Những người hùng chiến thắng ung thư – Tập 5
MỤC LỤC
- 1Vũ Thị Ngọc Ánh – Ung Thư Máu – Quảng Ninh
- 2Hoàng Diệu Thuần – Ung Thư Máu – Nghệ An
- 3Nguyễn Trí Hải – Ung Thư Gan – Quảng Trị
- 4Nguyễn Minh Tuấn – Ung Thư Phổi – Hà Nội
- 5Phạm Viết Hồng Lam – Ung Thư Vòm Họng – Hà Nội
- 6Nguyễn Minh Thu – Ung Thư Tử Cung – Hà Nội
- 7Nguyễn Thị Ánh Hoa – Ung Thư Tử Cung – Hồ Chí Minh
- 8Hoàng Thị Vũ – Ung Thư Tủy Sống – Bình Định
- 9Nguyễn Thị Phú – Ung Thư Dạ Dày – Phú Thọ
- 10Trần Quốc Bình – Ung Thư Gan – Phú Thọ
- 11Nguyễn Tiến Phương – Ung Thư Phổi – Phú Thọ
- 12Nguyễn Thị Lan – Ung Thư Vú – Hà Nội
- 13Cao Thành Đức – Ung Thư Xương – Nam Định
- 14Nguyễn Văn Ngọc – Ung Thư Dạ Dày – Hà Nam
- 15Hồ Thị Thu – Ung Thư Vú – Bình Định
- 16Nguyễn Thị Hòa – Ung Thư Vòm Họng – Hà Nội
- 17Trần Văn Hái – Ung Thư Vòm Họng – Nam Định
- 18Sư Cô Thục Hiền – Ung Thư Vòm Họng – Nam Định
- 19Bác Sĩ Nguyễn Lê – Ung Thư Gan – Hà Nội
- 20PGS.TS Đỗ Quốc Hùng – Ung Thư Phổi – Hà Nội
- 21Đinh Thị Thu – 3 Bệnh Ung Thư – Hà Nội
- 22Vũ Thiện Phi – Ung Thư Trực Tràng – Nam Định
- 23Lâm Tiến Bình – Ung Thư Máu – Lạng Sơn
- 24Trần Văn Hy – Ung Thư Thực Quản – Hồ Chí Minh
- 25Ngô Ngọc Chạy – Ung Thư Gan – Bến Tre
- 26Nguyễn Hoàng Tuấn Phát – Ung Thư Tuyến Tụy – Bình Dương
- 27Nguyễn Ngọc Phát – Ung Thư Phổi – Bình Dương
- 28Cao Thị Hữu – Ung Thư Thận – Hồ Chí Minh
✽✽✽✽✽✽
Phạm Viết Hồng Lam – Ung Thư Vòm Họng – Hà Nội
✽✽✽✽✽✽
– Phạm Viết Hồng Lam: Người nhà quê
– Anh đặt tên bức tự họa chân dung mình là: “Người nhà quê”. Họa sỹ của nông thôn Bắc bộ từng được mời định cư tại nước ngoài nhưng nhất định cảm ơn và từ chối, bởi lẽ: Làng quê Việt Nam có những mùi đặc trưng, tôi không thể vẽ được nếu thiếu mùi đặc trưng ấy.
Phạm Viết Hồng Lam quê gốc Nam Định nhưng sinh ở Nghệ An. Tên anh gợi nhắc miền đất nơi anh sinh ra, núi Hồng Lĩnh và dòng sông Lam. Trong nghề nghiệp, anh là người may mắn vì được nuôi dưỡng trong cái nôi hội họa. Cha anh là họa sỹ Phạm Viết Song, người tự nhận là cụ đồ, đã dạy nhiều lớp họa sỹ Việt Nam trưởng thành, trong đó có hai học trò “cưng”: Họa sỹ, PGS, NGND Nguyễn Lương Tiểu Bạch, nguyên Hiệu trưởng Trường Mỹ Thuật Việt Nam, nguyên Viện trưởng Viện Mỹ Thuật và Họa sỹ, PGS,NGND Lê Anh Vân, nguyên Hiệu trường Trường ĐH Mỹ thuật Việt Nam. Phạm Viết Hồng Lam kết hôn với họa sỹ Tạ Phương Thảo và gia nhập đại gia đình có 23 họa sỹ cùng làm mỹ thuật. Bố vợ anh chính là họa sỹ Tạ Thúc Bình, người đã vẽ minh họa nhiều truyện tranh thiếu nhi, biểu tượng logo búp măng non của NXB Kim Đồng.
Sống ổn nhờ… quê
Tôi đến thăm Phạm Viết Hồng Lam, vào một buổi sáng Hà Nội mưa lất phất. Ngoài kia, người và xe nhộn nhạo, bước vào nơi ở của họa sỹ, lấy làm sung sướng bởi không gian sống thoáng mát, yên bình. Phạm Viết Hồng Lam đang sống trong một biệt thự với khuôn viên rộng 500m2. Anh tâm sự: “Hai tôi (gồm anh và vợ – pv) sống được bằng nghề.
Những gì chúng tôi có hôm nay đều nhờ tranh “. Thời điểm vàng, từ năm 2000 đến 2008, mỗi năm anh thu về nửa tỷ đồng từ bán tranh. Đến nay, thị trường đi xuống, anh bán túc tắc: “Vẫn đủ sống”. Phạm Viết Hồng Lam là thương binh hạng nặng, đi bộ đội năm 1965, ở chiến trường 5 năm: “Tôi chui ra từ cuộc chiến tranh, cái này là một trong những quà tặng của Nixon (chỉ vào đôi tai bị tàn phá – pv), cột sống, sọ não đều tổn thương. Nếu nói về chế độ thì nhà nước nuôi tôi nhưng tôi không để nhà nước nuôi”, anh cười hiền lành.
Một trong những người khuyến khích Phạm Viết Hồng Lam mở triển lãm chính là danh họa Trần Văn Cẩn: “Quá đẹp. Cháu nên làm triển lãm đi”. Quả nhiên triển lãm đầu tiên của anh thành công ngoài mong đợi, 99 bức tranh khoe ra, đã bán được 45 bức.
Nhiều họa sỹ thích định giá tranh của mình tới mức cao ngất ngưởng, còn Phạm Viết Hồng Lam lại khác: “Tây mua được tranh của tôi, ta cũng mua được tranh của tôi, vì giá không quá đắt đỏ. Tôi bán cho mọi đối tượng khách hàng với giá như nhau, không vì khách sang mà bán giá cao và ngược lại”. Thí dụ một bức tranh phong cảnh (60×80 cm) anh bán với giá tầm chục triệu đồng. Những bức tranh nhỏ nhắn hơn có giá chỉ tầm 4-5 triệu đồng. Đúng là nhiều người có khả năng mua tranh của Phạm Viết Hồng Lam, chẳng qua đã đủ yêu hay chưa mà thôi. Anh tiết lộ, trong số những khách hàng mua tranh có không ít quan chức. Một trong số đó chính là Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân: “Chị ấy cử trợ lí đến mua tranh của tôi”.
Sở dĩ nhiều người thích tranh Phạm Viết Hồng Lam vì anh chuyên vẽ phong cảnh làng quê Bắc bộ ấm êm, tươi rói. Vốn là giảng viên của Trường sư phạm nhạc họa T.Ư, anh hay đưa học sinh vào làng Triều Khúc gần đó để vẽ, anh vẽ cùng học trò. Ký ức từ những năm tháng mặc áo lính đóng quân ở nhà quê cùng với những ngày rong ruổi vẽ cùng trò đã khơi nguồn trong anh mảng đề tài lớn: Nông thôn Việt Nam.
Chính bà xã Tạ Phương Thảo là người phát hiện ra khả năng vẽ bột màu của chồng và đã khích lệ chồng sáng tác. Không giống như một số người khác hay khai thác sân sau của nhà quê với “những bụi bặm bếp núc, những thứ lôi thôi xộc xệch”, họa sỹ thương binh vẽ bốn mùa xuân, hạ, thu, đông cùng cỏ cây hoa lá thân mật với đời sống người quê như hoa mướp, hoa bèo, rồi cổng làng, cổng nhà… yên bình, ấm áp.
Năm 1986, anh ra mắt triển lãm đầu tiên. Hội đồng hội họa quốc gia lúc đó gồm những tên tuổi đình đám: Huỳnh Văn Thuận, Bùi Xuân Phái, Lương Xuân Nhị, Nguyễn Văn Tỵ… Một trong những người khuyến khích Phạm Viết Hồng Lam mở triển lãm chính là danh họa Trần Văn Cẩn: “Quá đẹp. Cháu nên làm triển lãm đi”. Quả nhiên triển lãm đầu tiên của anh thành công ngoài mong đợi, 99 bức tranh khoe ra, đã bán được 45 bức.
Sau này, khi tên tuổi đã định, một người Việt Kiều mời anh sang Singapore làm triển lãm (anh là một trong những họa sỹ làm triển lãm đầu tiên ở Đảo quốc Sư Tử). Trong cuộc khoe tranh tại nước bạn đã thu hút một vị tỉ phú người Indonesia. Tỉ phú dẫn con đến phòng triển lãm để mua tranh làm quà sinh nhật cho con. Ông đã nhờ phiên dịch hỏi họa sỹ: Anh có muốn ở lại đây không?
Nếu ở lại tôi sẽ tạo điều kiện để đưa cả gia đình anh sang. Phạm Viết Hồng Lam cười, đáp: “Cảm ơn ông. Tôi chỉ vẽ ở nơi nào có đống rơm, đống rạ, phân trâu, phân bò. Bởi tôi vẽ làng quê Việt Nam mà làng quê của tôi ngoài hoa hoét tưng bừng còn có những mùi đặc trưng. Không có mùi đó tôi không vẽ được”. Sau vài chục năm miệt mài cùng làng quê Việt, Phạm Viết Hồng Lam đã chính thức gác bút, chuyển đề tài: “Tôi đã thấy đủ rồi”.
Tranh xé giấy và chân dung bạn bè
Phạm Viết Hồng Lam đang mang trong mình bạo bệnh. Cách đây hơn chục năm anh nhận tin dữ: Ung thư vòm họng. Nhìn anh bây giờ, ít ai nghĩ đến căn bệnh anh đang mang, da dẻ hồng hào, dáng vẻ nhanh nhẹn, trí tuệ minh mẫn. Điều đó cho thấy nghị lực sống kiên cường của người họa sỹ kinh qua cuộc chiến: “Từ năm 1987-1990, chấm dứt điều trị, tôi thực hiện chế độ kiêng kị để qua được bệnh ung thư.
Tôi áp dụng phương pháp Bác Hồ dạy, dùng đông tây y kết hợp. Sau tia xạ, sức khỏe sút kém, theo sách đông y, tôi tiết chế ăn uống, ăn gạo lứt muối mè trong ba năm, uống thuốc Bắc để nâng cao sức khỏe, tập thiền và vẽ”.
Chính trong giai đoạn chữa bệnh ung thư, anh đã tìm ra một con đường mới trong sự nghiệp: Tranh xé giấy. “Dạo đó buồn chán không biết làm gì vì tôi đang khủng hoảng về chất liệu bột màu. Tôi bèn giở trò làm thủ công của học trò ra để thỏa mãn, không ngờ lại hiệu quả. Tôi triển lãm thành công”.
Tranh xé giấy của họa sỹ đã bán hơn một nửa, hiện còn giữ khoảng 40 bức chưa từng công bố. Lí do: “Bị bắt chước nhiều quá, người ta copy lại, cả người có danh tiếng cũng cóp. Chán quá!”. Nhưng họa sỹ cũng hé lộ, có thể khi anh đã ra đi thì con trai anh sẽ giới thiệu 40 tác phẩm tranh xé giấy còn lại của cha.
Hiện tại, Phạm Viết Hồng Lam đang chuyển sang đề tài mới: Vẽ chân dung bạn bè. Trước khi vẽ ai đó, anh đều gọi điện xin phép đàng hoàng. Một trong những tiêu chí lựa chọn nhân vật được anh đặt ra: Phải có phong cách rõ rệt. Trong năm 2014, anh đã hoàn thành 40 bức chân dung bạn bè. Trong đó có những tên tuổi lớn: Nguyễn Tư Nghiêm, Bùi Xuân Phái…
Phạm Viết Hồng Lam không chỉ vẽ chân dung đơn thuần. Ngắm tranh của anh người ta còn đọc được dấu ấn tác phẩm của người nghệ sỹ đó, bởi trong quan niệm của anh, tác phẩm chính là cái hồn nghệ sỹ: Một Bùi Xuân Phái lồng lộng giữa phố cổ xa xăm. Một Nguyễn Tư Nghiêm biến hóa thần kỳ với 12 con giáp. Một Lê Công Thành ám ảnh với đàn bà. Một Lương Xuân Đoàn bồng bềnh lãng tử. Một Lê Trí Dũng được đặt tên “tay lái ngựa”.
Một nữ họa sỹ khác được gắn với chiếc ghế quyền lực v.v… Trong số 40 chân dung nhân vật Phạm Viết Hồng Lam đã dựng, chỉ có một nhân vật duy nhất không nằm trong làng hội họa là Bác Hồ. Đã rất nhiều nghệ sỹ sáng tác về Bác, song cách của họa sỹ làng quê khá độc đáo: Hình ảnh Bác hiện lên giữa cờ đỏ, sao vàng.
Tôi hỏi: “Bao giờ anh định mở triển lãm chân dung?”. Anh lắc đầu: “Tôi bao giờ cũng đợi chín muồi mới công bố. Và tôi cũng không có thời giờ để làm thủ tục mở triển lãm. Tôi muốn tập trung vào vẽ thôi, quỹ thời gian cuộc đời eo hẹp, bây giờ đi ra ngoài một bước đã thấy tiếc”.
Là một nhà giáo, Phạm Viết Hồng Lam chuẩn mực, từ tốn trong hành động, lời ăn tiếng nói. Là một nghệ sỹ, anh đầy cá tính để bảo vệ những gì mình cho là đúng, không chạy theo số đông. Anh không chơi facebook nhưng vẫn thường xuyên theo dõi bạn bè và cuộc sống qua mạng xã hội. Phạm Viết Hồng Lam tỏ ý không hài lòng với thói “ném đá” đang phát triển hiện nay: “Nhiều người trong chúng ta hay chê quá, chưa nghe đã chê. Theo tôi, cái gì cũng vậy, phải từ từ lắng nghe rồi hãy phản đối, chứ đừng “ném đá” theo trào lưu”
Anh ủng hộ tượng đài người mẹ ở Quảng Nam: “Hỏi tôi tượng người mẹ ở Quảng Nam có đẹp hay không tôi không thể nói được bởi tôi chưa được trực tiếp tiếp cận thì chưa thể nói về cảm xúc. Nói như vậy là võ đoán. Song tôi thấy độc đáo, tượng lấy nguyên mẫu là bà mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Thứ, bên trong khối tượng là nhà tưởng niệm mẹ Việt Nam anh hùng, một công trình quá tuyệt, sao phải ném đá?”.
Phạm Viết Hồng Lam cũng là người ủng hộ con đường gốm sứ sông Hồng: “Thu Thủy (tác giả con đường gốm sứ – pv) vốn là học trò của bố tôi nhưng vì quí mến gia đình mà hay qua lại, khi Thủy làm dự án có nhiều người ném đá, hỏi tôi thì tôi khuyến khích: Cứ làm đi nhưng cháu phải đảm bảo được tính nghệ thuật”. Chính họa sỹ làng quê đã cung cấp tư liệu cho tác giả con đường gốm sứ.
Trên con đường gốm sứ ven sông Hồng hiện nay có một vài bức tranh của Phạm Viết Hồng Lam được biến tấu. Họa sỹ Thu Thủy cũng dùng phác thảo tranh của anh để dựng tranh gốm ở Trường Sa. Do điều kiện sức khỏe không cho phép, Phạm Viết Hồng Lam chỉ ngắm tác phẩm của mình qua ảnh, qua ti-vi, anh không tới được Trường Sa. Một điều thú vị: Tất cả tranh của Phạm Viết Hồng Lam trên con đường gốm sứ ở Hà Nội hay tranh gốm ở Trường Sa đều được tác giả cho phép sử dụng miễn phí. “Cái gì làm đẹp cho đời thì làm thôi. Không ai muốn phá cuộc đời này cả”, họa sỹ tâm niệm.
NÔNG HỒNG DIỆU
https://www.tienphong.vn/van-nghe/pham-viet-hong-lam-nguoi-nha-que-836338.tpo
– Hoạ sĩ Phạm Viết Hồng Lam: Có những khủng hoảng… lành mạnh
20/11/2009
Biết và tỏ nguyện vọng muốn viết ký chân dung về họa sĩ Phạm Viết Hồng Lam, bằng sự ngưỡng mộ, tôi đã có mặt trong ngôi nhà khá khang trang của ông.
Ở đó, tôi bị choáng ngợp bởi những vuông tranh sắc màu tươi rói, đầy bản năng và đượm chất cổ tích. Lòng chợt hỏi lòng, nếu tôi ở đỉnh cao của nghiệp văn, tôi sẽ sống với vinh quang đó và sẽ xuống dốc? Hay tôi sẽ vẫn cựa quậy để tìm một giai đoạn sáng tạo khác? Tôi không trả lời được, và khi nói chuyện với người không chịu để mình cũ – Phạm Viết Hồng Lam đã chỉ ra những khát vọng của ông mà người làm nghệ thuật nào cũng nên tham khảo.
Bốn lần thoát khỏi lưỡi hái tử thần
Sinh năm 1946, là con trai của cố họa sĩ Phạm Viết Song, thuở nhỏ cùng gia đình lang bạt khắp nơi, điều đó làm nên cái “chất” của Phạm Viết Hồng Lam sau này. Quê gốc ở Nam Định, nhưng cha mẹ sinh Hồng Lam ở đất Nghệ An có núi Hồng Lĩnh có dòng sông Lam, nên tên ông được ghép bởi hai địa danh nổi tiếng. Năm 1954, cụ Song đưa gia đình ra Hà Nội, Hồng Lam học hết lớp 7 thì được đưa vào học Trường Mỹ thuật dân lập do cha mình làm hiệu trưởng.
Khi còn học dở, Hồng Lam xung phong vào bộ đội và được đưa vào Trường Sửa chữa xe cơ giới (Cục Quản lý xe – Tổng cục Hậu cần) 3 tháng, rồi được điều đi B, chuyên đi “cấp cứu” những chiếc xe dính bom trên đường. Chàng thanh niên đi khắp chiến trường, ở đâu có xe cần cấp cứu là đến, phục hồi sửa chữa để dùng lại. Khi được điều về Bộ Tư lệnh Đoàn 559, Hồng Lam vào đội kích kéo, chuyên đi phá bom từ trường. Bốn lần thoát khỏi lưỡi hái tử thần thì ba lần ở trong chiến trường.
Ông kể: “Lần thứ nhất đang hành quân đi qua phà Bến Thủy (Nghệ An) thì bị bom, một mảnh bom găm gọn vào cạnh sườn, nhưng tôi được đồng đội cứu. Lần thứ hai khi còn đang ốm, tôi vẫn đi cấp cứu xe và bị máy bay B52 đánh bom ở dốc Con Mèo (gần Binh trạm 42). Tôi bị vùi trong lòng đất, tưởng không thể thoát khỏi. Nhưng rồi đồng đội cũng moi được tôi lên. Lần thứ ba là ở tụ điểm Tha Mé khi đang trên đường theo xe từ trường đi phá bom. Tôi cũng dính, bị đánh bật rồi điếc hẳn một bên tai. Ghê gớm thật!”.
Lần thoát khỏi lưỡi hái tử thần thứ tư diễn ra ở thời bình, chính là hội họa đã cứu Phạm Viết Hồng Lam. Đó là khi ông đã là hội viên Hội Mỹ thuật Việt Nam, là giáo viên Trường Cao đẳng Nhạc họa Trung ương. Năm 1990, ông bị ung thư vòm họng phải nằm liệt giường rất thê thảm, đến nỗi Đảng ủy nhà trường nơi ông công tác nghĩ Hồng Lam không thể qua khỏi, đã viết điếu văn chờ ngày ông “lên đường”. Hồng Lam nhớ lại: “Ngày đó bạn bè đến thăm vẫn cứ động viên, bảo sức mạnh của tôi là ở màu. Màu là bản năng, không ai dạy được. Lúc đó, tình yêu hội họa lại sống dậy, tôi quyết tâm chữa cho khỏi bệnh để sống với hội họa. Vì còn khát vọng nên còn ham sống, điều đó làm tôi chiến thắng tử thần. Ngẫm lại cũng thấy đúng: Y học chỉ là phương tiện, còn khát vọng mới là liều thuốc tái sinh tôi”.
Hai lần làm nên hiện tượng
Sau khi bị thương nặng lần thứ ba, Phạm Viết Hồng Lam được chuyển từ chiến trường ra Trạm An dưỡng Hoằng Hóa (Thanh Hóa) rồi về Hà Nội. Ở Trạm An dưỡng Thương binh Xã hội Từ Liêm, Hồng Lam đi học bổ túc văn hóa và luyện thi mỹ thuật. Dù được tiêu chuẩn đi học ở nước ngoài, nhưng vì sức khỏe yếu, tai bị điếc cộng thêm mặc cảm, ông xin ở nhà để thi vào Trường Mỹ thuật Yết Kiêu.
Ông họa sĩ nói rằng, ngày đó thi vào trường không khó vì là thương binh, đảng viên nên được ưu tiên. Đỗ và theo học cùng với một số người đã làm thầy của thiên hạ rồi, Hồng Lam cố gắng phấn đấu học suốt ngày đêm. Cũng từ đó, niềm đam mê hội họa của ông mới được đánh thức thực sự. Ông lại tìm thấy tình yêu đôi lứa khi học chung với cô gái Tạ Phương Thảo – là ái nữ của họa sĩ Tạ Thúc Bình. Hai người cưới nhau khi còn là sinh viên. Ra trường, hai vợ chồng công tác ở Trường Cao đẳng Nhạc họa TW, tiếp nối công việc dạy học của cha mình. Chính giai đoạn này quyết định đến sự nghiệp hội họa của Hồng Lam. Bởi vì ông vẽ bằng xúc cảm, chủ yếu để làm phác thảo và chỉ để giảng dạy chứ không ý thức để bán.
Có người thắc mắc tại sao, Hồng Lam chọn chất liệu bột màu là loại rẻ tiền nhất để vẽ, trong khi người khác chọn sơn mài, sơn dầu…? Tôi cũng hỏi lại câu đó, người họa sĩ nói đến ba lý do: Thứ nhất, thời gian dạy học không cho phép ông dùng chất liệu có thời gian thi công lâu. Thứ hai, tranh bột màu là loại dễ lưu trữ do nhà cửa chật hẹp. Thứ ba cũng là lý do chính, vì chất liệu rẻ tiền, dễ truyền cảm xúc, phù hợp với tâm tính tình cảm của ông. Tôi từng nghe nhiều họa sĩ nói: “Chất liệu không tạo nên tác phẩm đặc sắc”. Khi gặp họa sĩ Hồng Lam, tôi càng được khẳng định điều đó là đúng, bởi vì tài năng mới là cái quyết định. Trong tất cả các ngành nghệ thuật sáng tạo, tác phẩm là thứ chứng minh rõ nhất cho chủ thể sáng tạo.–PageBreak–
Được học trong thời gian không nhiều và lại chọn một con đường riêng, Phạm Viết Hồng Lam cảm thấy ấm lòng hơn, bớt chống chếnh hơn khi người vợ thảo hiền của mình động viên: “Bố nó vẽ bột màu đẹp lắm!”. Cho đến năm 1980, trong đợt Triển lãm Mỹ thuật toàn quốc, Hồng Lam có 3 tranh bột màu được duyệt tham gia.
Ngày đó, có tranh trong đợt triển lãm, dù chưa phải to tát và có tiếng vang gì, nhưng cũng là mơ ước của không ít họa sĩ. Với Hồng Lam thì đó là một vinh dự và làm ông tự tin hơn. Mấy năm sau, khi đã là hội viên Hội Mỹ thuật Việt Nam, do bạn bè động viên, Hồng Lam đồng ý triển lãm chung với một người, nhưng gần đến thời gian thì người bạn xin rút. Người họa sĩ trẻ lúc ấy lạnh sống lưng, định bỏ, song được tiếp thêm nghị lực bởi bạn bè và người thân nên đã mạnh dạn triển lãm khoảng 100 bức bột màu.
Ngày triển lãm, hai vợ chồng hì hụi đèo tranh đến 16 Ngô Quyền (Hà Nội) từ rất sớm trong tâm trạng hồi hộp khó tả. Có khoảng 8, 9 họa sĩ nổi tiếng trong Hội đồng xét duyệt TW gồm các họa sĩ Trần Văn Cẩn, Nguyễn Văn Tỵ, Phan Kế An, Trần Đình Thọ, Mai Văn Hiến, Bùi Xuân Phái… là những người sẽ quyết định duyệt bức tranh nào được treo triển lãm. Tranh được trải ra đất, sau khi ngắm nghía qua, rồi nâng niu, một họa sĩ hỏi: “Em có bao nhiêu bức?”. Hồng Lam trả lời: “Dạ, khoảng hơn trăm bức ạ”. Ông họa sĩ này nói bằng giọng dứt khoát: “Thôi, tranh của em không cần duyệt, treo hết đi. Đẹp quá rồi!”.
Ngày khai mạc đó khách đến xem đông chưa từng thấy và sự xuất hiện tranh bột màu của Hồng Lam ngay lập tức thành hiện tượng của hội họa miền Bắc. Bảo tàng Mỹ thuật mua luôn 10 bức và bộ sưu tập của Hội Mỹ thuật cũng mua 5 bức. Tranh bán được khá nhiều, Hồng Lam có được số tiền kha khá để trang trải cuộc sống. Một bước ngoặt lớn diễn ra trong cuộc đời người họa sĩ khiến ngay cả chính tác giả của những bức bột màu đó cũng bất ngờ.
Phạm Viết Hồng Lam còn trẻ, không tên tuổi, nghèo rớt được “đôn” lên thành nổi tiếng và ngay tức khắc nhiều họa sĩ đổ xô đi vẽ tranh bột màu, như thể tranh bột màu là chìa khóa để một họa sĩ đến với vinh quang. Sau triển lãm, họa sĩ Hồng Lam lâm ngay vào khủng hoảng mà theo ông, người ngoài nghề rất khó hiểu. “Tôi hoang mang trước cái thành công đó. Vì tôi đã được tôn vinh ở đỉnh cao của mình. Tôi trăn trở là làm sao để phát triển tiếp ở một giai đoạn khác. Bao nhiêu đêm thức trắng tìm câu trả lời, hướng đi mới và tôi đã bị ung thư vòm họng. Nằm trên giường, lúc nào tôi cũng nghĩ đến màu sắc và ám ảnh màu sắc”.
Vâng, cũng sau thời gian khủng hoảng và lâm bệnh ung thư, và sau khi chiến thắng bệnh ung thư, Phạm Viết Hồng Lam đã làm nên một hiện tượng thứ hai cho con đường hội họa của mình. Chính tranh xé giấy là lối thoát cho ông, vì nó mang bảng màu của bản năng. Tranh xé giấy là tranh mà trẻ em chuộng, tranh cho những tâm hồn thơ ngây và hồn nhiên. Là tranh mà ông làm để giải khuây trong lúc bệnh tật.
Đúng là một sự kỳ diệu mà nói ra, ít người tin. Hồng Lam kể, khi bạn bè đến thăm ông, họ đã ngạc nhiên trước những bức tranh thủ công xé giấy của học sinh, mà tác giả của nó là người bệnh đang nằm trên giường. Ở thể loại tranh xé giấy, Hồng Lam cũng xoay quanh những đề tài nông thôn gần gũi, đó là con bò, là cánh lục bình, là những cánh hoa sen trong sáng bình minh rực rỡ. Năm 1991, sau khi được cứu bởi tranh xé giấy, bè bạn lại động viên Hồng Lam làm một chuyên đề về tranh xé giấy và ngay tức khắc lại thành một hiện tượng. Ông cũng là một trong những họa sĩ đầu tiên được mời đi triển lãm ởSingapore.
“Tôi có khủng hoảng… lành mạnh”
Hồng Lam là người không chịu dừng lại và lúc nào cũng đau đáu sáng tạo, làm mới mình. Ông có những khủng hoảng mà theo ông đó là khủng hoảng lành mạnh trong tâm hồn. Ông quan niệm mình đã ở một cái đỉnh nào đó thì không thể nhai lại mà phải tìm một cách sáng tạo khác mới hơn. Cứ như thế, trong khoảng 3 năm trở lại đây, ông vẫn sáng tạo môtíp tranh làng quê, nhưng phát triển lên ở dạng vẽ về nền văn hóa, miền văn hóa làm nên cái chất của văn hóa Bắc Bộ.
Bằng con tim nhạy cảm, những bức tranh dân dã được vẽ cách điệu ở tầm cao nhưng vẫn chuyển tải được cái thần thái, các yếu tố tâm linh, cái chất folklore. Nó không bê nguyên cảnh sinh hoạt hằng ngày như người ta sao chép cuộc sống, nó là cái mà Hồng Lam cảm nhận cuộc sống sôi động đẹp đẽ ngoài kia. Tranh của ông như một thiên đường đẹp đẽ tươi rói, riêng biệt không giống với bất cứ họa sĩ nào. Đó là một cuộc cách mạng cho tâm hồn mà không phải ai muốn mà làm được.
Sau này, Phạm Viết Hồng Lam nhận ra, cái làm nên tên tuổi ông chính là tâm thế hồn nhiên của trẻ thơ. Dù được một triệu phú Singapore mời sang định cư để vẽ, nhưng ông không muốn vì không thể xa không gian văn hóa của mình. Ông không thể có cảm xúc để vẽ nếu thiếu phong cảnh quê hương. Ông gần gũi với những làng quê có dây tơ hồng, có hoa mướp, có cánh cò, có cả mùi phân trâu ẩm mốc… Ông yêu tất cả những thứ đã làm nên tâm hồn những đứa trẻ quê và ao ước sống mãi với nó, để nó làm nên màu sắc tranh, hương vị tranh.
Cũng như những người sáng tác văn chương, người sáng tạo hội họa như Hồng Lam có miền yêu, miền ký ức, miền thương và cảm được một cách mãnh liệt. May mắn cho Hồng Lam là ông được đắm mình trong không gian làng quê từ thuở bé khá nhiều. Trong làng hội họa, ông không ảnh hưởng ai, mà ảnh hưởng bởi cách suy nghĩ của cha mình. Làng hội họa gọi ông là gã họa sĩ dũng cảm, không chỉ bởi ông trung thành với đề tài phong cảnh nông thôn, mà còn vì ông dấn thân cho một dòng tranh không hề bán chạy như những dòng khác. Ông vẽ bằng sự tươi tắn hồn nhiên chứ không có sự tính toán vặt vãnh trong đó. Nhắc lại điều này, Hồng Lam cười, một nụ cười bình thản như bức tranh quê yên bình.
Là người viết văn, tôi cũng ao ước mình có thể có khủng hoảng nào đó, ít nhất là để mình viết khác đi, ít nhất là để tạo nên một cái tên trong lòng bạn đọc. Khi nâng niu bức tranh của Phạm Viết Hồng Lam trên tay, với sắc màu tươi rói và sự hồn nhiên không mảy may tính toán, từng trải, tôi chợt nghĩ: Để có tác phẩm hay, người sáng tạo phải có tâm hồn không toan tính mà chỉ một lòng hướng tới NGHỆ THUẬT
Nguyễn Văn Học
http://antgct.cand.com.vn/Nhan-vat/Hoa-si-Pham-Viet-Hong-Lam-Co-nhung-khung-hoang-lanh-manh-311884/
✽✽✽✽✽✽