Những người hùng chiến thắng ung thư – Tập 4

Giọng:

✽✽✽✽✽✽

Ca sĩ Ái Vân – Ung Thư Vú – Hà Nội

✽✽✽✽✽✽

– Ái Vân kể chuyện “chiến đấu” với bệnh ung thư

Xem clip ca nhạc của Ái Vân quay tại Hà Nội, thấy chị lộng lẫy và tràn đầy sức sống. Vậy mà cách đây 8 năm, chị đối diện với căn bệnh ung thư và đếm từng ngày mình sống, đã nghĩ đến phải dặn dò các con điều gì trước khi ra đi. Chị tâm sự về những ngày tháng đó của mình.

Gần đây, tôi nghe có những người rất nổi tiếng trong giới văn nghệ cũng mắc bệnh ung thư. Thành ra ai cũng thấy căn bệnh này là nỗi kinh hoàng. Trong thâm tâm, tôi rất muốn có một lúc nào đó được trình bày với những người đang mắc bệnh và cả những người mạnh khỏe về một điều, đó là dù nó có kinh hoàng đến mức nào, nhưng nếu biết vượt qua thì phép màu sẽ đến.

Bình thường, phụ nữ đến khoảng 35 tuổi trở lên mỗi năm phải đi khám định kỳ tổng quát một lần, tôi cũng trong trường hợp như vậy. Cách đây 8 năm, khi đi khám, bác sĩ của tôi phát hiện ra một khối u ở ngực, bác sĩ đề nghị tôi sắp xếp thời gian để mổ lấy u ngay. Nhưng, tôi chẳng thấy mình có dấu hiệu đau đớn gì cả, thấy mọi thứ vẫn bình thường lắm. Thời gian đó show của tôi rất nhiều, mà show ở bên Mỹ không như show ở Việt Nam, phải bay xa lắm, mỗi lần đi phải mất 2 tiếng, nhiều thì 5-6 tiếng, dứt khoát tôi không chịu mổ.

Sau đó 1 tháng tôi cũng không làm gì hết. 1 tháng sau bác sĩ gọi đến hỏi chị đã mổ chưa, tôi hỏi “mổ cái gì?”, mổ lấy “cái đấy” ra, nhưng tôi cứ cãi là không thấy gì cả. Nhưng tôi cũng nghe lời bác sĩ đi làm sinh thiết, cô y tá là người Việt nói: “Mẫu này em nhìn thấy không hề thích một tí nào cả, rất ái ngại, chị phải hẹn bác sĩ đi mổ ngay đi”. Lúc đó tôi hiểu rằng hễ mắc phải căn bệnh này là chết. Trong vòng 3 ngày tôi lấy hẹn và lên bàn mổ. Sau khi mổ hơn một tháng thì bắt đầu giai đoạn hóa trị, rụng tóc, lúc đó tôi cảm nhận cuộc sống đối với mình sắp kết thúc!

Bác sĩ báo tin tôi bị ung thư, chồng tôi trở về nhà. Anh ấy chăm sóc tôi tỉ mỉ một cách bất thường, như sắp đưa tôi về cõi bên kia…

Trước đây, tôi không có khái niệm gì về bệnh ung thư cả, chỉ nghĩ đó là bệnh hiểm nghèo, bị nghĩa là chết. Tôi xuống tinh thần lắm, tôi nghĩ cuộc sống đối với mình không tính theo năm tháng nữa mà tính theo từng ngày từng giờ. Tôi nghĩ cuộc sống gia đình sau khi không có mình trong cuộc đời này nữa thì những người còn lại sẽ như thế nào? Các con mình đi đến đâu? Làm sao để bố tôi nhận tin này mà không bị sốc quá?…

Lúc đó tôi chỉ nghĩ đến người thân và muốn dành thật nhiều tình thương đối với những người thân yêu của mình. Nên thời gian ốm tôi vẫn cố chu toàn cơm nước, chợ búa cho cả nhà. Tôi không có cảm giác ăn ngon, chỉ thấy lợm giọng, cứ nhồi như nhồi vịt ấy, vớ được cái gì ăn là ăn không suy nghĩ, bởi chỉ muốn nôn ra. Nhưng tôi mong muốn cả nhà được vui vẻ nên cố làm sao cho mọi chuyện thật bình thường.

Mỗi ngày, tôi thấy tóc mình rụng đi một chút, tôi nghĩ đến chuyện phải cạo đi, nhưng làm sao để các con không bị sốc. Tôi nghĩ ra một cách là khi các con đi học về, tôi nói bây giờ có một trò chơi, mẹ đưa cho hai con con dao cạo, đứa nào cạo đầu nhanh nhất thì mẹ sẽ thưởng. Thế là hai anh em rất hào hứng, hồn nhiên cạo rất nhanh. Khi nhát cạo cuối cùng đã dứt, tóc mình rụng hết xuống, tôi nhìn vào gương mới cảm thấy sự khủng khiếp, đó cũng là lần tôi bị sốc rất nặng.

Nhưng lịch diễn của tôi vẫn dày đặc mà tôi không thể nào bỏ show được. Show bên kia mình đã hứa thì phải thực hiện, đã quảng cáo với khán giả thì mình phải giữ uy tín, với lại tôi nghĩ mình cũng cố được nên chỉ 10 ngày sau mổ tôi đã lên sân khấu. Dây nhợ lằng nhằng trong người nhưng tôi vẫn hát, vẫn nhảy. Lần làm hóa trị đầu tiên, tóc tôi bắt đầu rụng, lúc đó tôi con nhớ là mình hát bài Vỗ cái trống cơm, tôi vẫn phải tập múa với đội múa 1-2 tuần, đầu không còn sợi tóc nào cả, đội tóc giả để hát. Tôi không nghĩ hát sẽ là cách để tôi quên đi đau đớn, quên đi cái chết mà tôi đếm từng giờ, nhưng thật sự khi bước lên sân khấu thì quên hết, quên đau, quên tất cả mọi thứ.

Trong quá trình điều trị hóa trị, một bác sĩ nữ người Mỹ nói: “Chị đừng có lo, tai chị to lắm, chị còn sống lâu mà, đừng lo gì cả”. Tôi nghĩ, hóa ra người Tây mà cũng tin tướng số sao? Lúc ngồi cùng mấy người làm hóa trị khác cả tiếng đồng hồ, chúng tôi nói chuyện, tán dóc, đầu đội tóc giả, hát hò lung tung… Thực sự, khi bị bệnh, đời sống tinh thần rất quan trọng. Sau này tôi đã hiểu phép màu nhiệm nhất giúp tôi không bị xuống tinh thần chính là nghệ thuật, là sân khấu, vì thế rất nhiều người không biết tôi bị bệnh, thấy tôi vẫn hát hò trên sân khấu, bay show khắp nơi.

… Lúc đó tôi chỉ cố gắng hát, hát như thể ngày mai là ngày tận thế vậy. Lúc đó tôi cũng cảm nhận một điều là cuộc sống với mình thật là đẹp biết bao, hàng ngày những bận rộn của cuộc sống cuốn mình đi mình không để ý đến.

Tuy nhiên, cũng rất may là sau 4 tháng hóa trị thì tóc tôi dần mọc lại, tôi cũng dần quên đi những điều đã qua. Nhưng mỗi khi đứng trước gương thấy cơ thể mình không còn được đầy đặn như ngày xưa, tâm lý tôi rất nặng nề. Sau khi mổ bác sĩ nói: “Bà rất may vì khối u phát hiện sớm, chưa di căn. Bà phải uống thuốc trong 5 năm, nếu sau 5 năm mà bà thoát được nghĩa là đã khỏi”. Lúc đó tôi cũng nghĩ đó chỉ là lời an ủi thôi còn mình thì sắp chết. Nhưng, bây giờ tôi vẫn ở đây, đứng đây và hát cho khán giả của mình nghe thì đúng là phép màu đã xảy ra đối với cuộc đời tôi. Gia đình và nghệ thuật đã giúp tôi vượt qua và đứng vững.

Cho đến giờ, tôi có lời khuyên là phụ nữ đến tuổi này nên phải kiểm tra định kỳ thường xuyên. Phụ nữ Việt Nam mình thường không có ý thức bảo vệ sức khỏe, cứ bảo chẳng phải kiểm tra, kệ lúc nào chết thì chết.

Nhưng thực ra không phải như thế, nếu mình chết ngay lập tức còn may, nhưng cứ ăn dầm nằm dề mới là đáng sợ. Cần phải khám bệnh hàng năm, phải kiểm tra ngực mỗi tháng. Tôi thực sự đã rất may là phát hiện ra sớm. Tôi cũng rất hạnh phúc là cuộc sống văn nghệ hầu như không gián đoạn, chỉ mất đúng 10 ngày đầu. Nhưng tất nhiên sức khỏe không còn như hồi xưa được, mình vừa làm việc vừa nghe ngóng cơ thể, để nghỉ ngơi khi mệt, phải củng cố nó, tập luyện thể thao, ăn uống sinh hoạt hợp lý.

Tôi rất “ngấm” câu hát của Trịnh Công Sơn: “Không có đâu em này, không có cái chết đầu tiên, và có đâu bao giờ, đâu có cái chết sau cùng”. Tôi đã cận kề cái chết nhiều lần, mới thấy cuộc đời đúng là vô thường. Cuộc đời không biết như thế nào cả, mình gặp chuyện bất trắc gì đó, một căn bệnh ập đến với mình rất nhanh chóng, nhưng cuộc sống mỗi ngày đều có cái mới và phải tận hưởng nó.

Trước đây tôi không hiểu về nhạc Trịnh lắm, vì hồi trẻ cuộc sống rất phẳng lặng, mặc dù là chiến tranh, gian khổ, nhưng được gia đình rất cưng chiều, cảm thấy cuộc đời màu hồng lắm. Sau này trải qua nhiều thăng trầm, biến cố mới ngấm vào từng câu từng chữ, mới cảm nhận được, so với một Ái Vân thời trẻ êm đềm, thì Ái Vân bây giờ cảm thấy biết ơn cuộc sống nhiều hơn!

Ca sĩ Ái Vân

(Theo Thể Thao Văn Hóa)

https://giaitri.vnexpress.net/tin-tuc/gioi-sao/trong-nuoc/ai-van-ke-chuyen-chien-dau-voi-benh-ung-thu-1895334.html

– Ca sĩ Ái Vân trải lòng sau nhiều năm im lặng

09:50 06/02/2011

Tử vi nói: “Người tuổi Ngọ thường vất vả về đường tình duyên”(?!). Câu nói ấy có phần đúng với Ái Vân.

Qua hai lần đổ vỡ, chị chỉ thực sự tìm thấy bến đỗ bình yên của cuộc đời mình ở cuộc hôn nhân thứ 3 với một người sống cách chị tới hơn nửa vòng trái đất. 19 năm chung sống với nhau, anh không chỉ là người chấp nhận và hàn gắn nỗi đau trong chị mà đã cùng chị vượt qua nhiều sóng gió, là động lực để chị vượt qua căn bệnh ung thư để lại được sống, được yêu, được hát…như một sự bù đắp của số phận cho người đàn bà đa đoan.

Hai cuộc hôn nhân sóng gió

Sinh ra trong một gia đình nghệ thuật nên Ái Vân đến với âm nhạc tự nhiên như cá bơi về sông suối. Năm 1969, chị thi vào Nhạc viện Hà Nội và học cùng lứa với nhiều người mà sau đó đều trở thành những ngôi sao sáng giá như: Quang Huy, Doãn Tần, Dương Minh Đức, Quang Thọ, Lê Dung, Thanh Hoa…

Dù ít tuổi hơn và cũng tự nhận thấy mình không có chất giọng đẹp như đàn anh đàn chị nhưng Ái Vân lại thành công sớm hơn nhờ vẻ đẹp trời phú. Chị bảo, những nữ ca sĩ cùng lứa với chị nhiều người thành danh nhưng về đời sống riêng thì không mấy ai được như ý.

Tốt nghiệp được một năm, năm 1979 Ái Vân lên xe hoa. Khi đó Vân 25 tuổi. Chồng chị là một nghệ sĩ được đào tạo ở nước ngoài nên cũng là “người trong mộng” của nhiều cô gái lúc bấy giờ. Đẹp đôi và đồng cảm với nhau trên con đường nghệ thuật đã nâng cánh cho Ái Vân phát huy nhiều hơn trong sự nghiệp và trở thành ngôi sao sáng giá nhất ở miền Bắc lúc bấy giờ. Không chỉ nổi tiếng trong nước, chị còn đắt show ở nước ngoài với những lịch diễn triền miên.

Những năm 80, khi đang ở đỉnh cao sự nghiệp thì cuộc sống riêng của chị bắt đầu trục trặc. Điều đáng tiếc là không phải do tình cảm xa cách, nhạt đi mà bởi gánh nặng nợ nần của người chồng bỗng đặt lên vai chị. Đó là biến cố đầu tiên trong phần đời trải đầy hoa hồng của Ái Vân. Thêm vào đó, những nghi kỵ về việc chị “biển thủ” công quĩ làm của riêng nên mới dẫn đến nợ nần càng khiến chị thêm tổn thương. Và chị đã đi đến quyết định chấm dứt biến cố ấy bằng một cuộc ly hôn.

Giữa lúc chông chênh, hụt hẫng đó, chị gặp nghệ sĩ Trần Bình. Anh đã giúp chị lấy lại nghị lực, niềm tin để tiếp tục phát triển sự nghiệp. Tình yêu và ơn huệ giữa họ được kết thúc bằng một đám cưới. Những tưởng người đàn ông bản lĩnh và nhiều trải nghiệm ấy sẽ là bến đỗ bình yên cho chị nhưng định mệnh vẫn chưa dừng lại ở đó. Trần Bình yêu chị nhưng dường như không còn thông cảm cho những lần đi biểu diễn của chị nữa. Ghen tuông là lưỡi hái tử thần định đoạt cuộc hôn nhân của họ.

Mọi người cứ bảo tôi “lừa” được “giai tân”

Ái Vân bảo, chị vốn là người mơ mộng nên khi xảy ra biến cố, chị không đủ bản lĩnh để xử trí, để vượt qua.

Năm 1990, Ái Vân đột ngột vượt biên sang Tây Đức. Đến bây giờ người ta vẫn băn khoăn về lý do thực sự nào khiến chị dời bỏ sự nghiệp, gia đình để chọn một lối đi không được ủng hộ đó. Nếu chỉ là để chạy trốn cuộc hôn nhân không như mong đợi thì có nhất thiết phải chọn cách ra đi đó không? Nhưng chắc có lẽ nó phải lớn lao, phải nặng nề lắm mới khiến chị quyết định như vậy.

Nhiều năm đã qua, mỗi người đều có cuộc sống riêng, chị với Trần Bình bây giờ vẫn là bạn bè nhưng nguồn cơn của câu chuyện vẫn khiến chị không thể nói ra một cách thẳng thắn. Ái Vân chỉ nói chung chung, ra đi là để tránh những xung đột, thậm chí là án mạng. Tuy nhiên, quyết định đột ngột ấy đã khiến chị phải trả giá không ít.

Ái Vân đến Đức khi chị đã bước sang tuổi 36. Cảm nhận rõ nhất về sự cô đơn của chị là khi Tết đến. “Lúc đó ở Đức, cộng đồng người Việt sống không tập trung và cũng không đông đúc như bây giờ. Một mình ở cái xứ lạnh lẽo đó, nếu là ở Việt Nam giờ này, tôi đang được đi diễn, đang có ai đó đợi mình trở về đón thời khắc thiêng liêng của năm mới. Cái Tết đầu tiên ở Đức với tôi là sự khủng hoảng, buồn và hoang mang vô cùng. Lúc đó chỉ còn cách hướng về quê nhà mà hoài niệm. Tương lai mù mịt mà quá khứ thì không thể níu kéo được nữa. Cảm giác bao trùm là nỗi sợ hãi. Tự nhủ lòng phải biết chấp nhận thực tại để ổn định cuộc sống, làm cho hoàn cảnh trở nên dễ chịu nhất có thể để được đón đứa con trai mới 3 tuổi sang.

Giữa đất khách quê người, cuối cùng chị cũng gặp được một người đàn ông của đời mình. “Tôi đã qua hai cuộc hôn nhân trong khi anh thì chưa lập gia đình bao giờ. Số phận run rủi thế nào lại cho tôi gặp anh đúng lúc anh vừa chia tay người yêu. Thất tình nên đến nghe tôi hát rồi “cảm” lúc nào không hay. Mọi người cứ bảo tôi lừa được “giai tân” nhưng quả thật lúc đó tôi không có ý định lập gia đình nữa. Hai lần tan vỡ rồi, sợ lắm chứ. Nhưng thật may, nhờ có anh mà tôi đã có cuộc sống thật bình yên và vượt qua nhiều sóng gió của cuộc đời”.

Vượt qua lưỡi hái tử thần

Ổn định cuộc sống vài năm, họ có với nhau một cô con gái nữa thì cũng là lúc Ái Vân phát hiện mình bị bệnh ung thư. Chị đã khóc rất nhiều, ai oán ông trời sao nỡ thử thách mình nhiều đến thế. “Tôi bị xuống tinh thần kinh khủng, cảm giác như bản án tử thần đã ký cho mình. Nhưng rồi thật kỳ lạ, chính lúc cận kề cái chết lại là lúc tôi thèm sống nhất. Ngoài sự giúp đỡ của chồng, âm nhạc chính là phao cứu sinh cho tôi. Đau đớn, mỏi mệt nhưng khi lên sân khấu là quên hết”- chị kể. Chị dành thời gian tìm hiểu về căn bệnh ung thư, tiếp xúc với bệnh nhân để đối mặt với thực tế chứ không sợ hãi hay trốn tránh nó nữa. Cũng may bệnh của chị được phát hiện khi mới chỉ ở giai đoạn đầu và cùng với sự lạc quan tin tưởng, chị đã chiến thắng được số mệnh.

Trải qua nhiều biến cố nên Ái Vân không khắt khe khi nhìn cuộc đời, cũng không cực đoan khi phán xét nó. Chị bảo: “Chính những biến cố đó làm cho mình mạnh mẽ hơn, hát cũng cảm xúc hơn chứ mọi người bảo, trước đây tôi sướng quá nên hát nhạt lắm. Cách đây 20 năm, tôi cũng có những đòi hỏi, nhìn nhận những người xung quanh khắt khe hơn. Nhưng trên đời này, rất ít điều mình mong muốn mà có được. Khi đã trải qua nhiều biến cố, người ta có cái nhìn bao dung và biết ơn cuộc sống nhiều lắm. Tôi nghiệm ra một điều rằng, trong cuộc đời con người, chỉ có con cái mới là điều quan trọng nhất. Còn những thứ khác dù đạt hay không đạt được chỉ là mơ hồ, hư danh thôi”.

Nói về người chồng đã gắn bó với chị 19 năm qua, chị bảo, giữa chị và chồng có nhiều điểm khác biệt lắm nhưng sống với nhau chừng ấy năm, vợ chồng chưa bao giờ ầm ĩ. Có lẽ do anh ít nói, hiền lành, còn chị cũng đã qua sự đổ vỡ để biết bảo vệ cuộc sống gia đình hơn. Những lúc buồn, chị trốn vào rạp xem một lúc 2-3 phim cho ù hết tai đi để không phải nghĩ ngợi gì nữa. Hay nhiều khi chỉ cần ngủ một giấc dậy lại thấy “cuộc đời bỗng đẹp sao”.

Giờ thì cuộc sống của chị đã ổn định ở California, Mỹ. Ngoài ra, chồng chị là một kỹ sư tin học nên vừa mở văn phòng đại diện ở TPHCM. Chính vì vậy mà những khi về Việt Nam biểu diễn, vợ chồng không xa cách. Chị hạnh phúc thừa nhận, có một người vợ nghệ sĩ luôn bay nhảy nhưng anh không ghen, không tìm cách “trói chân con ngựa bất kham” là chị mà chỉ còn cách là chạy theo con ngựa ấy đến khi mỏi gối chồn chân thì thôi.

Hiện chị có hai mong muốn chưa thực hiện được đó là viết hồi ký về cuộc đời nhiều sóng gió nhưng giàu có tình yêu thương của mình. Hỏi chị khi viết hồi ký có định công khai hết những mối tình đã có trong đời cũng như bí mật về cuộc ra đi năm nào? Chị bảo, sẽ nói, nhưng không nói hết. Ai cũng có những góc khuất trong đời, mình chia sẻ có khi người ngoài cũng không hiểu hết được, có khi lại tam sao thất bản.

Còn mong muốn thứ hai là được đưa cả gia đình về quê đón một cái Tết Việt. Từ khi sống ở nước ngoài, mới có hai lần chị được đón Tết ở quê nhà nhưng cũng không trọn vẹn vì con cái vẫn học hành ở Mỹ. Cuộc đời là vậy, ước mơ nhưng có mấy khi được như mơ ước. Có những mong ước nhỏ nhoi nhưng vẫn phải loanh quanh tìm kiếm suốt chiều dài tuổi tác. Dù vậy, vẫn phải đi tìm, vẫn phải ước mơ và vẫn luôn “tin ở hoa hồng”.

Cuộc sống của tôi nhiều sóng gió nhưng đổi lại, tôi được trải nghiệm với nhiều cung bậc tình cảm khác nhau. Trước đây, mỗi khi gặp biến cố, tôi lại được một cánh tay nào đó chìa ra cứu giúp. Nhưng khi một mình ở xứ người, nhất là khi bị bệnh, tôi học được cách tự cứu mình. Tôi làm chủ được cuộc sống, bản lĩnh và vững vàng hơn với những biến cố chứ không còn cảm giác hoang mang, chông chênh nữa. Giá như tôi đừng hiền quá, lành quá thì có lẽ, những biến cố trước đó mình đã biết cách xử lý chứ không phải trốn chạy.

Theo GiadinhNet

https://news.zing.vn/ca-si-ai-van-trai-long-sau-nhieu-nam-im-lang-post106033.html

– Ca sĩ Ái Vân hát để vượt qua bệnh ung thư

15/01/2012 08:23

– Sự yêu đời, yêu người lấp lánh qua ánh mắt nhìn của chị. Khó có ai biết rằng, con người ấy đã có thời gian phải đối mặt với căn bệnh ung thư. Và Ái Vân, khi biết mình mắc bệnh ung thư ngực cũng đã nghĩ có lẽ mình… sắp chết.

Tôi vẫn nhớ về ca sĩ ái Vân của những ngày chị rực rỡ nhất gắn với ca khúc Triệu bông hồng (nhạc Nga). Ái Vân diện chiếc váy màu trắng, tha thướt đến gót chân, trong tiếng nhạc đệm du dương, người ca sĩ mở khung cửa sổ, nhìn ra ngoài là bạt ngàn những bông hồng thắm. Ái Vân hát trong niềm say mê, rạng ngời hạnh phúc. Sau gần 30 năm gặp lại, chị vẫn đẹp và đằm thắm…

Ranh giới giữa sự sống và cái chết

Gặp ái Vân bây giờ, vẫn giọng nói người Hà Nội gốc nhẹ nhàng, khuôn mặt xinh đẹp, chị trẻ hơn rất nhiều so với tuổi. Sự yêu đời, yêu người lấp lánh qua ánh mắt nhìn của chị. Khó có ai biết rằng, con người ấy đã có thời gian phải đối mặt với căn bệnh ung thư. Một căn bệnh gây tâm lý nặng nề, khiến người mắc bệnh luôn nghĩ mình sẽ rời xa cuộc sống tươi đẹp này. Và Ái Vân, khi biết mình mắc bệnh ung thư ngực cũng đã nghĩ có lẽ mình… sắp chết.

Ca sĩ Ái Vân kể: “Trong lần đi khám tổng thể định kỳ, mỗi năm một lần, năm ấy, trong lúc khám, bác sĩ của mình đã phát hiện ra một khối u ở ngực nên đề nghị Vân sắp xếp thời gian để mổ lấy u ngay. Nhưng, Vân chẳng thấy mình có dấu hiệu đau đớn gì cả, thấy mọi thứ vẫn bình thường. Thời gian đó show của Vân rất nhiều nên cứ chạy theo niềm đam mê mà quên cả sức khỏe của bản thân”.

Một tháng trôi đi, chị cũng chẳng nhớ mình có một khối u ác tính mà bác sĩ đã chỉ định mổ. Khi bác sĩ gọi lại hỏi chị đã mổ chưa thì ái Vân mới giật mình. Chị đi làm sinh thiết, cô y tá là người Việt nói: “Kết quả cho thấy mẫu này dương tính, chị phải hẹn bác sĩ đi mổ ngay đi”.

“Lúc đó, Vân hiểu rằng hễ mắc phải căn bệnh này là chết. Trong vòng 3 ngày Vân được hẹn và lên bàn mổ. Sau khi mổ hơn một tháng thì bắt đầu giai đoạn hóa trị, rụng tóc. Lúc đó Vân cảm nhận cuộc sống đối với mình sắp kết thúc! Bác sĩ báo tin Vân bị ung thư. Chồng mình trở về nhà. Anh ấy chăm sóc Vân tỉ mỉ một cách… bất thường, như thể chăm chút cho một người sắp về cõi bên kia”, Ái Vân nhớ lại thời khắc khó khăn của mình.

Khái niệm về bệnh ung thư của chị chỉ đơn giản là bệnh hiểm nghèo, đồng nghĩa với cái chết đang đến gần. Tinh thần của chị suy sụp, chị nghĩ cuộc sống của mình đang được đếm ngược. Rồi, trong lúc điều trị bệnh, chị cứ vẩn vơ với bao câu hỏi, bao ý nghĩ sắp đặt cuộc sống cho người thân ở lại. Chị cười, cái sự quá lo xa của mình: “Vân nghĩ cuộc sống gia đình sau khi không có mình trong cuộc đời này nữa thì những người thân còn lại sẽ như thế nào? Các con mình sẽ ra sao? Làm sao để bố tôi nhận tin này mà không bị sốc quá?”…

Để những người thân được vui và dành tình cảm thật nhiều cho họ, chị đã cố gắng chu toàn công việc nhà như đi chợ, nấu cơm. ăn cơm không ngon miệng nhưng chị cứ cố nhồi nhét miễn cho cả nhà vui và để mọi người nghĩ mọi việc vẫn bình thường và chị vẫn khỏe mạnh. Chị cứ ăn, chẳng kiêng khem gì cả, cái gì ăn được chị ăn cả.

Nhưng có một điều sẽ không thể che giấu được, đó là hóa trị dẫn đến rụng tóc. Mỗi ngày, chị thấy tóc mình rụng đi một chút. Ái Vân nghĩ đến chuyện phải cạo tóc đi, nhưng làm sao để các con không sợ. Chị đã nghĩ ra trò chơi với con trẻ để đánh lừa chúng. Chị đưa cho con dao cạo và thi cắt tóc của mẹ. Hai đưa trẻ ngây thơ, thi cắt tóc mẹ mà đâu hay lòng người mẹ đang quặn đau mỗi khi nhìn những lọn tóc rơi xuống. Khi nhát cạo cuối cùng đã dứt, tóc mình rụng hết xuống, Vân nhìn vào gương mới cảm thấy sự khủng khiếp. Đó cũng là lần Vân bị sốc nặng nhất trong quá trình điều trị.

Trân trọng hơn giá trị cuộc sống

Mặc dù đang điều trị bệnh, nhưng chị vẫn tiếp tục đi hát. Chị hát như con chim cất tiếng hót lần cuối thể hiện tình yêu biết bao nhiêu với cuộc sống tươi đẹp đang diễn ra. Mười ngày sau khi mổ xong chị lại đứng lên sân khấu và hát. Nhớ lại ngày ấy, chị tâm sự: “Ngày ấy, show diễn của Vân vẫn dày đặc mà Vân không thể nào bỏ được. Mình đã hứa thì phải thực hiện, đã quảng cáo với khán giả thì phải giữ uy tín. Hơn nữa, Vân nghĩ mình cũng cố được bởi sự sống của mình còn bao nhiêu đâu”…

Thời kỳ chị điều trị, có người đã tiếp thêm sức mạnh nói rằng chị sẽ qua khỏi, sẽ sống lâu, rồi các show diễn cứ triền miên không cho chị có thời gian mà ngồi buồn nghĩ đến những diễn biến xấu của bệnh tật. Lúc đó Vân chỉ cố gắng hát, hát như thể ngày mai là ngày tận thế vậy. Và khi mình biết mắc bệnh hiểm nghèo, đối mặt với cái chết thì Vân cảm nhận sâu sắc một điều từng ngày cuộc sống với mình thật là đẹp biết bao. Điều mà khi chưa lâm bệnh, hàng ngày những bận rộn của cuộc sống cuốn mình đi mình không để ý đến.

Cũng rất may, sau 4 tháng hóa trị tóc chị dần mọc lại, bệnh tật tiến triển ngày càng khá hơn. Nhưng mỗi khi đứng trước gương thấy cơ thể không còn được đầy đặn như xưa, tâm lý chị rất nặng nề. Sau khi mổ bác sĩ nói: “Bà rất may vì khối u phát hiện sớm, chưa di căn. Bà phải uống thuốc trong 5 năm, nếu sau 5 năm mà bà qua được nghĩa là đã khỏi”. Đến nay đã 10 năm trôi qua, cái thời khắc khủng khiếp ấy đã lùi vào quá khứ. Và chị đã sống, lại tiếp tục cống hiến cho nghệ thuật.

Sống xa quê, nhưng tận sâu tâm thức, Ái Vân luôn hướng về quê. Khi xao xác lá vàng rơi, giá lạnh ùa về thì nỗi nhớ Hà Nội càng da diết hơn. Nó là miền nhớ sâu thẳm chưa bao giờ thôi thao thức trong lòng người nghệ sĩ. Mấy năm gần đây, chị đã về nước nhiều hơn, dành cho các sô diễn trong nước nhiều hơn. Với chị, Hà Nội vẫn là miền sâu thẳm của nỗi nhớ chưa bao giờ hết thôi thúc. Nhất là khi chị đã trải qua ranh giới của sự sống và cái chết. Giờ đây, chị càng hiểu hơn điều gì mình phải gác lại và điều gì phải được ưu tiên hơn.

Ái Vân luôn sống hết mình cho nghệ thuật

Đến nay chị vẫn sống hết mình cho nghệ thuật. Khi âm nhạc trỗi dậy, dưới ánh đèn sân khấu, tiếng vỗ tay của khán giả chị không còn nghĩ mình biểu diễn ở đâu, khán giả nào mà trước mắt chỉ là nghệ thuật và nghệ thuật. “Khi còn trẻ gia đình lớn (có bố mẹ) sau đó là gia đình riêng vẫn rất quan trọng nhưng mình chưa thấy nó sâu hơn, đằm hơn. Mà chỉ thấy rằng có gia đình thế là mình yên tâm cứ tung tăng mà ca hát cho mọi người vui vẻ. Nhưng khi có tiếng chuông cảnh tỉnh của bệnh tật hiểm nghèo mình nhận ra bên cạnh nghệ thuật còn có những người thân yêu âm thầm, hy sinh để mình cống hiến cho nghệ thuật. Khi mình tạm xa ánh đèn sân khấu để dưỡng bệnh thì gia đình hết sức quan trọng.

Đến giờ bệnh tật qua rồi, các con cũng lớn rồi thì mọi người biết Vân sống không thể thiếu nghệ thuật nên đã động viên mình quay lại với nghệ thuật. Thực ra, nhiều lúc Vân cũng đã tự nhủ thôi nhé, thế là quá đủ rồi nhưng nghệ thuật đã ngấm vào máu rồi, thiếu không thể được. Khi về nước, bạn bè, người thân vẫn ủng hộ Vân, khán giả vẫn nồng nàn với Vân khi nghe Vân hát. Vậy là Vân không thể xa nghệ thuật, tuy nhiên giờ không phải là lúc hát thật nhiều nữa mà có thể chuyển sang điện ảnh, sân khấu”, Ái Vân chia sẻ.

Bằng giọng nhẹ nhàng của người Hà Nội gốc, Ái Vân tâm sự: “Riêng với Vân khi kết thúc hợp đồng với Trung tâm Thúy Nga, Vân vẫn có sinh hoạt văn nghệ tại Mỹ. Nhưng sau khi qua khỏi căn bệnh hiểm nghèo thì mình tự nhìn lại, phải sống chậm hơn, sống cho gia đình, người thân yêu của mình nhiều hơn. Khi ấy mình biết được cái gì thực sự cần với mình, quan trọng nhất trong cuộc đời. Trước đây, vì say mê nghệ thuật quá mình quan niệm nghề nghiệp là trên hết, gia đình là thứ yếu. Nhưng khi Vân bị bệnh, bỗng vang đến một hồi chuông nhắc nhở mình những điều phải tôn trọng, phải ưu tiên”.

Hát đến quên đau

Ngày đó, tâm niệm phải hát, vì không muốn thất hứa với khán giả nên dù dây rợ lằng nhằng trong người chị vẫn hát, vẫn nhảy. Khán giả xem chị không hay biết trong con người kia là cả một sự đau đớn khi rời sân khấu. Tóc rụng, chị đội tóc giả hát bài Vỗ cái trống cơm, vẫn tập múa với đội múa 1-2 tuần. Nhiều người biết chuyện càng cảm phục nghị lực trong người đàn bà mảnh mai liễu yếu đào tơ. Lý giải về cái mà người đời cho rằng đó là nội lực bản thân thì chị lại…rất đơn giản: “Vân không nghĩ hát sẽ là cách để quên đi đau đớn, quên đi cái chết mà mình đếm từng giờ. Nhưng thật sự khi bước lên sân khấu thì Vân quên hết, quên đau, quên tất cả mọi thứ”.

Vương Hà

https://baomoi.com/ca-si-ai-van-hat-de-vuot-qua-benh-ung-thu/c/7724219.epi

– Ca sĩ Ái Vân: Sau những sóng gió cuộc đời

Ngày 21 Tháng 06, 2016

– Dẫu không còn ở thời hoàng kim, nhưng mỗi lần ca sĩ Ái Vân về nước, lịch diễn và hẹn phỏng vấn của chị luôn dày đặc, nên để có một cái hẹn với “người đàn bà không tuổi” chẳng dễ dàng gì.

Dẫu không còn ở thời hoàng kim, nhưng mỗi lần ca sĩ Ái Vân về nước, lịch diễn và hẹn phỏng vấn của chị luôn dày đặc, nên để có một cái hẹn với “người đàn bà không tuổi” chẳng dễ dàng gì. Ðể có được một cuộc trò chuyện đầm ấm với chị, là cả một sự dàn xếp, kiên trì chờ đợi…

Ngồi bên nữ ca sĩ có nụ cười luôn đọng trên môi, ánh mắt ngập tràn hạnh phúc và vẻ đẹp lộng lẫy, rạng ngời, không ai có thể nghĩ rằng, chị từng phải bước qua bao sóng gió của cuộc đời, khi thời gian dường như cố tình bỏ quên gương mặt khả ái của người phụ nữ tài sắc vẹn toàn này…

“Trải qua một cuộc bể dâu”

Khi mọi chuyện đã lùi vào quá vãng, giờ đây, Ái Vân đã đủ can đảm đối diện với quá khứ, với những câu hỏi đôi lúc không dễ trả lời mà nhiều người luôn đặt ra suốt những năm qua. Nhưng vẫn có một góc nhỏ trong cuộc đời mà chị không muốn, hay rất sợ chạm đến. Bởi vậy, trong mọi cuộc trò chuyện, ngay cả hồi ký Để gió cuốn đi, chị đã để trắng…

“Người đàn bà không tuổi” đưa tôi ngược dòng ký ức, trở về những ngày tháng tuổi thơ trong ngôi nhà ở phố Huế của một gia đình có truyền thống về nghệ thuật. Giọng nói ngọt ngào, mềm mại như gió thoảng chiều thu với nụ cười xao xuyến, mà ánh mắt chợt như ngàn sương giăng…

Ái Vân là con gái nữ nghệ sĩ Ái Liên nổi tiếng và “công tử Hà Thành” lừng lẫy Hà Quang Định, chủ hãng phim tư nhân đầu tiên của Việt Nam. 15 tuổi, Ái Vân đã nổi danh với vai chính trong bộ phim điện ảnh Chị Nhung. Được đào tạo âm nhạc bài bản, Ái Vân trở thành một trong những ca sĩ nhạc nhẹ đầu tiên của Hà Nội. Suốt nhiều năm tháng, tên tuổi của nữ ca sĩ xinh đẹp này gắn liền với các ca khúc Triệu bông hồng, Bài ca xây dựng và đã đem lại cho Ái Vân giải thưởng lớn Grand Prix tại Liên hoan Âm nhạc quốc tế Dresden, cũng là giải thưởng nhạc nhẹ quốc tế đầu tiên của Việt Nam.

Quả “chữ tài chữ mệnh khéo là ghét nhau”. Đẹp lộng lẫy, lại là một ca sĩ tên tuổi, nhưng Ái Vân lại có một đời sống tình cảm rất lận đận. Chị và nghệ sĩ kịch câm Đặng Dũng từng là “cặp đôi đẹp nhất Hà Nội”, nhưng rồi cuộc hôn nhân đã tan chỉ sau 4 năm. Người đàn ông thứ hai trong đời chị cũng là một người tài hoa – nghệ sĩ Trần Bình, nhưng số phận vẫn không dành cho chị niềm hạnh phúc trọn vẹn, dù hai người đã có một con trai.

Để rồi, năm 1990, đang ở đỉnh cao sự nghiệp với hàng loạt giải thưởng trong và ngoài nước, lại được phong tặng danh hiệu NSƯT rất sớm, được sống trong vầng hào quang của công chúng, Ái Vân bỗng lặng lẽ ở lại phương trời xa, trong một chuyến ra nước ngoài học tập, để lại bao tiếc nuối chen lẫn giận hờn của người yêu nhạc.

“Rót đau lòng ấy vào đau lòng này…” khán giả hâm mộ đau một, thì người trong cuộc đau mười, khi nỗi nhớ cậu con trai mới 4 tuổi luôn cào xé chị, cùng nỗi buồn phải xa ánh đèn sân khấu… Những lời dị nghị đến xót xa, rằng sự ra đi của Ái Vân là vì cuộc sống xa hoa ở trời Tây, thậm chí nói chị phản bội Tổ quốc, càng làm chị thêm đau. Không ai hiểu được trong sâu thẳm trái tim, Ái Vân không bao giờ muốn xa khán giả trong nước, cũng chẳng muốn lấy bao tình cảm của gia đình, bè bạn để đổi về nỗi cô đơn giữa xứ người… Nhưng, trong hoàn cảnh khi đó, chị đành phải giữ riêng một góc cho mình và tự hứa cho một ngày trở về là sẽ không làm gì để phải hổ thẹn với quê hương đất nước, với tình cảm của công chúng, với gia đình và với chính bản thân.

Nhớ về ngày ấy, đôi mắt đẹp chợt xa xăm, man mác khi nhớ về thời gian chị phải rời xa con trai bé bỏng, đặt bước lên xứ người với muôn vàn áp lực, khó khăn. Bao năm tháng chôn giấu niềm đau, mãi giờ đây, khi ra cuốn hồi ký Để gió cuốn đi, chị mới nói thật nguyên nhân chị phải ra đi ngày ấy là để cứu mình và cứu con. Nếu chị ở lại, rất có thể chị cũng không còn cơ hội sống để nuôi con. Ái Vân không còn con đường nào khác. “Nếu không ra đi có lẽ Ái Vân sẽ phát điên, khi mà đến một giải pháp nhỏ cho việc níu kéo Ái Vân ở lại cùng gia đình cũng không có. Sự ra đi của Ái Vân là “vạn bất đắc dĩ” – chị nghẹn giọng.

Sau nhiều đêm thức trắng, chị viết một lá thư xin lỗi Bộ Văn hóa – Thông tin, lý giải việc chị buộc phải rời xa đất nước và kèm một lời hứa, dù bất cứ hoàn cảnh nào cũng không làm gì để ảnh hưởng đến quê hương, đất nước. Lá thư ít nhiều cho chị tìm được sự thanh thản.

“Trời xanh quen thói má hồng đánh ghen”

Cảm giác đơn độc và nặng nề trong những tháng ngày đầu tiên sống ở Đức sau quyết định liều lĩnh đến mạo hiểm luôn ám ảnh chị. Ái Vân tâm sự: Với một ngôi sao đang ở đỉnh cao sự nghiệp, đây là giai đoạn khủng khiếp nhất. Nhất là vào thời điểm đó, với những giải thưởng quốc tế đạt được, Ái Vân là một trong số hiếm hoi các ca sĩ được đặc biệt ưu ái với những điều kiện hoạt động nghề nghiệp mà nhiều ca sĩ mong ước, khán giả yêu quý. Thế nhưng, sang đến đây, Ái Vân cũng chỉ như bất cứ một người tị nạn nào, hàng ngày vẫn phải xếp hàng để lấy khẩu phần ăn. Từ một nghệ sĩ đang được kỳ vọng bỗng bỏ lại tất cả để đến một chân trời xa lắc làm kẻ vô danh khiến chị bị “sốc” nặng. Nhưng chị vẫn phải chấp nhận tới 4 năm ròng để có được tờ giấy nhập cảnh sang Mỹ.

Có lẽ số phận còn muốn tiếp tục thử thách người đàn bà hồng nhan, khi trong nước loan tin đồn chị có một đoạn phim không lành mạnh. Đôi mắt đẹp ngân ngấn nước dù chỉ là nhớ lại: “Điều khiến Ái Vân đau lòng nhất là gia đình chị phải đối diện với tin đồn đó. Bố tôi tin con gái mình không bao giờ làm điều bại hoại gia phong nên tuyên bố, nếu ai đưa cho cụ cuốn băng đó, cụ sẽ trả công lớn. Nhưng đến tận bây giờ, đã có ai nhìn thấy cuốn băng đó đâu? Mãi nửa năm sau, khi Ái Vân trở lại với nghệ thuật bằng một cuốn băng ca nhạc, tin đồn ác ý mới tạm lắng”.

Giữa lúc chị cảm thấy cuộc sống thật chông chênh, thì anh xuất hiện như một món quà của số phận dành cho chị. Họ quen nhau và thân thiết từ những buổi sinh hoạt văn nghệ của Hội Việt kiều yêu nước ở Đức. Anh giúp đỡ chị rất nhiều để làm quen với cuộc sống nơi đất khách, rồi nên vợ nên chồng. Suốt từ những năm tháng ấy, anh thực sự là điểm tựa để chị vững bước trong cuộc sống, trở lại với nghiệp hát bằng hợp đồng độc quyền với Trung tâm Thúy Nga, rồi chị sang Mỹ với một sự nghiệp ca nhạc tiếp tục phát triển rực rỡ.

Nhưng chưa khi nào chị nguôi nỗi nhớ đất nước, nhớ con, nhớ gia đình. 8 năm sau khi đi xa, Ái Vân mới có dịp trở lại. Chị đã nghẹn ngào khi được trở về trong sự bao dung, nồng hậu, độ lượng của bạn bè, người thân và khán giả, để có được những đêm diễn ở Nhà hát Lớn Hà Nội, hội ngộ cùng bạn bè là những danh ca: Mạnh Hà, Vũ Dậu, Lệ Quyên, Quang Thọ… trong những tràng pháo tay nồng ấm của công chúng.

Nhưng số mệnh vẫn liên tiếp dồn đuổi nữ ca sĩ khả ái khi một ngày chị bị phát hiện mang bệnh hiểm nghèo. Sự may mắn và nghị lực phi thường cùng sự động viên, chăm sóc tận tình của chồng con đã giúp chị thoát khỏi bàn tay tử thần. Chị bảo, những lúc khó khăn nhất ấy, bên cạnh tình cảm thân thương của gia đình, bè bạn, khán giả thì âm nhạc chính là một cứu cánh giúp chị vượt qua những cơn khủng hoảng tinh thần, khích lệ chị quên đi bệnh tật và sống lạc quan hơn. Chỉ 10 ngày sau khi mổ ung thư, còn chưa kịp cắt chỉ, dây dợ và thiết bị y tế vẫn đầy người, chị đã lại bước lên sân khấu để biểu diễn với một niềm đam mê mãnh liệt, như thể, mai sẽ là ngày tận thế…

“Và con tim đã vui trở lại”

Sau bao nhiêu gian truân, cuối cùng, hạnh phúc đã mỉm cười với Ái Vân. Chị có một gia đình yên ấm và hạnh phúc viên mãn với hai đứa con ngoan, học giỏi. Chồng chị là nguồn động viên quan trọng để chị ra album Ái Vân về lại chốn xưa cách đây vài năm, cũng như có tập hồi ký Để gió cuốn đi ra mắt bạn đọc tháng 5/2016. Cũng chính anh “tháp tùng” chị trong mọi cuộc giao lưu với độc giả ở khắp đất nước, kể cả cuộc gặp mặt do NSND. Trần Bình, người chồng trước của chị, tổ chức tại Hà Nội tháng 5 vừa qua.

Ái Vân vẫn đi về Việt Nam và khao khát được hát cho đồng bào nghe. Chị cũng có ước nguyện một ngày nào đó sẽ về sống ở Việt Nam, để khi không còn hát nữa, chị muốn làm một điều gì đó để bảo tồn và giới thiệu âm nhạc truyền thống của Việt Nam ra nước ngoài.

Thanh Hằng

http://suckhoedoisong.vn/ca-si-ai-van-sau-nhung-song-gio-cuoc-doi-n118420.html

✽✽✽✽✽✽