Những người hùng chiến thắng ung thư – Tập 4

Giọng:

✽✽✽✽✽✽

Nguyễn Thị Phương – Ung Thư Tủy Sống – Nghệ An

✽✽✽✽✽✽

– Tình yêu lấp lánh suốt 14 năm chồng Nam chăm vợ Bắc ung thư tủy

Thứ năm, 10/03/2016

– Thương nhớ cô công nhân nghèo bị ung thư tủy, chàng trai 22 tuổi quê Tiền Giang đã tìm ra tận Nghệ An để chăm sóc, giành giật sự sống cho cô. 14 năm qua, mối tình đẹp này đã viết nên những câu chuyện kỳ diệu.

Giật sự sống từ tay tử thần

Đang làm công nhân ở Bình Dương, năm 2000, Nguyễn Thị Phương (21 tuổi, quê xã Nghĩa Dũng, huyện Tân Kỳ, Nghệ An) bị ung thư tủy. Khi Phương đang điều trị tại bệnh viện ở TP.HCM thì gặp Trương Văn Chín, chàng trai quê ở Cái Bè, Tiền Giang. Hai người quen rồi yêu nhau.

Vài tháng sau, Chín đón xe đò ra Nghệ An, lặn lội lần theo địa chỉ mơ hồ còn trong trí nhớ do người yêu kể, lần tìm về quê Phương ở xã Nghĩa Dũng. Sự xuất hiện bất ngờ của Chín khiến Phương khóc vì xúc động. Lúc này, đôi chân của cô đã teo lại. Mấy ngày sau, Chín xin bố mẹ Phương cho mình đưa Phương trở lại Sài Gòn để tiếp tục chạy chữa cho Phương với hy vọng “còn nước còn tát”. 6 tháng trời ròng rã, ban ngày, Chín đi làm thuê, tối lại đến bệnh viện chăm sóc người yêu. Nhưng căn bệnh hiểm này không nơi nào chữa được, cuối cùng, Chín đành nuốt nước mắt đưa người yêu trở về.

Về nhà Phương, Chín quyết định ở lại lâu dài để chăm sóc Phương. Cả gia đình cô sửng sốt vì quyết định này, khuyên Chín về nhưng anh không chịu. Lúc này, Phương đã là một phế nhân, đôi chân hoàn toàn bất động, sức khỏe ngày càng yếu, mọi sinh hoạt cá nhân đều phải phụ thuộc vào người khác. Từ đó, Chín trở thành người tri kỷ, suốt ngày đêm bên Phương tận tâm chăm sóc cô như người mẹ chăm sóc con thơ. Sự tận tụy của Chín khiến gia đình Phương và cả xóm Gia Đề cảm kích. Ông Nguyễn Công Lan, bố Phương, nói ông nhiều lần khóc vì xúc động khi thấy Chín quyết gắn chặt với đứa con tàn phế đang chiến đấu với căn bệnh hiểm nghèo này. Ông cứ khuyên Chín về quê để lo tương lai, nhưng Chín không chịu, nói “Phương còn sống thì con chưa về”.

Một ngày gần cuối năm 2006, khi câu chuyện tình xúc động này được đăng trên Thanh Niên, lương y Nguyễn Hữu Khai (lúc đó đang là ông chủ Tập đoàn Đông dược Bảo Long ở Hà Nội) đã cùng các lương y của Bệnh viện Bảo Long đưa xe cứu thương vào nhà Phương thăm rồi chở Phương ra Hà Nội chữa trị miễn phí, với hy vọng duy trì sự sống cho Phương bằng đông y.

Phép màu

“Em sẽ sống. Em phải cố, không được đầu hàng. Em khỏe lên, chúng ta sẽ về nhà với con, em có nhớ con không?”

Từ một cơ thể tiều tụy như cái xác khô chỉ nặng 27kg, vài tháng sau, các loại đông dược đã giúp Phương hồi phục dần. Một năm sau, điều kỳ lạ đã xảy ra khi Phương được chẩn đoán đã mang thai. Tin này làm chấn động cả bệnh viện, ngay các lương y ở đây cũng sửng sốt vì trên cơ thể mà nửa phần dưới đã “chết”, teo tóp, bất động đến mức tiểu tiện cũng phải qua ống xông bên hông mà vẫn hình thành được thai nhi là điều rất khó tin. Đám cưới của Chín, Phương được tổ chức sau đó ngay tại bệnh viện. Đây là một sự kiện vui chưa từng xảy ra tại bệnh viện này.

Khi cái thai được 8 tháng, Phương được đưa đến Bệnh viện Sơn Tây để bác sĩ theo dõi, chăm sóc để chuẩn bị mổ đẻ. Điều bất ngờ tiếp tục xảy ra, khi các bác sĩ đang lo lắng cho ca mổ này vì sức khỏe của Phương rất yếu thì Phương lên cơn đau và đẻ thành công. Khi nhìn bé trai cân nặng 2,1kg được sinh ra từ cơ thể yếu ớt, được coi như đã “chết” này, các bác sĩ, y tá đều trố mắt kinh ngạc. Vợ chồng Phương vô cùng hạnh phúc khi đứa con ra đời như một mầu nhiệm.

Năm 2011, sau 4 năm được Bảo Long cưu mang, Phương khỏe hơn và đã thắng được thần chết, vợ chồng Phương về quê. Hai vợ chồng được bố mẹ Phương cho mảnh đất trong vườn, xây một căn nhà nhỏ. Một tổ ấm hạnh phúc như họ mong ước đã ra đời. Trương Bảo Phúc, cậu bé được sinh ra như một phép màu cũng lớn dần, lanh lợi, hiếu động và hiện đã là cậu bé 8 tuổi. Nhớ lại ngày tháng giành giật với thần chết đang rình rập ngay cạnh giường, Phương nói đó là những ngày rất khủng khiếp. “14 năm nay, anh Chín đã phải hy sinh rất nhiều để giành sự sống cho em. 14 năm nay, em chưa từng nghe thấy tiếng thở dài của anh ấy. Nhiều lúc em nghĩ mình chỉ còn 1% hy vọng sống nhưng anh ấy đã giúp em vượt qua được”, Phương nói.

Thử thách mới

“Nhưng em tin, Phương sẽ vượt qua được. Có khổ mấy, em cũng chịu được và không bao giờ muốn mất cô ấy, anh ạ!”

Giáp Tết Nguyên đán vừa rồi, Phương phải nhập viện tỉnh vì tràn dịch phổi. Điều quái ác là toàn bộ chất dinh dưỡng nuôi cơ thể cứ tràn ra cái lỗ thủng này. Sau hơn một tháng trời chống chọi ở bệnh viện bằng những giọt đạm truyền vào tĩnh mạch, cô đã suy kiệt trong khi cái lỗ thủng ấy ngày càng rộng ra.

Các bác sĩ đã quyết định phẫu thuật để bịt cái lỗ thủng ấy nhưng do Phương vì sức khỏe của Phương yếu nên chưa thể tiên liệu có thành công hay không.

Hơn một tháng nay, Chín chưa ngày nào rời bệnh viện. Anh vẫn tận tụy chăm sóc vợ như người mẹ chăm con thơ và cứ lặng lẽ lau nước mắt khi thấy vợ lên cơn đau.

“Nhiều đêm anh ấy không ngủ được tí nào. Nhìn anh ấy mắt quầng thâm mà em rớt nước mắt”, Phương kể với tôi. Ngồi bên cạnh, Chín mắng yêu vợ: “Anh không ngủ nhưng quen rồi nên anh vẫn khỏe, còn em, em cứ để tâm yên mà tĩnh dưỡng, lo làm gì”.

Ngoài định mức bảo hiểm chi trả, gần 20 triệu đồng vay mượn để mua thêm thuốc, đạm cũng đã sắp hết. Từ khi cưới nhau, Chín hai vai gánh vác hai việc: chăm vợ và nuôi con, anh chỉ tranh thủ để làm thuê kiếm được ít tiền trang trải nên gia tài vợ chồng chẳng có gì đáng giá.

“Không biết lần này em có vượt qua được không chứ em thấy tệ lắm?”, Phương ứa nước mắt nhìn chồng. Chín nắm lấy bàn tay gầy guộc của Phương xoa xoa, nói: “Em sẽ sống. Bác sĩ nói tỷ lệ thành công là 80% mà. Em phải cố, không được đầu hàng. Em khỏe lên, chúng ta sẽ về nhà với con, em có nhớ con không?”. Phương gật đầu, nước mắt ướt tràn gò má.

Tiễn tôi ra hành lang bệnh viện Đa khoa Nghệ An, Chín nói “em phải nói dối với Phương đấy. Bác sĩ bảo chưa thể tiên liệu được gì vì sức đề kháng của Phương quá yếu. Nhưng em tin, Phương sẽ vượt qua được. Có khổ mấy, em cũng chịu được và không bao giờ muốn mất cô ấy, anh ạ!”

(Theo Thanh Niên)

https://thanhnien.vn/doi-song/tinh-yeu-lap-lanh-suot-14-nam-chong-nam-cham-vo-bac-ung-thu-tuy-676660.html

– Cô gái hơn 20 năm chiến đấu với ung thư ra mắt tự truyện cuộc đời

15:09 19/10/2017

Cuốn tự truyện “Hành trình kỳ diệu” của tác giả Nguyễn Thị Phương do NXB Nghệ An ấn hành năm 2017, kể về hành trình chiến đấu suốt hơn 20 năm với căn bệnh ung thư tủy sống của chị.

Mới đây, Nhà xuất bản (NXB) Nghệ An, đại diện sở Thông tin và Truyền thông cùng các cơ quan thông tấn báo chí đã có mặt tại xóm 9, xã Nghĩa Dũng, huyện Tân Kỳ, tỉnh Nghệ An để chứng kiến lễ ra mắt cuốn tự truyện “Hành trình kỳ diệu” của chị Nguyễn Thị Phương.

Chị Nguyễn Thị Phương (SN 1979), trú xóm 9, xã Nghĩa Dũng từng được truyền thông biết đến từ năm 2012 với giải thưởng “Thanh niên sống đẹp” của Trung ương hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam. Câu chuyện về quá trình chống chọi với căn bệnh ung thư tủy quái ác cùng tình yêu “kỳ diệu” của chị Phương và chàng trai miền Tây Trương Văn Chín – người đã giúp đỡ chị vượt lên bệnh tật để có một gia đình hạnh phúc, gây xúc động cho nhiều người.

Cuốn tự truyện “Hành trình kỳ diệu” là đầu sách thứ 3 của Nguyễn Thị Phương. Sách có dung lượng hơn 300 trang là những xúc cảm của chị về gia đình, cuộc sống, người chồng thủy chung cũng như quá trình chống chọi với bệnh tật. Sách cũng dành nhiều tình cảm cho những y bác sĩ, nhà hảo tâm đã đồng hành cùng chị trong cuộc chiến suốt 20 năm qua.

Khi đang học lớp 9, cô gái Nguyễn Thị Phương phát hiện mình bị bệnh ung thư quái ác nên phải bỏ ngang việc học ở tuổi 16. Sau khi bệnh tình thuyên giảm, năm 2000, chị vào miền Nam làm công nhân ở một khu công nghiệp. Hai năm sau, bệnh tình tiếp tục tái phát, chị Phương phải nhập viện điều trị. Tại đây, Phương đã gặp người lính trẻ là Trương Văn Chín và tình yêu nảy nở.

Sau đó, trong một thời gian dài, anh Chín đã tận tình chăm sóc chị dù phải nhiều lần lên bàn mổ. Năm 2006, chàng trai quê Tiền Giang đã quyết định về Nghệ An để có điều kiện chăm sóc người yêu. Nhờ sự giúp đỡ của giám đốc một nhãn dược phẩm và cộng đồng xã hội mà sự sống của chị được kéo dài. Trong thời gian đó, hai người đã được nhãn hàng này tổ chức đám cưới. Hiện chị Phương, anh Chín có một con trai đang học lớp 4. Nhiều năm nay, do di căn của bệnh ung thư nên chị Phương bị liệt, phải nằm một chỗ, nhưng niềm tin cuộc sống đã giúp chị vượt qua bệnh tật và theo đuổi nghiệp văn chương.

Từ năm 2008, chị Phương đã không thể ngồi dậy. Năm 2012, cây bút nữ in tự truyện đầu tiên. Năm 2014, ra mắt tập thơ “Vầng trăng khuyết”. Cuốn “Hành trình kỳ diệu” là đầu sách thứ 3 của Nguyễn Thị Phương.

Nói về cuốn sách “Hành trình kỳ diệu” bà Bùi Thị Ngọc, Giám đốc NXB Nghệ An chia sẻ: “Tôi đã đọc sách của Phương không dưới 10 lần. Đây là một người viết có chiều sâu tâm hồn và rất yêu cuộc sống dù đã trải qua nhiều năm trên giường bệnh”.

Theo bà Bùi Thị Ngọc, cuốn tự truyện “Hành trình kỳ diệu” của chị Nguyễn Thị Phương là sách do UBND tỉnh Nghệ An đặt hàng cho nhà xuất bản. Sau lần xuất bản này, NXB Nghệ An sẽ tải bản và phát hành rộng rãi tới độc giả nhằm truyền tải câu chuyện tình yêu kỳ diệu và niềm tin vào cuộc sống để vượt qua bệnh tật của vợ chồng chị Phương trong hơn 20 năm qua.

http://www.nguoiduatin.vn/co-gai-hon-20-nam-chien-dau-voi-ung-thu-ra-mat-tu-truyen-cuoc-doi-a343124.html

– “Cổ tích tình yêu” – câu chuyện giản dị về hạnh phúc

Cuốn tự truyện của Nguyễn Thị Phương – cô gái nghèo xứ Nghệ mắc bệnh u máu tủy sống nhưng vẫn vượt lên tất cả nhờ tình yêu chung thủy của người chồng Trương Văn Chín – làm lay động người đọc.

Hà An

Sáng 17/7, Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam trao giải thưởng Thanh niên sống đẹp 2012 cho vợ chồng anh Trương Văn Chín (SN 1978) và chị Nguyễn Thị Phương (SN 1979), đồng thời ra mắt cuốn tự truyện của Nguyễn Thị Phương có tên “Cổ tích tình yêu”.

Câu chuyện của cô gái sinh ra và lớn lên trên mảnh đất Tân Kỳ, Nghệ An nghèo khó, mắc bệnh u máu tủy sống từ năm 16 tuổi được tái hiện trước mắt mọi người. Căn bệnh quái ác khiến Nguyễn Thị Phương phải nghỉ học để chữa chạy nhiều nơi. Cô được gia đình đưa ra Bệnh viện Quân y 103 mổ khối u. Sau thời gian điều trị, Phương dần hồi phục sức khỏe nhưng vì nhà nghèo nên cô vẫn phải nghỉ học và theo bạn vào Nam làm công nhân tại các khu chế xuất.

Hạnh phúc đến với Phương khi tại đây, cô gặp và yêu anh Trương Văn Chín, một người Tiền Giang đóng quân ở quân đoàn 4. Những tưởng cuộc sống đã bắt đầu mỉm cười thì căn bệnh u máu tủy sống lại tái phát. Thất vọng, suy sụp, đấu tranh vượt qua sự đau đớn của thể xác đồng thời giằng xé trong việc đón nhận hay chối bỏ tình yêu của Chín vì bệnh tật của mình là tất cả những gì mà Phương đã trải qua. Thế nhưng, tình yêu, sự thủy chung của chàng trai là động lực mạnh mẽ để Phương vượt qua tất cả. Ngay cả khi biết rằng, cô gái mình yêu bị tật nguyền, suốt đời ngồi xe lăn, không tự đi lại, vệ sinh cá nhân được, Chín vẫn quyết rời bỏ quê hương Tiền Giang, theo Phương về Nghệ An và nguyện suốt đời chăm sóc cho cô. Hiện, cả hai đã kết hôn, có một cậu con trai kháu khỉnh và sống tại Sơn Tây, nhờ sự giúp đỡ của Tập đoàn Y dược Bảo Long.

Toàn bộ cuộc đời, câu chuyện tình nhân văn của Trương Văn Chín – Nguyễn Thị Phương được ghi lại trong “Cổ tích tình yêu”. Nhà thơ Đặng Vương Hưng, người viết lời giới thiệu cho cuốn sách dày 352 trang của Phương cho biết, đây không phải là một tác phẩm văn chương. “Giá trị mà tác phẩm muốn chuyển tải vượt ra ngoài khuôn khổ một cuốn sách thông thường. Đó là một câu chuyện về nghị lực phi thường, về một tình yêu tuyệt đẹp và cả những điều… khó tin nhất”.

Lên nhận giải thưởng Thanh niên sống đẹp 2012, Nguyễn Thị Phương tâm sự về cuộc đời “buồn vui lẫn lộn, đan xen cả nỗi bất hạnh và niềm hạnh phúc”. Phương cho biết, trong cuộc đời mình, cô biết ơn hai người đàn ông. Thứ nhất là người chồng Trương Văn Chín. “Nếu không có anh, chắc gì tôi đã có đủ cam đảm sống đến hiện tại, chứ nói gì tới làm việc và ý thức rằng mình phải sống có ích hơn”, Nguyễn Thị Phương nói. Người thứ hai mà cô biết ơn là lương y Nguyễn Hữu Khai của Tập đoàn Y dược Bảo Long – người đã tái sinh, mang lại một cuộc đời khác cho Phương và Chín. Chính lương y Nguyễn Hữu Khai đã cho xe về tận quê đón Nguyễn Thị Phương ra chữa bệnh và tổ chức đám cưới cho đôi trẻ.

Nhỏ bé và hiền lành, với nụ cười thường trực trên môi, anh Trương Văn Chín không nói gì mà chỉ ở bên cạnh vợ, ân cần đẩy xe, lấy nước, giúp vợ từ những điều nhỏ nhặt nhất. Khi được hỏi riêng, Trương Văn Chín chân thành chia sẻ: “Nói không mệt mỏi là không đúng. Trong cuộc đời, cũng có nhiều lúc cảm thấy chán nản, muốn buông xuôi. Nhưng mỗi lúc đi trực ca đêm về, nhìn thấy vợ con ngủ ngoan lành, mình lại nhẹ lòng và đó là tất cả động lực để mình tiếp tục sống và làm việc”.

Hình ảnh ba con người trong một gia đình: Người vợ ngồi trên xe lăn, người chồng lặng lẽ đẩy xe và cậu con trai tung tăng chạy nhảy bên cạnh, thi thoảng lại chạy đến rúc rích trò chuyện với mẹ khiến nhiều người không khỏi cảm động và thầm ngưỡng mộ về một hạnh phúc giản dị đến không ngờ.

Tác phẩm “Cổ tích tình yêu” của Nguyễn Thị Phương do Nhà xuất bản Công an nhân dân giới thiệu và ấn hành. Cuốn sách nằm trong Tủ sách “ Chuyện đời tôi“ với những tác phẩm viết về những con người đầy nghị lực vượt lên trên số phận để sống, để tồn tại và yêu thương như: “ Khát vọng sống để yêu“ của Nguyễn Hồng Công, “Xin đừng khóc nữa mẹ ơi” của Nguyễn Ngọc Sơn, “Họ đã sống và yêu như thế”, “Một thời và mãi mãi”…

https://giaitri.vnexpress.net/tin-tuc/sach/lang-van/co-tich-tinh-yeu-cau-chuyen-gian-di-ve-hanh-phuc-2134828.html

– Tận cùng khổ đau vẫn sáng ngời hạnh phúc

18/10/2017 00:22 GMT+7

Đến nhà đúng lúc anh đang gội đầu cho chị, chồng lau từng lọn tóc cho vợ, họ cười nói với nhau, chúng tôi không ai lên tiếng vì muốn ngắm mãi khoảnh khắc mang tên hạnh phúc ấy.

Mối tình vượt qua thác ghềnh

Trong vị se sắt của gió heo may đầu mùa lạnh, tôi theo bước chân đoàn thiện nguyện của nhóm Niềm tin đến thăm gia đình chị Nguyễn Thị Phương ở xóm Gia Đề, xã Nghĩa Dũng, huyện Tân Kỳ. Nằm cách đường huyền thoại Hồ Chí Minh chừng 2 km, ngôi nhà nho nhỏ nơi người phụ nữ chịu vô vàn những khổ đau vì bệnh tật, nhưng cũng là ngôi nhà nổi tiếng bởi nơi đó chứng kiến sự tồn tại của một câu chuyện cổ tích giữa đời thường, về sức mạnh tình yêu đã vượt qua vô số những rào cản, những thử thách, và hiện vẫn đang từng ngày từng giờ thách thức với tử thần.

Sinh năm 1979, đến năm 1996 chị Phương biết mình bị căn bệnh u tủy sống. Đi làm công nhân ở khu công nghiệp Sóng Thần, tỉnh Bình Dương để kiếm sống và kiếm tiền chữa trị bệnh, một lần đau nằm viện, chị quen anh Trương Văn Chín, chàng lính trẻ quê Tiền Giang. Quen rồi yêu nhau, nhưng bệnh tình ngày càng nặng, chị về quê chạy chữa và viết thư đề nghị chia tay để anh Chín có tương lai hạnh phúc.

Chị Phương kể, tôi – một người con gái bệnh tật quật cho bại liệt phải nằm bất động một chỗ, viết thư chia tay xong thì tan nát vì khổ đau. Sau 4 tháng viết bức thư ấy, một ngày tôi nhìn ra mảnh sân nhỏ nhà mình thấy chính người mình yêu vượt hàng nghìn km để đến với mình nơi “khỉ ho cò gáy”. Rồi cả xóm Gia Đề cũng xôn xao vì một chàng trai nói giọng miền Nam hỏi thăm đường “tìm nhà bạn”, rồi sau đó ở lại chăm nom bạn. Có ai nghĩ anh Chín vượt qua mọi dị nghị, mọi sự kỳ thị, để chung thủy với mối tình đầu của mình trong nghịch cảnh trái ngang cả về không gian và hoàn cảnh.

Đám cưới anh chị, một chàng trai đến từ miền Nam trắng trẻo, nhanh nhẹn, dễ nhìn, với một cô gái bị bại liệt ở trung du xứ Nghệ, ngày cưới chú rể được nhà gái giao cho cô dâu ngồi trên xe lăn, thực là một chuyện lạ, một cổ tích giữa đời thường.

Càng kỳ diệu hơn, sau nhiều lần phẫu thuật, có lúc người chị Phương chỉ còn dưới 30kg, vậy mà chị vẫn được làm mẹ, vẫn vượt cạn thành công trong sự kinh ngạc của ngay chính các y bác sĩ. Đến nay cháu Trương Bảo Phúc đã 9 tuổi, học lớp 4, khỏe mạnh và tự đạp xe đi học ở trường làng như bao bạn bè đồng trang lứa.

Anh Chín kể, năm 2016, chị Phương bị tràn dịch màng phổi nặng, Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa tỉnh và kíp bác sĩ đến từ Bệnh viện Chợ Rẫy đã “bó tay”, xe cứu thương đưa chị về cùng với mọi hy vọng gần như đã cạn kiệt. Lúc ấy, mỗi hơi thở của chị phụ thuộc hoàn toàn vào bình oxy.

Về nhà mấy ngày, dịch tràn từ phổi qua vòi thông dịch ngày càng ít dần, hơi thở chị mạnh dần, một lần nữa, từ cõi “thập tử nhất sinh”, trong ngôi nhà hạnh phúc của mình, chồng và con chị đã giành lại chị từ bàn tay tử thần.

Đợt ốm ấy, anh Chín phải nghỉ làm một năm rưỡi để chăm sóc vợ, nay anh mới trở lại đi làm được 6 tháng ở Khu công nghiệp Bắc Vinh. Dù nằm một chỗ, nhưng chị Phương vẫn nhờ gia đình sắm cho một tủ hàng để bán hàng tạp hóa cho người dân trong vùng. Rồi chị còn nhận làm dịch vụ đánh máy và in văn bản. Làng xóm ai cần thì đưa đến chị làm. “Em vẫn vui vì vẫn còn có ích, vẫn góp nhóp từng đồng để cùng anh Chín nuôi Bảo Phúc ăn học” – chị Phương tâm sự.

Nhà thơ – “Sứ giả hạnh phúc”!

Có khách đến thăm, chị Phương không ngớt kể chuyện để làm mọi người vui. Trên chiếc giường nhỏ, chị nằm giữa và xung quanh người cơ man là thuốc, là dụng cụ y tế…cũng quanh người chị là những quyển thơ, những bức ảnh những lần gặp gỡ. Bên hông chị là vòi thông tiểu, nhưng trên ngực chị là chiếc máy vi tính xách tay chứa nhiều bài thơ, câu chuyện chị tự viết. Và cũng chiếc máy tính đó, người phụ nữ bất động mấy chục năm nay đã kết nối với cuộc sống rộn rã bên ngoài nhưng không phải với nội tâm u ám của một người triền miên bệnh tật và đau đớn, mà với một tâm thế mạnh mẽ của một người phụ nữ đã nhiều lần chiến thắng tử thần.

Được biết, từ những tình cảm đặc biệt do người chồng giành cho mình, chị Phương luôn cảm thấy chị là người hạnh phúc và không thể diễn tả hết qua lời nói. Do vậy, chị viết truyện để giải bày tình cảm của mình. Quyển tự truyện chị viết được Nhà xuất bản Báo công an nhân dân “đỡ đầu” có tên là “Cổ tích tình yêu”. Đến khi đau đớn hành hạ dai dẳng, không thể viết dài, chị lại chuyển sang làm thơ.

Chị nằm đó thân hình khô héo, bàn chân quắt lại và xuất huyết xạm đen, nhưng giọng đọc hãy còn ấm áp và đầy nội lực. Chị tự ví mình như “Mảnh trăng khuyết”, nhưng đó là một “Mảnh trăng khuyết” luôn lạc quan vì “Nụ cười vẫn nở môi mềm vẫn tươi”. Chị đọc cho chúng tôi nghe bài Mảnh trăng khuyết, Nợ anh…Những câu thơ tràn đầy rung động: “Mảnh trăng khuyết giữa biển người/Ai cười ai khóc ai chơi vơi lòng/Nỗi buồn không đếm chẳng đong/Chỉ cần bên cạnh những vòng tay yêu”…

Chị Đinh Thị Thảo – Chủ tịch Hội LHPN xã Nghĩa Dũng cho biết người dân ở Nghĩa Dũng còn gọi chị Phương là nhà thơ, vì chị có nhiều bài thơ về tình yêu về số phận, về quan niệm hạnh phúc, hết sức gần gũi, cảm động. Không chỉ chị em phụ nữ Nghĩa Dũng mà chị em nhiều nơi chép tay để truyền đọc cho nhau nghe, nhất là mỗi lần đến ngày Phụ nữ Việt Nam 20/10, ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3. Tấm gương chị Phương, cùng những bài thơ của chị, đã tiếp thêm sức mạnh cho nhiều chị em, góp phần thắp sáng và làm ấm nồng thêm ngọn lửa hạnh phúc của nhiều gia đình khác.

Thời gian này, chị Phương sử dụng facebook với tên tài khoản là “Phương Chín”, và đều đặn, chị giới thiệu những bài thơ tràn đầy âm thanh, ánh sáng, sự rộn rã của một tâm hồn khát khao hòa cảm với cuộc sống. Đọc những đoạn thơ lấp lánh, tinh khôi, trong trẻo, ít ai biết đó là vần thơ của một người phụ nữ có tấm thân không không dưới 5 lần vào phòng đại phẩu thuật, nhiều lần trở về từ cõi chết:

“Tôi ngồi chuốt sợi heo may

Chắp thành đôi cánh tung bay giữa đời

Hòa cùng nhịp sống đất trời

Hồn phiêu theo cảnh rong chơi, vui đùa

Thu mai mát rượi gió lùa

Lặng nhìn hoa lá đung đưa trên cành

Ngắm hồ thu nước trong xanh

Vầng dương soi bóng long lanh ánh vàng

Thiên nhiên hòa tấu rộn ràng

Bướm, ong… theo nắng nhịp nhàng múa ca

Từng đàn bay lượn la đà

Dập dìu đôi cánh thật là dễ thương”

(Thiên nhiên hòa tấu, 28/9/2017)

Cùng nhóm Niềm tin trao chị món quà nhỏ với lời chúc sức khỏe và hạnh phúc nhân ngày thành lập Hội LHPN Việt Nam, chia tay chị khi bóng chiều đã ngả, trong cái lạnh cuối thu miền sơn cước quất vào thung động từng đợt gió mạnh mà chúng tôi thấy ấm lòng đến lạ. Mỗi chúng tôi đều được mang theo về những “năng lượng đặc biệt”, bài học đặc biệt về tình yêu và hạnh phúc, từ chính một người phụ nữ đặc biệt: Tận cùng khổ đau mà không bất hạnh, bệnh tật dập vùi nhưng ngời sáng niềm tin và khát vọng.

Chị Nguyễn Thị Phương và anh Trương Văn Chín xứng đáng là sứ giả của tình yêu, biểu tượng đẹp về sự bất tử của tình yêu!

Đoàn thiện nguyện Niềm tin chụp hình lưu niệm với gia đình chị Nguyễn Thị Phương – “sứ giả tình yêu” trong “ngôi nhà hạnh phúc” ở xóm Gia Đề, xã Nghĩa Dũng, huyện Tân Kỳ. Ảnh: OPNĐ

Đức Dương

https://baomoi.com/tan-cung-kho-dau-van-sang-ngoi-hanh-phuc/c/23611604.epi

– Câu chuyện cảm động của tác giả tự truyện “Cổ tích tình yêu”

08:00 20/01/2017

Biết tin người yêu bị u máu tủy sống, anh Trương Văn Chín vượt gần 2.000 km ra Nghệ An tìm chị Nguyễn Thị Phương để chăm sóc, viết nên một câu chuyện cổ tích tình yêu suốt 16 năm.

Chương trình “Lời xin lỗi” số 16, phát sóng trên VTV mới đây đã kể lại câu chuyện tình yêu đẹp như cổ tích giữa chị Nguyễn Thị Phương (Nghệ An) và anh Trương Văn Chín (Tiền Giang).

Chị Nguyễn Thị Phương là tác giả của cuốn tự truyện “Cổ tích tình yêu”. Quyển tự truyện được thành hình từ những dòng nhật ký đầy nước mắt của một người mẹ tật nguyền dành cho chồng và con, chất chứa nhiều yêu thương, lo lắng.

Đằng sau quyển sách được nhà thơ Đặng Vương Hưng cho rằng đã “vượt ra ngoài khuôn khổ một cuốn sách thông thường, kể về một nghị lực phi thường, một tình yêu tuyệt đẹp và cả những điều…khó tin nhất”, là câu chuyện cảm động kéo dài từ Tiền Giang đến Nghệ An.

Sinh ra ở miền quê nghèo thuộc huyện Tân Kỳ, chị Phương sớm gánh chịu nỗi đau vì căn bệnh u tủy. Sau khi gia đình bán cả đàn trâu để đưa cô đi chữa trị, năm 2000, thiếu nữ trẻ quyết định vào Nam lập nghiệp.

Hạnh phúc đến với Phương khi tại đây, cô gặp rồi yêu anh Chín. Những tưởng cuộc sống bắt đầu mỉm cười, căn bệnh u máu tủy sống lại tái phát, khiến chị bị liệt nửa người.

Thất vọng, suy sụp, đấu tranh với sự đau đớn của thể xác đồng thời giằng xé trong việc đón nhận hay chối bỏ tình yêu của anh Chín đã dày vò cô gái trẻ, cuối cùng Phương đã viết thư từ biệt chàng trai miệt vườn để về lại quê nhà.

Chị Nguyễn Thị Phương mắc căn bệnh u máu tủy sống quái ác khiến liệt nửa người.

Nhớ lại thời điểm đó, anh Chín kể: “Nhận được thư, tôi rất buồn và thấy người yêu của mình đã quá đau khổ đến tột cùng rồi, mình phải tìm đến để chia sẻ, để bù đắp”.

Nói là làm, anh Chín quyết rời quê hương Tiền Giang, bỏ lại gia đình, tương lai, sự nghiệp trước mắt, vượt gần 2.000 km ra tận Nghệ An tìm chị Phương để nguyện suốt đời chăm sóc cho cô.

Hành động quá đỗi bất ngờ của anh Chín khiến chị Phương gần như bị sốc, chị kể: “Nằm trong nhà nhìn qua cửa sổ, tôi thấy anh đang đứng ngoài cổng. Tôi không thể tin vào mắt mình, cứ như là đang nằm mơ vậy. Tôi chỉ biết ngồi nhìn anh và khóc như một đứa trẻ vì hạnh phúc”.

Khi quyết định về chăm sóc và chung sống với Phương cuộc sống rất vất vả, có rất nhiều điều phải lo, nhiều thứ phải bươn trải nhưng anh luôn cố gắng vượt qua. Có lẽ cũng chính nhờ tình yêu mà đôi vợ chồng trẻ dành cho nhau khiến điều kỳ diệu liên tiếp xuất hiện.

Bệnh tình của chị Phương ngày càng đỡ. Một thời gian sau, cậu bé Trương Bảo Phúc kháu khỉnh chào đời trong niềm vui mừng khôn xiết của anh chị, gia đình và xóm giềng. Cậu bé Bảo Phúc cứ thế lớn lên trong tình yêu thương bao la của mọi người.

Tám năm trôi qua, giờ cậu bé đã khôn lớn, nhanh nhẹn và đầy lém lỉnh nhưng cũng rất hồn nhiên khi nhiều lúc em đòi mẹ cõng đi chơi. Được cõng con cũng là nỗi thèm khát của người mẹ vốn đã nằm liệt suốt bao năm trời, thèm khát được tự tay chăm sóc, đưa con tới trường, đưa con đi tết họ hàng nội ngoại.

Chị Phương tâm sự, cứ mỗi lần nghe Bảo Phúc nói: “Mẹ ơi, mẹ đừng bỏ con đi mẹ nhé là tôi lại không thể nào cẩm nổi nước mắt của mình. Tôi chỉ biết nói, mẹ xin lỗi con. Lẽ ra mẹ phải cho con đầy đủ, nhưng mẹ lại không thể. Mẹ xin lỗi hai bố con”.

Câu chuyện về gia đình anh Chín, chị Phương đẹp như cổ tích giữa đời thường. Dù trong tận cùng tuyệt vọng, khó khăn, họ vẫn vươn lên trong cuộc sống và tạo dựng được những điều phi thường. Như tâm sự chị Phương gửi khán giả chương trình Lời xin Lỗi:

“Hãy cứ sống lạc quan, vui vẻ, yêu đời và hy vọng một ngày nào đó có những điều kỳ diệu sẽ đến với mình. Bởi vì chúng ta còn có gia đình, bạn bè và cả những tấm lòng biết sẻ chia. Còn nhiều và nhiều lắm những người tốt ở xung quanh chúng ta”.

Giang Minh Nguyệt

https://news.zing.vn/cau-chuyen-cam-dong-cua-tac-gia-tu-truyen-co-tich-tinh-yeu-post715002.html

– Nghìn ngày đau khổ, vạn ngày hạnh phúc

21:02 01/02/2018

Giấc mơ về ngôi nhà và những đứa trẻ tưởng như vĩnh viễn khép lại với cô gái xứ Nghệ 21 tuổi khi phát hiện mình bị ung thư tủy, nhưng chàng trai miền Tây sông nước đã kịp đưa bàn tay của mình để nâng chị bước đi tên con đường hạnh phúc.

Suốt 15 năm qua, hơn cả tình yêu, họ đã vững tin bên nhau, vừa nuôi dạy con cái, vừa giúp nhau chống chọi bạo bệnh, giành giật sự sống từ bàn tay tử thần.

Những ngày áp Tết Nguyên đán Mậu Tuất, tôi bất ngờ nhận được tin nhắn điện thoại của Phương, mừng rỡ báo tin bản thân vừa hoàn thành hai cuốn sách với tựa đề “Mảnh trăng khuyết” (thơ) và “Hành trình kỳ diệu” (truyện ngắn), do Nhà xuất bản Nghệ An ấn hành.

Với một người nằm liệt giường, vừa chống chọi với bạo bệnh, vừa miệt mài viết lách như Phương, chỉ trong thời gian ngắn cho ra đời hai cuốn sách như vậy quả là điều kỳ diệu.

Trước đó không lâu, cô gái đặc biệt này, với sự “đỡ đầu” của NXB Công an nhân dân, đã cho ra đời tác phẩm tự truyện đầu tay mang tên “Cổ tích tình yêu”. Sách kể về câu chuyện tình yêu và những điều chưa từng chia sẻ với ai của Phương, đó cũng là lời yêu mà chị muốn dành riêng cho Chín, người đã hy sinh cả tuổi trẻ và thời thanh xuân để tìm lại sự sống cho mình.

Phương, người mà tôi vừa nhắc đến trong phần đầu bài viết này là Nguyễn Thị Phương (39 tuổi), trú tại xóm Gia Đề, xã Nghĩa Dũng, huyện Tân Kỳ (Nghệ An). Chị là một trường hợp cực kỳ đặc biệt, sinh ra khỏe mạnh, xinh đẹp như bao thôn nữ khác.

Năm 2000, Phương rời quê nhà vào TP Hồ Chí Minh làm công nhân và tại đây, chị đau đớn khi phát hiện mình bị căn bệnh ung thư tủy. Tương lai bỗng chốc đóng sập trước mắt, nhưng cũng thật tình cờ khi trong thời gian này, Phương quen biết với Trương Văn Chín (41 tuổi) quê ở huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang, lúc bấy giờ đang là lính nghĩa vụ, đóng quân gần nơi Phương làm công nhân.

Duyên trời định, tình cảm nảy sinh nhưng ý thức được tương lai của mình, Phương tìm mọi cách để chạy trốn tình yêu. Sau nhiều năm gõ cửa các bệnh viện trong vô vọng, tiền bạc cạn kiệt, Phương tuyệt vọng về quê nằm chờ chết mà không báo cho Chín biết.

Không điện thoại, không địa chỉ, nhưng vì tình yêu, Chín quyết định bắt xe ra Nghệ An, lần theo trí nhớ mơ hồ về địa chỉ của người yêu mà trong những câu chuyện xã giao trước đó, Phương đã kể cho anh nghe.

Gặp lại nhau trong hoàn cảnh trớ trêu, khi đôi chân Phương đã dần teo tóp, nhưng Chín không thất vọng, anh xin gia đình cho phép mình đưa Phương trở lại TP Hồ Chí Minh chữa bệnh. Ngót năm trời trôi đi, ngày ngày Chín đi làm thuê kiếm tiền chữa trị cho người yêu nhưng cuối cùng, cả hai vẫn phải tủi phận trở về khi căn bệnh của Phương ngày càng nặng thêm.

Vì yêu, Trương Văn Chín có một quyết định hết sức điên rồ, là rời bỏ quê nhà Tiền Giang ra Nghệ An xây dựng gia đình với Phương, với tâm nguyện sẽ sát cánh để tiếp thêm sức mạnh cho Phương chống chọi với bệnh tật. Lúc bấy giờ, Phương đã trở thành phế nhân, đôi chân bất động, mọi sinh hoạt đều phải dựa vào người khác.

Sau 6 năm bên nhau, Phương và Chín với sự giúp đỡ của một Mạnh thường quân, đã được ra Hà Nội để chữa trị. Tại đây, phép màu đã đến khi không chỉ Phương từ một cô gái chỉ nặng 27kg, chân teo tóp đã phục hồi nhanh chóng, da dẻ hồng hào, lên cân trở lại, mà điều kỳ diệu hơn, 1 năm sau đó, Phương mang thai.

Đến tháng thứ 8, Phương sinh được một bé trai nặng 2,1kg hoàn toàn lành lặn, khỏe mạnh khiến cho những ai biết đến hoàn cảnh của Phương cũng không thể nào tin nổi. Bởi sức vóc và thể trạng của chị, may mắn lắm cũng chỉ bằng phương pháp sinh mổ, nhưng Phương đã tiếp tục viết nên câu chuyện cổ tích đời mình, khiến bao người khác phải khâm phục, ngưỡng mộ.

Xúc động trước mối tình nhiều năm của hai người, bệnh viện nơi hai vợ chồng điều trị đã quyết định đứng ra tổ chức lễ cưới. Đó cũng là lần đầu tiên tại một bệnh viện trong cả nước, một đám cưới đặc biệt đã được tổ chức.

Sau 4 năm bám trụ tại Hà Nội, vào năm 2011, khi sức khỏe đã dần hồi phục, chắc chắn rằng mình đã chiến thắng được thần chết, 2 vợ chồng khăn gói về lại Tân Kỳ sinh sống và được bố mẹ cắt cho một mảnh đất trong vườn, xây cho căn nhà nho nhỏ.

Những năm tháng cơ cực nhưng hạnh phúc ấy, trong khi Chín miệt mài mỗi ngày chạy xe hơn 20 cây số cả đi lẫn về từ nhà đến thị trấn để làm thêm, kiếm tiền thì Phương cũng nhận may vá thuê, soạn thảo văn bản, bán hàng tạp hóa để kiếm thêm thu nhập, cuộc sống tuy vất vả nhưng ngập tràn hạnh phúc. Bé Trương Bảo Phúc, quả ngọt của chuyện tình cổ tích năm nay cũng đã học lớp 4, thông minh và lanh lợi, trở thành chỗ dựa tinh thần cho cả Phương và Chín.

Dù vậy, thử thách vẫn chưa dừng lại, khi mấy năm gần đây Nguyễn Thị Phương lại có dấu hiệu của bệnh tật tái phát. Khủng khiếp nhất là vào những ngày giáp Tết Nguyên đán 2017, trong lúc nhà nhà đang sửa soạn đón chào năm mới thì Phương lên cơn tràn dịch màng phổi, tưởng chừng như không qua khỏi được.

Biết tin, Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa Nghệ An đã đưa xe về tận nhà, đón Phương xuống điều trị trong suốt mấy tháng liền mới giữ lại được mạng sống. “Bữa ấy tưởng không qua được, kíp bác sĩ đến từ Bệnh viện Chợ Rẫy ra trợ giúp cũng đã lắc đầu, xe cứu thương đưa chị về tận nhà, phải duy trì sự sống bằng bình oxy. Thế mà thêm một lần nữa, điều kỳ diệu lại đến khi bỗng dưng sau vài ngày, chị thấy mình khỏe dần lên. Có lẽ, chồng và con đã cứu sống chị”, Phương xúc động tâm sự.

Chia sẻ về hành trình giành giật lại sự sống kỳ diệu của mình, Nguyễn Thị Phương ứa nước mắt, đó chỉ có thể nói là điều kỳ lạ, được tình yêu của chồng tiếp thêm sức mạnh. Đôi lúc, nghĩ lại chị vẫn không dám tin có những thời điểm mình lại có thể vượt qua được thử thách, để rồi sau mỗi cơn hôn mê, tỉnh dậy cứ ngỡ mình đang trong giấc mơ.

15 năm, Chín vừa là người yêu, vừa là chồng, vừa là bác sĩ đồng thời là người cha, người mẹ, người giúp việc cần mẫn, phụng sự và chăm sóc cho Phương tất tần tật mọi việc, từ trò chuyện, tắm rửa, giặt giũ đến thuốc thang, thậm chí trợ giúp các sinh hoạt đời thường nhất cho Phương, Chín cũng tự tay làm tất cả. “Chưa một lần thấy anh ấy than thở, buồn phiền hay mệt mỏi”, đó là cảm nhận của Phương suốt chặng đường 15 năm đã qua.

Chia sẻ về chuyện tình của mình, Trương Văn Chín chỉ cười xòa, đơn giản đó chỉ vì yêu. Anh đang làm việc theo những điều con tim mách bảo, và làm tròn bổn phận của một người yêu, người chồng, người bạn tri kỷ. Chưa bao giờ Chín có ý nghĩ mệt mỏi hay dừng lại ở đâu đó trên chặng đường phía trước trong câu chuyện tình yêu này.

Hạnh phúc với Chín, là mỗi ngày trôi qua còn thấy được ở bên nhau để hi sinh, chăm sóc cho nhau, khi còn có thể. “Kể từ lần đầu tiên gặp nhau, em biết mình sinh ra là để dành cho Phương. Chính vì vậy, những khó khăn, vất vả đã đi qua trong suốt 15 năm chẳng có nghĩa lý gì sất. Điều khủng khiếp nhất mà em sợ là đến một ngày nào đó, tỉnh dậy với một ngày mới nhưng không còn người mình yêu để chải tóc, rửa mặt và cùng nhau ăn bữa sáng”, Trương Văn Chín thổ lộ.

Còn với Nguyễn Thị Phương, chị cũng dồn tất cả yêu thương cho Chín bằng những trang sách, vần thơ gan ruột của mình. Những chất chứa yêu thương, dồn nén tình cảm suốt 15 năm qua, chị đã trải lòng, gửi gắm tâm tư, tình cảm và nỗi niềm của bản thân cho người đã sát cánh bên mình trong chặng đường dài chống chọi với bệnh tật, xây đắp hạnh phúc.

Bà Nguyễn Thị Anh Trâm, Chủ tịch Hội LHPN huyện Tân Kỳ chia sẻ thêm: Trong những năm qua, từ ngày hai vợ chồng Phương – Chín về sinh sống, lập nghiệp tại địa phương, các tổ chức đoàn thể đã cùng nhau chung tay giúp đỡ, tạo mọi điều kiện tốt nhất về tinh thần cũng như vật chất để hai vợ chồng vừa có kế mưu sinh, vừa chống chọi với bệnh tật.

Hằng năm, các nhà hảo tâm, các tổ chức từ thiện xã hội trong cả nước cũng thường xuyên đến chung tay, góp sức động viên anh chị vượt qua nghịch cảnh, bệnh tật để giành giật sự sống. Câu chuyện tình yêu kỳ diệu tựa cổ tích của hai vợ chồng đã thắp lên niềm tin, ước mơ về hạnh phúc cho tuổi trẻ không chỉ ở Nghệ An mà khắp cả nước, nhất là trong xã hội hiện nay.

Sau cùng, xin mượn 4 câu trong bài thơ “Mảnh trăng khuyết”, cũng là tựa đề tập thơ gần đây nhất của chị Phượng, để trao gửi đến anh Chín: “Mảnh trăng khuyết giữa biển người/ Ai cười ai khóc ai chơi vơi lòng/ Nỗi buồn không đếm chẳng đong/ Chỉ cần bên cạnh những vòng tay yêu”.

Thiện Thành

http://cstc.cand.com.vn/Phong-su-Tieu-diem/Nghin-ngay-dau-kho-van-ngay-hanh-phuc-477238/

– Điều kỳ diệu từ một cuộc gặp định mệnh

Ngày 06 Tháng 01, 2018

– Cuộc gặp ấy thế rồi thành định mệnh đã kéo chàng trai mới ngoài hai mươi giã từ những câu vọng cổ miền Tiền Giang sông nước về là rể xứ Nghệ.

Cũng từ đó anh lao vào một cuộc chiến dai dẳng với bệnh ung thư tủy sống để giành sự sống cho vợ.

Cuộc gặp gỡ định mệnh

“Em tưởng em đi từ năm ngoái rồi đó anh ạ. Nhưng rồi có lẽ bề trên chưa muốn em đi. Bệnh viện người ta tống em lên xe cứu thương cho thở bình ôxy trả về rồi. Vậy mà em vẫn sống. Có lẽ là vì anh ấy nữa. Anh ấy luôn khiến em muốn sống”.

Giọng của Nguyễn Thị Phương vẫn lanh lảnh. Trong căn nhà nhỏ ở xóm 9 xã Nghĩa Dũng, huyện miền núi Tân Kỳ (Nghệ An), cô gái nằm đó trong tư thế ngửa mặt, phủ lên mình tấm chăn dày, đầu kê cao gối. Cô bảo đã nằm vậy suốt từ đầu năm 2016 đến nay. Cô không thể ngồi dậy, thậm chí là nằm nghiêng sang một bên. Cô chỉ có thể nằm ngửa tiếp chuyện khách đến thăm. Chiếc máy tính nhỏ luôn đặt trên người giúp cô tiếp xúc với thế giới bên ngoài.

Người đàn ông khiến Phương giữ được niềm lạc quan và “luôn muốn sống” là Trương Văn Chín. Anh chàng miền Tây về Nghệ An chăm sóc người yêu sau này là vợ. Suốt những năm qua anh đã cùng Phương đi hết từ bệnh viện này đến bệnh viện khác với hàng chục cuộc phẫu thuật. Đối với cô đó là một sự hy sinh. Còn dân làng thì gọi người đàn ông ấy là “thế gian chỉ có một”, là chuyện “cổ tích”.

Sinh ra khỏe mạnh, nhưng vào năm 1995, một ngày mùa hè khi vừa học xong lớp 9, cô bé 16 tuổi cảm thấy mệt mỏi rồi “không thể đứng vững trên đôi chân của mình nữa”. Bệnh viện địa phương khám ra bệnh thần kinh tọa. Năm sau, cha mẹ bán con bò nghé đưa Phương ra Bệnh viện Quân y 103 ở Hà Đông (Hà Nội) thăm khám. Các y bác sĩ phát hiện bệnh không chỉ là u tủy sống. Trong mạch máu từ đốt thứ 8 đến đốt thứ 10 tủy sống xuất hiện khối u chèn ép dây thần kinh khiến cơ thể tê liệt. Làm phẫu thuật rồi Phương được cho ra viện. Mấy năm sau cô vào miền Nam làm công nhân ở Khu công nghiệp Sóng Thần, tỉnh Bình Dương.

Năm 2000 khi cô phải nhập viện điều trị chứng “giời leo” ở bệnh viện của Quân đoàn 4 thuộc tỉnh Bình Dương thì tình cờ gặp Trương Văn Chín. Cũng như Phương, anh phải nhập viện điều trị chứng “giời leo”. “Khi Phương khỏe được đôi chút ghé qua phòng bệnh hỏi các anh cần gì em mua giúp cho. Khi khỏe mình lại đi căng tin mua đồ ăn giúp. Thế rồi tình yêu nảy nở”. Anh Chín giờ đã là người đàn ông ngót 40 tuổi nhớ lại.

Mối tình đẹp của Phương và Chín nảy nở cũng khởi đầu cho những trái ngang. 6 tháng quen nhau, Phương bắt đầu đổ bệnh. Bệnh viện Chợ Rẫy (TP. HCM) chẩn đoán khối u tái phát. Trong lúc thất vọng nhất thì vận may chợt mỉm cười với đôi trẻ, khi xuất hiện một đoàn y bác sĩ người Pháp trong đó có một vị giáo sư tên là Rounot, chuyên gia về mạch máu tủy sống. Ông Rounot bảo có thể chọn cách bơm hóa chất làm tắc các động mạch từ đó giải phóng khối u và có thể đi lại được. Phương án này có tỷ lệ thành công thấp. Nếu bệnh nhân đồng ý thì ông ta sẽ thử. Trong tình cảnh như chiếc thuyền sắp chìm, Phương quyết định thử. Sau một số xét nguyện, một tháng sau, Phương bắt đầu điều trị bằng phương pháp của ông Rounot. 5 ngày sau ca mổ, cô có thể nhấc chân lên. Hai tuần sau thì ra viện và trở lại với công việc tại một xí nghiệp giày da.

“Cho anh ở lại chăm sóc em nha!”

Thế rồi một lần nữa, ông trời như trêu ngươi đôi trẻ. Tháng 10/2002, Phương một lần nữa đổ bệnh. Căn bệnh khiến cô gái 23 tuổi ngã quỵ. Lúc đó, anh Chín quyết định ra quân để dễ bề chăm sóc cho cô, dù trước đó từng có ý định gắn bó cuộc đời với binh nghiệp. Anh thường xuyên ở bên động viên tinh thần: “Anh không thể gánh nỗi đau cho em, nhưng anh muốn em có sức mạnh tinh thần. Niềm tin quan trọng lắm” – chàng trai thủ thỉ.

Cuối năm 2002, Giáo sư Rounot trở lại Việt Nam. Ông lại áp dụng phương pháp bơm hóa chất để điều trị khối u. Thế nhưng bấy giờ các mạch máu đã xuất hiện nhiều hơn và trở nên phức tạp. Biện pháp của Rounot không còn phát huy hiệu quả. Ông bảo sẽ cầm hồ sơ bệnh án về Pháp nghiên cứu tiếp. Nếu có phương pháp khác thì sẽ trở lại điều trị. Ông đi chỉ để lại một lời hẹn như thế. Không còn đủ chi phí chữa bệnh, Phương quyết định trở về quê nhà và sẵn sàng đón nhận cái chết. Cô lên xe về mà không cho người yêu biết.

“Phương đi rồi, mình nhận được lá thư. Cô viết: Em không thể mang lại hạnh phúc cho anh. Anh ở lại hãy giữ gìn sức khỏe và tìm người con gái khác để chăm sóc ba mẹ. Lúc đó mình rất đau đớn. Gọi điện về phòng trọ thì nghe bảo em trai và mẹ đưa Phương về Nghệ An rồi”. Anh Chín tiếp tục dòng tự sự. Lúc đó chàng trai miền Tây thấy vô cùng hụt hẫng. Hai người đã có một quá trình yêu thương, cùng chiến đấu với bệnh tật. Anh không nỡ để Phương phải trở về quê chịu chết. Chín quyết định về Nghệ An tìm Phương. Anh lục lại những lá thư cũ và lần ra địa chỉ nhà Phương.

Sau một chuyến xe dài, cuối cùng anh cũng bước vào căn nhà Phương. Đứng bên cửa sổ nhìn ra là một người con gái. Chín chỉ còn nhận ra Phương qua nụ cười mà theo anh là không thể bóp méo được. Phương đã suy sụp hoàn toàn về sức khỏe. Cái chân đã teo tóp khẳng khiu. Một lần nữa Chín thấy sốc. “Không ngờ trong thời gian ngắn thôi mà em sa sút vậy” – Phương đáp: Không ngờ là anh ra tìm em. Vậy em chết cũng mãn nguyện rồi”. “Anh ở lại chăm sóc em luôn nha. Sức khỏe em vậy là không ổn rồi.” – Chín đáp.

Sau 4 ngày Chín đến Nghệ An, một tin vui về một nguồn hy vọng mới bay đến. Từ Sài Gòn, người ta thông tin rằng, Giáo sư Rounot và phái đoàn của ông trở lại Việt Nam mang theo niềm kỳ vọng có thể chữa trị khối u cho Phương. Trong nhà còn một con trâu với con bò đực. Cha Phương đem bán đi cả hai để có lộ phí đưa con trở lại Sài Gòn.

Hơn một tuần sau, Phương lại lên bàn mổ. Ca mổ kéo dài 8 giờ đồng hồ. Khi kíp thực hiện ca mổ trở ra, Chín nhận thấy gương mặt ông Rounot thật buồn. Họ bắt tay với nhưng y bác sĩ mà không biểu hiện chút gì gọi là hy vọng. Các y bác sĩ an ủi: “Ca mổ thành công rồi, nhưng sức khỏe Phương yếu nên phải mất thời gian lâu mới hồi phục”. Thời gian trôi qua đúng là rất lâu. Nửa năm sau, những người thực hiện ca mổ lại xuất hiện và thăm khám. Họ khuyên gia đình nên đưa Phương về để sống những ngày yên vui còn lại của cuộc đời. Căn bệnh này không chỉ ở Việt Nam mà trên thế giới người ta cũng chưa tìm ra phương pháp hữu hiệu.

Một trời thác lũ đổ xuống đầu cô gái xứ Nghệ. Vậy là không còn một chút hy vọng le lói. Phương đã khóc rất nhiều. Phương bảo với Chín, giờ thì anh đừng theo em về quê nữa nhé. Chín lại đáp: Anh không nỡ lòng đâu. Sức khỏe em yếu lắm rồi. Chắc không còn trụ được lâu. Thôi thì cứ để anh chăm sóc em được ngày nào hay ngày đó. Một lần nữa, Chín lại về Nghệ An cùng Phương. Từ ngày có sự săn sóc của người yêu, tinh thần Phương luôn lạc quan và sức khỏe dần hồi phục. Dù không thể khỏe mạnh lại như xưa nhưng thần chết từ đó không mang cô đi được nữa. Đối với cô và gia đình, đó thực sự là cổ tích kỳ diệu. Từ đó, Phương bắt đầu tập viết lách. Những bài thơ mộc mạc, chân chất, những câu chuyện đôi khi chỉ là cảm nhận của cô về cuộc sống, về gia đình được viết ra đều đặn. Cô đã trải qua nhiều năm bình yên như thế.

“Hành trình kỳ diệu”

Trong thời gian đó, báo chí bắt đầu biết đến câu chuyện của Phương và Chín. Trong đó một bài trên báo Thanh Niên đã tạo nên một bước ngoặt trong cuộc đời của đôi trẻ. Bài báo đến tay Lương y, tiến sĩ Nguyễn Hữu Khai. Ông rất cảm động về câu chuyện tình cảm của hai người và quyết định đưa Phương ra Hà Nội để chữa trị miễn phí. Chín cũng được bố trí chân bảo vệ tại bệnh viện để tiện chăm sóc người yêu.

Chín nhớ rõ đó là vào tháng 9/2006, anh đưa Phương ra Hà Nội. Nhờ sự chữa trị của các phương thuốc Đông y, Phương đã tăng từ 26 lên 32kg. Cũng trong thời gian này, một điều được cho là kỳ lạ đã xảy ra. Phương có dấu hiệu mang thai. Sau một lần siêu âm, bác sĩ gọi Chín ra nói riêng: “Hình như có một phôi thai đang hình thành”. Chính vị bác sĩ cũng không dám tin vì trường hợp bệnh của Phương gần như không thể mang thai được và các cơ từ bụng trở xuống đã teo cả rồi. Tiểu tiện, đại tiện đều cần sự giúp đỡ của người thân. Để khẳng định chắc chắn hơn, Chín phải nhờ đến que thử thai. Sau đó, qua bắt mạch, tiến sĩ Đông y Nguyễn Hữu Khai – người đã cưu mang gia đình Phương cũng bảo rằng: Qua mạch tượng thì đó là một bé trai.

Một cuộc họp được lương y Khai tổ chức có sự tham gia của các chuyên gia về khoa sản. Họ đều đồng ý rằng một cô gái bệnh nặng như Phương mang thai được là một điều kỳ lạ. Nhưng giữ cái thai lại thì sự nguy hại đến tính mạng của mẹ và con. Sau khi hỏi ý kiến Phương, cô quyết định giữ bào thai lại: “Em có thể sinh cho anh một đứa con rồi chết cũng được”. Các bác sĩ kê toa thuốc an thai cho Phương. Đến tháng thứ 8 của thai kỳ, ông Khai thuê hẳn một phòng tại Bệnh viện đa khoa Sơn Tây. Cho đến một buổi sáng đầu năm 2008, Phương có dấu hiệu chuyển dạ, các bác sĩ đang chuẩn bị thực hiện ca mổ thì cháu bé ló đầu ra. Các y tá đã can thiệp giúp Phương đẻ thường. Đó là ngày 16/3/2008, một ngày đáng nhớ nhất trong cuộc sống gia đình của Phương và Chín.

Sau đó ít lâu, đám cưới của Phương và Chín được tổ chức vào năm 2010. Năm sau khi sức khỏe Phương ổn định hơn, Chín chuyển gia đình về quê vợ sinh sống. Năm 2012, câu chuyện của đôi bạn này được Trung ương Hội LHTN Việt Nam trao giải thưởng “Thanh niên sống đẹp”. Cũng năm đó, những sáng tác của Phương được in trong tựa sách “Vầng trăng khuyết”. Đó là 100 bài thơ được chọn trong số hơn 200 bài cô sáng tác trên giường bệnh suốt nhiều năm liền. Cùng năm, cô in tự truyện “Cổ tích tình yêu”. Tháng 10/2017, NXB Nghệ An xuất bản “Hành trình kỳ diệu”, tự truyện thứ 2 của Phương.

Bây giờ cháu Trương Bảo Phúc, điều kỳ diệu nhất của đôi vợ chồng đã cùng nhau trải qua một cuộc chiến dai dẳng suốt nhiều năm qua đã vào lớp 4. Từ đầu năm 2016, Phương lại đổ bệnh. Thế nhưng nghị lực sống và tinh thần lạc quan vẫn đang giúp cô chống chọi kiên cường, không gục ngã trước tử thần.

Hữu Vi

http://suckhoedoisong.vn/dieu-ky-dieu-tu-mot-cuoc-gap-dinh-menh-n140289.html

✽✽✽✽✽✽