nhưng vẫn tiếp tục làm việc, khám chữa bệnh hàng ngày. Phòng của ông vẫn chất chồng luận văn, luận án nghiên cứu của học viên cần ông chấm, nhận xét, góp ý. Hàng tập dày bệnh án của bệnh nhân cần ông xem xét. Ông bảo, 2 tuần trước, ông vừa có chuyến đi khám chữa bệnh từ thiện cho bà con nghèo ở Yên Bái 2 ngày. Và mỗi năm, ông cố gắng đi khoảng 2-3 chuyến. Chuyện tưởng chừng không thể xảy ra với một người có “tiền án” ung thư giai đoạn cuối như ông.

PGS.TS Đỗ Quốc Hùng.

Mở đầu cuộc trò chuyện, PGS.TS Đỗ Quốc Hùng đã “rào trước”: “Tôi chỉ chia sẻ những điều tôi nghĩ là có lợi cho bà con. Bệnh thì nên quên đi, vì thế, chuyện điều trị thế nào, đó là việc của bác sĩ! Với cả, bệnh của tôi không cho phép trò chuyện lâu đâu!”.

Tưởng ho xoàng, rồi phát hiện ung thư phổi di căn toàn thân

Sau Tết năm 2012, PGS.TS Đỗ Quốc Hùng thấy ho kéo dài đến 3-4 tuần không đỡ. Chủ quan nghĩ ho chuyển mùa xoàng xĩnh, ông mua thuốc kháng sinh uống nhưng tình trạng không cải thiện. Đến khi chụp tim phổi, các bác sĩ phát hiện khối u rốn phổi.

Để khẳng định chắc chắn, PGS Hùng tiếp tục làm các xét nghiệm chẩn đoán khác, kết luận ung thư phổi tế bào nhỏ đã ở giai đoạn cuối, di căn sang nhiều bộ phận.

Nói theo lời của GS.TS Mai Trọng Khoa, bệnh trọng đến mức “không thể xếp loại giai đoạn ung thư PGS Hùng mắc phải”.

Do khối u đã di căn toàn cơ thể không thể phẫu thuật can thiệp, từ tháng 5/2012, PGS.TS Đỗ Quốc Hùng bắt đầu được điều trị hoá chất 6 đợt liên tiếp.

Sau liệu trình đầu tiên, kiểm tra các khối u đã dần biến mất, ông quay trở lại làm việc bình thường. Hơn 2 năm sau, khối u bất ngờ di căn sang xương chậu khiến ông đau đớn không thể ngủ, phải ngồi xe lăn, nguyên nhân do kháng thuốc nhắm trúng đích. Ông tiếp tục đợt hoá, xạ trị mới, ở cả vị trí cũ và mới. Mới nhất vào năm 2015, khối u tiếp tục tái phát, di căn vào não.

Trên lí thuyết, với những bệnh nhân ung thư di căn lên não, khối u không mổ được, nếu mổ chắc chắn tử vong, mà không mổ cũng tử vong, nên sẽ chỉ được chăm sóc giảm nhẹ. Sau đó, ông được các bác sĩ xạ phẫu bằng dao gamma quay, cùng nhiều biện pháp hỗ trợ khác, các khối u trên não biến mất. Ông lại trở về cuộc sống bình thường.

Thái độ bình tĩnh đón nhận “hung tin” hiếm gặp

Nhận hung tin mắc ung thư phổi giai đoạn cuối, PGS.TS Đỗ Quốc Hùng bảo, ai cũng lo lắng, hốt hoảng. Nhưng riêng ông lại rất bình tĩnh.

“Người bàn ra bàn vào, hay đi theo thầy lang này, bà lang nọ, thuốc này thuốc khác, rồi ra cả nước ngoài… Nhưng tôi vẫn nghĩ, cứ làm ở Việt Nam thôi. Ở đây có gia đình, bạn bè, đồng nghiệp…” – PGS.TS Đỗ Quốc Hùng chia sẻ.

Tất nhiên, cũng có những lúc vị bác sĩ đã 62 tuổi này (thời điểm phát hiện bệnh là khi ông 58 tuổi) cực đoan khi không cho ai đến hỏi thăm, trừ đồng nghiệp thân quen, bởi “nó làm cho người ta nghĩ về bệnh tật nhiều hơn”. Việc không cho ai hỏi thăm, ông bảo, nó khiến ông thoải mái hơn.

“Tâm lý bình tĩnh quyết định ghê gớm. Thậm chí, nó quyết định số phận của mình. Vì nếu chúng ta đón nhận tin mình bị ưng thư mà lại lo lắng, hoảng hốt thì mình sẽ mất tự chủ. Rồi chúng ta lại bị ảnh hưởng nhiều luồng tin tức, không giữ được sáng suốt để lựa chọn cách nào tốt nhất cho mình” – PGS.TS Đỗ Quốc Hùng nhấn mạnh nhiều lần khi nói chuyện với chúng tôi.

Ông gọi sự hoảng hốt, lo lắng, hoang mang trên đây, là “cảm xúc âm tính”. Và nếu mắc phải, chính nó lại hại cho chính bản thân. Bởi nó sẽ khiến mình sẽ ăn không ngon, ngủ không yên. Lúc này, cơ thể sẽ tiết ra chất hoá học làm nhịp tim tăng, huyết áp, chuyển hoá tế bào làm tăng lên gây các chuyển hóa khác không tốt…

“Tôi nói trong chiến đấu với bệnh ung thư, vấn đề tinh thần chiếm tối thiểu 50%. Các biện pháp như thuốc men, phẫu thuật, hoá trị, ăn uống, tập luyện chỉ hỗ trợ thôi” – PGS Hùng chia sẻ.

Ông bảo chuyện tưởng đùa, đó là lúc đó, ông đã lấy câu chuyện về ý chí, niềm tin của các chiến sĩ cách mạng khi xưa ra để “noi gương”. Con người nếu có ý chí sẽ có thể làm được những việc siêu phàm, bệnh tật cũng vậy. Nếu kiên cường, giữ ý chí, niềm tin sẽ đảm bảo chiến thắng. Bản thân ông khi đã vượt qua bệnh tật một cách thần kỳ, đã trao đổi điều này với những người cùng bệnh, kết quả khá khả quan.

“Nói chuyện có niềm tin, có ý chí thì dễ, nhưng làm thế nào để có được nó và vượt qua bệnh tật, thưa ông?”. PGS.TS Đỗ Quốc Hùng cho rằng muốn có niềm tin nên theo đạo giáo nào đó, bởi đạo nào cũng hướng tới việc thiện.

“Chọn được đạo thích hợp cho mình sẽ tạo cho chúng ta niềm tin, tâm an, thanh tịnh tâm hồn, giúp ta vượt qua bệnh tật, giũ bỏ lo âu, toan tính đời thường. Bản thân tôi đi theo đạo Phật. Và chính đạo Phật đã giúp tôi cứu sống chính mình, bởi stress gây ra nhiều bệnh tật lắm!” – ông bật mí.

Ông kể, khi dùng thuốc hoá chất, điều trị khiến ông mệt khủng khiép. Thậm chí, có khi vị bác sĩ cứu sống hàng nghìn người này đã có cảm giác không thể sống được nữa. “Nhưng tôi nói rồi, phải tạo niềm tin, tôi tụng kinh Chú đại bi. Đó là biện pháp rất hữu hiệu vì nó làm mình quên bệnh tật, đau đớn, tôi phải nói là vi diệu không ngờ” – ông nói.

“Nhưng nhiều khi tụng kinh lại không hiểu gì về nội dung…”, có người băn khoăn. Ông cười bảo: “Khi đã chăm chú vào một việc dù không hiểu (như tụng kinh), sẽ quên được hiện tại, ngủ dễ, hết giận dữ, đau đớn… Tôi cho đó là bí quyết giúp ích cho tôi chiến thắng bệnh tật”.

Võ Thu

http://giadinh.net.vn/y-te/chuyen-vi-dieu-ve-vi-bac-si-chien-thang-ung-thu-phoi-giai-doan-cuoi-20160907171816379.htm

– Kinh nghiệm sống sót của bác sĩ bị ung thư phổi giai đoạn cuối

Thứ năm, 8/9/2016

5 năm sau khi phát hiện ung thư phổi di căn, bác sĩ Đỗ Quốc Hùng ở Viện Tim mạch Quốc gia (Hà Nội) vẫn sống khoẻ, đi làm, trồng hoa, xem phim hài, tập thiền, tự nấu cơm mang đi ăn trưa…

Cũng bị bệnh tình hành hạ đau đớn, cũng trải qua liệu trình điều trị giống như đa phần bệnh nhân ung thư phổi ở Việt Nam khi đã ở giai đoạn muộn, thế nhưng phó giáo sư Đỗ Quốc Hùng, nguyên trưởng phòng C7, Viện Tim mạch Quốc gia đã làm được điều mà ít ai làm được, đó là sống sót sau gần 5 năm phát hiện bệnh.

Ung thư phổi là bệnh lý ác tính, dù đã có nhiều tiến bộ trong chẩn đoán và điều trị nhưng khả năng sống rất thấp. Bệnh phát triển âm thầm, ít hoặc không có triệu chứng. Người bệnh nếu phát hiện bệnh ở giai đoạn 1, tỷ lệ sống sót lên tới 70%. Được phẫu thuật ở giai đoạn sớm, tỷ lệ sống sau 5 năm ở bệnh nhân ung thư phổi có thể đạt 40-50%. Bệnh nhân ung thư phổi giai đoạn muộn (không còn khả năng phẫu thuật), tỷ lệ tử vong trong vòng 6 tháng tới một năm là 90%.

Ở tuổi 62, hiện nhìn bác sĩ Hùng vẫn miệt mài làm chuyên môn, đi khám từ thiện…, ít ai biết được ông bị ung thư phổi. Không biết bao nhiêu lần điều trị hóa chất, 36 liều xạ trị, 5 năm thì đến 3 lần ung thư tái phát, có lần khối u di căn vào xương chậu khiến ông đau đớn không thể đi lại được phải ngồi xe đẩy. Lần tái phát cam go nhất là vào năm ngoái khi khối u di căn lên não.

Khi đó mắt trái dần nhìn mờ đi, có hiện tượng bong võng mạc, bác sĩ Hùng mới đi chụp PET/CT, cộng hưởng từ… thì phát hiện khối u trong não phía sau nhãn cầu kích thước 3×4 cm. Việc xử lý khối u trong não phức tạp hơn nhiều, điều kiện tiên quyết là phải loại bỏ được nó, sau đó tiếp tục điều trị hóa chất nhưng không thể mổ. Các bác sĩ đã tiến hành xạ phẫu bằng dao gamma quay thực chất là dùng tia phóng xạ để xử lý khối u.

“Rất nhiều người hỏi tôi kinh nghiệm chiến thắng ung thư, tôi cho rằng yếu tố tâm lý rất quan trọng. Tôi coi chuyện như bình thường, mình mắc bệnh ung thư nhưng không khác gì một căn bệnh bình thường khác. Tâm lý tôi rất thoải mái, có khi người thân còn lo hơn”, bác sĩ Hùng chia sẻ.

Từ kinh nghiệm bản thân, ông cho rằng yếu tố tâm lý quyết định ít nhất 50% trong việc điều trị bệnh ung thư. Ngày xưa cứ nghe đến bệnh ung thư là nghĩ đến chết, nhưng với sự phát triển y học ngày nay nhiều trường hợp có thể cứu được.

Bản thân ông luôn xác định ung thư giống như bệnh mãn tính, điều trị đợt này tốt nhưng không phải là hết, sẽ có những đợt tái phát. Bệnh nhân ung thư cần hiểu rằng đây là cuộc chiến dài lâu. Xác định như vậy nên ông không bao giờ cho phép mình được chán nản, không nghĩ đến bệnh tật mà phải sống thật vui, luôn lạc quan yêu đời, xem phim hài. Khó ngủ thì ông tụng kinh, uống thuốc cho dễ ngủ. Rảnh rỗi sắp xếp được thời gian, ông lại cùng đồng nghiệp rong ruổi đi khám bệnh từ thiện.

“Trên sân thượng ở nhà, tôi trồng rau, trồng hoa, mùa nào thức ấy, đơn giản chỉ là thùng xốp trồng rau muống, dền, mồng tơi, xà lách đôi khi ít rau mùi, mùi tàu, rau húng… Những khi có thời gian tôi lại ngồi thiền, tập thở để tâm được tĩnh”, bác sĩ Hùng chia sẻ. Bên cạnh công việc và làm từ thiện, bác sĩ Hùng lấy niềm vui chăm sóc cây rau để thư giãn đồng thời có thực phẩm sạch tự tay mình trồng để ăn.

Chế độ ăn của ông cũng thay đổi rất nhiều, chia nhỏ bữa ăn, ngày ăn 5 bữa, ăn ít chất bột đường, bữa phụ cũng chỉ ăn rau quả. Ông ăn rất nhiều rau và hoa quả, đặc biệt các loại rau như súp lơ xanh, măng tây, rau chân vịt… Hoa quả thì ông ăn nhiều mãng cầu xiêm, bơ, cam, chanh… Với thịt, bác sĩ chỉ sử dụng thịt gia cầm, thịt có màu trắng, không ăn thịt màu đỏ. Bữa cơm ở viện, ông không ăn ngoài mà tự mang cơm ở nhà đi, phòng làm việc có sẵn lò vi sóng.

Trong điều trị, ông tuân thủ tuyệt đối phác đồ các bác sĩ đưa ra. Ông cũng tự mình tìm tòi, định kỳ sang Singapore mua thuốc điều trị trúng đích mà trong nước chưa nhập để uống duy trì. Bên cạnh đó, ông cũng uống sâm ngọc linh, thực phẩm chức năng chiết xuất từ lá đu đủ…

Việc tập luyện thể dục cũng rất quan trọng, giúp cơ thể được dẻo dai, duy trì tốt sức khỏe. Ông chỉ mới nghỉ tập gym vì không có thời gian. Hiện nay, hằng ngày ông tập dịch cân kinh.

Bác sĩ Hùng khuyên, những bệnh nhân mắc ung thư như ông nên điều trị trong nước nếu không có điều kiện. “Tôi biết có người sang Singapore chữa trị, tiêu hết 8 tỷ đồng mà vẫn không ăn thua. Ngược lại ở trong nước, người bệnh vẫn được hưởng những dịch vụ kỹ thuật cao như: PET/CT, xạ trị điều biến liều, thuốc trúng đích…, lại được bảo hiểm chi trả”. Theo ông, điều trị ở trong nước bao giờ cũng hơn ở ngoài nước, có sự động viên của đồng nghiệp, người nhà trong khi tâm lý rất quan trọng trong điều trị.

Trong điều trị các bệnh hiểm nghèo, trong đó có ung thư, Việt Nam đã áp dụng những kỹ thuật điều trị hiện đại tiên tiến như trên thế giới. Phó giáo sư Mai Trọng Khoa, Giám đốc Trung tâm Y học hạt nhân và Ung bướu, Phó giám đốc Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) coi câu chuyện chiến thắng ung thư của bác sĩ Hùng như một kỳ tích, một câu chuyện cổ tích giữa đời thường. Điều ông ấn tượng nhất ở bệnh nhân đặc biệt này là tuyệt đối tuân thủ phác đồ điều trị. Với bệnh ung thư, bệnh nhân sống sót sau 5 năm phát hiện bệnh đã được coi là khỏi bệnh.

Ung thư phổi và gan là 2 trong 10 loại ung thư phổ biến nhất khu vực Đông Nam Á cũng như tại Việt Nam. Ở nước ta tình hình bệnh ung thư phổi khá nặng nề, số bệnh nhân ngày càng tăng. Tại Hà Nội, ước tính trong 100.000 người dân thì có 40 người được chẩn đoán bị ung thư phổi, trong khi đó tại TP HCM con số này là 30 người.

Để phòng bệnh, không nên hút thuốc lá, có chế độ dinh dưỡng, sinh hoạt, làm việc lành mạnh, cần thăm khám sức khỏe định kỳ, đặc biệt khi có các triệu chứng ho kéo dài, đau ngực… Bệnh khó sàng lọc phát hiện sớm. Những người có nguy cơ cao (nghiện thuốc lá, thuốc lào) nên làm xét nghiệm tìm tế bào ác tính trong đờm, xét nghiệm máu tìm một số chất chỉ điểm khối u (CEA, cifra 21-1, SCC…) và chụp X-quang phổi hàng năm.

Nam Phương

https://suckhoe.vnexpress.net/tin-tuc/cac-benh/ung-thu/kinh-nghiem-song-sot-cua-bac-si-bi-ung-thu-phoi-giai-doan-cuoi-3464513.html

✽✽✽✽✽✽