Những người hùng chiến thắng ung thư – Tập 5
MỤC LỤC
- 1Vũ Thị Ngọc Ánh – Ung Thư Máu – Quảng Ninh
- 2Hoàng Diệu Thuần – Ung Thư Máu – Nghệ An
- 3Nguyễn Trí Hải – Ung Thư Gan – Quảng Trị
- 4Nguyễn Minh Tuấn – Ung Thư Phổi – Hà Nội
- 5Phạm Viết Hồng Lam – Ung Thư Vòm Họng – Hà Nội
- 6Nguyễn Minh Thu – Ung Thư Tử Cung – Hà Nội
- 7Nguyễn Thị Ánh Hoa – Ung Thư Tử Cung – Hồ Chí Minh
- 8Hoàng Thị Vũ – Ung Thư Tủy Sống – Bình Định
- 9Nguyễn Thị Phú – Ung Thư Dạ Dày – Phú Thọ
- 10Trần Quốc Bình – Ung Thư Gan – Phú Thọ
- 11Nguyễn Tiến Phương – Ung Thư Phổi – Phú Thọ
- 12Nguyễn Thị Lan – Ung Thư Vú – Hà Nội
- 13Cao Thành Đức – Ung Thư Xương – Nam Định
- 14Nguyễn Văn Ngọc – Ung Thư Dạ Dày – Hà Nam
- 15Hồ Thị Thu – Ung Thư Vú – Bình Định
- 16Nguyễn Thị Hòa – Ung Thư Vòm Họng – Hà Nội
- 17Trần Văn Hái – Ung Thư Vòm Họng – Nam Định
- 18Sư Cô Thục Hiền – Ung Thư Vòm Họng – Nam Định
- 19Bác Sĩ Nguyễn Lê – Ung Thư Gan – Hà Nội
- 20PGS.TS Đỗ Quốc Hùng – Ung Thư Phổi – Hà Nội
- 21Đinh Thị Thu – 3 Bệnh Ung Thư – Hà Nội
- 22Vũ Thiện Phi – Ung Thư Trực Tràng – Nam Định
- 23Lâm Tiến Bình – Ung Thư Máu – Lạng Sơn
- 24Trần Văn Hy – Ung Thư Thực Quản – Hồ Chí Minh
- 25Ngô Ngọc Chạy – Ung Thư Gan – Bến Tre
- 26Nguyễn Hoàng Tuấn Phát – Ung Thư Tuyến Tụy – Bình Dương
- 27Nguyễn Ngọc Phát – Ung Thư Phổi – Bình Dương
- 28Cao Thị Hữu – Ung Thư Thận – Hồ Chí Minh
✽✽✽✽✽✽
Hoàng Thị Vũ – Ung Thư Tủy Sống – Bình Định
✽✽✽✽✽✽
– Người phụ nữ mắc bệnh ung thư tủy tự “viết lại số phận” nhờ ngồi thiền
14/12/2014
Cuộc sống đang yên bình với mái ấm gia đình ngập tràn hạnh phúc, một ngày kia người phụ nữ lên cơn đau xương khớp, rồi chị nhận ra sự thật nghiệt ngã – mình bị ung thư tủy. Dù chữa trị với đủ phương thuốc, gia cảnh rơi vào khánh kiệt nhưng chị vẫn “tiền mất tật mang”.
Giữa bất hạnh, chị vô tình biết đến phương pháp chữa bệnh bằng năng lượng trường sinh học. Sau thời gian ngắn ngồi thiền, chị đã tự chữa được căn bệnh mà y học hiện đại phải bó tay.
Bất hạnh ập đến
Đó là trường hợp chị Hoàng Thị Vũ (SN 1977, xã Cát Tân, huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định). Từng phải sống trong những tháng ngày ám ảnh bởi cái chết lơ lửng trên đầu nên khi bệnh được bớt như một phép nhiệm màu, chị Vũ luôn rạng rỡ nụ cười trên môi. Chị Vũ là con cả trong gia đình có 4 chị em gái, bố mẹ làm nghề buôn bán nhỏ, cuộc sống yên ấm, đủ đầy. Năm 2000, chị Vũ lấy chồng, năm sau chị sinh bé trai khiến vợ chồng càng thêm hạnh phúc. Cuộc sống yên bình ấy chẳng được bao lâu khi bỗng nhiên chị phát hiện tay chân mình đau đớn lạ thường.
Vào một buổi sáng mùa hạ năm 2002, chị Vũ ngủ dậy thì thấy toàn thân tê nhức, các khớp tay chân nóng ran như thiêu đốt. Cơn đau khiến chị đi lại vô cùng khó khăn bởi mỗi lần cử động thì như có ngàn mũi kim đâm vào xương tủy. Ngoài những cơn đau xương khớp, chị Vũ còn bị xuất huyết. Gia đình đưa chị vào TP.Hồ Chí Minh khám nhưng vẫn không tìm ra bệnh. Sau nửa năm dùng thuốc giảm đau, bệnh tình của chị chẳng những không thuyên giảm mà ngày càng nặng hơn. Khi tay chân tê cứng chẳng cử động được, gia đình đưa chị vào Bệnh viện Đa khoa TP.Quy Nhơn cấp cứu. Thực hiện xét nghiệm tổng hợp, các bác sĩ chẩn đoán, chị bị ung thư tủy sống.
Chị được chuyển vào Bệnh viện Truyền máu – Huyết học TP.Hồ Chí Minh. Tại đây, chị nằm viện điều trị với những loại thuốc đặc trị, nhưng sau một năm vẫn không có tiến triển gì. Nằm viện, nhưng chị vẫn cảm nhận được xương tủy đang bị gặm nhấm từng ngày. Chẳng những vậy, trong nỗi mặc cảm vì bệnh cũ chưa bớt chị Vũ lại nhận ra mình như “trở thành đàn ông”. “Lúc đó, tôi như muốn buông xuôi vì bệnh chữa không bớt mà diện mạo của mình lại càng trở nên khó coi. Tôi mọc râu, mọc lông tay lông chân như đàn ông. Người tăng thêm 10kg, lại có cơ bắp. Hỏi ra mới biết, các loại thuốc đặc trị đã gây ra tình trạng thay đổi nội tiết tố trong người”, chị Vũ nhớ lại.
Sau một năm điều trị với đủ các phương pháp nhưng không có kết quả, chị Vũ được bệnh viện trả về. Chị cứ nghĩ được về nhà có nghĩa là sắp bớt bệnh, chứ không hề biết rằng mình được trở về để sống những tháng ngày cuối cùng trước khi lìa xa cõi đời. Gia đình muốn chị được sống vui vẻ những ngày ít ỏi còn lại nên tất cả đều giấu nhẹm đi. Nhưng niềm vui mà chị có được chẳng kéo dài được bao lâu bởi cứ mỗi khi xa rời thuốc giảm đau, chị lại quằn quại trong những cơn đau.
“Tôi về nhà được vài hôm thì cơn đau tái phát và càng đau đớn hơn trước. Được uống thuốc Bắc, thuốc Nam và bao nhiêu thứ thuốc bổ nhưng tôi vẫn không cảm thấy khá hơn. Tệ hại hơn là tôi bị thoái hóa khớp háng và chẳng đi lại được nữa. Lúc đó, phải nằm liệt một chỗ với đôi chân cứng đơ, tôi mới biết rằng mình chẳng còn chút hi vọng nào nữa. Dù mạng sống có thể kéo dài thêm vài năm nhưng tôi cứ như đã chết với những cơn đau triền miên và nước mắt tuyệt vọng”, chị Vũ bùi ngùi kể lại.
Tái sinh như cổ tích
Sau 2 năm sống cảnh thực vật và chờ ngày trút hơi thở cuối cùng, một hôm tia sáng lóe lên trong cuộc đời chị Vũ. Đó là vào cuối năm 2005, một người bạn của mẹ chị vốn bị bệnh ung thư gan nhưng đã tự chữa khỏi bằng phương pháp ngồi thiền. Chị Vũ được khuyên đi học ngồi thiền, biết đâu có phép nhiệm màu giúp chị qua cơn “thập tử nhất sinh”. Trước câu chuyện người thật việc thật, chị Vũ mừng rỡ và ngay ngày hôm sau đã tìm đến lớp học. Nơi chị Vũ đặt hết hi vọng và niềm tin khi cái chết đã cận kề là lớp học trường sinh học của bà Hồ Thị Thu (xã Cát Hiệp, huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định).
Biết được hoàn cảnh của chị Vũ, bà Thu đã nhận ngay chị vào học bởi “còn nước còn tát”. Không ngồi xếp bằng được, chị Vũ được học ngồi thiền trên ghế. Thấy chị yếu ớt đến mức ngồi chẳng vững, mọi người đều nghĩ rằng “ngồi thiền” chỉ kéo dài sự sống cho chị thêm ít năm. Thế nhưng, trong thâm tâm chị Vũ nghĩ khác hoàn toàn: “Được gặp cô Thu và mọi người đồng cảnh ngộ, cái nhìn của tôi về cuộc sống đã thay đổi hoàn toàn. Bởi dù mình có chết mà những ngày tháng cuối được sống trong sự cảm thông chia sẻ với bao mảnh đời bất hạnh thì cũng mãn nguyện. Tôi không còn gì để mất nên một lòng tin theo những lời cô dặn, đặt hết niềm tin vào thiền”.
Trong 6 ngày đầu đến lớp, chị Vũ được bà Thu dạy lý thuyết về phương pháp ngồi thiền cũng như môn học năng lượng trường sinh học. Trong mỗi buổi học, chị Vũ được thầy mở luân xa (huyệt đạo). Sau 6 ngày tìm hiểu môn học và nắm vững lý thuyết về phương pháp ngồi thiền, chị Vũ bước vào luyện tập dưới sự chỉ dẫn của cô Thu và các huấn luyện viên. Điều đặc biệt, vì thoái hóa khớp háng nên ban đầu chị Vũ phải ngồi thiền trên xe lăn, trong tư thế duỗi thẳng chân. Mỗi ngày chị kiên trì ngồi thiền 4 lần, mỗi lần 2 giờ đồng hồ. Trong quá trình ngồi thiền, chị được bà Thu tiếp tục mở luân xa.
Vốn bị đau xương khớp nên việc ngồi bất động hàng giờ đồng hồ với chị Vũ vô cùng khó khăn. Những cơn đau tê dại, nhức nhối khiến chị cảm giác hai chân mình sắp khô cứng, vỡ nát. Đau đớn tận xương tủy, nhiều khi ngồi thiền mà nước mắt chị rơi lã chã. Dẫu vậy, chị vẫn cam chịu và kiên trì luyện tập với một niềm tin không gì lay chuyển. Sau 3 tháng ngồi thiền, chị cảm thấy sức khỏe của mình khá hơn. Những cơn đau dù chưa dứt hẳn nhưng ngày một vơi dần. “Trong môn học có nói rằng, việc ngồi thiền phải có lòng tin và sự kiên trì. Bởi lúc cơ thể đau đớn cũng là khi mình đang chiến đấu với bệnh tật. Chịu đựng và vượt qua được thì sẽ thành công. Bỏ cuộc lúc đó thì sẽ thất bại”, chị Vũ tâm sự.
Thấy bệnh tình của chị Vũ có tiến triển, bà Thu tiếp tục nâng cao mức độ khó của bài tập. Chị Vũ vẫn ngồi thiền 4 lần mỗi ngày nhưng thời gian ngồi thiền tăng lên 3 giờ. Các huyệt đạo trên người chị cũng được mở theo phương pháp tương đương. Kết quả sau 6 tháng tập luyện, chị Vũ không còn đau nhứt chân tay, từ ngồi một chỗ, chị đã có thể tự mình chập chững đi lại. Từ đó, chị coi môn học như cơm ăn nước uống hàng ngày và luyện tập đều đặn.
Nhớ lại cảm xúc ngày mình được đi lại trên đôi chân tưởng như đã mất, chị Vũ xúc động: “Ngay từ ban đầu, tôi đã đặt niềm tin vào môn học với ước mơ về một phép thần kỳ. Và tôi thấy rằng, những người bệnh nặng thường thành công so với những trường hợp nhẹ. Bởi khi họ đang ở ranh giới sự sống và cái chết, với niềm tin sắt đá, họ có thể làm được những điều không tưởng”.
Chị Vũ học tại nhà cô Thu được một năm thì xin phép thầy trở về nhà để tự luyện tập. Đã 8 năm nay, ngày nào chị Vũ cũng luyện tập đều đặn. Giống như cơm ăn nước uống, thiền đã trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống của người phụ nữ này. “Với căn bệnh của tôi, nếu bỏ luyện tập thì những cơn đau sẽ tái phát. Chính vì vậy, tôi vẫn luyện tập đều đặn mỗi ngày 3 lần, sáng, trưa, tối. Luyện tập rồi cũng trở thành thói quen nên chỉ cần nghỉ tập một lần là thấy trong người thiếu thiếu cái gì đó”, chị Vũ chia sẻ.
Thấy rõ những lợi ích thiết thực của thiền, chị Vũ mang môn học dạy lại cho các thành viên trong gia đình. Gia đình chị giờ đây có 5 người ngồi thiền, đó là ông bà ngoại, mẹ, dì và cậu con trai học lớp 8 của chị. Mỗi ngày, họ ngồi thiền 3 lần, mỗi lần một giờ đồng hồ. Chăm chỉ luyện tập, tất cả mọi người đều khỏe mạnh, yêu đời. “Thiền giúp tôi sống thanh thản, thoải mái hơn rất nhiều. Bởi tâm mình tịnh thì sẽ xóa bớt đi ưu phiền, buồn khổ, thù hận. Ngược lại, tình thương và lòng bao dung giúp ta chấp nhận sự thật trước mắt dù nó khắc nghiệt đến thế nào”, chị Vũ tâm sự trước khi chia tay chúng tôi.
NHƯ NGUYỆT
✽✽✽✽✽✽