Những người hùng chiến thắng ung thư – Tập 4

Giọng:

✽✽✽✽✽✽

Huỳnh Thị Kiều Thu – Ung Thư Vú – Hồ Chí Minh

✽✽✽✽✽✽

– Nữ thương binh bị ung thư 5 lần đạp xe xuyên Việt

Người nữ thương binh từng là chiến sĩ biệt động thành năm xưa nay đầu đã hai thứ tóc, mang căn bệnh ung thư di căn ở thời kỳ cuối. Vết mổ chưa lành; tay trái, chân trái bị liệt, tay phải sưng tấy, phù nề nhưng bà vẫn một mình đạp xe xuyên đường mòn Hồ Chí Minh từ TPHCM ra thăm Lăng Bác rồi lại đạp xe quay về.

Bà là Huỳnh Thị Kiều Thu, sinh năm 1951 trong một gia đình có truyền thống cách mạng tại huyện Đức Phổ (Quảng Ngãi). Cha bà từng là chỉ huy một đội du kích Ba Tơ. Nhà bà thường xuyên nuôi giấu cán bộ cách mạng. Kiều Thu giác ngộ cách mạng từ rất sớm. Năm 1967, khi chưa tròn 16 tuổi bà đã xin gia đình cho đi làm liên lạc và nuôi giấu cán bộ. Trong năm đó, Kiều Thu quyết định trốn nhà tham gia hoạt động trong Hội Thanh niên của Thành Đoàn Thành phố. Năm 1969, bà vinh dự được đứng trong hàng ngũ Đảng. Từ đây, con đường hoạt động cách mạng của bà rộng mở nhưng cũng đầy thử thách.

Phút nghỉ ngơi bên cánh võng

Trong năm 1969, Kiều Thu xung phong nhận nhiệm vụ đặt chất nổ ở Ty Thông tin Gia Định. Kiều Thu đã cải trang thành một nữ sinh Sài Gòn với áo dài duyên dáng, quan sát kỹ đường đi lối lại của địch để thực hiện vụ nổ. Nhiệm vụ hoàn thành, nhiều lính Mỹ – Ngụy bỏ mạng. Nhưng khi vừa thoát khỏi trận địa, bà bị chúng phát hiện truy bắt. Mỹ – Ngụy liệt bà vào danh sách nguy hiểm nên chỉ trong vòng 2 tháng bị bắt T.K.T (bí danh do Mỹ đặt cho bà) bị giải đi 7 nhà tù.

Chúng dùng đủ mọi kiểu tra tấn dã man người chiến sĩ cách mạng nhưng vẫn không khuất phục được ý chí và quyết tâm bảo vệ cơ sở đến cùng của Kiều Thu. Biết không thể lấy lời khai của người nữ cộng sản, chúng chuyển bà ra nhà tù Côn Đảo và trong thời gian này bà phát hiện nhiều khối u trên ngực.

Lần đạp xe xuyên Việt đầu tiên

Sau khi ra tù và hòa bình lập lại, Kiều Thu được bố trí vào làm tại thư viện Nhà Văn hóa. Đồng thời, bà tích cực tham gia vào các hoạt động của Đoàn, Hội giúp đỡ cộng đồng. Nhưng căn bệnh ung thư quái ác từ thời kỳ còn bị cầm tù ở Côn Đảo đã làm bà suy kiệt. Đến năm 1995, vì ung thu đã di căn, bà phải xin nghỉ hưu để có thời gian điều trị.

Những vòng xe lăn đều trên đỉnh Trường Sơn

Suốt hơn 10 năm xạ trị, hóa trị, bà được nhiều tổ chức cũng như các y bác sĩ nhiệt tình giúp đỡ nhưng bệnh không giảm mà ngày càng lan rộng khắp cơ thể bà. Số tiền dành dụm ít ỏi nuôi dưỡng ước mơ được một lần ra thăm Lăng Bác của bà đã bị bệnh tật ngốn hết. Vậy là bà ra sức tập luyện, rèn thể lực, ý chí với quyết tâm sẽ vượt Trường Sơn bằng xe đạp. Những cái lắc đầu phản đối kịch liệt của người thân, bạn bè không ngăn được bước chân quyết tiến của người lính cụ Hồ.

Bà tâm sự: “Cả đời tôi mơ ước được một lần gặp Bác Hồ mà chưa được. Thời chiến tranh, tôi đã không sợ hy sinh quyết trở thành chiến sĩ thi đua để được ra thăm Bác. Vậy mà chưa kịp ra thì Bác đã đi xa rồi”.

Vào một ngày giữa tháng 5/2004, người chiến sĩ biệt động thành năm xưa một mình trên chiếc xe đạp cà tàng nhằm hướng Thủ đô thẳng tiến. Bà xuất bến khi hành trang là ba lô đựng mấy bộ quần áo cũ sờn, nồi, xoong, chén bát, bếp dầu… lỉnh kỉnh trên xe cùng ý chí không gì lay chuyển được. Trong hành trang ấy còn có cả một cuốn nhật ký hành trình để mỗi khi dừng chân ở nơi nào đó bà sẽ viết và ghi dấu lại. Nhưng bà bảo bà viết được ít lắm, còn lại toàn người dân viết thôi. Tràn ngập trong cuốn nhật ký ấy là những nét chữ nguệch ngoạc và nắn nót, non nớt và rắn rỏi, dài và ngắn, văn và thơ… Tất cả đều rất chân tình, yêu thương và cảm phục nghị lực của bà.

Mỗi khi vượt dốc, vượt đèo, bà cố gắng gồng mình lên đạp, khi không còn đủ sức rồi bà dắt bộ, hông tựa vào yên xe, tập tễnh đẩy cả mình và xe đi. Khi xuống dốc do độ cao và bảo đảm sự an toàn, bà buộc thêm một cành cây vào phía trước bánh xe làm phanh chân hỗ trợ tăng thêm ma sát.

Dòng nhật ký của bà ghi lại trên độ cao 601, đèo Đắc Tô (KonTum): “Tôi đến trước ngọn đồi này, thật cao, dốc đứng sừng sững tưởng chừng không thể lên nổi. Tôi hát “dốc núi cao nhưng lòng quyết tâm còn cao hơn núi”, cứ thế tôi hát đi hát lại nhiều lần để động viên khích lệ mình. Và cuối cùng tôi cũng lên được đỉnh đèo”.

Đi đến đâu, bà Kiều Thu cũng được mọi người chúc mừng, tặng hoa

Bà đi vào ban đêm là chính vì ban ngày nắng nóng rọi vào vết thương gây lở loét, chảy máu. Trong cánh rừng Trường Sơn bạt ngàn vào ban đêm chỉ có gió, có tiếng côn trùng rỉ rả và những ánh sao lấp lánh trên bầu trời. Kiều Thu đi, một mình. Mệt thì ngả lưng bên gốc cây nào đó rồi lại đi tiếp: “Một ngày tôi chỉ ngủ 4 tiếng thôi để còn kịp ra tới Hà Nội. Vì đi đêm nên có hôm do trời tối nhìn không rõ tôi trượt xe lao xuống vực được khoảng 5 – 6 mét thì đụng phải con trâu đang ngủ. May quá nếu không thì cả người và xe lao xuống vực rồi” – Bà kể.

Trong chuyến đi này, ở bà không chỉ có tình yêu với Bác Hồ, không chỉ là đi cho thỏa nỗi nhớ của một người con miền Nam ra thăm Thủ đô mà còn là cuộc chiến để dành giật sự sống từng ngày từ tay Thần Chết. Bà kể: “Tôi đi xe xuyên Việt vì muốn kính viếng Bác, vì là một người lính cách mạng muốn được một lần đi trên con đường mòn Hồ Chí Minh đã đi vào huyền thoại và vì tôi muốn rèn luyện thể lực để sống thêm vài năm nữa”. Mỗi ngày, sự sống với bà là đáng quý, trên hành trình gian khổ vượt dốc vượt đèo, bà phải ăn cơm khô, rau rừng, ngủ bên lề đường.

Vì rửa nước suối bẩn, bà đã bị loét vết thương gây mưng mủ, chảy máu. Bà nhớ lại: “Tôi phải ở lại trong rừng 3 ngày, 3 đêm để điều trị vết thương. Không mặc được quần áo, vì mủ chảy ra liên tục. Tôi tự nhủ với lòng chẳng lẽ ung thư không chết mà lại chết vì nước bẩn hay sao. May thay, sau 3 ngày, vết thương dịu lại không còn chảy máu nữa, tôi tiếp tục lên đường”.

Có lần bà bị xe ô tô đụng phải, ngất xỉu giữa đường, vừa lúc ấy có xe của các chiến sĩ công an đi làm nhiệm vụ, họ đưa bà vào bệnh viện Quân đoàn 3 cấp cứu. Tại đây, bác sĩ chẩn đoán bà bị ung thư đã di căn xuống chân, không thể tiếp tục hành trình được nữa. Bà phải ở lại chữa trị hơn nửa tháng trời và khi vết thương đỡ dần bà tiếp tục đi mặc cho những lời khuyên can, cảnh báo của bác sĩ. Lần này Kiều Thu không còn đạp xe bằng hai chân được nữa vì chân kia ung thư di căn đã tê liệt, bà lấy vải bó chặt một bên còn một chân vừa cò vừa đạp.

Ngày 27/7/2004, sau 45 ngày đạp xe ròng rã từ Nam ra Bắc Huỳnh Thị Kiều Thu đã có mặt tại Hà Nội. Đứng trước lăng Bác, bà thanh thản nở một nụ cười cúi chào Người.

http://www.nguoiduatin.vn/nu-thuong-binh-bi-ung-thu-5-lan-dap-xe-xuyen-viet-a9255.html

– Ung thư giai đoạn cuối vẫn quyết đạp xe xuyên Việt lần thứ 6

Dân trí Với chiếc xe đạp cọc cạch và cánh tay trái bị liệt hoàn toàn, trong vòng 4 năm, cô Kiều Thu đã thực hiện thành công 5 chuyến xuyên Việt. Đi suốt cuộc hành trình với cô là căn bệnh ung thư giai đoạn cuối với vết thương luôn rỉ máu, chảy mủ…

Chiến tranh đã lùi xa từ lâu, nhưng với người lính biệt động Sài Gòn Huỳnh Thị Kiều Thu, mỗi ngày qua đi là một cuộc chiến đầy cam go giữa ý chí với cơ thể đầy rẫy bệnh hiểm nghèo.

Vừa mới đứng lên từ giường bệnh, cô Kiều Thu quyết định sẽ thực hiện chuyến xuyên Việt cuối cùng của cuộc đời mình, có thể là vào ngày 12/7/2010, với nhóm tình nguyện viên Hành trình Xanh.

Cô Huỳnh Thị Kiều Thu sinh năm 1951, là nữ chiến sĩ biệt động Sài Gòn. Sinh ra ở Quảng Ngãi, ông cụ thân sinh ra cô là Huỳnh Hy, một trong những chiến sĩ đầu tiên của đội du kích Ba Tơ. Năm 1964, cô vào Sài Gòn hoạt động cách mạng.

Để chống lại bệnh tật, cô phải thường xuyên tập luyện. Những lúc khỏe, cô dậy từ 3 giờ sáng để đi xe đạp. Những lúc bệnh nặng, cô tập leo cầu thang ở chung cư gần nhà.

Cô Kiều Thu bị bắt vào năm 1969 trong một lần đặt bom phá hủy Ty thông tin Gia Định (khu vực gần chợ Bà Chiểu hiện nay). Những trận đòn tra tấn dã man đã khiến cơ thể của cô bị vô số bệnh nan y. Năm 2004, cô phát hiện mình bị ung thư giai đoạn cuối. Tháng 7 cùng năm đó, cô bắt đầu thực hiện chuyến xuyên Việt đầu tiên của mình.

Với một chiếc xe đạp cọc cạch, lái bằng một tay vì cánh tay trái bị liệt hoàn toàn, người nữ biệt động thành năm xưa vượt qua hàng ngàn cây số để về Hà Nội viếng lăng Bác. Trên chiếc xe ấy chất nhiều thứ lỉnh kỉnh như bếp dầu, xoong nồi, chén bát, mì gói… Đi suốt cuộc hành trình với cô là căn bệnh ung thư giai đoạn cuối với vết thương luôn rỉ máu, chảy mủ.

Cánh tay trái bị liệt, da thịt cứng như đá. Cánh tay phải sưng tấy, phù nề. Vậy mà, âm thầm và lặng lẽ, người nữ chiến sĩ thực hiện đến 5 chuyến đạp xe xuyên Việt, từ năm 2004-2008. Hầu hết các chuyến hành trình của cô được thực hiện vào ban đêm vì ban ngày ánh mặt trời chiếu vào vết thương gây đau đớn.

Hàng chục năm nay, cuộc sống của cô Kiều Thu luôn là một cuộc chiến dai dẳng với căn bệnh ung thư. Năm 2008, dường như mọi tế bào trên cơ thể cô đều bị bệnh ung thư tàn phá. Cô bị ung thư vú, ung thư ức, ung thư khớp gối, ung thư khớp háng, ung thư xương sọ, thoái hóa cột sống…Nhiều bạn trẻ khi biết được hoàn cảnh và chứng kiến nghị lực phi thường của cô đã phải thốt lên: cô là người đàn bà thép, là ngọn đuốc sống giữa đời thương!

Với người nữ biệt động Sài Gòn, còn sống là còn chiến đấu, còn sự sống là còn niềm vui.

Ngày 27/4 vừa qua, vừa đứng dậy được sau 3 tháng nằm bệnh, cô quyết định tập đi xe đạp trở lại, chuẩn bị cho chuyến xuyên Việt có lẽ là cuối cùng của đời mình. Người phụ nữ đầy nghị lực ấy hiện sống ở địa chỉ 49/72A, Đinh Tiên Hoàng, phường 3, quận Bình Thạnh, TPHCM.

Hoàng Hoa

http://dantri.com.vn/xa-hoi/ung-thu-giai-doan-cuoi-van-quyet-dap-xe-xuyen-viet-lan-thu-6-1273732348.htm

– Người đàn bà thép xuyên Việt

– Mang trong mình hàng trăm khối u ác tính nhưng chiến sĩ biệt động Huỳnh Thị Kiều Thu vẫn ngày ngày tập đứng lên ngồi xuống 1.800 lần để chuẩn bị cho chuyến đi bộ xuyên Việt vào tháng 7 cùng tổ chức hoạt động xã hội Hành trình xanh.

Chiến sĩ biệt động quả cảm

Cô Huỳnh Thị Kiều Thu sinh năm 1951 ở Quảng Ngãi. Khi chưa tròn 16 tuổi, cô đã vào Sài Gòn tham gia hoạt động cách mạng và sớm trở thành một nữ chiến sĩ biệt động.

Tháng 5-1969, cô nhận nhiệm vụ đặt bom để phá hủy Ty Thông tin Gia Định (nay là Nhà Văn hóa quận Bình Thạnh,

TPHCM). Mặc dù nhiệm vụ thành công, tòa nhà trung tâm thông tin bị sập hoàn toàn, nhưng cô đã bị địch bắt khi tìm cách thoát thân ra ngoài. Cô Thu bị đày đi 7 nhà tù khác nhau từ trại giam Tiểu khu Gia Định, Trại Cầu Băng Ky, Đề lao Gia Định, Trại giam Thủ Đức, Trung tâm cải huấn Tân Hiệp – Biên Hòa và Trại Long Khánh để chúng khai thác thông tin. Cuối cùng, địch đày cô Thu ra Côn Đảo cho tới tháng 3 -1974, cô cùng đồng đội được trao trả.

Sau đó cô Thu làm việc tại thư viện Nhà Văn hóa Thanh Niên, và nghỉ hưu năm 1995 khi sức khỏe yếu vì căn bệnh ung thư.

Năm 2009, các bác sĩ Bệnh viện Ung Bướu chẩn đoán cô bị ung thư đầu gối, năm 2010 bị ung thư vòm (có thể dẫn tới mù lòa), ung thư xương sọ, xương đòn tay, xương ức, xương sống, cả hai lá phổi…Việc điều trị ung thư đã ngốn hết số tiền ít ỏi cô dành dụm được để thực hiện ước muốn ra Thủ đô viếng Lăng Bác và thăm chiến trường Điện Biên Phủ.

6 lần xuyên Việt bằng xe đạp

Không chịu khuất phục bệnh tật và tuổi tác, cô Kiều Thu nuôi ước mơ theo cách riêng của mình. Trong cuốn nhật ký, cô viết: “Tôi đi xe đạp xuyên Việt. Vì muốn kính viếng Bác. Vì muốn chiến thắng bệnh tật. Vì muốn sống thêm vài năm nữa. Vì những công việc và những điều chưa làm được”. Tới nay đã 6 lần cô hiện thực hóa ước mơ ấy.

Ngày 7 -5 -2004, lần đầu tiên cô đi xuyên Việt trên một chiếc xe đạp được thiết kế chẳng khác gì xe thồ với lỉnh kỉnh những bát đĩa xoong nồi. Tay và chân trái bị liệt nên mỗi vòng xe trở nên nặng nhọc hơn.

Trên tuyến đường Hồ Chí Minh, nhiều khi gặp đèo dốc cao cô phải dắt bộ từng bước nhưng chưa bao giờ cô có ý định bỏ cuộc dở chừng. Với cô Kiều Thu, mỗi lần vượt qua đèo dốc là một lần vượt qua chính mình. Chiều ngày 27 – 7 -2004, người chiến sĩ biệt động Sài Gòn năm xưa đã tới Hà Nội để viếng Lăng Bác Hồ.

Năm 2010, cô trở thành Đại sứ niềm tin của tổ chức Hành trình xanh. Giờ đây hình ảnh của người phụ nữ nhỏ bé, mang trong mình căn bệnh ung thư nhưng 6 lần đạp xe xuyên Việt trở thành biểu tượng niềm tin của nhiều bạn trẻ.

Cô Huỳnh Thị Kiều Thu tại lễ xuất quân đi bộ xuyên Việt.

“Cô Thu là nguồn động viên tinh thần rất lớn. Tuy tuổi đã cao nhưng cô vẫn và rất yêu đời. Mỗi khi có bạn nào bị rộp chân, hay không ăn được cơm thì mọi người đều bảo: “Hãy nhìn cô Kiều Thu kia kìa” – Mai Hà một thành viên Hành trình xanh chia sẻ.

Cô Kiều Thu nói: “Bất ngờ lắm khi được ban tổ chức mời làm đại sứ niềm tin. Mặc dù khi ấy cô vừa mắc bệnh ung thư phổi, cứ 15 phút lại ho và không đi được nhưng cô vẫn quyết tâm lên đường”.

Có lần, trong chặng đường dài hơn 200km từ TPHCM ra Phan Thiết (Bình Thuận). Đã 10 giờ đêm mà các bạn tình nguyện viên vẫn chưa đạp xe tới nơi. Không đi được, cô bắt các bạn khiêng võng tới gần lối ra vào. Hễ có bạn nào về đến nơi là cô gọi lại hỏi han, săn sóc.

Nhưng có lẽ với con người tràn đầy nghị lực ấy thì 6 lần đạp xe xuyên Việt, 6 lần được ra Bắc gặp Bác Hồ là chưa đủ. Năm nay cô lại quyết tâm đi bộ xuyên Việt trong chương trình “Từ làng Sen đến bến Nhà Rồng” kỉ niệm 100 năm ngày Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước.

Để chuẩn bị cho chuyến đi, ngày ngày cô đều đặn tập thể dục. Không chịu thua kém các tình nguyện viên, ban ngày cô đứng lên ngồi xuống 3 lần, mỗi lần 300 cái. Ban đêm lại tiếp tục 3 lần như vậy nữa. Gặp tôi, cô khoe: Bây giờ đi lại ổn rồi. Nếu cho đứng tấn cô cũng đứng được 15 phút.

Năm nay cô còn vận động được cháu ngoại 13 tuổi và chị gái là Huỳnh Thị Kiều Miên (78 tuổi) cùng đi xuyên Việt.

“Đêm trước giờ lên đường mà cô rạo rực, khó ngủ quá”. Và hôm nay cô đã cùng đoàn Hành trình xanh xuất phát lên đường. “Năm ngoái đã không được đạp xe rồi, năm nay nhất định cô sẽ đi bộ xuyên Việt”.

LÊ VIỆT HÙNG

https://www.tienphong.vn/xa-hoi-phong-su/nguoi-dan-ba-thep-xuyen-viet-544370.tpo

✽✽✽✽✽✽