Những người hùng chiến thắng ung thư – Tập 5

MỤC LỤC

Giọng:

✽✽✽✽✽✽

Hoàng Diệu Thuần – Ung Thư Máu – Nghệ An

✽✽✽✽✽✽

Hành trình truyền nghị lực sống cho bệnh nhân ung thư của cô gái 8X cùng cảnh ngô

 Chủ nhật, 17/01/2021

Bằng ý chí, nghị lực kiên cường và tinh thần sống lạc quan Hoàng Diệu Thuần đã vượt qua căn bệnh ung thư máu và trở thành trở thành người truyền cảm hứng.

Suốt 7 năm chiến đấu ròng rã với căn bệnh ung thư máu, đã có lúc tưởng như cánh cửa sự sống đã khép lại với cô gái Hoàng Diệu Thuần. Nhưng bằng ý chí, nghị lực kiên cường và tinh thần sống lạc quan, cô gái 8X đã vượt qua và trở thành biểu tượng sống, người truyền cảm hứng cho những bệnh nhân cùng cảnh ngộ…

Trong thời tiết se lạnh của những ngày cuối năm, dòng người hối hả đi mua sắm mới thấy một năm trôi thật nhanh. Thế nhưng, trái ngược với dòng người ngược xuôi ngoài kia, có một nơi khi Xuân đến với mọi nhà thì nơi đây càng vắng vẻ. Đó chính làm các bệnh viện.

“Bản án” năm 18 tuổi

Diệu Thuần cũng là một bệnh nhân ung thư khi vừa bước chân vào giảng đường đại học năm 18 tuổi. 7 năm chiến đấu và chiến thắng “bản án” ung thư máu, chị Thuần đã quay lại nơi điều trị để đồng hành cùng những đứa trẻ mắc căn bệnh ung thư quái ác.

33 tuổi, tuổi mà hầu như tất cả bạn bè cùng lứa tuổi đều có cho mình một mái nhà riêng thì chị vẫn ngày đêm ra vào bệnh viện – nơi có những đứa trẻ đang đấu tranh giành lại sự sống trên tay thần chết.

Chị nhớ lại cảm giác của chị vào năm 2005, khi đó chị 18 tuổi: “Khi biết thông tin mình mắc căn bệnh ung thư máu, lòng tôi thấy trống rỗng và như có một bàn tay bóp nghẹt trái tim. Tiếp đó, những cú sốc cứ liên tục tới, khi những người bạn cùng điều trị liên tiếp về thế giới bên kia”.

Năm 2010, chị Thuần sử dụng thuốc nhắm đích nhưng không đáp ứng. “Khi ấy, tôi bị kháng thuốc, một bên chân teo lại và nhức không di chuyển được sốt triền miên. Có những lúc đau quá, tôi đã nghĩ mình chết đi cho xong, để không còn là gánh nặng với mọi người”, chị Thuần kể.

Thế nhưng, khi nhìn tấm lưng của người mẹ tảo tần chăm sóc, nhớ về người anh trai đã bỏ cả tương lai phía trước để kiếm tiền chữa bệnh cho mình, xung quanh những người bệnh khác vẫn đang kiên trì đấu tranh với bệnh tật, chị nghĩ không thể buông xuôi. Mọi người luôn dành cho chị quá nhiều sự yêu thương, chở che như vậy, chị phải kiên cường chiến đấu. Khi đó, chị đã gượng dậy để sống và hy vọng vào một tương lai tươi sáng.

Tháng 9/2012, chị Thuần thực hiện ca ghép tủy và phép màu đã đến khi ca phẫu thuật thành công. “Trước khi vào phòng ghép tủy, tôi có viết một quyển sách mang tên Như hoa hướng dương nói về hành trình tôi đã trải qua. Ở cuốn sách này, tôi muốn gieo thêm nhiều hy vọng và động lực sống cho các bệnh nhân ung thư đang gặp bế tắc trong cuộc sống.

Những cuốn sách nảy mầm từ đau đớn thân xác Sau ca ghép tủy 2 năm, chị Thuần không phải dùng thuốc, sức khỏe dần ổn định. Thuần được biết ở bệnh viện có một khu điều trị hóa chất của trẻ con, cô tìm đến và trò chuyện với lũ trẻ trong bệnh viện. Từng là một cô sinh viên nhớ trường nhớ lớp, nhớ bạn bè khi trong thời gian điều trị bệnh, Thuần hiểu được tâm trạng của những đứa trẻ. Cô từng ngày từng ngày lên chơi, trò chuyện với chúng như một thói quen.

“Hôm nay, con nhớ cô hay hôm nay, con lên viện, cô vào chơi với con nhé rồi có cả những câu hỏi mà tôi không biết trả lời ra sao: Cô ơi, tại sao cô lại chơi với con? Con cảm thấy hạnh phúc… Cứ hết bé này đến bé khác gọi tôi tíu tít như thế. Tôi dẫn chúng đi ăn, đi mua sắm quần áo… Tôi trở nên thân thiết với đám trẻ trong bệnh viện như người thân ruột thịt. Nhưng đến một ngày, tôi nhận ra nhiều bé mà tôi thân thiết đều không trụ nổi và các em đã vĩnh viễn ra đi. Lúc đầu, tôi sợ, ám ảnh. Dù là khi đi làm, đi tập thể thao hay khi đi ngủ, tôi đều bắt gặp hình ảnh chúng. Tôi mơ thấy chúng nói chuyện, vui đùa bên mình. Có giai đoạn, tôi rơi vào trầm cảm nhưng cũng dần vượt qua được. Tôi nghĩ: Chúng đến với cuộc đời này đã là điều kỳ diệu, các bạn ý đã cố gắng, cái duyên đến được bao nhiêu thì trân trọng bấy nhiêu. Không nên quá đau buồn vì điều đó. Nhưng thú thật có lúc tôi vẫn rất buồn, biết tin các bạn ấy ra đi mà không kìm được nước mắt”, Thuần kể.

Cuộc đời dù ngắn ngủi vẫn nuôi dưỡng khát khao, hy vọng…

Hiểu được tâm lý và những mong muốn của các em, quỹ từ thiện Muôn ánh mặt trời – được lấy tên theo cuốn tự truyện của Thuần ra đời.

“Để có kinh phí hoạt động, ngoài tiền bán sách, tôi còn bán bao lì xì, bán khẩu trang tự thêu, tổ chức các buổi trải nghiệm cho trẻ em vẽ tranh và bán các sản phẩm các em tham gia làm để gây quỹ. Khi kêu gọi ủng hộ, tôi không muốn xin của ai, mà muốn người đóng góp cũng được nhận lại một giá trị nào đó. Vì vậy, tôi chỉ làm ra các sản phẩm để gây quỹ, hoặc tổ chức cho những người có nhu cầu góp quỹ, được tham gia một hoạt động nào đó, để mang lại giá trị cho cộng đồng”, Thuần cho hay.

Chưa dừng lại ở đó, Thuần còn xây dựng chương trình talkshow Em ước mong sao – nơi các bé được trở thành nhân vật chính, thoải mái trò chuyện và được thực hiện ước mơ của mình. “Em ước mong sao ghi hình được 4 số, chắp cánh ước mơ cho 4 em. Nhưng… có 2 bé trong talkshow ra đi. Hiện tại, tôi đang tạm dừng chương trình talkshow này”, Thuần cho hay.

Là người đi thực hiện ước mơ cho các em nhỏ, thế nhưng, ước mơ của Thuần có một mái ấm hạnh phúc cho riêng mình lại khó thực hiện được. “Sau đợt điều trị ghép tủy, tôi gần như không còn khả năng làm mẹ. Chính vì vậy, khi cảm nhận được có người đàn ông dành tình cảm cho tôi, tôi thường nói thẳng họ”, Thuần nói.

Dù vậy, Thuần vẫn luôn lạc quan bởi động lực sống của cô lúc này là giúp đỡ những em nhỏ ung thư có được nụ cười rạng rỡ. Qua hành trình đầy máu và nước mắt, nỗi buồn và có cả niềm vui, cô gái 8X mạnh mẽ muốn nhắn nhủ với những người đồng cảnh ngộ: “Hãy để mọi thứ đến tự nhiên, ta sẽ trưởng thành hơn từ cô đơn nhưng đừng bao giờ tuyệt vọng”.

“Trong tương lai, tôi dự định sẽ thành lập một doanh nghiệp xã hội để có nguồn kinh phí duy trì các hoạt động thiện nguyện. Và cùng thực hiện với bệnh viện một CLB bệnh nhân ghép tủy để cho mọi người có một nơi chia sẻ, tâm sự với nhau”, Thuần cho hay.

Phong Linh

https://www.doisongphapluat.com/hanh-trinh-truyen-nghi-luc-song-cho-benh-nhan-ung-thu-cua-co-gai-8x-cung-canh-ngo-a352834.html

– Cô gái Nghệ An ung thư máu và khát vọng sống mãnh liệt

11:47 27/04/2015

Người con gái đó là Hoàng Diệu Thuần, tác giả cuốn sách “Như hoa hướng dương”.

“Cuộc đời sẽ mang tới những nỗi đau cho bạn. Bổn phận của bạn là tạo ra niềm vui” – Milt Erikson, bác sĩ y khoa. Không hiểu sao tôi cứ nghĩ đến câu nói đó khi lần đầu tiên gặp Hoàng Diệu Thuần. Có lẽ vì tôi không nhìn thấy hình ảnh một người bệnh ở em. Khuôn mặt trẻ thơ, ánh mắt tinh nghịch gợi cho ta cảm giác vui thích được nói chuyện nhiều hơn với em những lần tiếp sau.

Buổi chiều hôm đó trời rất nắng, 3h chiều em và những người bạn đã có mặt ở sân khấu chuẩn bị cho buổi tọa đàm do nhà sách Đông Tây tổ chức ở Hội chợ sách Công viên Thống nhất nhân ngày sách Việt Nam. Câu nói em thốt ra một cách tự nhiên, hẳn không hàm ý gì, nhưng khiến tôi, và có lẽ nhiều người có mặt khi đó đột nhiên sững lại: “Em đang rất nóng. Nhưng em thấy vui, vì cảm giác của em bây giờ cũng giống như mọi người xung quanh”. Được là một người bình thường, có những cảm giác như người bình thường là hạnh phúc với em bây giờ. Và, tôi nghĩ, đó cũng là hạnh phúc của tất cả chúng ta. Số phận ưu ái cho ta được hưởng sự bình thường mà không cần phải đánh đổi hoặc trải qua biến cố nào mới có nên ta coi như đó là sự hiển nhiên.

Được sống đã là một kỳ tích rồi, những điều khác đều trở nên không đáng kể. Em nói: “Chị Loan may mắn hơn em vì đã được có một người chồng yêu thương. Em không có hạnh phúc đó nhưng em may mắn hơn chị là em vẫn được sống, hôm nay em còn được đến đây, được nói chuyện, được nhìn thấy mọi người”.

Chị Loan, người Thuần nhắc tới, ra đi vì bệnh suy thận cách đây vài tháng. Chị, Thuần và một số người nữa là tác giả của các cuốn sách trong tủ sách Vượt lên nghịch cảnh do Nhà sách Đông Tây đứng ra tổ chức in ấn, nhằm động viên, khích lệ những người có khả năng viết lách biết vươn lên từ nghịch cảnh. Đi qua lưỡi hái tử thần Thuần hiểu hết sự quý giá của sinh mạng. Em nhắc lại cái điều mà ai cũng biết nhưng không phải ai cũng thực sự hiểu thấu.

Những ngày chờ thuốc mới – em được một hãng dược cung cấp thuốc miễn phí – Thuần về quê Quỳ Hợp. Nơi đó có vườn hoa hồng đang chờ tay người chăm sóc. Hơn một trăm bụi hoa đủ sắc màu, kiểu dáng thỉnh thoảng em lại chụp khoe bạn bè. “Em thích hoa mê mẩn. Ở Hà Nội đêm nằm cứ nhớ vườn hoa, mơ thấy từng cây hoa. Lần về nào em cũng tranh thủ vun gốc, xới cỏ, nhặt sâu, tỉa cành cho hoa. Hoa rất thích được tưới nước gạo, bã chè, cà phê”. Tôi vào facebook ngắm từng bông hoa em nưng niu lòng không khỏi rung động. Những cánh hồng mỏng manh – tươi tắn – đầy sức sống.

“Em mơ ước gì?”, tôi không biết mình có vô ý khi hỏi em câu đó.

Em không mơ ước gì hơn nữa. Em thấy hạnh phúc với mọi thứ đang có. Sống trong yêu thương, chăm sóc của bố mẹ, anh chị; được nhiều bạn bè yêu quý. Có một công việc nhẹ nhàng ở công ty truyền thông. Em vẫn đang luyện đàn. Em mong mình đàn thật hay những bản tình ca tươi vui để vào viện đàn cho các bệnh nhân. Bố em cũng là người yêu thích đàn hát, bố truyền cho con gái tâm hồn nghệ sĩ. Mỗi lần em về quê bố con lại ôm đàn ngẫu hứng.

Sống mãi trong nỗi buồn rồi cũng quen. Những khi cô quạnh quá em lại làm thơ, viết linh tinh. Bạn bè hỏi sao không in thành một tập thơ em bảo thơ buồn vậy ai đọc. Em viết cho vợi bớt nỗi cô đơn. Nỗi cô đơn của một người phụ nữ khi đối diện với những khát khao. Nhưng rồi nỗi buồn tự nó qua đi, rất nhanh, như khi tìm đến. Em lại thấy mình là người may mắn, mình đang có cuộc sống hạnh phúc. Trong bệnh viện còn biết bao nhiêu người bất hạnh, bế tắc hơn em mà họ vẫn lạc quan và từng ngày vượt qua.

Nhiều lúc em nghĩ rằng có một đấng thiêng liêng nào đó thương cảm lòng thành của bố mẹ mà giữ em ở lại với cuộc đời. Niềm tin đó đủ mạnh để đẩy đi nỗi sợ hãi bệnh tật. Ca ghép tủy đã thành công, như lời bác sĩ nói, “rất ngoạn mục”, em đã từ cõi chết trở về hưởng những niềm vui trần thế. Em không hề đơn độc trong cuộc chiến với bệnh tật. Em được các bác sĩ, các tổ chức, bạn bè, và cả những người chưa từng biết tới đã giúp đỡ em số tiền lớn. Em thấy mình được hưởng quá nhiều ân huệ cuộc đời. Mỗi sáng thức dậy, nghe những âm thanh cuộc sống, em chỉ muốn nói mãi những lời biết ơn.

Thuần không muốn nói nhiều về cuốn sách nữa – Như hoa hướng dương – “Sách đã xuất bản gần ba năm, nhiều người viết chuyện đó rồi, hơn nữa em thấy mình viết chưa được tốt lắm”. Thuần à, giá trị một cuốn sách đâu phải mới hay cũ, dày hay mỏng, mà chính là tư tưởng của người viết trong đó và ý nghĩa của nó thế nào với mỗi người đọc.

Tôi đã đọc cuốn sách của em ngay sau buổi tọa đàm. Cuốn sách chưa tới một trăm trang nhưng tôi phải ngắt quãng rất nhiều lần. Dù đã hình dung ra điều em viết nhưng ngay từ trang đầu tiên tim tôi thắt lại. Em bình tĩnh kể lại chuyện đã xảy, từ buổi chiều định mệnh ở bệnh viện Huyết học, nhưng tôi, một người đọc, không thể nào bình tĩnh được trước nỗi đau quá lớn em phải hứng chịu. Một cô học sinh trường Phan Bội Châu nhí nhảnh, xinh tươi, hăm hở bước tới giảng đường, tràn trề ước mơ. Một bệnh nhận phải gấp gáp nhập viện trong nỗi kinh hãi đến mức không thể nói được gì nữa: bệnh ung thư máu.

Ranh giới giữa quá khứ, hiện tại và tương lai đối với tôi bị xóa nhòa. Tôi sống phần nhiều với quá khứ hơn là với hiện tại, tìm về hạnh phúc của quá khứ như một liều thuốc để xoa dịu những nỗi đau của hiện tại. Thời thơ ấu của tôi ngập tràn tiếng cười trên những triền đồi, bờ khe cùng lũ bạn học và lũ trẻ con trong làng.

Thuần hoàn thành cuốn sách trước khi chuẩn bị vào nhập viện để ghép tủy, năm 2012, sau 7 năm chung sống với căn bệnh, sau những chuỗi ngày đau đớn với không biết bao nhiêu lần hút tủy xét nghiệm.

Nhớ lại những kỷ niệm và viết ra, tôi không biết mình có để cho ai đó đọc nó không, nhưng tôi cứ viết. Bởi ít nhất tôi muốn mình sẽ là người đọc lại nó sau cuộc điều trị và thật hạnh phúc khi những điều không may mắn đã trải qua có thể khép lại, giống như việc đọc xong một cuốn sách. Tôi sẽ gập nó lại và chọn một cuốn sách mới.

Chiều hôm đó, trong công viên đầy nắng, với chiếc áo phông đỏ nhẹ nhàng, chuyện trò với bạn bè, tôi nhìn thấy Thuần đã bước sang cuốn sách mới. Cuốn sách như em nói, tươi sáng hơn, đậm màu sắc và thanh âm hơn. Ánh mắt, điệu cười, phong thái đó khiến cho người đối diện có cảm giác rất yên ổn về em. Bởi em biết đón nhận tất cả những gì trời đất ban tặng cho mình một cách tự nhiên nhất và cố giữ cho mình – dù không còn trọn vẹn nữa – sự tự nhiên mộc mạc của một con người xuất thân từ vùng rừng núi.

Phan Thúy Hà

https://news.zing.vn/co-gai-nghe-an-ung-thu-mau-va-khat-vong-song-manh-liet-post533919.html

– Sự hồi sinh diệu kỳ của cô gái mắc ung thư máu

Nguyễn Vân – Ngày 13 Tháng 12, 2016

– Những câu chuyện cảm động về những em bé phải chịu đau đớn để giành giật sự sống từ căn bệnh ung thư hay cô gái trẻ Diệu Thuần đã hồi sinh diệu kỳ từ căn bệnh ung thư máu khiến ai cũng phải rơi lệ.

Chương trình giao lưu nghệ thuật gây quỹ hỗ trợ bệnh nhân ung thư nghèo “Ngày mai tươi sáng” đã diễn ra vào tối qua (12/12) tại Hà Nội. Chương trình nhằm kêu gọi lòng nhân ái của toàn xã hội, chung tay chia sẻ những khó khăn với các bệnh nhân ung thư nghèo.

Soạn tin nhắn cú pháp UT gửi đến tổng đài 1406, với mỗi tin nhắn đóng góp 12 nghìn đồng cho Quỹ hỗ trợ bệnh nhân ung thư Ngày mai tươi sáng chung tay phần nào chia sẻ nỗi đau, nỗi khó khăn của bệnh nhân ung thư.

Chương trình giao lưu nghệ thuật “Ngày mai tươi sáng” ủng hộ bệnh nhân ung thư nghèo có sự góp mặt của Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh; Nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan; Chủ tịch danh dự Quỹ hỗ trợ bệnh nhân ung thư Ngày mai tươi sáng TS. Nguyễn Quốc Triệu; Thứ trưởng Bộ Y tế PGS.TS. Nguyễn Viết Tiến; TS. Nguyễn Thị Xuyên, nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế, Chủ tịch Tổng hội Y học Việt Nam, Chủ tịch Quỹ hỗ trợ bệnh nhân ung thư Ngày mai tươi sáng; PGS.TS. Trần Văn Thuấn, Giám đốc Quỹ Ngày mai tươi sáng, GĐ BV K TW. Chương trình còn có sự góp mặt của các nghệ sĩ nổi tiếng nhằm gây quỹ.

Những câu chuyện được kể trong chương trình đã mang lại sự xúc động cho nhiều khán giả. Đó là quá trình đồng hành của các bác sĩ với gia đình và bệnh nhân trong hành trình chiến thắng bệnh tật; những tấm gương bác sỹ hết lòng vì người bệnh, mang đến sự hồi sinh diệu kỳ cho các bệnh nhân ung thư nghèo. Những câu chuyện xúc động về những em bé phải tiêm truyền, trải qua sự đau đớn để có thể tiếp tục sống, tấm gương của cô gái đã trải qua 7 năm điều trị ung thư máu khi ở ngưỡng cửa của trường Đại học đã để lại những giọt nước mắt cho khán giả về nghị lực sống phi thường,…

Sự đồng cảm, chia sẻ, mang yêu thương đến với người bệnh ung thư cũng là những điều quỹ hỗ trợ bệnh nhân ung thư “Ngày mai tươi sáng” làm trong suốt hơn 5 năm qua. Nhiều nhà quản lý, những thầy thuốc trọn đời cống hiến vì sức khỏe người bệnh, những cá nhân, tổ chức giàu lòng hảo tâm… đã cùng chung tay xây dựng Quỹ Hỗ trợ bệnh nhân ung thư – Ngày mai tươi sáng để hỗ trợ và mang lại sự ấm áp cho bệnh nhân không may mang trong mình căn bệnh hiểm nghèo.

Cơn đau quá sức chịu đựng để giành giật sự sống

Ung thư đang và sẽ là vấn đề lớn đối với sức khoẻ cộng đồng. Theo ghi nhận của Tổ chức Ung thư Quốc tế, mỗi năm trên thế giới có khoảng 14 triệu ca mắc mới và 8,2 triệu trường hợp tử vong do ung thư. Tại Việt Nam, theo số liệu của Bộ Y tế và ngành ung thư, số ca mắc mới căn bệnh này đang tăng lên nhanh chóng, cùng với đó là tỷ lệ tử vong cao và gánh nặng tài chính đang đè nặng lên mỗi người bệnh. Ung thư đang trở thành nỗi ám ảnh không chỉ riêng quốc gia nào. Việt Nam là nước có tỷ lệ bệnh nhân ung thư thuộc top đầu khu vực Đông Nam Á.

Tại khoa ung bướu, Bệnh viện Nhi TW, nơi điều trị cho các bệnh nhi bị ung thư, 8h sáng là lúc bác sĩ thực hiện các thủ thuật lấy máu, truyền hóa chất, tiêm tủy. Để khỏi bệnh, được sống, các em phải chấp nhận những cơn đau quá sức chịu đựng.

Những nỗi đau đớn của các em bé khi giành giật sự sống từ căn bệnh ung thư

Bác sĩ Trần Thị Liên Nhi, Khoa Ung bướu, Bệnh viện Nhi TW xúc động kể lại về trường hợp của cô bé Diệu Linh, một cô bé không biết khóc: “Nhiều bạn khóc khi không có bố mẹ, nhưng bạn Linh chưa bao giờ thấy bạn ý khóc cả, kể cả khi bạn ý lấy ven.” Diệu Linh bị ung thư máu, bố em mắc bệnh nặng ở nhà, mẹ em đã bỏ đi, chỉ có người chú và ông nội thay phiên nhau xuống Hà Nội trông cháu. Ít được ai dỗ dành, một cô bé 4 tuổi không kêu khóc khi bị đau, và còn biết nhiều hơn thế. “Buổi tối mà đông người đến thăm quá tôi lại phải bế cháu đi ra, vì nhiều khi các cháu khác có người lớn hỏi han, cháu mình thì chẳng ai hỏi cả….”, ông Hà Văn Xảo, ông nội của bé Diệu Linh chia sẻ. Dù đã có bảo hiểm, nhưng những chi phí khác vẫn đè nặng lên vai những gia cảnh nghèo.

Thanh Huyền là cô bé có mái tóc dài và đẹp hiếm hoi của khoa ung bướu. Em lên đây được hơn 1 tuần vì những cơn sốt kéo dài. Chưa có kết quả nên bố Huyền vẫn mong em chỉ bị bệnh thông thường. Người đàn ông này 3 năm qua đã mất đi cả vợ và 2 con trai vì căn bệnh ung thư. Huyền giờ là đứa con duy nhất của anh. Trong phòng khám bệnh, người cha của cô bé được bác sĩ chấn an tinh thần khi báo tin: “Bố phải bình tĩnh nghe nhé. Con thì chắc chắn bị ung thư rồi, ung thư máu….” Người đàn ông đã 3 lần chứng kiến người thân bị ung thư lặng người sững sờ trước cái tin sét đánh nhưng rồi anh đành phải nén lòng qua một bên để lại tất bật lo tiền chi phí chữa trị cho cô con gái duy nhất.

Bệnh nhân Nguyễn Thị Nơ, Vĩnh Long nghẹn ngào trải lòng trên giường bệnh cũng là chốn nương thân duy nhất của người phụ nữ có tuổi: “Hiện tại không có nhà cửa, nơi ăn chốn ở, ở bệnh viện là bệnh viện lo…”. Bệnh nhân Nguyễn Thị Lan, Can Lộc, Hà Tĩnh cũng đau lòng không kém: “Làm ruộng mà bệnh tật, không có làm cái gì, chỉ có chết đói thôi…”. Ung thư đối với gia đình khá giả cũng là gánh nặng, chưa nói đến các gia đình có hoàn cảnh khó khăn. Theo số liệu thống kê, 55% bệnh nhân ung thư kiệt quệ tài chính sau 1 năm.

Sự hồi sinh kỳ diệu từ căn bệnh tưởng chừng vô phương cứu chữa

Nhưng trên cả nỗi đau vẫn là những điều kỳ diệu ẩn náu nơi đây. Và sự kỳ diệu đó trên hết đến từ sự tận tâm của những người thầy thuốc, những tấm lòng yêu thương mọi người xung quanh và nghị lực phi thường của chính những người bệnh. Cô gái “Hoa Hướng dương” Hoàng Diệu Thuần, một ca sĩ của chương trình đã cất lên những lời ca “Nghe tôi kể này” từ ca khúc của Lê Cát Trọng Lý để thay cho lời tự sự nhắn nhủ đầy yêu thương. Cách đây 11 năm, Diệu Thuần cũng bị mắc ung thư máu khi cánh cửa đại học đang mở ra, và phải 7 năm chống chọi khắc nghiệt, tưởng chừng như đã không thành công, nhưng nhờ vào tình yêu và sự bao bọc của rất nhiều người, điều kỳ diệu đã xảy ra.

Cách đây 4 năm, Diệu Thuần đã được ghép tuỷ thành công tại Viện Huyết học Truyền máu TW. Thuần chia sẻ “mắc bệnh từ năm 18 tuổi” khi vừa đỗ đại học, sau này thì vừa phải điều trị vừa tiếp tục học khá khó khăn, có khó khăn về tinh thần và điều trị quá tốn kém, bên cạnh đó sự giúp đỡ động viên của nhiều người.

Trong khoảng thời gian đó Thuần chống chọi với rất nhiều thứ, và lúc nào cũng khóc, khóc rất nhiều, và mong phép màu lại xảy đến với mình. Những ngày trước khi ghép tuỷ tại Viện Huyết học Truyền máu TW, sau mỗi đợt truyền hóa chất, trang nhật ký lại dày thêm. “Dù chuyện gì xảy ra đi nữa, tôi thật sự không hề hối tiếc khi được sinh ra và sống những ngày tháng này. Có những đau đớn và hạnh phúc xen lẫn. Tôi cảm nhận cuộc đời này ý nghĩa hơn.” Trước khi được ghép tủy, có những trang nhật ký còn dang dở, Thuần đã từng ước “giá như căn bệnh ung thư máu không chọn mình…”, nhưng rồi chính Thuần là người đã động viên người mẹ đang nước mắt lưng tròng vì thương con bằng những lời mạnh mẽ: “Mẹ đừng khóc…” vì khát vọng sống trong em tin tưởng rằng mình sẽ vượt qua.

7 năm cô gái 26 tuổi gắn bó cuộc sống với giường bệnh, thế nhưng cô vẫn cảm tạ cuộc sống bởi cuộc sống đã cho cô quá nhiều yêu thương, đã khiến cô cảm nhận được ý nghĩa của cuộc sống. Cô vẫn ca ngợi cuộc sống tươi đẹp này qua tiếng đàn, tiếng hát và chiến thắng căn bệnh ung thư máu có lúc tưởng như đã vô phương cứu chữa,… Cô gái ấy vẫn như loài hoa hướng dương luôn hướng về phía mặt trời, và tỏa sáng mạnh mẽ….

Còn rất nhiều nữa những câu chuyện hồi sinh kỳ diệu từ bàn tay tài hoa của người bác sĩ, từ sự tận tâm của những người y tá điều dưỡng, từ tấm lòng yêu thương của những người xung quanh, và có thể còn từ tấm lòng nhân ái của bạn và tôi, của xã hội quanh ta…. Chúng ta hãy sống như loài hoa hướng dương, mang lại mật ngọt và những điều nhân ái đến cho đời, bằng cách sẻ chia với những người bệnh, để phía trước chúng ta luôn là những ánh dương.

Nguyễn Vân

http://suckhoedoisong.vn/su-hoi-sinh-dieu-ky-cua-co-gai-mac-ung-thu-mau–n125858.html

– Nghị lực phi thường của cô gái “hoa hướng dương” 10 năm chống chọi căn bệnh ung thư

18:11 27/12/2015

Nhiều lần gặp Hoàng Thị Diệu Thuần – cô gái có nickname “hoa hướng dương” nổi tiếng – tại các sự kiện dành cho bệnh nhân ung thư, tôi luôn ngạc nhiên khi thấy trên môi cô gái bé nhỏ đến mong manh này luôn đọng một nụ cười dịu dàng.

Cô cũng luôn truyền niềm lạc quan, tình yêu cuộc sống cho những bệnh nhân cùng cảnh ngộ, thậm chí, cho cả những người như chúng tôi. Ngạc nhiên hơn khi cô còn viết sách và vừa ra mắt cuốn sách thứ 2, mang tên “Muôn ánh mặt trời”. Giữa những bộn bề của công việc biên kịch, “cô gái dũng cảm” Diệu Thuần đã tranh thủ dành cho PV Báo CAND một cuộc trò chuyện:

+ Nghị lực sống của em thật đáng ngưỡng mộ và để nhiều người học tập. Em có thể chia sẻ với bạn đọc về những thời khắc khó khăn nhất mà mình đã trải?

Diệu Thuần: Có lẽ, đó là quãng thời gian em bị tác dụng phụ của thuốc nhắm đích Glivec sau khi dùng thuốc này được hơn 1 năm. Những ngày tháng đó em vô cùng đau đớn, đến mức cậu và mẹ của em luôn phải vất vả thức trắng nhiều ngày đêm liên tiếp bên em.

Đó là quãng thời gian em chìm trong những cơn đau âm ỉ và nhức nhối, những giấc mơ kinh hoàng trong mỗi giấc ngủ chập chờn. Em thậm chí còn nghĩ là nếu mình chết đi thì cậu, mẹ mình sẽ đỡ khổ, đỡ vất vả hơn. Nhưng rồi chính trong những cơn đau đó, em cảm nhận được sức chịu đựng của mình vẫn chưa phải đã cạn kiệt và tình yêu thương của bố mẹ dành cho em mỗi ngày mỗi càng nhiều thêm.

Đó vừa là áp lực với em, lại vừa là động lực của em để cố gắng vượt lên số phận. Rồi em làm thơ, viết nhật ký để tâm sự với chính mình, để trải lòng mình… và điều đó đã có tác dụng tích cực trong tâm lý của em. Dù em vẫn sốt và không thể đi lại được với cái chân đã bị teo và luôn đau âm ỉ, nhưng em vẫn cố gắng gượng ngồi dậy trên giường và viết ra cơn đau, viết ra nỗi buồn của mình. Cảm giác làm như vậy thì cơn đau sẽ nhảy hết vào trang giấy chị ạ.

+ Em đã bước qua những thời khắc đó như thế nào và điều gì để lại ấn tượng mạnh mẽ nhất với em trong hành trình đó?

Diệu Thuần: Em đặc biệt muốn cảm ơn mẹ, người đã bên cạnh em trong tất cả các quãng thời gian khó khăn nhất của em. Em không thể nào quên những ngày mẹ tận tình chăm sóc em trong phòng ghép tủy. Lúc đó cơ thể em bị suy kiệt gần như hoàn toàn do tác dụng của hóa chất diệt tủy, em cũng không thể đi lại được vì toàn thân run bắn, co quắp, mất cảm giác ở chân, miệng lở loét không ăn, không nuốt được.

Mẹ đã khóc khi lau người cho em, bởi nhìn em chỉ như một nhúm xương khô còn sót lại. Nhưng rồi may mắn là em đã vượt qua được, bằng cả tình yêu thương, sự chăm sóc tận tình của mẹ và sự nhiệt tình của các bác sĩ, các anh chị y tá.

+ Sống và chữa bệnh đã là quá gian nan với em, một cô gái bé nhỏ và mang trọng bệnh. Vậy mà em không chỉ lạc quan vui sống, mà còn viết tới 2 cuốn sách. Điều gì cho em nghị lực và sức mạnh lớn lao như vậy?

Diệu Thuần: Tâm lý thoải mái và an tâm khi được các bác sĩ và anh chị y tá tại Viện Huyết học Truyền máu Trung ương có lẽ cũng là nguyên nhân quyết định để em vượt qua được nhiều giai đoạn khó khăn nhất trong suốt 10 năm qua chị ạ. Và còn vô số người thân, thầy cô, bạn bè, các nhà hảo tâm đã tìm đến để động viên và giúp đỡ cho em nữa. Em không biết đền đáp tình nghĩa đó của mọi người bằng cách nào hơn ngoài cố gắng điều trị thật tốt.

+ Em đã viết 2 cuốn sách trong bao lâu và gặp nhiều khó khăn không? Em mong muốn mang tới điều gì cho bạn đọc ở tác phẩm của mình?

Diệu Thuần: Đây là cuốn sách thứ hai của em, vẫn chưa phải viết với mong muốn được trở thành nhà văn hay cây viết chuyên nghiệp. Em chỉ đơn giản muốn chia sẻ câu chuyện của chính bản thân mình gửi tặng tới cậu mẹ, tới anh trai của em và những người thân, thầy cô, bạn bè, những người đã giúp đỡ em… để có thể phần nào đó để họ nhìn lại họ đã từng rực rỡ và tươi đẹp như thế nào trong mắt em. Đó cũng là lời cảm ơn chân thật nhất bằng cách kể lại những câu chuyện đã quá, đã gắn liền họ với em trong đó…

+ Giữa bệnh tật, em chẳng những không bi quan mà vẫn tiếp tục cống hiến và đã tìm được một công việc yêu thích. Em sẽ tiếp tục sáng tác trong tương lai chứ

Diệu Thuần: Em vẫn chưa nghĩ đến chuyện sẽ viết tiếp, nhưng tương lai còn ở phía trước, biết đâu em sẽ cố gắng rèn dũa mình nhiều thêm để có thể viết và viết nhiều hơn nữa. Em chưa dám chắc chị ạ!

Qua câu chuyện trong cuốn sách này, em muốn được cảm ơn tất cả mọi người, những người mà em xem là muôn ánh mặt trời rực rỡ luôn hướng tới và chiếu sáng cho đóa hoa nhỏ bé yếu ớt là em. Em cũng hy vọng sẽ có nhiều trường hợp được giúp đỡ như em, thật nhiều nữa. Bởi vì điều đó thật tươi đẹp và tuyệt diệu chị ạ.

+ Cám ơn em thật nhiều. Chúc em vui khỏe và có thêm nhiều cuốn sách mới!

Bị phát hiện ung thư máu khi đang là sinh viên năm đầu của Khoa Tài chính – Ngân hàng (Đại học Quốc gia Hà Nội), tưởng chừng mọi cánh cửa đã khép lại với cô gái bé nhỏ Hoàng Thị Diệu Thuần. Nhưng hơn 10 năm qua, Diệu Thuần đã dũng cảm chống chọi với bệnh tật bằng một nghị lực vững vàng và tinh thần sống lạc quan. Không chỉ thế, năm 2012, Diệu Thuần đã cho ra mắt cuốn “Như hoa hướng dương” gây được sự chú ý của dư luận và giờ đây, cô tiếp tục mang đến bạn đọc cuốn “Muôn ánh mặt trời”. Diệu Thuần bảo, cuốn sách như một lời tri ân nho nhỏ đến những người đã đồng hành cùng cô trong suốt những năm tháng qua. Cô còn cho biết sẽ dành một phần tiền bán sách để tặng bệnh nhân ung thư.

Tạm rời giường bệnh, Diệu Thuần lại phải nỗ lực tìm việc làm để sống và chữa bệnh. Cô vừa trở thành biên kịch tại Xưởng phim hoạt hình Sunrise – nơi sản xuất những bộ phim “Quà tặng cuộc sống” nổi tiếng và đầy ý nghĩa trên VTV.

* Ảnh nhân vật cung cấp.

Thanh Hằng (thực hiện)

http://cand.com.vn/Vuot-len-so-phan/Nghi-luc-phi-thuong-cua-co-gai-hoa-huong-duong-10-nam-chong-choi-can-benh-ung-thu-377687/

✽✽✽✽✽✽