Những người hùng chiến thắng ung thư – Tập 3
MỤC LỤC
- 1Nguyễn Lữ Thu Hồng – Ung Thư Tuyến Tụy – Gia Lai
- 2Nguyễn Thị Ngọc Diễm – Ung Thư Vòm Họng – Hồ Chí Minh
- 3Đinh Văn Trượng – Ung Thư Phổi – Bắc Ninh
- 4Vũ Anh Tú – Ung Thư Phổi – Hà Nội
- 5Trần Công Tín – Ung Thư Đại Tràng – Huế
- 6Vũ Văn Đãng – Ung Thư Phổi – Phú Thọ
- 7Nguyễn Đình Ngọc – Ung Thư Máu – Vũng Tàu
- 8Đặng Thúy Hiến – Ung Thư Gan – Ninh Bình
- 9Nguyễn Thị Ngọc Trâm – Ung Thư Vú – Vũng Tàu
- 10Lê Bảo Toàn – Ung Thư Vòm Họng – Hà Nội
- 11Nghệ Sĩ Anh Vũ – Ung Thư Đại Tràng – Hồ Chí Minh
- 12Nguyễn Ngọc Ba – Ung Thư Phổi – Hồ Chí Minh
- 13Phan Khắc Toàn – Ung Thư Thanh Quản – Hà Tĩnh
- 14Phạm Thị Huế – Ung Thư Gan – Thái Bình
- 15Nguyễn Thị Kim Thư – Ung Thư Dạ Dày – Bạc Liêu
- 16Dương Thị Chiến – Ung Thư Máu – Hà Tĩnh
- 17Nguyễn Thanh Sơn – Ung Thư Hạch – Hà Nội
- 18Nguyễn Xuân Hảo – Ung Thư Vòm Họng – Phú Thọ
- 19Nguyễn Tấn Khả – Ung Thư Gan – Quảng Nam
- 20Đoàn Thị Mơ – Ung Thư Não – Nam Định
- 21Nguyễn Thị Loan – Ung Thư Vú – Hà Nam
✽✽✽✽✽✽
Trần Công Tín – Ung Thư Đại Tràng – Huế
✽✽✽✽✽✽
– Bác sĩ lắc đầu bó tay, người thầy chiến thắng ung thư giai đoạn 4 với nghị lực phi thường
09/12/2017 21:31
Có lúc, bác sĩ còn “lắc đầu” bó tay với bệnh tình của ông, nhưng bằng nghị lực của người thầy giáo – ông Tín đã chiến thắng căn bệnh khiến mọi người phải nể phục.
Bình tĩnh nhận tin khi bác sĩ chẩn đoán ung thư giai đoạn 4
Thầy giáo Trần Công Tín – trú tại Nguyễn Công Trứ, Thành phố Huế từng mắc căn bệnh nhân ung thư đại tràng giai đoạn muộn.
Thầy giáo Tín kể, vào khoảng thời gian cuối năm 2012, trong chuyến đi Nha trang, Tuy Hòa, Quy Nhơn tình trạng sức khỏe của ông vẫn tốt, ăn uống bình thường, nhưng khi về đến nhà, ông bắt đầu xuất hiện triệu chứng rối loạn tiêu hóa.
Tình trạng này xảy ra thường xuyên, trước đó ông có uống thuốc Berberin thì hết khó chịu. Nhưng lần này, cách tự chữa như mọi khi không hiệu quả nên ông Tín đến khám bác sĩ chuyên môn. Ban đầu, bác sĩ nghĩ ông bị hội chứng ruột kích thích và kê đơn thuốc nhưng tình trạng không thuyên giảm.
Sau đó, ông Tín lại đi viện khám, lần này bác sĩ chẩn đoán ông bị viêm đại tràng nhưng điều trị cả tháng không có kết quả. Cuối cùng, bác sĩ chỉ định cho ông nội soi đại trực tràng.
Ông Tín kể lại: “Trưa hôm 25/2/2013, tôi đi xe gắn máy một mình lên bệnh viện nội soi. Khi đưa ống nội soi vào 15cm thấy khối u loét sùi chiếm hết chu vi lòng trực tràng. Bác sĩ kết luận ung thư trực tràng và đề nghị tôi nhập viện khoa ngoại”.
Ông Tín kể, từ mấy chục năm trước bệnh ung thư còn xa lạ, nhưng giờ đây nó đã trở thành nỗi ám ảnh của bất cứ gia đình, cá nhân nào. Cầm tờ giấy trên tay, người thầy giáo già bình tĩnh đến lạ: “Lúc ấy, tôi chẳng sợ hãi gì cả và bình tĩnh hỏi bác sĩ phương án điều trị như nào, khiến bác sĩ khá ngạc nhiên, vì đa số người khác khi biết vậy đều thất sắc, run rẩy, xuống tinh thần”.
Thầy giáo Trần Công Tín (áo vàng) sau 5 năm trị bệnh ung thư đại tràng giai đoạn 4
Bác sĩ tư vấn tình trạng của ông phải cắt bỏ khối u, nối lại ruột thời gian phẫu thuật và hậu phẫu khoảng 25 ngày, sau đó ông sẽ được về nhà nghỉ ngơi 1 tháng sau hóa trị…Sau khi nghe bác sĩ tư vấn, ông Tín tự mình chuẩn bị cho hành trình chiến đấu với tử thần ung thư.
“Bĩ cực” cũng đến ngày “thái lai”
Trước đó, kết quả xét nghiệm, chụp CT và các cận lâm sàng khác đều cho rằng u lành. Ông hi vọng nếu u lành sẽ phẫu thuật là xong và không cần hóa trị.
Nhưng số phận trớ trêu, khi mổ ra thì bác sĩ thấy khối u quá lớn và đã di căn qua gan 2-3 bộ phận khác nên đành đóng vết mổ, không dám cắt bỏ và làm hậu môn nhân tạo. Thời gian này kéo dài hơn 2 tháng, rất vất vả.
Sau đó, bác sĩ chuyển ông Tín qua khoa ung bướu để chữa bằng phương pháp hóa trị cho teo nhỏ lại khối u.
“Sau 3 đợt hóa trị kéo dài hơn 2 tháng, thấy có kết quả khả quan nên họ chuyển tôi đến khoa cấp cứu bụng để phẫu thuật. Bác sĩ đã tiến hành mổ nội soi và đưa hậu môn giả vào, đồng thời cắt bỏ, nạo vét khối u ở đại tràng”.
Sau 5 năm vượt qua bệnh ung thư, ông Tín cho rằng mình đã đi qua nó một cách thần kỳ, đến nay ông có thể gặp gỡ bạn bè, đón nhận cuộc sống đó là điều mà bất cứ bệnh nhân ung thư nào cũng khao khát
“Tuy nhiên, chỉ 4 ngày sau, vì nạo vét quá kỹ nên xâm lấn vào bàng quang, do đó tôi phải mổ lại để vá lại bàng quang. Lần này mổ mở nên mất rất nhiều máu và đau đớn vô cùng. Tôi sụt mất 12 kg, từ 52kg xuống còn 40kg.
Điều trị ở khoa cấp cứu bụng 1 thời gian, các bác sĩ cho tôi về tĩnh dưỡng ở nhà 20 ngày, tôi tưởng là việc đi ngoài sẽ thuận lợi giống như trước bệnh, nào ngờ, vẫn rắc rối vô cùng. Bộ máy tiêu hóa không chịu làm việc suôn sẻ, mỗi ngày có khi tôi đi ngoài đến 15 lần và không thể tự chủ.
Có khi đến 2, 3 ngày tôi không đi ngoài được, ruột quặn thắt. Bác sĩ cũng không có thuốc gì chữa khỏi, tôi phải cố gắng tập luyện mà thôi. Thời gian đó kéo dài từ 6 tháng đến 1 năm” – ông Tín tả lại cảm giác “quá là khốn khổ” đó.
Sau điều trị ổ bụng, ông lại xuống điều trị ở khoa tiết niệu để rút ống thông từ thận đến bàng quang. Lần điều trị này tưởng đơn giản hóa ra đau đớn vô cùng, vì bác sĩ chỉ gây tê chứ không gây mê. Nghiêm trọng hơn khi trường hợp của ông lại xảy ra sự cố máu chảy ở đường tiết niệu, phải đặt ống thông thêm 2 ngày nữa mới về nhà.
Nghỉ ngơi vài ngày, ông lại khăn gói vào truyền hóa chất ở bệnh viện. Thời gian truyền hóa chất với bệnh nhân ung thư chẳng khác nào “cực hình”, bởi ai cũng biết đưa hóa chất tiêu diệt khối u ác tính thì tế bào lành cũng tổn thương và đủ các biến chứng có thể xảy ra.
Sau đợt truyền hóa chất lần 2, ông Tín bị sụt cân trầm trọng tuy nhiên ông vẫn cố gắng tập thể dục mỗi buổi sáng và làm những việc lặt vặt trong nhà. Thời điểm sau điều trị 6 tháng, ông Tín kể mỗi ngày đi ngoài hơn 10 lần, rất vất vả. Ông không dám đi đâu xa. Những chuyện hội họp, du lịch, liên hoan… đều không thể tham gia.
Các bác sĩ đều bó tay và chỉ khuyên ông cố gắng tập luyện cho quen, rồi một ngày nào đó sẽ ổn vì ruột già đã bị cắt ngắn lại.
Nhưng rồi “bĩ cực thái lai” từ đây, dù bị nhiều rắc rối về tiêu hóa (toilet 5,6 lần/ngày) nhưng sức khỏe của thầy giáo Tín dần ổn định, dấu vết ung thư gần như biến mất, nội soi đại tràng, siêu âm, chụp Xquang, thử máu đều không thấy có vấn đề gì.
Đến nay, đã qua gần 5 năm chiến đấu với ung thư, sức khỏe của thầy giáo Tín đã bình phục. Ông có thể đi chơi, tập thể dục, gặp gỡ bạn bè. Nhiều lúc, ông cũng không biết vì sao mình có thể vượt qua bệnh tật ly kỳ như thế, bởi vì có những bệnh nhân giống ông đã không qua khỏi, chỉ kéo dài được vài tháng.
Ông cho biết, dù bộ máy tiêu hóa không còn như xưa nhưng với ông, được sống, được vui cười và gặp gỡ bạn bè đã là điều tuyệt vời nhất với người đi qua bệnh ung thư.
Chia sẻ cùng với những bệnh nhân ung thư khác, ông Tín cho rằng chỉ cần bình tĩnh, chiến đấu với tinh thần lạc quan để chiến thắng bệnh tật, có được sức khỏe, niềm vui như ngày hôm nay.
theo Trí Thức Trẻ
– Người thầy giáo già chia sẻ về tháng ngày chiến đấu với ung thư giai đoạn 4
06:30 – 17/11/2017
Ông Trần Công Tín – sinh năm 1944, trú tại số nhà 16, Nguyễn Công Trứ, Thành phố Huế một bệnh nhân bị ung thư đại trực tràng giai đoạn cuối bằng nghị lực của người thầy giáo ông đã vượt qua được tháng ngày bệnh tật.
Thầy giáo Trần Công Tín động viên tinh thần cho những bệnh nhân cũng bị ung thư như mình
Bệnh đến bất ngờ
Ông Tín kể sức khỏe vốn bình thường, 69 năm không phải nằm viện ngày nào, thi thoảng tiêm vài mũi thuốc thông thường nhưng từ đầu năm 2013, ông bắt đầu bị rối loạn tiêu hóa. Nếu như những lần trước chỉ mua lọ rối loạn tiêu hóa uống là hết nhưng lần này không hết. Ông tìm tới bác sĩ khám, được chẩn đoán ruột kích thích và lại cho thuốc. Một tháng vẫn không đỡ tình trạng rối loạn tiêu hóa liên miên. Lần đi khám sau thì bác sĩ chẩn đoán viêm đại tràng và kê đơn. Mọi đơn thuốc đều “chào thua” với triệu chứng rối loạn tiêu hóa.
Đến cuối cùng, ông Tín đi khám lần nữa tại Bệnh viện Trung ương Huế. Bác sĩ chỉ định nội soi đại trực tràng. Các lần đến bệnh viện ông đều tự đi khám và lần này cũng thế. Ông tự lái xe máy đến khám bệnh. Bác sĩ nội soi đại trực tràng. Vừa đưa ống nội soi được khoảng hơn chục cm, bác sĩ đã bảo có ổ loét trong đại trực tràng to choán hết chu vi lòng đại tràng.
Bác sĩ chẩn đoán ung thư đại trực tràng và tư vấn ông phải điều trị ngoại khoa phẫu thuật trước rồi hóa xạ trị.
Dù đã gần 5 năm, ông Tín kể khi biết mình bị ung thư, ông bình tĩnh đến lạ. Ông không run rẩy, thất sắc hay lo lắng gì mà vẫn bình tĩnh hỏi bác sĩ về bệnh và phương pháp điều trị. Ông gọi điện về nhà cho vợ và tinh thần hết sức lạc quan.
Nhớ lại lúc ấy, ông Tín kể bác sĩ, y tá cũng bất ngờ khi thấy ông bình tĩnh đến thế. Vợ con ông thấy ông bình tĩnh họ cũng coi đó là bình thường và vợ ông vẫn đi làm, con ông vẫn đi học. Mọi sinh hoạt ở nhà vẫn như thế.
Ông Tín một mình lo hành trang vào viện nằm viện từ tiền nong cho đến các vật dụng khác. Ông được bác sĩ tư vấn có BHYT thì mất thêm khoảng 30 triệu đồng. Ông Tín chuẩn bị 50 triệu đồng ông đưa cho con gái các thẻ thẻ nào rút trước, thẻ nào rút sau. Tuy nhiên, đến cuối cùng số tiền điều trị lên tới 200 triệu đồng.
Những ca đại phẫu lạnh sống lưng
Trước khi mổ, bác sĩ chẩn đoán theo dõi K đại tràng và các xét nghiệm cận lâm sàng và lâm sàng thì tín hiệu khả quan hơn đó là u lành. Nhưng trong ca phẫu thuật, bác sĩ thấy khối u quá lớn, di căn qua gan đành đóng lại, không cắt bỏ u và làm hậu môn nhân tạo.
Ung thư choáng lấp hết cả chu vi lòng đại tràng
Ông Tín phải qua khoa ung bướu để làm hóa trị, xạ trị tiêu nhỏ u mới mổ được. Sau 3 đợt hóa trị kéo dài hơn 2 tháng, thấy có kết quả khả quan nên ông Tín được phẫu thuật nội soi và đưa hậu môn giả vào, cắt bỏ, nạo vét khối u ở đại tràng.
Sau mổ, do bị xâm lấn vào bàng quang nên ông phải mổ lại để vá lại bàng quang, bác sĩ chọn mổ mở và bệnh nhân thì bị mất máu và đau đớn vô cùng.
Nhớ lại lúc đó, thầy giáo Tín kể “Tôi sụt mất 12 kg, từ 52kg xuống còn 40kg. Điều trị ở khoa cấp cứu bụng 1 thời gian, họ cho về tĩnh dưỡng ở nhà 20 ngày, tôi tưởng là việc đi ngoài sẽ thuận lợi giống như trước khi bệnh nào ngờ vẫn rắc rối vô cùng. Bộ máy tiêu hóa không chịu làm việc suôn sẻ. Mỗi ngày có khi đi ngoài đến 15 lần, không tự chủ. Có khi đến 2, 3 ngày không đi ngoài được, ruột quặn thắt. Bác sĩ cũng không có thuốc gì chữa khỏi hết, phải cố gắng tập luyện mà thôi. Thời gian có thể kéo dài từ 6 tháng đến 1 năm.
Hết điều trị ổ bụng, bác sĩ chuyển xuống điều trị ở khoa tiết niệu để rút ống thông từ thận đến bàng quang và lại thêm sự cố máu chảy ở đường tiết niệu, phải đặt ống thông thêm 2 ngày nữa mới về nhà.
Sau các ca mổ, ông nghỉ ngơi vài ngày rồi bước vào chặng đường gian nan đó là truyền hóa chất. Những bệnh nhân ung thư nó chẳng khác nào “cực hình” bởi ai cũng biết đưa hóa chất tiêu diệt khối u ác tính thì tế bào lành cũng tổn thương và đủ các biến chứng có thể xảy ra.
Thời điểm sau điều trị 6 tháng, ông Tín kể mỗi ngày đi ngoài hơn 10 lần, rất vất vả. Ông không dám đi đâu xa. Những chuyện hội họp, du lịch, liên hoan… đều không thể tham gia. Các bác sĩ đều bó tay và chỉ khuyên bệnh nhân cố gắng tập luyện cho quen, rồi một ngày nào đó sẽ ổn vì ruột già đã bị cắt ngắn lại.
Mọi nỗ lực của bản thân và người thân, ông Tín thấy bắt đầu le lói ánh sáng dù bị nhiều rắc rối về tiêu hóa (toilet 5,6 lần/ ngày) nhưng sức khỏe dần ổn định, dấu ấn ung thư không còn nữa, nội soi đại tràng, siêu âm, chụp Xquang, thử máu đều không thấy có vấn đề gì.
Đến nay, đã qua gần 5 năm chiến đấu với nó, sức khỏe của thầy giáo Tín đã bình phục. Thầy giáo Tín chia sẻ với các bệnh nhân ung thư không phải là dấu chấm hết chỉ cần có niềm tin, nghị lực và tâm bình tĩnh sẽ bước qua mọi khó khăn của bệnh tật. Ông luôn miệng kể “Qua ngày bĩ cực đến ngày thái lai”
– Chuyện ung thư của tôi
Kính thưa quý thầy cô & các anh chị,
Chiều 22-2-2017 Trung tâm Ung Bướu và Hội Ung Thư Thừa Thiên Huế tổ chức chương trình tư vấn tháng 2/2017 với chủ đề:
“Dinh Dưỡng cho thể chất và tinh thần” Trung tâm mời hai diễn giả.
– TS BS Vũ Thị Bắc Hà nói về đề tài dinh dưỡng
– GS. Trần Công Tín chia sẻ về việc điều trị ung thư Đại tràng của mình (đã ở giai đoạn 4) cách đây 4 năm cùng tinh thần tin tưởng lạc quan trong thời gian lâm bệnh để có được kết quả khả quan như hôm nay.
Buồi diễn thuyết kết thúc lúc 16 h 30 trong niềm vui vẻ phấn khích của mọi người.
Xin mời đọc bài tường thuật dưới đây của thầy Trần Công Tín để chúng ta hiểu thêm, vá rút thêm kinh nghiệm nếu chẳng may mắc phải căn bệnh như thầy.
Trần Công Tín
CHUYỆN UNG THƯ CỦA TÔI.
Lời thưa Hôm nay (3-11-2015) tôi đi tái khám định kỳ: Kết quả rất tốt đẹp,bác sĩ cũng ngạc nhiên lắm và cho là 1chuyện hi hữu vì đã ung thư đại tràng mà lại di căn gan thì khó lòng qua khỏi vậy mà nay gần 3 năm,đại tràng và đặc biệt là gan chẳng tổn thương gì Chỉ số dấu ấn ung thư đều dưới mức cho phép..Bác sĩ ngạc nhiên lắm.đúng là Ông Trời Có Mắt
Bác sĩ có xem xét vết mổ và thấy rất tốt (mổ 3 lần mà như vậy là tuyệt)
Bác sĩ bảo không cần uống bất kỳ 1 thứ thuốc gì về ung thư cả.
Vậy tôi xin viết bài hồi ký sau để tỏ lòng tri ân đối vói các đội ngũ nhân viên của Bệnh Viện Trung Ương Huế nói chung và các bác sĩ,y tá ở khoa Ung Bướu nói riêng. Trong điều kiện quá tải trầm trọng (vì các bệnh nhân của 8 tỉnh miền trung đều đổ dồn về khoa này do đó số người thăm khám nhiều gấp 3 lần định mức), không gian chật hẹp (lúc đó vì đang xây dựng Trung tâm mới nên khoa mượn tạm LaoThừa Phủ để làm nơi điều trị) công việc vô cùng căng thẳng nhưng quí vị đã tận tâm, tận lực hết lòng với công việc, thật đáng khâm phục.
Đặc biệt tôi xin gởi lời cám ơn đến:
– Bác sĩ Hùng (khoa Ngoại tiêu hóa) đã sáng suốt định bệnh cho tôi và làm Hậu môn nhân tạo rồi chuyển qua khoa Ung Bướu
– Bác sĩ Kỳ Giang(khoa Ung Bướu) đã nêu cao tấm gương y đức hiếm có,đáng ngưỡng mộ.
– Các y tá ở khoa Ung Bướu mặc dầu làm việc hết sức căng thẳng nhưng lúc nào cũng hòa nhã,tận tâm với các bệnh nhân.
– Bác sĩ Vũ (khoa Cấp cứu Bụng) đã mổ thành công khối u Đại tràng và đưa Hậu môn giả vào trong.
Nhờ vậy tôi mới lành bệnh và được như ngày hôm nay…xin muôn vàn cảm tạ.
Tôi chỉ điều trị ở khoa ung bướu (hóa trị 6 đợt,uống thuốc Xeloda 5 đợt,giải phẫu 3 lần)chứ không uống bất kỳ 1 thứ thuốc gì khác kể cả các cây lá.
Ngoài ra tôi cũng nói thêm để học sinh Nguyễn Huệ Tuy Hòa hãnh diện là: Bác sĩ Bùi Đức Phú (giám đốcBệnh Viện Trung Ương Huế) là học sinh NH khóa 67-74
Cách đây 5,6 chục năm hai chữ ung thư còn xa lạ với mọi người,ít ai mắc phải và chẳng được đề cập.Thế nhưng ngày nay thì hai chữ này rất phổ biến,không ai là không biết: đài, báo, các tờ rơi, các tờ cảnh báo, sách vở, phim truyện, tin tức đều đề cập đến nó. Trong câu chuyện trao đổi cũng thường thốt lên: anh A vừa mới chết vì ung thư vòm họng, tôi vừa mới đi thăm anh B nằm ở bệnh viên K…..đừng ăn cái đó coi chừng ung thư,..tránh đồ ăn nhanh vì dễ gây ung thư. Kế đó trên báo đưa tin vị này chết vì ung thư, ca sĩ kia lìa trần cũng vì căn bệnh ấy…Hôm nay trên tivi đang phát hành cuốn phim dài lê thê mấy trăm tập và hiện giờ là tập 133 134…nói về cô Diệp Như Ý đang bị ung thư và nỗi lo lắng, sợ hãi của đương sự cũng như người thân. Rồi lại có tin nghệ sĩ Trần Lập nhập viện vì căn bệnh thế kỷ và khen ngợi thái độ bình tĩnh của anh ta.
Ung thư!! Đúng là cơn ác mộng của thế kỷ 21., tôi cũng không tránh khỏi và đã đối phó thế nào, nghĩ lại thấy cũng khá ly kỳ, xin kể lại hầu quí vị:
Cuối năm 2012, tôi đi Nha trang,Tuy hòa, Qui nhơn, được học trò đón tiếp ân cần, nồng hậu. Thế rồi qua đầu 2013, bắt đầu rối loạn tiêu hóa (tình trạng này thường xảy ra luôn và uống thuốc Berberin thì khỏi) ở nhà tự chữa không lành nên đi bác sĩ chuyên môn, họ tưởng là ruột kích thích và cho thuốc theo hướng đó nhưng không bớt, sau lại đoán là viêm đại tràng nhưng cũng không có kết quả, điều trị gần 1 tháng mà chẳng thuyên giám, cuối cùng cho nội soi (trước khi nội soi thì uống 2 liều thuốc xổ cực mạnh để cho sạch ruột).
Trưa hôm 25-2-2013 tôi đi xe gắn máy một mình lên nội soi và kết quả như sau (tôi nhớ thuộc lòng);
Đưa máy vào 15 cm thấy khối u loét sùi chiếm hết chu vi lòng trực tràng.
Kết luận: K trực tràng.
Đề nghị nhập viện khoa ngoại
Cầm tờ giấy trên tay tôi chẳng sợ hãi gì cả và bình tĩnh hỏi bác sĩ (khiến ông khá ngạc nhiên vì đa số khi biết vậy đều thất sắc, run rẫy, xuống tinh thần) phương án điều trị như thế nào? Ông cho biết sẽ cắt bỏ khối u, nối lại ruột (thời gian xét nghiệm, chờ đợi và lên bàn mổ cùng tĩnh dưỡng cả thảy chừng 25 ngày, sau đó cho về nhà 1 tháng rồi sẽ hóa trị)…Phí tổn đợt đầu chừng 30 triệu (vì được bảo hiểm chi trả 80%.)Tôi liền điện thoại về nhà kể cho vợ con nghe chẳng run sợ chi hết. khiến bác sĩ, y tá đều kinh ngạc hết sức..Vì tôi bình tĩnh như thế nên ở nhà cũng chẳng ai lo sợ, vợ tôi vẫn đi dạy (ở trường tư) như thường.
Tôi một mình sắp xếp công việc (trong khi vợ đi dạy, con đi học)
Chuẩn bị tiền bạc: đưa tiền mặt và các phiếu tiết kiệm cho con gái dặn thẻ nào rút trước thẻ nào lãnh sau, tôi nghĩ chừng 50 triệu là quá đủ nào ngờ sau này lên đến 200 triệu
Đi một mình lên các trạm y tế để xin giấy chuyển viện (theo nguyên tắc tôi phải lên trạm y tế phường, nơi đây nếu điều trị không được mới chuyển lên Khu Vực 3, ở đây sẽ nghiên cứu và nếu cần mới đưa lên Bệnh viện Trung Ương.) Nhưng vì thấy kết quả nội soi của tôi nên họ chuyển tôi ngay khỏi cần khám bệnh gì cả tuy vậy cũng mất hơn 1 tiếng vì phải chờ đợi
Sắp đặt áo quần vật dụng cá nhân để mai lên đường
Ngồi vào máy vi tính đưa tin cho người thân được biết (khi đó suy nghĩ lại mới thấy hơi lo), xong đậy máy lại hẹn tháng sau sẽ gặp nào ngờ kéo dài đên 9 tháng, đúng là;
Thuở lâm hành oanh chưa bén liễu
Hỏi ngày về ước nẻo quyên ca
Nay quyên đã giục oanh già
Ý nhi lại gáy trước nhà líu lo
Sáng hôm sau tôi lên Bệnh viện Trung ương làm thủ tục để nhập viện, khoa Ngoại tiêu hóa (đóng trước 1 sô tiền gọi là tiền tạm ứng vì họ sợ bệnh nhân bỏ về nửa chừng) và nhận phòng (4 người/1 phòng, mỗi người một giường, như vậy là may mắn vì ở khoa Ung Bướu 3 người /1 giường, 20 giường/1 phòng)
Trong mấy ngày chờ đợi, ban ngày tôi cần có thân nhân để họ giữ tiền và đi đóng viện phí. Mỗi buổi sáng y tá sẽ cho bệnh nhân biết sẽ làm những xét nghiệm gì và người nhà sẽ ra quày thu (cách xa chừng 500m) để đóng tiền xong mới được xét nghiệm (theo kiểu tiền trao cháo múc) Có nhiều người phê bình điều này nhưng tôi thì thông cảm vì có nhiều bệnh nhân sau khi chữa trị xong, bỏ về để lại gánh nặng cho bệnh viện (có khi hàng chục triệu) cho nên cẩn thận như thế là phải..
Trước khi quyết định việc mổ tôi phải lần lượt làm các xét nghiệm sau (kéo dài mấy ngày):Thử máu, chụp Xquang, siêu âm, nội soi đại tràng, sinh thiết (nghĩa là lấy 1 mẩu nhỏ của khối u đem đi xét nghiệm xem thử lành hay ác tính,) chụp Ct 32 lớp…Kết quả: sinh thiết và chụp Ct đều cho biết khối u lành. Như vậy chỉ cần cắt bỏ, nối lại là xong khỏi cần qua hóa trị. Mọi người đều hân hoan, vui mừng và tôi được lên lịch trình mổ vào tuần sau (5 ngày nữa) và, đóng trước 20 triệu.
Chiều hôm trọng đại đó, vợ con, anh em đều có mặt để đưa tôi vào phòng mổ, đồ đạc, hành lý đều mang theo hết vì sau khi mổ tôi sẽ vào phòng Hồi Sức chứ không còn về chỗ cũ nữa.
Nhưng số phận trớ trêu, sấm rền trời đất, khi mổ ra thì bác sĩ thầy khối u quá lớn lại còn di căn qua gan hai ba chỗ nữa cho nên đành đóng lại, không dám cắt bỏ và làm hậu môn nhân tạo (tức là khoét 1 lỗ ở bụng để chất thải thoát ra vì có khối u chặn ở đại tràng rồi, phân không xuống ở hậu môn thật được). Chuyện này về sau tôi mới biết và nghe kế lại thôi.
Tôi nằm ở phòng Hậu phẫu 4 ngày thì theo đề nghị của bác sĩ phẫu thuât, tôi được đưa đi sinh thiếtlại (kỹ càng hơn) chụp Ct 64 lớp (cao cấp và chính xác hơn) có kết quả như sau:
– Ung thư đại tràng di căn gan lại có hạch trong bụng.
Do đó tôi được chuyển qua khoa Ung Bướu (hồi đó mượn tạm Lao Thừa Phủ vì đang chờ xây cất Trung tâm mới)
Bác sĩ phụ trách mời cả hai vợ chồng tôi vào để giải thích là bệnh tôi quá nặng, không nên hy vọng nhiều, nếu muốn về thì cho về. Lần này thì tôi hoang mang thật sự, muốn buông xuôi tất cả nhưng nhờ vợ tôi an ủi độngviên nên tôi gượng được và quyết định tiếp tục điều trị.
Tình trạng lúc đó thật thê thảm đúng là 18 tầng địa ngục: hậu môn nhân tạo (với bao phiền phức,) khối u chưa được xử lý, lại còn di căn lại còn có hạch trong bụng (chưa biết nó sẽ lan đến đâu, có người lan rất nhanh chỉ vài tháng là qua đời) đúng là: uống đau khổ đến tận cặn (lời vua Louis 16 khi lên đoạn đầu đài). Thế nhưng nhờ Trời Phật phù hộ và nhờ nghị lưc phi thường nên tôi vượt qua được thật là kỳ tích.,nhiều người thán phục sự kiên cường của tôi lắm.
Cháu Bích Châu (con gái tôi) đưa tin cho mọi người biết tất cả đều an ủi động viên và gởi tiền về giúp đỡ rất nhiều tổng cọng gần150 triệu, góp phần vào việc điều trị. Thật cảm động lắm và gia đình tôi mãi mãi nhớ ơn..
Nhưng rồi “bỉ cực thái lai” từ đây, bắt đầu le lói ánh sáng: Sau khi xét nghiệm thì tôi được chuyền hóa chất ngay (4 ngày 3 đêm liên tục). Mới chuyền đợt đầu, xét nghiệm lại, bác sĩ thấy đáp ứng rât tốt nên không nói giọng bi quan nữa mà bảo: “Tôi chữa cho bác dứt điểm khối u rồi đưa qua phẫu thuật”
Chuyền chỉ 3 lần thì kết quả rất khả quan, chụp Ct 64 lớp, bảo đáp ứng thuốc rât tốt, khối u nhỏ lại, di căn giảm nhiều..Do đó bác sĩ mới đưa qua khoa Cấp cứu bụng để phẫu thuật (cất bỏ khối u) và đưa hậu môn vào trong (tức là nối với hậu môn thật như người bình thường).Phẫu thuật phải 2 lần mới thành công..Bác sĩ phẫu thuât cho biết gan của tôi trơn láng như người không có bệnh chỉ còn 2 mẩu nhỏ xíu ở hai đầu nên bác sĩ không muốn đụng vào và để hóa chất tiêu diệt.
Sau 20 ngày tĩnh dưỡng ở nhà, tôi lại lên Khoa Ung Bướu hóa trị 3 đợt tiếp theo kế đó là 5 đợt uống thuốc Xeloda (với nhiều phản ứng phụ rất vất vả, khổ cực) Đến ngày 9-1-2014 tôi chính thức cho xuất viện và ở nhà chờ tái khám định kỳ (3 tháng/1 lần sau tăng lên 6 tháng).
Mặc dầu vẫn bị nhiều rắc rối về tiêu hóa (toilet 5,6 lần/ ngày) nhưng sức khỏe dần ổn định, dấu ấn ung thư không còn nữa, nội soi đại trang, siêu âm, chụp Xquang, thử máu đều không thấy có vấn đề gì.
Đúng là “sau cơn mưa trời lại sáng”do đó tôi viết bài này gởi đến quí vị để nói rằng dầu sao thì cũng đừng nên tuyệt vọng
Thân chào
Trần Công Tín.
http://www.chimvenuinhan.com/2017/03/chuyen-ung-thu-cua-toi-gs-tran-cong-tin.html
✽✽✽✽✽✽