Những người hùng chiến thắng ung thư – Tập 3
MỤC LỤC
- 1Nguyễn Lữ Thu Hồng – Ung Thư Tuyến Tụy – Gia Lai
- 2Nguyễn Thị Ngọc Diễm – Ung Thư Vòm Họng – Hồ Chí Minh
- 3Đinh Văn Trượng – Ung Thư Phổi – Bắc Ninh
- 4Vũ Anh Tú – Ung Thư Phổi – Hà Nội
- 5Trần Công Tín – Ung Thư Đại Tràng – Huế
- 6Vũ Văn Đãng – Ung Thư Phổi – Phú Thọ
- 7Nguyễn Đình Ngọc – Ung Thư Máu – Vũng Tàu
- 8Đặng Thúy Hiến – Ung Thư Gan – Ninh Bình
- 9Nguyễn Thị Ngọc Trâm – Ung Thư Vú – Vũng Tàu
- 10Lê Bảo Toàn – Ung Thư Vòm Họng – Hà Nội
- 11Nghệ Sĩ Anh Vũ – Ung Thư Đại Tràng – Hồ Chí Minh
- 12Nguyễn Ngọc Ba – Ung Thư Phổi – Hồ Chí Minh
- 13Phan Khắc Toàn – Ung Thư Thanh Quản – Hà Tĩnh
- 14Phạm Thị Huế – Ung Thư Gan – Thái Bình
- 15Nguyễn Thị Kim Thư – Ung Thư Dạ Dày – Bạc Liêu
- 16Dương Thị Chiến – Ung Thư Máu – Hà Tĩnh
- 17Nguyễn Thanh Sơn – Ung Thư Hạch – Hà Nội
- 18Nguyễn Xuân Hảo – Ung Thư Vòm Họng – Phú Thọ
- 19Nguyễn Tấn Khả – Ung Thư Gan – Quảng Nam
- 20Đoàn Thị Mơ – Ung Thư Não – Nam Định
- 21Nguyễn Thị Loan – Ung Thư Vú – Hà Nam
✽✽✽✽✽✽
Phạm Thị Huế – Ung Thư Gan – Thái Bình
✽✽✽✽✽✽
– Cô gái trẻ mắc ung thư đỗ hai trường đại học: “Em không sợ đau, chỉ sợ mọi người buồn”
21/12/2017 02:05
Cô gái ấy tên là Phạm Thị Huế, sinh viên năm cuối Học viện Nông nghiệp Việt Nam, Huế đã chiến đấu với bệnh ung thư gan suốt thời gian từ năm 2012 đến nay. Dù không may mắc phải bạo bệnh nhưng cô gái này vẫn luôn lạc quan và không từ bỏ ước mơ được vào đại học.
“Em sợ…bị rụng tóc và mệt thì không đi học được”
Ở tuổi 15, vô lo, vô ưu và cũng là thời điểm những cô gái bước vào quãng thời gian đẹp nhất của đời người thì đối với Huế, đó lại là dấu mốc em đối diện với cú sốc lớn nhất đến với mình.
Sau hai tháng Huế tự dung bị mất kinh nguyệt, đi khám tại bệnh viện tỉnh Thái Bình thì phát hiện có khối u ở gan và em được chuyển lên bệnh viện Việt Đức để mổ.
Cứ nghĩ sau lần mổ và điều trị tại Bệnh viện Việt Đức Huế sẽ khỏe lại nhưng bất ngờ 1 tháng sau bác sĩ thông báo em bị ung thư gan, nên em được chuyển sang bệnh viện K1 để điều trị.
Em nói, “lúc đó còn nhỏ, vẫn chưa hiểu thế nào là ung thư nên em vẫn nghĩ nó không nguy hiểm đến tính mạng”.
“Lúc thấy những bệnh nhân bị rụng hết tóc, đầu trọc lóc em chợt thắc mắc vì sao họ lại như vậy, sau khi rỏi ra mới biết người bị ung thư và phải truyền hóa chất sẽ bị rụng tóc. Lúc này em mới cảm thấy sợ” – Huế cho biết.
Bước sang lớp 12, là giai đoạn nước rút thì cũng là lúc Huế bước vào đợt điều trị hóa trị lần thứ nhất, Huế tâm sự: “Lúc đó em chỉ sợ truyền hóa chất mà bị rụng hết tóc mà mệt nữa thì làm sao em đi học được. Nhưng em vẫn quyết định vừa truyền vừa học. Rất may, thầy Hiệu trưởng vẫn cho em đi viện và cho thi cuối kỳ bình thường, em thi điểm vẫn cao nhất lớp”.
Vượt lên nghịch cảnh đỗ liền hai trường đại học
Sau khi học xong lớp 12, Huế tiếp tục đợt truyền hóa chất trong vòng 2 tháng và trở về đi thi đại học. Điều bất ngờ là mặc dù vừa phải điều trị bệnh vừa ôn thi nhưng kết quả em đạt được khiến bao người thán phục: đỗ vào khoa công nghệ thực phẩm của trường Đại học Kinh tế Kỹ thuật Công nghiệp và đỗ loại ưu Học viện Nông Nghiệp Việt Nam.
Đang trong lúc vui mừng và lâng lâng hạnh phúc vì đỗ đại học, thì sau khi đi khám lại, bác sĩ thông báo bệnh của Huế lại tiếp tục tái phát, “lúc đó em thực sự suy sụp vì sau khi trải qua 7 đợt điều trị trong vòng 1 năm ở K2 đau đớn vô cùng, người mệt mỏi, không ăn uống được, em đã cố gắng đến cùng để truyền hết 7 đợt của bác sĩ. Sau lần đó em thề sẽ không vào viện nữa vì em sợ…”- Huế tâm sự.
Nhưng vì bệnh tái phát, bác sĩ lại tiếp tục chỉ định phác đồ điều trị tiếp theo cho Huế, mặc dù đỗ hai trường đại học nhưng lúc này gia đình Huế định không cho em theo học nữa vì sợ em không theo được do phải vừa đi viện, vừa đi học.
“Em khuyên bố mẹ và nhờ bạn bè thuyết phục cho em đi học tiếp, cho em vui vì các bạn đi học hết có mình em ở nhà đi điều trị vừa tủi thân, vừa buồn” – Huế nói.
Khi thuyết phục được bố mẹ, Huế quyết định lựa chọn trường Học viện Nông Nghiệp Việt Nam để theo học và vẫn tiêp tục hành trình vừa đi học vừa điều trị bệnh.
Sau khi điều trị ở bệnh viện K2 không hiệu quả, em lại tiếp tục chuyển qua bệnh viện K3. Cứ một tuần ở viện, một tuần đến lớp, liên tục như vậy. Em phải xin thầy cô và bác sĩ sắp xếp lịch để em vẫn có thể đến trường và vẫn có thời gian điều trị tại bệnh viện. Rồi em bị rụng tóc và phải đội tóc giả đến trường dù rất khó chịu.
“Nếu đến lúc đau, em chỉ muốn ra đi nhẹ nhàng, không phải chịu đau đớn, chỉ sợ mọi người buồn thôi chứ em không sao” – Huế nói.
Đông lực từ những người đồng cảnh ngộ
Suốt từ năm 2012 đến nay Huế đã trải qua tất cả 30 đợt điều trị khác nhau, nhưng em vẫn luôn giữ cho mình sự lạc quan trong cuộc sống. Em cho biết, việc chuyển hết từ viện này qua việc khác đã giúp em gặp gỡ được nhiều người đồng cảnh ngộ. Và với em những người bạn ấy còn thân thiết hơn cả người thân trong gia đình vì sự thấu hiểu và cảm thông.
Huế nói: “Ngoài bố mẹ và những người cùng bị ung thư thì không ai có thể hiểu được người bị ung thư phải chịu đau đớn và phải trải qua việc điều trị như thế nào. Khi ở cùng mọi người em nhận được sự đông viên rất lớn, chính những câu chuyện của họ làm động lực cho em hàng ngày”.
Nhưng em cũng buồn rầu chia sẻ, “mọi người bị bệnh cùng em từ năm 2012 đến bây giờ cũng gần như đi hết rồi, mọi người thân với nhau lắm nhưng cứ lần lượt, lần lượt ra đi…”.
Huế tâm sự, “bệnh của em đến hiện tại đã điều trị qua tất cả các phác đồ điều trị, các bác sĩ cũng nói “tôi hết võ rồi”, nên em xin ra viện điều trị bằng thuốc Nam. Mấy khối u ở gan, ngoài gần thận, mạc nối…nói chung là di căn mấy chỗ rồi chị ạ”.
Huế cũng không ngần ngại nói với tôi, “bây giờ em không còn sợ nữa, sống chung với ung thư em cũng quen. Em cảm thấy mình như trải qua một cuộc chiến dài nên dần thích nghi và đối mặt với nó, em chỉ sợ lúc đau giai đoạn cuối chứ không sợ chết hay gì cả, còn duyên thì ở, hết duyên thì đi”.
Em cũng mong rằng mọi người nếu mắc bệnh như em cũng sẽ cố gắng vượt qua, chiến đấu với nó và không gục ngã.
Thiên Di
– Nụ cười không tắt của cô nữ sinh nghèo mắc ung thư
17:35 16/05/2017
Hơn 5 năm chiến đấu với bệnh ung thư gan, cô nữ sinh Phạm Thị Huế (21 tuổi, thường trú tại Quỳnh Phụ, Thái Bình) đã trải qua biết bao đau đớn, có lúc em đã cảm thấy mình sắp gục ngã đến nơi. Nhưng không, với niềm tin và ý chí mạnh mẽ, Huế vừa học tốt, vừa kiên cường chiến đấu với bệnh tật.
“Ung thư không phải dấu chấm hết”
1. Có địa chỉ của Huế trong tay, nhưng chúng tôi vẫn khá vất vả để tìm được chỗ trọ của cô nữ sinh Học viện Nông nghiệp. Căn phòng trọ của Huế nằm tít sâu trong con ngõ Cửu Việt 1 (thị trấn Trâu Quỳ, Gia Lâm, Hà Nội), vốn là rìa làng. Đón chúng tôi là một cô gái nhỏ nhắn, mảnh dẻ. Thật khó tin là cô gái bé nhỏ này đã “trường kỳ kháng chiến” chống lại bệnh ung thư suốt 5 năm qua mà khuôn mặt vẫn luôn ngời lên niềm lạc quan, yêu đời.
Căn phòng trọ chừng 10 m2 mà Huế đang ở cùng với hai người bạn nữ khác dường như theo phong cách “tối giản”. Ba người mà chỉ có một chiếc giường tầng và hai chiếc tủ tôn mỏng dính. Không tivi, không truyền hình cáp, Internet cũng không nốt. Cuộc sống vật chất đơn giản là vậy, song câu chuyện mà Huế kể với chúng tôi lại đầy sắc màu, đầy cung bậc và thậm chí khiến cho người ta phải rớt nước mắt.
Sinh ra và lớn lên tại một gia đình nông dân nghèo ở thôn An Phú, xã Quỳnh Hải (Quỳnh Phụ), từ nhỏ Huế đã tỏ ra là một người con hiếu thảo, chịu thương chịu khó. Lên 10 tuổi Huế đã biết ra đồng cấy lúa, làm cỏ, tưới tắm… giúp bố mẹ. Mẹ Huế ngoài việc đồng áng thì còn đi buôn rau. Sáng sớm nào bà cũng chở nặng một xe rau sang xã bên bán, đến trưa mới về.
Ngoài giờ đi học, Huế phải cơm nước rồi phụ giúp bố lo mấy sào lúa và hoa màu, dạy em trai học… Dù vậy Huế vẫn luôn đạt học sinh giỏi. Cô bé có rất nhiều mơ ước: làm bác sỹ, làm giáo viên… Vậy nhưng những ước mơ của Huế tưởng như vỡ vụn khi một tai họa ập đến.
Cuối năm lớp 10, Huế tự nhiên cảm thấy đau bụng dài ngày. Sau khi siêu âm ở bệnh viện, các bác sỹ phát hiện một khối u ở gan và chỉ định phải mổ. Huế được phẫu thuật tại bệnh viện Việt – Đức, lấy đi khối u 4x5cm. Khoảng một tháng sau đi khám lại, gia đình bàng hoàng khi nhận được hung tin tại vị trí mổ đã xuất hiện những tế bào ung thư. Huế phải nhập viện K để điều trị.
Phác đồ điều trị của Huế cũng giống với phần lớn các bệnh nhân ung thư khác. Huế được chỉ định truyền hóa chất ở Bệnh viện K2 (Tam Hiệp, Thanh Trì, Hà Nội). Khi đó Huế chỉ nghĩ đơn giản rằng con người ai chả có bệnh, không bệnh này thì bệnh kia. Sau khi phẫu thuật sẽ khỏi và tiếp tục được đi học. Nhưng ai mà biết được chữ ngờ…
Thời gian đầu truyền hóa chất, Huế như muốn chết đi được. Em cảm thấy cơ thể như không còn sức sống nữa, chỉ còn là một thân xác khô héo. Rồi Huế nghĩ đến những bài học, những ước mơ còn dang dở nên lại càng buồn bã. Nhưng rồi Huế được đọc những tấm gương vượt lên bệnh tật, được bạn bè người thân động viên điều trị để sau này tiếp tục đi học. Và trong cơ thể cô gái bé bỏng này bùng lên một ngọn lửa âm ỉ. Ngọn lửa quyết tâm chiến thắng bệnh tật.
Dứt đợt truyền hóa chất, Huế quay về trường học tiếp. Các bạn ở lớp cũng hơi tò mò khi thấy mái tóc của Huế có phần khác trước (Huế đội tóc giả, và cũng không kể với ai về bệnh tình của mình). Một thời gian sau, Huế lại cảm thấy cơ thể “biểu tình”. Vào bệnh viện, các bác sỹ cho biết khối u mới đã mọc tại chỗ cũ, và chỉ định phải phẫu thuật. Tiếp tục những ngày đau đớn trong bệnh viện, cùng chuỗi thời gian truyền hóa chất.
Dù mất nhiều thời gian để điều trị bệnh, song Huế vẫn tranh thủ những lúc tỉnh táo mượn sách vở của bạn bè, thầy cô tiếp tục tự học. Khi lên lớp 12, được cô giáo giảng bài về căn bệnh ung thư, Huế mới biết là mình mắc phải bệnh nan y. Huế sốc và khóc tu tu như đứa trẻ.
Tuy nhiên, khi ngẫm lại thì Huế thấy nhiều người mắc bệnh này thường “đi” rất nhanh, chỉ trong vòng 1 đến 6 tháng. Còn bản thân đã phẫu thuật 2 năm rồi mà vẫn bình thường thì Huế không sợ nữa. Huế nghĩ sẽ có một phép màu nào đó giúp em khỏi bệnh. Huế vững tâm tiếp tục học hành. Trời cũng không phụ công người, dù chỉ học bữa đực bữa cái song Huế luôn là người học giỏi nhất lớp. Kỳ thi tuyển sinh đại học, Huế đã đỗ vào Học viện Nông nghiệp với điểm số cao.
Cũng trong thời gian điều trị, mẹ Huế luôn túc trực ở bệnh viện để trông nom con gái. Khi Huế làm hồ sơ thi đại học, vì thương con nên bà không cấm cản. Nhưng khi thấy giấy báo nhập học thì bà kiên quyết phản đối. Bà bảo việc học đại học rất gian khổ, con thì bệnh tật thế suốt ngày phải đi bệnh viện thì làm sao theo nổi. Thêm nữa, qua mấy lần phẫu thuật, kinh tế gia đình đã khó khăn lại càng eo hẹp hơn, khó có thể lo cho em học tiếp.
Ngoài ra, cũng ít người tin rằng thân mang trọng bệnh như thế Huế có thể lấy được chiếc bằng đại học để phục vụ cuộc sống sau này… Rồi một thân một mình nơi đất khách quê người, làm sao bố mẹ yên tâm!
Nhưng Huế không chịu. Em thuyết phục bằng được bố mẹ cho đi học.
2. Ngày nhập học, Huế phải nhờ một người chị họ mang hồ sơ đến làm thay, vì cũng chính là ngày em phải nhập viện để truyền đợt hóa chất mới. Dứt đợt truyền, ngày ngày Huế lại đội tóc giả lên giảng đường. Suốt năm thứ nhất đại học, thầy cô, bạn bè không ai biết Huế mang trọng bệnh.
Ngành học mà Huế lựa chọn là Quản lý chất lượng và an toàn thực phẩm, thuộc Khoa Công nghệ thực phẩm. Khi được hỏi vì sao lựa chọn ngành học này, Huế cho biết: “Em biết căn bệnh như em đang mắc phải thì sau này sẽ rất khó xin được việc. Nhưng em được các thầy cô giảng về nguyên nhân chính dẫn đến bệnh tật, nhất là bệnh ung thư là do thực phẩm. Vì vậy em muốn đi học ngành này để mình có điều kiện nghiên cứu về vệ sinh an toàn thực phẩm, để sau này có điều kiện giúp đỡ mọi người kiến thức về an toàn thực phẩm, phòng tránh tối đa bệnh tật”.
Thời gian đầu lên Hà Nội học, mẹ Huế cũng theo con lên cùng. Ban đầu chưa biết đường sá, bà hay thuê xe ôm đưa Huế đến các bệnh viện, các trung tâm xét nghiệm… Sau thấy tốn kém quá, bà liền mang chiếc xe máy thường ngày vẫn chở rau để đưa con đi khám. Nhiều lần lớ ngớ đi sai làn đường, bà bị cảnh sát giao thông tuýt còi. Nhưng khi trình bày, bà được các anh thông cảm, chỉ nhắc nhở rồi cho đi.
“Lên Hà Nội mấy năm rồi nhưng em chưa một lần được đi taxi đâu anh ạ” – Huế kể. Sau vài tháng nhập học, Huế cảm thấy tự lo được cho bản thân nên không phiền đến mẹ đưa đón nữa. Năm đầu, Huế trọ gần trường nên em đi bộ, còn nếu đi đâu xa thì Huế chọn phương tiện xe bus. Năm nay Huế chuyển đến cuối phố Cửu Việt 1 vì giá thuê phòng rẻ hơn (chỉ 1 triệu đồng/tháng). Huế dùng tiền học bổng mua chiếc xe đạp hết 300 ngàn đồng làm phương tiện đi lại.
Điều trị dài ngày ở bệnh viện, Huế gần như đã trở thành bệnh nhân lâu năm nhất của Khoa Nhi – Bệnh viện K cơ sở 3. “Tuần nào cũng có những bệnh nhân mới nhập viện. Họ giống hệt như em hồi đầu mắc bệnh. Ai cũng tỏ ra buồn rầu, ủ rũ. Tự nhiên em thấy mình phải có trách nhiệm lấy lại niềm vui cho họ”.
Thế là cứ dứt đợt truyền, Huế lại chạy đến chỗ các bệnh nhân mới chuyện trò tâm sự, động viên họ. Thỉnh thoảng Huế lại rủ mọi người đi uống trà đá “chém gió”; rồi vui đùa khiến những sầu não về bệnh tật được vơi bớt. Cũng thời gian trên giường bệnh, Huế có một tình yêu đẹp, song cũng thật buồn.
Năm 2014, trong số hàng trăm bệnh nhân điều trị cùng thời điểm, có một bệnh nhân đã làm Huế xao lòng: Bệnh nhân Dương Tuấn Anh (22 tuổi, trú tại Bình Xuyên, Vĩnh Phúc). Khi Huế gặp Tuấn Anh thì cậu đang điều trị ung thư xương và đã bị cắt bỏ một phần chân phải: “Em cũng là bệnh nhân ung thư như anh ấy, cũng bị rụng hết tóc do truyền hóa chất. Nhưng em thấy mình may mắn hơn anh ấy rất nhiều, vì mình vẫn có đủ tay chân để đi lại, đỡ khó khăn hơn anh ấy. Sau khi chúng em làm quen rồi 2 người hay nói chuyện với nhau, ít lâu sau, em và anh ấy yêu nhau” – Huế kể.
“Thỉnh thoảng chúng em còn được dành cho không gian riêng trong bệnh viện để có thể nói với nhau những điều khó nói trước đám đông và chụp ảnh tình tứ với nhau… nên lúc đó cả hai cảm thấy vô cùng hạnh phúc. Khi còn ở bên nhau, chúng em đã từng gọi nhau là vợ – chồng. Dù biết là khó khăn nhưng em vẫn cứ hy vọng đến một ngày em và anh ấy sẽ có một đám cưới với nhau” – Huế kể mà nước mắt em trào ra.
Nhưng rồi khoảng một năm sau, bệnh tình của Tuấn Anh ngày càng diễn biến xấu. Từ ung thư xương bị di căn vào phổi, bệnh viện đành phải đồng ý cho cậu trở về nhà tự điều trị. Những ngày cuối, Huế luôn túc trực bên người yêu. Bố mẹ của Tuấn Anh vì cảm động mà nhận Huế làm con nuôi của gia đình.
3.Sau khi Huế phẫu thuật lần thứ 3 không bao lâu tại vị trí cũ lại phát hiện ra những tế bào ung thư mới. Gia đình thì nản, bác sĩ trực tiếp điều trị cho Huế cũng phải lắc đầu: “Hết cách rồi!”. “Nếu là bệnh nhân khác nghe bác sĩ nói câu đó chắc chỉ còn cách trở về nhà nằm chờ chết, thế nhưng em vẫn muốn tin vào một phép mầu nào đó. Bác sĩ ở bệnh viện muốn em dừng chữa bệnh vì biết gia đình em kiệt sức quá rồi. Em rời bệnh viện nhưng vẫn đi tìm thầy lang để chữa thuốc Nam”.
Ba lần phẫu thuật với rất nhiều lần truyền hóa chất đã lấy đi mấy trăm triệu đồng, Huế cảm thấy đau đớn vì đã khiến cho bố mẹ ngày một vất vả. Mẹ Huế dù phát hiện bị bệnh viêm gan B, song cũng chả dám khám xét gì cả. Bà chỉ cắt thuốc Nam của một ông lang gần nhà. Và mỗi buổi sáng bà phải đi chợ sớm hơn. Bố Huế thì ngoài việc đồng áng còn đi thu mua phân gà để đem bán lại cho người ta làm phân bón…
Dù mang bệnh trọng nhưng Huế vẫn luôn lạc quan.
Năm đầu trọ học tại Hà Nội, mỗi tháng Huế xin bố mẹ khoảng 2 triệu đồng. Nhưng sang năm nay Huế chỉ xin dưới 1 triệu, thậm chí vài trăm ngàn thôi. Vì Huế được học bổng 650 ngàn/tháng. Huế cũng không tiêu pha gì nhiều.
“Đợt này em chuyển sang ăn chay nên cũng đỡ tốn anh ạ. Mỗi ngày chỉ hết chưa đến 10 ngàn đồng đâu”. “Ăn chay là ăn gì?”, tôi hỏi. “Em chủ yếu ăn rau, khoai sọ, thỉnh thoảng ăn đậu phụ. Có bữa chỉ có một mình em còn không nấu cơm… Ăn như thế em lại thấy khỏe lên anh ạ”.
Thời điểm này, Huế đang tích cực cùng nhóm bạn đi thực tập ở một công ty thực phẩm tại Bắc Giang. Thời gian rỗi, Huế lại lên Vĩnh Phúc tham gia một khóa thiền để chữa bệnh. “Dù xét nghiệm thấy tế bào ung thư vẫn còn, song em thấy cơ thể lúc này khỏe ra nhiều anh ạ. Em chỉ mong bệnh tình thuyên giảm, để học nốt năm cuối, rồi đi làm đỡ đần cha mẹ…”.
Chia tay Huế, chúng tôi cũng luôn hy vọng sẽ có phép màu để cô gái này thoát khỏi bệnh tật. Và trên môi em, nụ cười sẽ không bao giờ tắt!
Yên Chi
http://antg.cand.com.vn/Phong-su/Nu-cuoi-khong-tat-cua-co-nu-sinh-ngheo-mac-ung-thu-441275/
– Cảm phục nữ sinh ngày ngày mang khối u ung thư lên giảng đường
19:00 29/04/2017
Hồi lớp 10, Huế phát hiện một khối u gan trong cơ thể. Kể từ đó đến nay, em đã có 5 năm chung sống với căn bệnh ung thư quái ác.
Tôi gặp nữ sinh Phạm Thị Huế tại dãy phòng trọ lụp xụp của thị trấn Trâu Quỳ, huyện Gia Lâm, Hà Nội.
Tại phòng trọ ẩm thấp, tôi được nghe em kể về hành trình 5 năm chống chọi với căn bệnh ung thư quái ác, từ lúc còn là học sinh THPT đến giờ khi là sinh viên năm thứ 3 của Học viện Nông nghiệp Việt Nam.
Em Phạm Thị Huế (21 tuổi) sinh ra và lớn lên tại xã Quỳnh Hải, huyện Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình. Năm 2012, khi còn là học sinh lớp 10, sau một cơn đau bụng, Huế phát hiện một khối u gan phải có kích thước 4×5 cm. Sau đó, em phải vào bệnh viện Việt Đức để phẫu thuật cắt u.
Đau đớn chưa dừng lại ở đó, ngay sau ca phẫu thuật, các bác sĩ thông báo cơ thể Huế mang tế bào ung thư. Kể từ đó, cứ đều đặn 2-3 tháng, em lại phải đi làm các xét nghiệm.
Tiếp đó, Huế được chỉ định truyền hóa chất tại bệnh viện K2 khi gan em có khối u.
Đầu năm 2014, khi xét nghiệm thấy khối u có kích thước 1×1 cm ở vị trí mà Huế đã được phẫu thuật trước đó, cứ 10 ngày, em phải truyền hóa chất một lần. Từ đó, em xác định cuộc đời này sẽ sống chung với căn bệnh ung thư quái ác.
“Dù mang trong mình án tử nhưng em vẫn luôn tin phép màu sẽ đến với mình. Biết đâu, sau một giấc ngủ, em sẽ khỏi bệnh và khỏe mạnh như bao người khác xung quanh.
Em vẫn luôn tự động viên mình như vậy để có động lực mỉm cười với mọi thứ”, Huế chia sẻ với phóng viên.
Dù sức khỏe kém đi rất nhiều, Huế vẫn nỗ lực hoàn thành tốt chương trình THPT. Sau khi tốt nghiệp, vì điều kiện gia đình khó khăn và sức khỏe Huế không tốt, người thân đều khuyên em nên nghỉ học để ở nhà điều trị.
Tuy nhiên, Huế đã tìm mọi cách thuyết phục gia đình đồng ý cho mình dự thi đại học. Cuối cùng, ông trời cũng không phụ lòng người, năm 2014, em thi đỗ vào ĐH Nông nghiệp I Hà Nội với số điểm 20,5.
Khi được hỏi vì sao Huế lại chọn ngành học Quản lý chất lượng và an toàn thực phẩm, thuộc khoa Công nghệ thực phẩm, em nhìn tôi bằng đôi mắt long lanh: “Em biết một trong những nguyên nhân dẫn đến bệnh ung thư gan là do con người sử dụng quá nhiều thực phẩm bẩn.
Vì vậy em muốn học ngành này để nghiên cứu về vệ sinh an toàn thực phẩm, mong có thể hạn chế tối đa những người mắc phải căn bệnh quái ác như em”.
Huế tâm sự thêm: “Đã 5 năm kể từ ngày em sống chung với căn bệnh này. Giờ đây, em là sinh viên năm thứ 3. Nhiều khi, em cũng thấy cảm ơn đời vì vẫn cho em sức khỏe để ngày ngày lên giảng đường nghe thầy cô giảng bài, gặp những người bạn tốt.
Hồi năm nhất, em thường xuyên phải truyền hóa chất nên tóc rụng hết. Do đó, ngày nào lên giảng đường, em cũng phải đội tóc giả. Lúc đầu, em cũng sốc lắm nhưng rồi cũng quen.
Em thường xuyên phải xin phép nghỉ học để đến bệnh viện. Thầy cô và các bạn biết bệnh nên cũng thông cảm và thường xuyên chia sẻ, động viên em. Vì thế, em có thêm động lực để vượt qua những cơn đau về thể xác và tinh thần, nỗ lực hơn trong học tập”.
Thầy Vũ Ngọc Huyên – Trưởng phòng công tác Học sinh sinh viên (Học viện Nông nghiệp Việt Nam) – cho hay: “Phạm Thị Huế là một học sinh có hoàn cảnh đặc biệt trong khoa Quản lý chất lượng và an toàn thực phẩm, thuộc khoa Công nghệ thực phẩm.
Ngay từ khi em mới học năm nhất, phòng công tác học sinh sinh viên đã quan tâm và giúp đỡ nữ sinh. Năm 2016, chúng tôi xin cho em một học bổng trị giá 15 triệu.
Hiện tại, quỹ học bổng của Nhật Bản cũng tài trợ cho em Huế 650.000 đồng/tháng”.
Theo Hoàng Thanh
http://infonet.vn/cam-phuc-nu-sinh-ngay-ngay-mang-khoi-u-ung-thu-len-giang-duong-post226483.info
– Ước nguyện không thành của cô gái “sống một ngày bằng cả trăm năm”
03/04/2019 14:10
– Cuộc rong chơi ngắn ngủi có 24 năm của Phạm Thị Huế ở trần gian, trong đó có 7 năm chiến đấu với căn bệnh ung thư đã ngừng lại. Nhưng điều tiếc nuối nhất của cô, là ước mong hiến tặng giác mạc cho người nào đó đang ở lại, đã không thành.
Đêm muộn ngày 2-4, nhiều bạn bè của Phạm Thị Huế đã chia sẻ trên trang cá nhân của cô thông tin Huế ra đi.
Gần 7 năm chiến đấu với ung thư, Huế vẫn kịp học hết THPT rồi học hết Đại học (Trường ĐH Nông nghiệp Hà Nội) với số điểm chỉ thiếu có chút là đạt giỏi, và dù đau đớn, Huế luôn đối diện với cuộc đời bằng nụ cười nhẹ tênh, nhẹ tênh trước cả cái chết.
Huế được nhiều người biết tới khi gần một năm cuối cuộc đời, cô tham gia dự án Momento Mori – Hãy nhớ, mi sẽ chết. Đây là một vở kịch với nhiều diễn viên là bệnh nhân ung thư, diễn ra gần suốt năm 2018 tại Hà Nội, TPHCM, Đà Lạt và Hội An.
Trong những ngày tham gia Momento Mori, có những lúc Huế bị đau, phải nằm tại chỗ, chỉ duy nhất một trạng thái là nằm ngửa, nghiêng trái, phải đều không được, đi vệ sinh tại chỗ…
Vậy mà 5 ngày sau kể từ khi bắt đầu đau, Huế đứng lên tập đi lại, chỉ đi loanh quanh được vài bước, lưng còng gập như một bà cụ, mỗi bước đi đều đau đớn. Cứ thế, đến ngày thứ 10 thì… đau ở mức chịu được, để vào vai Liên, một nhân vật của vở. Huế đã có những ngày sống trọn vẹn cùng Liên để kể cho mọi người về cái chết, điều mà cô không còn cảm thấy sợ hãi.
Tháng 2-2019, Huế và mẹ đã đến Trung tâm Điều phối hiến ghép mô tạng quốc gia đặt trong Bệnh viện Việt – Đức để cô đăng ký hiến tạng.
Theo đạo diễn Đặng Hoàng Giang, một trong những người chủ trì dự án Momento Mori, trong căn phòng nhỏ, Huế hỏi cô có thể hiến được những gì. Cô nhân viên trẻ của trung tâm không biết hoàn cảnh của Huế và giải thích về trường hợp chết não, do tai nạn giao thông hay đột quỵ, “mình không phải trường hợp này rồi” – Huế quay sang nói khẽ với mẹ.
Huế bắt đầu điền vào tờ khai, giữa cô và mẹ có một cuộc thảo luận nhỏ về việc ghi số điện thoại của ai. Cuối cùng Huế ghi số của mẹ trước, số của mình sau.
Cô đánh dấu vào ô giác mạc, cái duy nhất những người đã qua điều trị hóa chất có thể hiến.
Rồi Huế đứng lên để cô nhân viên chụp ảnh chân dung để in lên thẻ.
Anh Đặng Hoàng Giang, người đã đưa Huế đến Trung tâm, kể anh đã nhiều lần tới đây, nhưng lần này tiếng máy ảnh đặc biệt to và dứt khoát như tiếng sập của một cánh cửa.
Năm phút sau, hai mẹ con chụm đầu nghiên cứu cái thẻ còn ấm. Mẹ Huế lấy ngón tay nhà nông nứt nẻ chỉ vào số điện thoại mà chị sẽ phải gọi khi “thời điểm đó” tới. “Hot-line” – chị nhắc lại, rồi cẩn thận cất cái thẻ và cái huy hiệu nhỏ được tặng kèm vào túi áo. Trên huy hiệu ghi dòng chữ: Cho đi là còn mãi.
Rồi “thời điểm đó” đã đến. Đêm qua 2-4, nhưng nguyện vọng cuối cùng ấy của Huế đã không thành, Huế bị viêm gan B và đồng nghĩa với việc không hiến được giác mạc. Anh Nguyễn Hữu Hoàng, giám đốc Ngân hàng Mắt, Bệnh viện Mắt T.Ư nói anh luôn nhớ về Huế như nhớ về một chiến binh, người đã sống trọn vẹn từng giây trong cuộc đời ngắn ngủi của cô, “một ngày sống cả trăm năm” như bài báo Tuổi Trẻ từng viết về cô.
Tháng 5 này là tròn 7 năm Huế chiến đấu với ung thư, Huế không đợi được đến tháng 5. Ba tháng trước khi mất, Huế rất yếu, bụng cô bị chướng to như người mang thai 5-6 tháng, cô luôn đau đớn đến mức không thể đi hay ngồi được. Nhưng cô vẫn cười, nụ cười nhẹ nhàng, nhẹ nhàng cả khi nói về cái chết của mình, ở tuổi 24…
Có một bộ phim tài liệu về câu chuyện của Huế, khác với Memento Mori, tựa phim này là “Hãy nhớ, bạn đang sống”. Ở đó người ta nói chúng ta không thể tự do chọn hay không lựa chọn nếu gặp phải nghịch cảnh, nhưng chúng ta tự do khi chọn cách đối diện với nó. Huế đã chọn cách đối diện thật đặc biệt: sống hết mình mỗi giây cô có được, dù cô có không nhiều thời gian. Tạm biệt Huế.
✽✽✽✽✽✽